Sách tranh về kiến trúc (phần 2): phân loại theo độ khó & chủ đề

Cuốn sách bìa cứng dành cho trẻ từ 3-6 tuổi 'HOUSE', bên trong là 5 cuốn nhỏ, mỗi cuốn giới thiệu một căn phòng khác nhau của ngôi nhà 

Giải thưởng Hội chợ Sách Thiếu nhi Quốc tế Bologna 2018 có một hạng mục đặc biệt dành cho sách tranh về nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế; điều này khẳng định rằng một số sách tranh phi hư cấu trong chủ đề này có các đặc điểm nổi bật. Chúng thể hiện sự đan cài độc nhất vô nhị giữa hình ảnh - ngôn từ và một hệ thống thông tin trực quan hấp dẫn. Từ ngữ thì mô tả mục tiêu và chức năng của kiến trúc, còn hình ảnh tái hiện các yếu tố xây dựng (như mặt cắt, phần bên trong, v.v.) hoặc tái tạo các giai đoạn trong quá trình xây dựng nhờ các bản thiết kế xuất sắc. Cơ chế hoạt động của công nghệ kiến trúc được giải mã thông qua các bản vẽ, bố cục, sơ đồ xây dựng và các mặt cắt; tất cả được hiện lên sống động nhờ thiết kế chữ bắt mắt. Các sách này thường bao gồm cả bản đồ hoạ thông tin (infographics), hình thức đọc phi tuyến tính, phông chữ được thiết kế riêng, ghi chú về tiểu sử kiến trúc sư; chúng đồng thời đưa ra hình dung về mối liên hệ giữa việc kiến tạo một công trình với các ràng buộc hoặc nhu cầu xã hội trong tương quan với tình hình chính trị và khuynh hướng văn hóa.

Một số sách tranh lại mang đến cho độc giả trải nghiệm học tập có mức độ thử thách cao hơn hẳn. Chúng chứa đầy các đặc điểm được thiết kế đồ họa không chỉ nhằm mục đích làm cho sách trở nên hấp dẫn với độc giả nhí, mà còn yêu cầu các em liên tục chuyển đổi giữa mã ngôn ngữ và mã hình ảnh để khám phá sâu. Có ý kiến cho rằng: việc đọc một cuốn sách tranh không đơn thuần chỉ là việc đọc theo cấu trúc và nội dung trong hình ảnh và văn bản. Đối với cả trẻ em và độc giả có kinh nghiệm, sách tranh là một không gian chuẩn mực thể hiện đối tượng độc giả được ngầm định, ý thức hệ rõ ràng hoặc tiềm ẩn, và các bối cảnh lịch sử và văn hóa. (op de Beeck, 2018, tr. 20)

Việc đọc sách tranh phi hư cấu về kiến trúc đòi hỏi cao ở độc giả, vì họ được mời gọi suy ngẫm và rút ra kết luận về cách mà kiến trúc có thể đối mặt với các vấn đề xã hội và đưa ra những giải pháp hiệu quả cho các thách thức trong tương lai, như việc tạo ra các cộng đồng hỗ trợ, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững về môi trường.

Thị trường xuất bản đương đại về sách tranh phi hư cấu về kiến trúc vô cùng phong phú và đa dạng, và không dễ để tóm tắt các đặc điểm cũng như những khía cạnh mới của chúng về mặt nội dung và hình thức minh họa. Đây chính là lý do tại sao cần sắp xếp sự đa dạng khổng lồ này theo một hệ thống phân loại. Hệ thống phân loại cơ bản này sẽ giúp ghi nhận sự phong phú và tiềm năng của lĩnh vực nghiên cứu này, sau đó diễn giải nó và mở ra một cuộc thảo luận để phân tích sâu hơn.

Tác giả bài báo - Marnie Campagnaro, đã xây dựng mô hình phân loại của mình dựa trên nghiên cứu của Nikola von Merveldt (2018) về các đặc điểm của sách tranh thông tin, phân loại sách tranh của Jörg Meibauer (2015) và những phản ánh của Christine Pappas (2006) về thể loại sách thông tin. Mô hình này là kết quả của việc phân tích một tập hợp gồm 20 cuốn sách tranh được chọn lọc về chủ đề nhà ở và kiến trúc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Ý, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan), dành cho các lứa tuổi khác nhau và được xuất bản từ năm 2008 đến năm 2020. 

