Sách tranh về kiến trúc (Phần 1): Ba tác phẩm nổi bật

Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài nghiên cứu "Stepping into the world of houses: children's picturebooks on architecture." (Bước vào thế giới nhà cửa: sách tranh thiếu nhi về kiến trúc) của học giả Marnie Campagnaro, xuất bản năm 2021. 

Một vài cuốn sách tranh có chủ đề kiến trúc

Các ngôi nhà hư cấu được nhiều học giả về văn học thiếu nhi (Dewan, 2004; Reimer, 2008; Krogstad, 2016) coi là khoảng không gian thể hiện các đặc trưng về tính cá nhân, về sự tiến hoá trong tâm lý, văn hóa và xã hội. Ngôi nhà được xem như địa điểm vật lý nơi gia đình tụ họp và các nhu cầu cơ bản của nhân vật chính được đáp ứng. Các ngôi nhà và kiến trúc đồng thời tiết lộ chất lượng mối quan hệ giữa những người chung sống trong bốn bức tường và cả bên ngoài vòng tròn gia đình.

1. Hai khía cạnh trong mối quan hệ giữa văn học thiếu nhi và kiến trúc 

Khía cạnh đầu tiên là mối quan hệ được thiết lập giữa một số kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất với các cuốn sách họ đọc khi còn nhỏ. Trong một số cuộc phỏng vấn, họ cho rằng những cuốn sách đó đã có tác động rõ nét đến trí tưởng tượng và thậm chí đến cách họ nhìn nhận các không gian kiến trúc khi trưởng thành. 

Nhà thiết kế người Mỹ Ellie Cullman chia sẻ về cuốn Eloise (1955) của Kay Thompson và Hilary Knight rằng: “Tôi lớn lên tại một ngôi nhà đơn sơ ở Brooklyn, nên tranh minh họa trong cuốn Eloise của Hilary Knight đã mở ra một thế giới mới. Tôi hoàn toàn bị mê hoặc bởi nội thất của khách sạn Plaza.” 

Một vài tranh minh hoạ trong cuốn Eloise.
Có thể thấy đa số các trang đều có phông là khách sạn Plaza. 

Còn nhà thiết kế Sheila Bridges chia sẻ về cuốn sách tranh The Snowy Day (1962) của Ezra Jack Keats: “Tôi chú ý đến cách mà Keats làm việc với màu sắc, họa tiết và kĩ thuật cắt dán, thật sự tuyệt đẹp. Trong cuốn The Snowy Day có chiếc bồn tắm màu hồng mẫu đơn trên sàn gạch lấp lánh. Mới hớp hồn làm sao!”

Trang đầu tiên của cuốn The Snowy Day

Khía cạnh thứ hai là khi các phép ẩn dụ trực quan trong văn học giúp kiến tạo nơi trẻ em và người lớn con đường tiếp cận với cái “mỹ” và bước đầu hình thành thị giác kiến trúc. Một số nghiên cứu (Ebrahimi, Akbari & Haghjoue, 2016) chứng minh rằng văn học thiếu nhi có thể cung cấp ý tưởng và cảm hứng cho kiến trúc sư thông qua việc “quan sát các quy tắc chi phối cấu trúc của một tác phẩm văn học, nghiên cứu phong cách của nhà văn để thể hiện cốt lõi của toàn bộ tác phẩm”. Văn học thiếu nhi có thể trở thành đồng minh chiến lược cho các kiến trúc sư vì nó có thể khơi gợi “các ý tưởng thiết kế giúp tạo ra không gian kiến trúc phù hợp cho khán giả nhí”, thậm chí có thể truyền cảm hứng cho công trình kiến trúc của họ vì “cấu trúc và bầu không khí của thơ ca và văn học hư cấu dành cho trẻ em chứa đựng các phẩm chất có thể tái tạo trong kiến trúc”

2. Ba tác phẩm sách tranh kiến trúc nổi bật

Dù có rất nhiều nghiên cứu về các đại diện tiêu biểu của nhà cửa trong sách tranh hư cấu, thì lại có rất ít nghiên cứu về nhà cửa và kiến trúc trong sách phi hư cấu.

