![]() |
Tranh minh hoạ của hoạ sĩ người Anh Edmund Dulac (1882-1953) |
Cách đây lâu lắm rồi, trong một ngôi làng xa xôi ở nước Nga, có người tiều phu tên là Akem sống cùng vợ mình là Masha. Họ sống trong một túp lều bằng gỗ nho nhỏ, năm đoạn tháng dài trôi qua trong yêu thương và hoà thuận. Nhưng họ không có con, và đây là điều chua xót cho cả hai. Họ từng ngồi cạnh cửa sổ hay trên bậc thềm của chiếc lều nhỏ, dõi theo con cái nhà hàng xóm chơi đùa, ước rằng mình cũng có vài người con như thế. Nhưng thấy rằng mơ ước rồi cũng chẳng thành hiện thực, càng về già họ càng rầu rĩ.
Một ngày đông lạnh giá, lớp tuyết dày gập ghềnh phủ lấy các nẻo đường quê. Trong khi các cậu bé trong làng đắp người tuyết, chạy quanh ném banh tuyết cho ấm người, thì ông Akem và Masha ngồi lặng lẽ ngắm chúng bên cửa sổ. Đột nhiên Akem ngước nhìn vợ và nói: “Bà à, hay mình ra ngoài đường đắp người tuyết đi, làm giống như tụi nhỏ ấy?”
Bà Masha cười giòn; ý tưởng này quả thật kì khôi, đặc biệt là vào tuổi của họ! Bà nói: “Ông thích thì tôi chiều! Mình đi thôi. Làm vậy chắc mình cũng vui lên được chút. Nhưng đắp một ông tuyết hay bà tuyết thì chán lắm. Mình làm một đứa trẻ con bằng tuyết đi. Dẫu sao Chúa đã phớt lờ nguyện ước được ban một đứa trẻ thật của chúng ta rồi!”
“Hình như bà càng già càng minh mẫn đấy! Đi thôi, bắt tay vào việc nào.”
Thế là cặp vợ chồng vừa đắp tuyết vừa cười vang một lúc lâu, rồi đứa trẻ con bằng tuyết cũng thành hình! Họ tạo hình chân, tay, bàn chân, bàn tay và nặn một quả tuyết tròn để làm đầu.
Một người đi ngang qua đột nhiên dừng lại hỏi: “Tôi thật lấy làm lạ! Đây là cái gì vậy?”
“Một cô bé tuyết!” bà Masha cười vang, giải thích với người lạ.
Ông ta nói: “Cầu cho thánh thần phù hộ cho ông bà!” rồi rảo bước đi mất.
Khi tay, chân, bàn tay, bàn chân và cái đầu đều đã hài hoà với nhau, ông Akem bắt đầu nặn mũi, hai con mắt, và vẽ một đường thẳng be bé cho chiếc miệng. Thật lạ, ông cảm thấy một hơi thở ấm áp phả ra. Ông nhanh chóng rụt tay lại. Nhìn lên mắt của cô bé tuyết, ông thấy một đôi mắt xanh lơ tuyệt đẹp; đôi môi mọng lên đỏ tươi, và chiếc mũi, đó là chiếc mũi đáng yêu nhất một người từng thấy.
“Lạy Chúa tôi! Thế này là thế nào? Có phải ma quỷ đánh lừa tôi đấy không?” Ông Akem la lớn, làm dấu thánh mấy lần, trong khi cô bé tuyết vòng tay qua cổ ông, thơm má ông như thể cô đang sống.
“Ôi ông Akem, ông Akem ơi!”, bà Masha cũng la lớn, giọng run lên vì hạnh phúc. “Chúa cuối cùng cũng thương hại chúng ta mà gửi đứa nhỏ này đến an ủi ta những năm cuối đời.”
Bà định vòng tay quanh cô bé tuyết để ôm, đúng lúc ấy, trong nỗi ngạc nhiên vô cùng tận của hai ông bà, lớp tuyết trên người cô bé bong ra, và trong vòng tay bà Masha là một cô bé xinh đẹp bằng xương bằng thịt.
“Ôi, cô bé tuyết của ta! Con yêu bé bỏng của ta!” Bà reo lên vui mừng khôn tả, rồi dẫn cô bé về túp lều. Còn ông Akem thì vẫn chưa hoàn hồn. Ông cứ gãi đầu, hoàn toàn rối trí; ông chẳng biết mình đang tỉnh hay mơ nữa, và cứ cam đoan rằng hẳn mình đang bị chập mạch rồi.
