The Fate of Fausto (Số mệnh của Fausto) - Oliver Jeffers

 


The Fate of Fausto
(Số phận của Fausto) là tác phẩm sách tranh của Oliver Jeffers, một trong những người kể chuyện sâu sắc nhất và được yêu mến nhất trong thời đại này.

Câu chuyện kể về Fausto – người đàn ông có niềm tin rằng mọi thực thể trong thế giới tự nhiên đều nằm trong quyền sở hữu của mình. Ông ta lên đường khảo sát xem liệu mình có thực là “bá chủ thiên hạ”. Ban đầu mọi thứ đều như ý: bông hoa, con cừu, cái cây ngoan ngoãn cúi đầu trước Fausto. Đến lượt ngọn núi thì chống cự, nên Fausto hậm hực dậm chân, dùng nắm đấm để chiến đấu. Có được ngọn núi rồi, Fausto hồ hởi lên đường chinh phục biển cả; nhưng biển cả không hề nao núng, cứ lặng yên là mình. Thế là Fausto cũng tìm cách thu phục biển như cách đã thu phục ngọn núi, để rồi bị nuốt chửng vào lòng biển mênh mông. Rồi tất cả mọi thứ ông ta tưởng rằng mình sở hữu đều tiếp tục cuộc sống như thể ông ta chưa từng tồn tại. 


Có thể thấy câu chuyện này có nét hao hao Hoàng tử bé, khi Fausto có cùng tham vọng với một số nhân vật: vị vua muốn biến Mặt trời thành thần dân của mình, vị doanh nhân mù quáng trước vẻ đẹp của các vì sao, bận rộn đếm để sở hữu chúng. Hai nhân vật khác cũng xuất hiện: bông hoa và con cừu – hai thực thể đầu tiên Fausto muốn thu phục.

Với từng thực thể, Fausto yêu cầu sự đầu hàng. Bông hoa – mỏng manh và không có lựa chọn, nhanh chóng đồng ý. Con cừu thì nhút nhát và không buồn phản kháng. Cái cây, vừa bị đe doạ đã cúi đầu trước ông ta.



Khi đến lượt cái hồ, nó đặt câu hỏi về thứ quyền lực tự phong của Fausto; ông ta ba máu sáu cơn cho cái hồ biết “ai là ông chủ”. Cái hồ cũng đầu hàng. 



Nhưng khi đến lượt ngọn núi, nó ý thức rằng chỉ có nó mới là kẻ sở hữu chính mình. Từ chối di chuyển, nó nhận ngay một cơn tam bành của Fausto và đành bị thu phục.

Vẫn bất mãn vì cảm thấy không đủ với hoa, cừu, cây, hồ và núi, Fausto dong thuyền ra biển lớn. 

Một mình giữa trùng khơi, ông ta gào lên tuyên bố chủ quyền. Nhưng biển cả im lặng. Fausto càng hét tướng, ông ta càng không biết nên hướng cơn thịnh nộ về đâu giữa bao la bốn bề. 




Cuối cùng biển đáp lại bình tĩnh, hỏi Fausto rằng nếu ông không yêu biển, thì sao đã tính đến chuyện sở hữu. Fausto gào lên rằng ông ta có yêu, nhưng biển thừa biết câu trả lời. Rồi như nhận định của nhà tâm lý học nhân văn Erich Fromm: “hiểu và yêu là hai điều không thể tách rời”, biển chất vấn thêm rằng: sao Fausto có thể yêu, nếu ông không hề hiểu được biển? 

Fausto sốt ruột muốn khẳng định chủ quyền với biển, nên ra sức lải nhải rằng ông ta hiểu biển sâu sắc, ngay sau đó yêu cầu biển phục tùng. Biển hỏi: “Ông sẽ bắt tôi phục tùng thế nào đây?”. Fausto nắm chặt tay và trả lời bằng cách dậm chân. Với sự khôn ngoan nguyên thuỷ, từng chứng kiến bao điên rồ từ buổi bình minh của nhân loại, biển yêu cầu Fausto cho mình thấy dậm chân thực sự là thế nào. Và Fausto, để thể hiện sức mạnh và quyền năng của mình, đã dậm chân xuống mặt biển và ngã chổng kềnh. 

Vậy là chẳng mấy chốc, các định luật vật lý và sự kiêu ngạo của con người đã phản bội Fausto, để ông vĩnh viễn chìm xuống biển sâu không đáy, như Ursula K. Le Guin từng cảnh báo: cơn giận không kiểm soát sẽ “tự nuôi lớn chính nó, phá huỷ dần kẻ sở hữu nó trong quá trình nuôi lớn này.” 


Thông điệp tinh tế, mãnh liệt của Jeffers được hình thành từ sức mạnh của một chân lý mà chính Dostoyevsky đã thấu nhận trong cuộc chạm trán với cái chết: Khi tất cả đã được nói ra, được thực hiện xong, đã chìm xuống và bị nuốt chửng, thì điều duy nhất ta nhận ra là: “cuộc sống là một món quà, cuộc sống là niềm hạnh phúc, mỗi khoảnh khắc luôn có thể là một hạnh phúc vĩnh hằng”. 

Dù biển cả thương hại cho Fausto, thì nó vẫn cứ tiếp tục là biển, cũng như ngọn núi cứ tiếp tục là ngọn núi. 

Cuộc sống này, dung chứa đủ khát khao hay sợ hãi, hay thù hận nhỏ nhen, hay tình yêu bao dung nhất, thành tựu vĩ đại nhất, mất mát sâu sắc nhất: tất cả rồi sẽ trôi qua. Những vì sao đổi ngôi trong một vũ trụ vô tư luôn chuyển mình – chúng ta đến và đi có khác nào một ngôi sao băng chớp qua bầu trời trong buổi thiên thu. 

________________


Nguồn ảnh: https://oliverjeffers.com/books/the-fate-of-fausto 
Bài viết gốc: https://www.themarginalian.org/2019/12/06/the-fate-of-fausto-oliver-jeffers/

Post a Comment

0 Comments