Điều này trái ngược với sự tò mò tiềm tàng mà các cuốn này có thể kích thích nơi trẻ em, và với nguồn cung phong phú trên thị trường xuất bản hiện nay. Dù trẻ em quan tâm đến kiến trúc hay chỉ đơn thuần thán phục các kĩ thuật xây dựng, thì sách tranh phi hư cấu đều có thể mang lại lợi lạc nhất định. Loại sách này giúp các em hiểu về kiến trúc và các nơi chốn diễn ra việc mình sống, chơi, ăn, ngủ, tương tác với người khác. Trẻ thường hỏi về việc một ngôi nhà được xây dựng thế nào, các tòa nhà và thành phố được qui hoạch ra sao. Các cuốn sách tranh này sẽ giúp giải đáp bằng cả lời và hình ảnh, mang tính giải trí và giáo dục trong suốt quá trình đọc.

Đã xuất hiện từ những năm 1970 và 1980 các cuốn sách tranh cấp tiến nói về hình dạng và đặc điểm cấu trúc của ngôi nhà, hay sự lan tỏa các di sản kiến trúc. Nhiều sách tranh phi hư cấu đã được xuất bản trong hai thập kỷ đó, nhưng chỉ một số ít thực sự định hình thể loại này, nhờ vào việc các tác giả dám giới thiệu cách tiếp cận mới trong quá trình làm sách tranh. 

Sau đây tôi muốn giới thiệu ba tựa sách tranh kiến trúc tiêu biểu; mỗi cuốn đều triển khai một số sáng kiến quan trọng. Cuốn Book of Cities thể hiện tác dụng của hình ảnh trong việc khéo léo giải thích và quảng bá các khác biệt mang tính đô thị và kiến trúc. Cuốn Castle nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố kĩ thuật và phụ lục như bản phác thảo, bố cục đồ hoạ và mục lục. Cuốn Anno’s Journey sử dụng cách kể chuyện kiến trúc liên văn bản. 

Trang bìa của 3 cuốn sách tiêu biểu

Book of Cities (1975) là cuốn sách tranh phi hư cấu của tác giả kiêm họa sĩ người Ý Piero Ventura. Cuốn sách tranh của Ventura được chia thành bốn chương (sống ở thành phố, di chuyển quanh thành phố, làm việc trong thành phố, và vui chơi trong thành phố), mô tả cuộc sống hàng ngày và các cảnh quan xã hội ở mười tám thành phố khác nhau. Ventura đưa chúng ta vào một chuyến hành trình văn hóa thú vị quanh thế giới: các loại nhà và tòa nhà khác nhau (ngôi nhà nhỏ, chung cư, nhà thuyền, nhà thờ lớn, tu viện Phật giáo), các phương tiện di chuyển quanh thành phố (ô tô, xe buýt, tàu điện ngầm và tàu điện trên cao), các nơi làm việc khác nhau (trung tâm mua sắm, các phiên họp chợ Trung Đông). Những hình minh họa cực kỳ chi tiết trong Book of Cities cho thấy cách con người sống, làm việc, di chuyển và vui chơi khác nhau ra sao ở các thành phố lớn trên thế giới.




Castle (1977) của David Macaulay từng được trao giải danh dự Caldecott năm 1978. Cuốn này cung cấp một mô tả minh họa chi tiết về lâu đài giả tưởng Aberwyvern, được xây dựng từ năm 1283 đến 1288. Giống như nhiều tác phẩm khác của Macaulay về các tòa nhà và kiến trúc, cuốn sách cung cấp mô tả bằng văn bản về cách lâu đài được xây dựng, kèm theo các bản vẽ bằng bút mực. Cuốn sách mô tả chi tiết cảnh những người thợ tham gia xây dựng lâu đài thời trung cổ và các công cụ truyền thống họ sử dụng. Mặc dù lâu đài là giả tưởng, nhưng nó được dựa trên bối cảnh lịch sử thực tế. Macaulay đặt bối cảnh xây dựng lâu đài Aberwyvern ở Tây Bắc xứ Wales trong khoảng từ năm 1283 đến 1288, dưới triều đại của Vua Edward I của Anh. Đây là thời kỳ mà một số lâu đài được xây dựng để hỗ trợ cuộc chinh phục xứ Wales của Edward. Bố cục và kiến trúc của lâu đài Aberwyvern mang nhiều nét tương đồng với các lâu đài xứ Wales mà Macaulay đã đến thăm khi còn nhỏ.