Cô bé lớn bừng lên, không phải theo ngày mà theo từng giờ, thành một thiếu nữ cao ráo, xinh đẹp và thanh tao. Các bác nông dân thấy phấn khởi khi gặp cô. Ông Akem kết luận rằng thôi thì cũng chẳng sao, chuyện căn lều của họ giờ đây nhộn nhịp người ra kẻ vào. Các cô gái, chàng trai trong làng ghé lại đều đều. Họ cùng chơi đùa, đọc sách, ca hát với Cô gái tuyết - người thấu hiểu mọi điều và hết lòng mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Cô chuyện trò, cười vui; cả con người cô toát ra vẻ xinh tươi và tử tế một cách tự nhiên, nên ai ai cũng yêu quý, cũng cố gắng làm cô vui lòng bằng mọi cách. Họ chưa gặp cô gái nào dễ thương và hiểu chuyện đến vậy. Cô bé có làn da trắng dễ thương như màu tuyết; đôi mắt như hoa lưu ly, đôi môi và đôi má như hoa hồng; thật ra, cô chính là biểu tượng của sức khoẻ và sắc đẹp; với mái tóc vàng óng xoã vai, cô bé nhìn chẳng khác gì một thiếu nữ mười bảy tuổi, dù thật ra cô chỉ mới vài ngày tuổi mà thôi.
Một ngày nọ, bà Masha nói với chồng: “Ông trời thật tốt với hai ta. Con gái tuyết đã làm tâm hồn ta bừng rạng chỉ trong vài ngày. Chúng ta thật vô ơn khi trước đây cứ than trách Chúa.”
Ông Akem đáp: “Đúng đấy bà. Chúng ta nên cảm ơn Chúa vì tất cả điều Ngài đã làm, và cảm ơn Ngài vì ngôi nhà của ta giờ đây tràn ngập niềm vui chứ không còn u ám nữa.”
Mùa đông trôi qua, thiên đường sống lại, mặt trời mùa xuân ló dạng, chim én lượn bay, cỏ cây lại xanh tươi rợn ngợp.
Các cô bé nông dân Nga hội họp và gặp gỡ các chàng trai trẻ dưới tán cây trong rừng, nơi họ nhảy múa và ngân vang những khúc nhạc Nga mới hay làm sao. Nhưng Cô gái tuyết lại rầu rầu.
Bà Masha hỏi: “Này con yêu, con làm sao vậy? Con ốm chăng? Bình thường con tươi tắn rạng rỡ lắm, còn bây giờ con lại đột nhiên buồn rầu. Có anh chàng nào ếm bùa con không đấy?”
Cô gái Tuyết trả lời: “Con không sao đâu. Chẳng có chuyện gì xảy đến với con hết, mẹ yêu.” Nhưng cô cứ tiếp tục buồn bã, rồi dần dần những sắc màu tươi đẹp phôi pha. Cô buồn bã thu mình, làm cho mọi người quanh cô vô cùng lo lắng.
Giọt tuyết cuối cùng đã tan, vườn tược bắt đầu nở hoa, sông hồ gợn sóng, chim chóc hót líu lo; dường như thế giới rộng lớn ngoài kia đang hạnh phúc lắm, còn Cô gái Tuyết thì cứ thu mình và âu sầu mãi thôi.
Cô ngồi khoanh tay ôm lấy mình ở góc lạnh nhất trong nhà. Cô yêu biết bao mùa đông lạnh giá; đó là người bạn thiết thân. Còn cái nóng khủng khiếp này, cô ghét lắm. Cô vui mừng khi trời nhỏ chút mưa, khi đó mặt trời nóng bức lặn đi mất. Cô không phiền mấy giọt nắng đông, nhưng nắng hè thì là kẻ thù; và điều đó cũng tự nhiên thôi, ai bảo cô được sinh ra giữa trời đông giá buốt!
Rồi lễ hội mùa hè lớn nhất vùng cũng đến, nam thanh nữ tú trong làng đến nhà rủ Cô gái Tuyết nhập một cuộc vui xuyên rừng, khẩn khoản xin phép bà Masha. Đầu tiên bà từ chối, nhưng mấy cô bé cứ nằn nì nên sau vài hồi suy nghĩ bà cũng đồng ý, hi vọng chuyến đi sẽ làm Cô gái Tuyết vui lên chút đỉnh.
Bà nói: “Nhớ chăm sóc nó nhé. Nó là hạnh phúc của cuộc đời ta. Có mệnh hệ gì thì ta không biết phải sống thế nào đâu!”
Cả đám trấn an bà: “Không sao đâu ạ! Tụi con sẽ chăm sóc cô ấy, vì cô ấy là bạn yêu dấu của tụi con!” Rồi tất cả cùng Cô gái Tuyết rời khỏi nhà tiến vào rừng sâu. Ở đây, đám con gái thì kết vòng hoa, còn đám con trai thì đi nhặt củi xếp thành một đống cao. Mặt trời lặn, dưới ngọn lửa bập bùng, họ xếp thành hàng, chuẩn bị nhảy qua đống lửa bừng bừng. Cô gái Tuyết là người nhảy cuối cùng.
Đám con gái dặn dò: “Để ý nhé! Đừng đứng yên đó mà phải nhảy theo bọn tớ nghe chưa.”
Một! Hai! Ba! Từng người một nhảy qua ánh lửa nhấp nhô với niềm vui rộn rã. Đột nhiên, họ nghe thấy tiếng hét thất thanh, và khi nhìn quanh thì thấy Cô gái Tuyết đã mất tích.