Việc lựa chọn các sách tranh dựa trên ba tiêu chí.

Tiêu chí đầu tiên là về phạm vi: chỉ phân loại các sách tranh có chủ đề về nhà ở - như các loại hình nhà ở, quá trình xây dựng nhà, tiểu sử các kiến trúc sư đã khám phá khái niệm về cuộc sống trong nhà và chất lượng mối quan hệ bên trong một ngôi nhà, v.v.  

Tiêu chí thứ hai liên quan đến chất lượng của bố cục đồ họa và kiểu chữ, cũng như độ chính xác về mặt thị giác, thẩm mỹ và kiến trúc. Vì lý do này, danh sách lựa chọn bao gồm các sách tranh đã đoạt giải thưởng, được đưa vào danh sách danh dự hoặc nhận được các đánh giá tích cực.

Tiêu chí thứ ba thể hiện rằng sách tranh phi hư cấu về kiến trúc “không chỉ đơn thuần ghi lại hoặc minh họa các sự kiện” mà còn phải “tổ chức và diễn giải chúng một cách trực quan”.

Sau đây là kết quả phân loại mà Đủng Đỉnh Đọc đã soạn thảo lại cấu trúc để bạn đọc dễ theo dõi hơn. Có hai mục chính là sách phi hư cấu và sách pha trộn giữa phi hư cấu & hư cấu - tạm gọi là "sách pha trộn"; trong mỗi mục lại được chia ra các loại nhỏ hơn. Bài viết này tập trung vào dòng sách phi hư cấu. (Click vào đây bạn muốn xem danh sách phân loại đầy đủ 20 cuốn mà tác giả đã chọn).

Sách phi hư cấu được chia làm 3 loại: (1) sách khái niệm đơn giản (early concept), (2) sách tranh với mô tả đơn giản, (3) sách tranh với mô tả phức tạp. 

(1) Sách khái niệm ban đầu (early concept)
Như tên gọi, đây là sách về các khái niệm ban đầu dành cho trẻ, thường là những cuốn sách bìa cứng (board books) hiển thị hình ảnh của các đồ vật hàng ngày. Chúng có thể bao gồm một từ mô tả đồ vật được minh họa trong hình. Mục đích chính của những cuốn sách này là giúp trẻ làm quen với môi trường xung quanh trong ngôi nhà và hình thành các liên tưởng cơ bản về kiến trúc. 

House (2018) là một bộ sách gồm 5 cuốn sách bìa cứng nhỏ dành cho trẻ nhỏ. Mỗi cuốn sách mô tả một căn phòng khác nhau trong ngôi nhà, bao gồm đồ nội thất và các vật dụng: phòng khách, phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ và nhà để xe.


Minh hoạ cách trẻ nhỏ có thể sử dụng cuốn HOUSE

(2) Sách tranh có mô tả đơn giản 

Sách tranh có mô tả đơn giản là sự kết hợp giữa hình ảnh và văn bản. Hình ảnh không chứa quá nhiều chi tiết và văn bản viết không quá dài, “văn bản tối thiểu hai câu hoặc lời nói” (Meibauer, 2015, tr. 67). Các cuốn sách này khá hữu ích trong việc cung cấp cho các bé chưa biết đọc thông tin chi tiết hơn về kiểu dáng ngôi nhà (nhà cao hoặc thấp), môi trường xung quanh (nhà ở thành phố hay một chiếc lều tuyết), chức năng, một số đặc điểm kiến trúc, giới thiệu những ngôi nhà hiện đại nổi tiếng như trong cuốn sách tranh Baby’s First Eames hoặc các kiến trúc sư nổi tiếng như Zaha Hadid.