Anno’s Journey (1977) của Mitsumasa Anno nổi tiếng với những chi tiết vẽ tay tỉ mỉ và bố cục góc nhìn từ trên cao. Anno’s Journey theo chân nhân vật chính Anno đi du hành qua các con phố và vùng nông thôn của Bắc Âu (Đan Mạch, Anh, Đức và Pháp). Thay vì chỉ kể câu chuyện của Anno, cuốn sách tranh không lời này chứa đựng những câu chuyện của từng làng quê, nông trại, rạp xiếc, nhà thờ và quảng trường thị trấn mà Anno ghé thăm, với những chi tiết dồi dào hình ảnh và các bất ngờ nho nhỏ.



Mục đích cơ bản của sách tranh phi hư cấu là cung cấp thông tin, hướng dẫn và giúp độc giả mở mang. Nhưng đôi khi điều đó là không đủ với trẻ em. Một cuốn sách tranh phi hư cấu hiệu quả phải thực sự đưa độc giả bước vào hiện thực và đưa chủ đề thâm nhập vào đời sống. Nó nên “tạo ra một thế giới sống động và đáng tin cậy mà độc giả sẵn sàng bước vào và chỉ rời đi một cách miễn cưỡng” (Freedman, 1992, trang 3). 

Các tác giả của ba cuốn này đã thành công trong việc tái sáng tạo qui trình làm sách tranh thông tin truyền thống, đồng thời khởi xướng các phong cách nghệ thuật và kĩ thuật biểu đạt mới trong sách tranh kiến trúc. Piero Ventura đặt sự chính xác về hình ảnh lên hàng đầu để kích thích độc giả “sử dụng đồng thời nhiều phương thức (lời và hình ảnh) để tìm kiếm ý nghĩa, thay vì ưu tiên một phương thức hơn phương thức khác” (Shimek, 2018, trang 519). Các hình minh họa của Macaulay kết hợp thiết kế ưu việt với thông tin cực kỳ chính xác về công nghệ xây dựng. Các hình minh họa của Anno chứa những trò đùa và câu đố ẩn ý nhằm làm trẻ em thích thú và dẫn chúng đến những kết luận tưởng tượng về các khái niệm phức tạp hơn liên quan đến thời gian và không gian. 

Ba cuốn sách tranh này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương thức phối hợp trong sách tranh phi hư cấu, và việc nhấn mạnh sự kết hợp giữa thông tin trực quan và văn bản cũng như các đặc điểm phụ bản.

References:
Dewan, P. (2004). House as setting, symbol, and structural motif in children’s literature. New York, NY: Edwin Mellen.

Reimer, M. (Ed.) (2008). Home words: Discourses of children’s literature in Canada. Waterloo, ON: Wilfrid Laurier UP.

Krogstad, A. (2016). The family house chronotope in three picturebooks by Gro Dahle and Svewin Nyhus: Idyll, fantasy, and threshold experiences. Barnelitterært Forskningstidsskrift. Nordic Journal of ChildLit Aesthetics, 7(1). 

Ebrahimi, S., Akbari, A. & Haghjou, A. (2016). Evaluating idea-finding ways in architecture to create a childish tone and structure in the design of spaces for children with particular reference to children’s literature. Journal of Engineering and Applied Sciences, 11(6), 1155–1162.

Freedman, R. (1992). Fact or fiction? In E. B. Freeman & D. G. Person (Eds.), Using nonfiction trade books in the elementary classroom: From ants to zeppelins (pp. 2–10). Urbana, IL: National Council of Teachers of English.

Shimek, C. (2018). Sites of synergy: Strategies for readers navigating nonfiction picture books. The Reading Teacher, 72(4), 519–522.

Post a Comment

0 Comments