Họ kháo nhau: “Cô nàng chắc lại bày trò hay cho chúng ta đây, chắc là trò trốn tìm. Nào, chia nhau đi tìm thôi.”
Họ tản ra theo cặp về các hướng khác nhau, nhưng chẳng tìm thấy cô bé ở bất kì đâu. Những khuôn mặt trẻ tuổi vừa vui tươi phút trước, giờ đã thoáng nét lo âu. Niềm vui đã nhường chỗ cho nỗi buồn và sự khẩn thiết. Cuối cùng tất cả gặp nhau tại con đường ven rừng, bàn bạc xem nên làm gì tiếp theo.
Một người nói: “Có khi nào cô ấy chạy về nhà rồi không?”
Ý tưởng này làm tất cả thấy nhẹ nhõm hơn; cả nhóm chạy về phía túp lều, nhưng chẳng có Cô gái Tuyết nào ở đó cả. Cả ngày lẫn đêm họ miệt mài tìm kiếm, rồi qua ngày thứ ba, thứ tư. Họ lục tìm trong làng hết túp lều này đến túp lều nọ, trong rừng hết cây này đến cây nọ, bụi rậm này đến bụi rậm kia. Nhưng tất cả đều vô ích, chẳng nơi đâu có Cô gái Tuyết. Với ông Akem và bà Masha tội nghiệp, chẳng cần nói chắc các bạn cũng tưởng tượng ra nỗi đau khổ khôn nguôi của họ. Ngày qua ngày, đêm rồi lại đêm, bà Masha cứ lang thang vào cánh rừng mà gọi tên con, như tiếng chim cúc ku: “Cô bé Tuyết bé bỏng của mẹ ơi! Con dấu yêu ơi!”
Nhưng tiếng gọi vang vào hư vô không lời, chẳng có từ nào hồi đáp. Cô gái Tuyết đã chẳng bao giờ được tìm thấy, điều đó đã rõ; nhưng cô đã biến mất ra sao, và vì sao cô biến mất? Con thú hoang nào đã ăn thịt cô? Con đại bàng nào đã cắp cô ra biển lớn? Không, chẳng có thú hoang nào, đại bàng nào. Cô gái bé nhỏ của chúng ta đã nhảy qua ngọn lửa theo bạn bè mình, rồi bốc hơi thành một đám mây mỏng. Đám mây bay đi xa thật xa về tận phương Bắc.
Ngày qua ngày, Xuân rồi Hạ, Hạ rồi Thu, ông Akem và bà Masha vẫn thui thủi bên nhau trong túp lều nho nhỏ. Rồi mùa Đông lại về, tuyết đầu mùa rơi rơi. Ông Akem chất củi thật nhiều để đốt lên cho ấm, rồi hai vợ chồng lặng lẽ ngồi ăn tối. Bên ngoài vẳng đến tiếng mấy đứa trẻ con reo vui vì tuyết đã về, còn trong nhà thì yên tĩnh tuyệt đối, chỉ có tiếng thanh gỗ cháy răng rắc.
Trời ngày càng lạnh hơn, buốt hơn. Gió từ phương Bắc thổi xuyên qua làng và dừng lại tại cửa nhà ông bà. Bà Masha ngồi thẳng người dậy: “Ông nghe thấy không! Hình như có ai ngoài cửa!”
Và đúng vậy, trong tiếng gió cọt cà cọt kẹt nơi khe cửa, ông đồng thời cũng nghe thấy tiếng cốc-cốc-cốc. Ông đứng bật dậy: “Đúng là có ai đang gọi chúng ta.”
Đó chính là tiếng của Cô gái Tuyết: “Cha ơi! Mẹ ơi! Mở cửa cho con với!” Chẳng chần chừ một giây, hai ông bà lao ra cửa. Bầu không khí lạnh giá ập vào nhà. Đứng ở ngưỡng cửa chính là đứa Con gái Tuyết thân yêu, với đôi mắt sáng ngời, cặp má hồng đào, và miệng cười thật tươi.
Cô nói: “Tuyết đã mang con trở lại với cha mẹ rồi đây!”. Cô ùa vào vòng tay ông bà.
Mùa đông đó, cô sống cùng ông bà như đúng một năm trước. Cô làm việc nhà chăm chỉ, chơi đùa thoả thích với các bạn trong làng. Ngày nào cô cũng gặp cha mình ở bìa rừng khi chiều xuống; khi đó cô sẽ giúp cha đẩy chiếc xe trượt tuyết chất đầy gỗ trở về nhà, nơi bữa tối nóng hổi đã được bà Masha dọn sẵn trên bàn.
Mùa xuân tới, Cô gái Tuyết lại quay trở về phương Bắc. Nhưng ông Akem và bà Masha không còn buồn bã nữa, vì họ biết rồi cô sẽ quay lại vào mùa Đông năm sau, khi lớp tuyết dày phủ kín các nẻo đường quê.
0 Comments