Các trang trong cuốn Baby's First Eames, với các chữ cái là chữ cái đầu của một từ chỉ đến tên công trình kiến trúc, đặc điểm kiến trúc, tên kiến trúc sư, v.v

(3) Sách tranh có mô tả phức tạp 

Sách tranh có mô tả phức tạp là những cuốn sách tranh mang tính thông tin, có sự đan xen phức tạp giữa các mã hình ảnh và ngôn ngữ, cùng với độ chính xác cao về mặt khoa học và thẩm mỹ. Tác giả đã phân sách tranh mô tả phức tạp thành bốn tiểu mục, bao gồm lịch sử, địa lý / văn hoá, kĩ thuật & tiểu sử. 

Tiểu mục thứ nhất là "lịch sử," tập trung vào sự phát triển lịch sử của các công trình kiến trúc dân cư quan trọng trong quá khứ và kiến trúc đương đại trên khắp thế giới. Những ví dụ ấn tượng về mặt cắt và sơ đồ cắt ngang của các tòa nhà, được sắp xếp theo sự phát triển lịch sử, được đưa vào cuốn The Story of Buildings.


Một vài trang trong cuốn "The Story of Buildings"

Tiểu mục thứ hai là "địa lý / văn hóa", đề cập đến những cuốn sách tranh phi hư cấu có các mô tả xuất sắc về nhà cửa và các công trình, nhưng cấu trúc tổ chức lại được phát triển dựa trên ưu tiên địa lý hoặc văn hóa. Những cuốn sách tranh này thường truyền tải ý tưởng về các nền văn hóa đa dạng và các chức năng phong phú của nhà cửa trên khắp thế giới. Một ví dụ rất hay là cuốn sách tranh H.O.U.S.E. Homes that are Outrageous, Unbelievable, Spectacular and Extraordinary (2012) (Nhà cửa - những ngôi nhà kỳ lạ, khó tin, ngoạn mục và phi thường). Cuốn sách này giới thiệu 35 ngôi nhà từ khắp nơi trên thế giới. Các biểu tượng nhỏ được đưa vào mỗi trang đôi với một ngôi nhà mới để giải thích nơi chốn và thời điểm xây dựng ngôi nhà, vật liệu và chức năng. Cấu trúc của cuốn sách này ít tuyến tính hơn so với một cuốn sách tranh thông tin điển hình. Có rất nhiều câu chuyện phụ, các cuộc đối thoại, các biểu tượng và các trang đôi với những sinh vật ngoài hành tinh hoặc quái vật rất ít liên quan đến chủ đề ngôi nhà. Người đọc có thể bỏ qua văn bản chính và chỉ đọc những ghi chú phụ và một số thử nghiệm nghịch ngợm viết vội ở lề sách.


Hai trang trong cuốn H.O.U.S.E.S về loại nhà Burrow ở Thuỵ Sĩ

Tiểu mục thứ ba là "kĩ thuật," trọng tâm là ngôi nhà và các yếu tố xây dựng cũng như quy trình thi công. Tiểu mục này có các cuốn sách tranh độc đáo minh họa kỹ thuật thi công nhà và các chi tiết kết cấu, như The Future Architect’s Handbook (2014) hoặc Come casa mia. Viaggio nel mondo dell’architettura (2016), cùng với những thay đổi văn hóa, quy trình sáng tạo, ý tưởng thẩm mỹ và giá trị xã hội đằng sau một công trình kiến trúc.

Một cuốn sách có chất lượng thiết kế đồ họa và sắp chữ vượt trội là Toutes les maisons sont dans la nature (2012). Cuốn sách tranh này giới thiệu cho độc giả trẻ về các quy ước và cuộc cách mạng trong lịch sử kiến trúc. Các minh họa của Cornille được sắp xếp chặt chẽ và chính xác như những bản thiết kế kiến trúc, dẫn dắt độc giả khám phá những ngôi nhà tiêu biểu nhất của các kiến trúc sư vĩ đại trong thế kỷ 20 và 21.

Mỗi chương bắt đầu bằng một bản phác thảo chân dung kiến trúc sư, giúp độc giả biết đến các tên tuổi như Le Corbusier, Charles và Ray Eames, Mies van der Rohe, Frank Lloyd Wright, Frank Gehry, Rem Koolhaas, và Shigeru Ban, v.v. Các đổi mới trong quá trình sáng tạo của những kiến trúc sư này được thể hiện qua các bản vẽ tinh tế của Cornille bằng bút dạ màu chất lượng cao.



