"Nước Ý của Anno" - hay câu chuyện làm thế nào một người Nhật lại am hiểu văn hoá châu Âu đến vậy

Chân dung Mitsumasa Anno (nguồn)

Mitsumasa Anno là một nhà văn, họa sĩ minh họa sách thiếu nhi người Nhật. Ông đã nhận được Huân chương Hans Christian Andersen quốc tế vào năm 1984 vì "đóng góp lâu dài cho văn học thiếu nhi". Những tác phẩm của ông thường giàu chất trữ tình nhưng cũng đầy hài hước, thông thái và đậm chất triết lý. Những quyển sách tranh của ông không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất thích đắm mình vào thế giới tưởng tượng đẹp đẽ do ông vẽ ra.

Một trong những series sách thành công của Anno là bộ Hành trình của Anno (Anno's Journey). Trong bộ sách không lời này, Anno vẽ người lữ hành đi qua nhiều đất nước châu lục trên thế giới, và hành trình ấy không chỉ trải rộng về mặt địa lý mà còn đi theo chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa. 

Bìa sách "Anno's Journey"

Sáng nay mình có thời gian ngồi ngắm kỹ hơn từng tranh sách của Anno trong cuốn "Nước Ý của Anno". Trong cuốn sách này, Anno lồng ghép vào từng bức tranh tưởng chừng như chỉ là phong cảnh sinh hoạt đồng quê, phố thị,... là những câu chuyện dân gian và tác phẩm văn học của Châu Âu, từ Ba chú heo con, Nàng Lọ Lem, Ali Baba, Rapunzel, Pinocchio, Người lái buôn thành Venice cho tới những tác phẩm hội họa như Bữa tiệc ly, tượng Vệ nữ ở Milo, và vô vàn các công trình kiến trúc tiêu biểu khác ở Ý. 

Bên cạnh đó, khi nhìn ngắm kỹ những bức minh họa, người đọc sẽ nhận ra thứ kết nối chúng lại chính là câu chuyện về cuộc đời của chúa Jesus, từ khi ra đời cho tới khi chịu khổ nạn và tái sinh. 

Sự liên văn bản trong tác phẩm này của Anno mở ra những cách đọc sách tranh nhiều chiều kích mới. Mỗi độc giả tiếp nhận tác phẩm dựa trên vốn hiểu biết, khung nền văn hóa riêng của bản thân. Việc đọc trở nên không có biên giới và như một chiếc hộp đa diện, luôn có những cách nhìn khác nhau. Nói theo một cách nào đó, người đọc cũng đã trở thành một phần của tác phẩm.

Khi có một số người hỏi Anno rằng vì sao ông hiểu rõ đến thế về văn hóa châu Âu, ông đã trả lời rằng dù có thể ngôn ngữ, văn hóa, trang phục khác biệt giữa các châu lục, nhưng với ông, tất cả trái tim con người đều như nhau cả và ông hiểu rõ về những cái chung đó. Chính vì lý do đó, ông chọn cách thể hiện sách tranh không lời, bởi lẽ ai cũng có thể hiểu được và cảm nhận được tâm tư, tình cảm, hành động của các nhân vật trong sách.

Mời các bạn cùng xem một số bức tranh trong sách và đọc xem mình nhìn thấy những "liên văn bản", những câu chuyện, điển tích nào nhé. 

Bạn có nhìn thấy ba vị vua đang cưỡi ngựa đến nơi Chúa Hài Đồng vừa ra đời?



Bạn nhận ra những công trình kiến trúc nào ở Roma trong bức tranh này?


Bạn nhận ra những bức điêu khắc trứ danh nào trong bức tranh này?


Ba chú heo con xây nhà bằng rơm, bằng củi và bằng gạch, bạn có nhìn thấy không?

Pinocchio đang chạy trốn khỏi bác thợ mộc kìa. Và ở một góc kia, có phải là những chiếc chum vại của Ali Baba? Còn đám rước có chiếc giày thủy tinh, bạn biết là từ câu chuyện nào rồi đó.

Post a Comment

0 Comments