Phân loại truyện cổ tích cho trẻ mầm non

Minh hoạ cho câu chuyện "Tiền vàng rơi như sao sa"

Quyết định xem nên chọn truyện nào cho phù hợp với lứa tuổi của con là một thử thách với cha mẹ. Ai từng làm việc này trong một khoảng thời gian dài sẽ tự nhiên phát triển một “trực giác” khi lựa chọn truyện, nhưng những ai mới bắt đầu sẽ cần một vài chỉ dẫn. 

Độ phức tạp của câu chuyện phải phù hợp với tâm thức của trẻ

Các câu chuyện cổ tích có nhiều mức độ phức tạp khác nhau. Mức độ đơn giản nhất là “Nồi cháo đường” (truyện cổ Grimm) phù hợp với trẻ 3 tuổi, kể về hai mẹ con nghèo được ban tặng một nồi cháo; họ chỉ cần đọc thần chú là nồi cháo sẽ đầy lên. Phức tạp hơn hẳn sẽ là “Chàng ngốc Perronik” (truyện cổ Pháp), kể về một anh chàng ngốc nghếch phải vượt qua bảy chướng ngại để tìm được chén thánh - phù hợp với trẻ 9 tuổi. 

 Hầu hết các câu chuyện cổ tích thường rơi vào hai mô típ: hoặc là có một tình huống cần giải quyết, ví dụ như làm sao để nồi cháo dừng trào ra, hoặc là nhân vật phải chống lại một thế lực đen tối, như Hoàng hậu trong “Nàng Bạch tuyết và Bảy chú lùn”, hoặc con sói trong “Cô bé quàng khăn đỏ”. Vấn đề càng đơn giản thì càng phù hợp với trẻ nhỏ tuổi hơn; tương tự, thế lực đen tối càng phức tạp thì càng phù hợp cho trẻ lớn hơn. 

Một khía cạnh khác của truyện cổ tích là người anh hùng hoặc nữ anh hùng phải trải qua các thử thách hoặc một hành trình phức tạp để thành tựu sứ mệnh của mình. Trong truyện “Ba chú heo con”, chú heo út phải ba lần thoát khỏi mưu kế của con sói cho đến khi chiến thắng hoàn toàn. Điều đặc biệt là nhiệm vụ không bị “nghiêm trọng hoá”, và chú heo đã đối diện với sự hài hước nhẹ nhàng; do vậy câu chuyện được trẻ 4 tuổi vô cùng yêu thích. 

Còn với truyện “Bảy con quạ” (truyện cổ Grimm), người con gái phải du hành đến mặt trời, mặt trăng và các vì sao để biến các anh trai trở lại thành người. Đây là câu chuyện dành cho trẻ 5-6 tuổi. Phiên bản phức tạp hơn là truyện cổ Na UyPhía Đông của mặt trời, phía Tây của mặt trăng” (“East of the Sun and West of the Moon”), với cốt truyện tương tự: nhân vật nữ chính phải trải qua cuộc hành trình cam go để cứu hoàng tử. Trong chuyến đi, đầu tiên cô lần lượt đến nhà của ba người phụ nữ thông thái. Sau đó, cô được bốn ngọn gió của bốn phương trợ giúp. Dẫu ngọn gió phương Bắc đã thổi cô đến toà lâu đài “Phía Đông của mặt trời, phía Tây của mặt trăng” thì cô vẫn phải trải qua nốt một thử thách mới cưới được hoàng tử. Câu chuyện này không dành cho trẻ mầm non mà cho trẻ lớp 1 và lớn hơn, bởi ở độ tuổi này, trong trẻ dần xuất hiện các khó khăn nội tâm có mức độ phức tạp nhất định. Đó là khi trẻ cần được nuôi dưỡng, đồng cảm bởi các câu chuyện cổ tích có nhiều lớp chi tiết và hàm ý hơn. 