 
Tiểu mục thứ tư là phần "tiểu sử". Những cuốn sách tranh này khắc họa cuộc sống của một số kiến trúc sư nổi tiếng. Trong một số trường hợp, các ghi chú tiểu sử và phác thảo các kiệt tác kiến trúc của họ có thể được trình bày theo những cách rất khác thường và sáng tạo, như cuốn  The World Is Not a Rectangle: A Portrait of Architect Zaha Hadid (Thế giới không phải là một hình chữ nhật: Chân dung kiến trúc sư Zaha Hadid, 2017). Cuốn sách theo dõi cuộc đời của Hadid từ thời thơ ấu ở Iraq đến thành công của bà như một kiến trúc sư hàng đầu ở London. Tác giả tái tạo khả năng của kiến trúc sư trong việc kết hợp những đường cong của thiên nhiên vào các công trình của bà qua những minh họa mềm mại và dòng chữ uyển chuyển.




Một vài trang trong cuốn sách tranh về Zaha Hadid

Kết luận
Các cuốn sách tranh phi hư cấu đương đại về kiến trúc giúp các độc giả trẻ bước vào thế giới của nhà cửa.  Chúng giới thiệu về chức năng của không gian trong lịch sử nhân loại, kiến thức về các công trình nổi tiếng và câu chuyện của những kiến trúc sư vĩ đại - những người đã cải thiện chất lượng cuộc sống hoặc công việc thông qua kiến trúc. Chúng chứa đựng những sự kiện lịch sử và chính trị, tiết lộ những bí mật của quá trình sáng tạo, phát triển khả năng thẩm mỹ và giúp độc giả làm quen với mặt kỹ thuật của kiến trúc qua cả ngôn ngữ bằng lời và hình ảnh.

Vào năm 2018, nhà phê bình kiến trúc và thiết kế, Alexandra Lange, đã viết cuốn sách The Design of Childhood: How the Material World Shapes Independent Kids (Thiết kế của tuổi thơ: Làm thế nào thế giới vật chất hình thành những đứa trẻ độc lập). Cuốn sách này nghiên cứu tầm quan trọng của việc xây dựng không gian khiến mọi người, đặc biệt là trẻ em, cảm thấy vừa được chào đón lại vừa độc lập. Cuốn sách gồm năm chương: các khối xây dựng, nhà cửa, trường học, sân chơi và thành phố. Mỗi chương là một không gian nơi trẻ em tương tác với thiết kế. Lange cũng ca ngợi văn học thiếu nhi và ghi nhận rằng các cuốn sách về nhà cửa và không gian đã dạy cô hầu hết những gì cô cần biết.

Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp các cuốn sách tranh phi hư cấu về kiến trúc cho trẻ em. Những cuốn sách tranh này có thể được coi là những hạt giống được âm thầm gieo từ rất sớm, góp phần giúp các em trở thành công dân có trách nhiệm và nhận thức văn hóa - những người sẽ có khả năng biến môi trường sống của mình thành một nơi tốt đẹp hơn cho bản thân và cho người khác.
___________

Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài nghiên cứu "Stepping into the world of houses: children's picturebooks on architecture." (Bước vào thế giới nhà cửa: sách tranh thiếu nhi về kiến trúc) của học giả Marnie Campagnaro, xuất bản năm 2021. 

References: 
op de Beeck, N. (2018). Picture-text relationship in picturebooks. In B. Kümmerling-Meibauer (Ed.), The Routledge companion to picturebooks (pp. 19–27). London and New York, NY: Routledge.

Meibauer, J. (2015). What the child can learn from simple descriptive picturebooks: An inquiry into Lastwagen/Trucks by Paul Stickland. In B. Kümmerling-Meibauer, J. Meibauer, K. Nachtigäller & K. J. Rohlfing (Eds.), Learning from picturebooks. Perspectives from child development and literacy studies (pp. 51–70). London and New York, NY: Routledge.

Post a Comment

0 Comments