![]() |
Tranh vẽ: Nữ hoàng tiên được chở đi bằng chiếc xe ánh sáng, nguồn ảnh tại đây |
1. Giữ tâm thái trung dung
Người lớn có thể nghĩ rằng câu chuyện phải có tình tiết gay cấn để lôi cuốn sự chú ý của trẻ, nhưng thật ra trẻ có thể dành sự chú ý hoàn toàn cho một câu chuyện đơn giản, được kể trong bầu không khí yên tĩnh và thư thái. Sự gay cấn chỉ phù hợp khi tâm lý của trẻ đủ sẵn sàng. Với trẻ dưới 7 tuổi, câu chuyện nên được kể với tông giọng trung tính và phát âm rõ ràng, không nên giả giọng và lên xuống giọng.
2. Kể chuyện thuộc lòng
Người lớn nên thuộc lòng câu chuyện rồi kể lại cho trẻ, hoặc ít nhất là đọc trước câu chuyện một lần rồi mới đọc cho trẻ nghe. Mời bạn đọc chi tiết hơn ở đây.
3. Lặp đi lặp lại
Nếu con bạn không bị ám ảnh với TV và phim ảnh, con thường sẽ rất vui khi được nghe cùng một câu chuyện trong nhiều tuần liền. Khi ở trong một câu chuyện càng lâu, con càng học cách tạo ra hình ảnh bên trong tâm trí về câu chuyện ấy; mỗi lần nghe thì hình ảnh càng in sâu và sống động hơn. Sự lặp đi lặp lại đồng thời giúp con nhớ được từ vựng và cấu trúc của ngôn ngữ, là nền tảng để trẻ phát triển “tiếng nói bên trong” và khả năng ghi nhớ qua lời nói.
Cha mẹ nên lắng nghe xem con có muốn mình đọc lại câu chuyện không, và hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu ấy với tâm thế càng hứng khởi càng tốt. Hãy để câu chuyện được sống động trong bạn, đến nỗi cứ mỗi lần bạn kể con đều cảm thấy như lần đầu.
4. Không rút ra bài học đạo đức
Mục đích của việc kể chuyện không phải để dạy cho con bài học đạo đức, hay nói về nguyên nhân – hậu quả, vì trẻ mầm non không sẵn sàng cho việc này. Câu chuyện được kể ra để con được sống trong thế giới mơ mộng thần tiên, được tiếp xúc với các hình ảnh nguyên mẫu của thế giới chứ không phải để dạy dỗ, giáo điều.
5. Hạn chế cho trẻ xem hình ảnh hay phim ảnh về truyện cổ tích
Cha mẹ nên chú trọng vào việc kể chuyện chứ không phải để trẻ hiểu câu chuyện qua hình ảnh hoặc phim. Nhà tâm lý học Bruno Bettleheim, trong cuốn sách “Uses of Enchantment” đã chỉ rõ tác hại khi cho trẻ tiếp xúc với hình ảnh trực quan của các câu chuyện. Ông cho rằng khi nghe truyện, trẻ sẽ tự hình thành các hình dung trong tâm trí ở mức độ mà trẻ sẵn sàng. Trẻ có thể bị quá tải nếu phải xem các hình ảnh có sẵn hoặc cảnh phim quá khả năng chịu đựng của mình, chứa đựng các biểu tượng tâm lý, màu sắc, cách diễn giải không phù hợp. Hầu hết các trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý với truyện cổ tích đều liên quan đến việc xem phim. Còn bản thân trẻ, nếu được nghe về một nhân vật phản diện, con sẽ chỉ tưởng tượng nhân vật này đến mức độ chịu đựng vừa đủ trong khả năng nhận thức của mình.
Mặc dù phim của Walt Disney có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, nhưng cha mẹ nên tránh cho con xem cho đến khi trẻ chạm mốc 9 tuổi. Hãy để con hình thành những hình dung thuần khiết nhất về thế giới từ sâu trong nội tâm của mình.
6. Bạn cần phải sẵn sàng với câu chuyện
Bạn nên đọc, hoặc kể cho chính mình nghe trước khi kể cho trẻ nghe. Hãy tự hỏi bản thân: Câu chuyện này phức tạp đến mức nào? Có quà dài không? Cá nhân mình có thoải mái với nó không? Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào về một câu chuyện, tốt nhất là hãy để sau, cho đến khi trẻ lớn hơn hoặc cho đến khi bạn đã nghiên cứu và hiểu được ý nghĩa của nó. Không nhất thiết phải có một câu chuyện mới mỗi ngày.
0 Comments