Với các chiêm nghiệm như trên, dưới đây truyện cổ tích sẽ được phân loại theo độ phức tạp của chúng. Việc này thật ra mang theo rủi ro, bởi mỗi câu chuyện cổ tích đều sống động và không nên bị đóng khung vào loại này hay loại kia. Bởi vậy, chỉ có bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên sự kết nối và hiểu biết về con cái, hay về nhóm trẻ mà mình đang chăm sóc. Tính cá nhân của đứa trẻ là cơ sở quan trọng nhất. Bạn hãy xem cách phân loại dưới đây chỉ như một nguồn tham khảo, và nên dành thời gian để phát triển khả năng tự đánh giá câu chuyện.

1. Trẻ 3 tuổi và dưới 3 tuổi 

Các câu chuyện kể về thiên nhiên, hoặc các tình huống nhỏ trong gia đình là cần thiết cho trẻ. Bạn có thể tự nghĩ ra một câu chuyện nho nhỏ, ví dụ như: buổi sáng nọ, có cậu bé con mặc áo khoác, đội mũ và đeo giày để đi dạo cùng mẹ. Chỉ vậy đã đủ thú vị với trẻ. Không cần kể rằng, cậu bé ra khỏi nhà và gặp quái vật hoặc phù thuỷ. Làm vậy, trẻ sẽ thấy quái vật ở mọi ngóc ngách mình đi. Mặt khác, xét về tính đúng đắn của truyện cổ tích, người được gặp quái vật sẽ là một Hoàng tử, chứ không phải một bé trai hay bé gái trong thế giới hiện đại. 

Câu chuyện cũng có thể đơn giản như: một bé gà con chui ra khỏi vỏ trứng, bé cảm thấy thật ấm áp khi được rúc trong lòng mẹ giữa mùa đông lạnh giá. Đây là cốt truyện thiên nhiên tiêu biểu cho trẻ dưới ba tuổi. Hãy nhấn mạnh phẩm chất biết cho đi và bảo vệ của Thiên nhiên; còn các đặc điểm phức tạp hơn sẽ để dành khi trẻ lớn hơn. Cha mẹ cũng có thể kể các câu chuyện đơn giản về thế giới vô hình của các vị tiên hay thiên thần. Rất nhiều trẻ cảm thấy sự hiện hữu thật sự của thế giới này. Cha mẹ nên giữ câu chuyện thật đơn giản và lồng vào sự kính trọng nhẹ nhàng.

Với trẻ tròn ba tuổi, các con đã sẵn sàng để nghe các câu chuyện có trình tự, ví dụ như “Nhổ củ cải”. Củ cải dần lớn đến mức ông không thể tự nhổ, nên phải lần lượt nhờ đến bà, cháu, chó, mèo, chuột. Tất cả hiệp lực mới nhổ được củ cải. Bạn sẽ thấy câu chuyện lại này có chi tiết lặp đi lặp lại và được đặt trong thứ tự chặt chẽ. Đi kèm câu chuyện là bài hát dễ thuộc lòng: “Nhổ cải lên, nhổ cải lên, nhổ mãi, nhổ mãi mà không được”. 

Dưới đây là danh sách các câu chuyện tiêu biểu. Bạn nên đọc để tìm ra các điểm chung giữa các câu chuyện này, và từ đó có danh sách riêng của mình.

Nồi cháo đường (Sweet Porridge) - truyện cổ Grimm, 103
Cô bé tóc vàng và ba chú gấu (Goldilocks and the Three Bears) – truyện cổ Nga
Rận tí hon và Bọ chét tí hon (Little Louse and Little Flea) 
Nhổ củ cải (The Turnip) – truyện cổ Nga
Chiếc găng tay (The Mitten) – truyện cổ Ukraine 
Cậu bé bánh gừng (The Gingerbread Man)
Chiếc bánh Johnny (Johnny Cake

Lưu ý: (1) Truyện cổ Grimm được đánh số từ 1 đến 200. Các số này được đưa ra để giúp bạn tìm được câu chuyện trong phiên bản gốc của truyện cổ Grimm. (2) Các câu chuyện khó tìm sẽ được chèn link để bạn đọc được nhanh hơn.

2. Trẻ 4-5 tuổi

Ở tuổi này, trẻ đã có thể nghe câu chuyện dài hơn, nhiều chi tiết hơn. Dù vậy, bầu không khí của câu chuyện nên tươi sáng, không có quá nhiều nỗi buồn hay mâu thuẫn.

Danh sách câu chuyện tiêu biểu:

Ba chú heo con (Three little pigs) 
Chó sói và bảy chú dê con (The wolf and seven young kids) – truyện cổ Grimm, 5
Bác thợ giày và hai chú tí hon (The shoemaker and the Elves) – truyện cổ Grimm, 39
The Pancake Mill 
Mashenka và chú gấu (Mashenka and the bear) – truyện cổ Nga

3. Trẻ 5-6 tuổi

Các câu chuyện cho độ tuổi này cần nhiều thách thức và tình tiết hơn. Nhân vật chính thường có cuộc phiêu lưu giữa các vùng đất và cần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Có các chướng ngại cần vượt qua, nhưng chúng không ảnh hưởng quá nặng nề lên tâm hồn của một cá nhân.

Danh sách câu chuyện tiêu biểu:

Tiền vàng rơi như sao sa (Star money) – truyện cổ Grimm, 153
Hoàng tử ếch (Frog Prince) - truyện cổ Grimm, 1
Bà chúa tuyết (Mother Holle) - truyện cổ Grimm, 24
Cô bé quàng khăn đỏ (Little Red Cap) - truyện cổ Grimm, 26
Những nhạc sĩ thành Bremen (Bremen Town Musicians) - truyện cổ Grimm, 27
Con ngỗng vàng (Golden Goose) - truyện cổ Grimm, 64
Suốt, thoi và kim (Spindle, Shuttle and Needle) - truyện cổ Grimm, 186
Túp lều trong rừng (Hut in the Forest) - truyện cổ Grimm, 186
Ong chúa (Queen Bee) - truyện cổ Grimm, 62
The Snow Maiden – truyện cổ Nga 
Bảy con quạ (Seven Ravens) - truyện cổ Grimm, 25
Nàng Bạch Tuyết và Hoa Hồng (Snow White and Rose Red) - truyện cổ Grimm, 161
Công chúa ngủ trong rừng (Little Briar Rose) - truyện cổ Grimm, 50
Công chúa trong lâu đài rực lửa (Princess in a Flaming Caste
Hoàng tử lừa (The Donkey) - truyện cổ Grimm, 144
Đồ bỏ xó (Rumpelstiltskin) - truyện cổ Grimm, 55
Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Snow-White and the Seven Dwarves) - truyện cổ Grimm, 53
Hansel và Gretel (Hansel and Gretel) - truyện cổ Grimm, 15

4. Trẻ 6-7 tuổi

Các câu chuyện trong nhóm này phù hợp với trẻ 6 tuổi và đang trong giai đoạn chuyển tiếp lên tiểu học. Đây là thời điểm khá căng thẳng bởi trẻ đang thay răng và phải từ biệt giai đoạn mầm non. Các câu chuyện phù hợp khi có nhân vật chính phải trải qua một nỗi đau riêng tư, bởi nỗi đau này cũng đang hiện diện trong các con, là một phần trong giai đoạn phát triển nội tâm tiếp theo. Thường thì các câu chuyện này sẽ không kể trong lớp mầm non, mà để dành cho giai đoạn mùa hè chuyển tiếp, hoặc cho lớp 1.

Danh sách câu chuyện tiêu biểu:

Jorinda và Joringel (Jorinda and Joringel) – truyện cổ Grimm, 69
Anh trai và em gái (Brother and Sister) – truyện cổ Grimm, 13
Nàng Cinderella – truyện cổ Grimm, 21
Công chúa Rapunzel – truyện cổ Grimm, 12

___________________

Bài viết được biên tập từ 2 bài viết sau:

"Choosing fairy tales for different ages" của Joan Almon

"Fairy tales in Waldorf Education" của Christine Natale

Post a Comment

0 Comments