[Phần 2] Màu đỏ trong sách tranh: The Scar (Vết thương)



Hôm nọ, một chị bạn nói với mình về việc con chị, 7 tuổi, rất sợ khi ai đó nói đến cái chết. Đôi khi em nói với mẹ rằng “Mẹ ơi, mẹ đừng chết nhé!”. Chị không biết nên giải thích với con thế nào. Có lẽ chị là một trong rất nhiều phụ huynh thấy bối rối khi con bắt đầu hỏi về sự thật của thế giới, đặc biệt là các sự thật mang lại cảm xúc khó khăn. 

Làm sao để một bé con hiểu về một trải nghiệm lớn lao, mà sức mạnh của nó có thể sẽ cuốn con đi mất?  Sách tranh là một cách để nói với con những sự thật này một cách gần gũi và thân thiện, cho con trải nghiệm sự thật thông qua việc thấu hiểu người khác. Qua sách tranh, con nhìn thấy quá trình các nhân vật xoay xở để đi qua nỗi buồn, nỗi đau thương; quan trọng hơn hết, các nhân vật không tránh né hay giả vờ rằng mọi chuyện đều ổn - điều mà con sẽ hay bắt gặp ở rất nhiều người lớn ngoài đời. 

“The Scar” (Vết thương) là một cuốn sách tranh tiêu biểu trong khối chủ đề về sự mất mát người thân. Cuốn sách kể về cách mà một cậu bé con đối diện với sự ra đi vĩnh viễn của mẹ mình, cách cậu sống trong nỗi cô đơn và mong muốn vực dậy người cha đã suy sụp. Ngày qua ngày, cậu bé trằn trọc không ngủ được. Cơn đau dạ dày quặn lên. Nỗi thất vọng rằng mình không thể chăm sóc cha quặn lên. Cậu đóng cửa sổ để mùi của mẹ không thoát ra ngoài, cậu bịt miệng và tai để ký ức về mẹ không tan biến. May mắn thay, bà cậu đến thăm và nói rằng mẹ không bao giờ thực sự rời xa, vì mẹ luôn luôn sống trong trái tim cậu. Nhờ vậy, cậu bé mới có thể bắt đầu chữa lành vết thương.

Cuốn sách mở đầu bằng: “Mẹ mất vào sáng nay…”

Những lời trực diện ấy gợi ý rằng đây không phải một cuốn sách dễ đọc. Cậu bé trong truyện đang bước vào cuộc khủng hoảng ẩn chứa các biến động cảm xúc dữ dội: tức giận vì nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, cảm thông cho nỗi đau của ba, hoảng sợ vì dấu vết của mẹ đang phôi pha, bất lực trong những vòng chạy liên hồi vì cậu nghĩ rằng tim đập thình thịch có nghĩa là mẹ đang sống trong tim...

Hôm qua, mẹ mình vẫn còn sống. Mẹ nằm trên giường, cười nhẹ. Mẹ bảo rằng mẹ sẽ yêu mình đến hết đời nhưng mẹ đã mệt lắm rồi, cơ thể mẹ không thể nâng nổi mẹ lên nữa, và mẹ sẽ đi xa mãi mãi. Mình bảo rằng mẹ cứ về nhà khi nào đã nghỉ ngơi xong, rằng mình sẽ đợi mẹ.

Mẹ nói rằng mẹ ước mẹ có thể về nhà, nhưng chuyện đó là không thể. Nụ cười của mẹ nhỏ dần và mắt mẹ ươn ướt. 

Nghe vậy mình giận lên, mình hét toáng rằng mọi chuyện không thể như thế được. Mình sẽ không chịu làm con mẹ nữa, và mẹ đừng nên sinh ra một đứa con nếu mẹ rời đi trước khi đứa con đó lớn lên.

Mẹ cười một chút, còn mình thì khóc. Vì mình biết rằng mẹ thực sự sẽ chết. 

Đây là một nỗi đau quá lớn đối với một đứa trẻ. Đó không phải là một cơn ác mộng. Đó là thực tại. Và để khắc hoạ thực tại có phần bạo liệt này, lời văn của Charlotte Moundlic không hề uỷ mị. Hành trình chấp nhận cái chết của mẹ có muôn phần gian nan, và tác giả đã can đảm chọn lối viết trực diện nhằm lột tả đúng sự gian nan ấy. Tuy vậy, đây lại là dòng suy nghĩ của một cậu bé con, nên nó không hề giống cách người lớn hiểu về cái chết. Cách nhìn của cậu bé đôi khi làm chúng ta phì cười. Cái tài tình của tác giả là ở chỗ này: bà biết trẻ con nghĩ gì! Đây chính là một trong các tư chất quan trọng nhất của một tác giả sách tranh. 

Trẻ em ở độ tuổi nhỏ hiểu về cái chết theo cách tinh tế hơn người lớn có thể hình dung. Các em nhận thấy thói quen sống của mình thay đổi khi người thân yêu không còn nữa. Các em xử lý nỗi đau buồn bằng cách cố gắng khôi phục lại thói quen hàng ngày như thể người thân yêu vẫn còn ở bên.


Ba nói: “Mẹ ra đi rồi, đi luôn ấy con.”

Mình biết rằng mẹ không ra đi. Mẹ chết rồi và mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại mẹ nữa. Họ sẽ đặt mẹ vào một chiếc hộp, rồi đặt vào lòng đất, khi đó mẹ sẽ hoá thành cát bụi.
Mình thừa biết rằng chết có nghĩa là bạn không bao giờ quay trở về nữa.

“Được thôi! Chết là hết!” Tôi hét vào mặt Ba. Tôi không thể tin được Mẹ đã bỏ chúng tôi lại. Làm sao Ba biết cách làm bánh mì nướng theo kiểu tôi thích, cắt làm đôi và rưới mật ong theo hình zic zắc? Tôi biết Mẹ không kịp chỉ cho Ba, và giờ thì muộn rồi. Ba sẽ chẳng xoay xở được nếu thiếu Mẹ đâu.

Trong một bài phỏng vấn người minh hoạ cuốn sách – hoạ sĩ Olivier Tallec, anh chia sẻ rằng anh rất thích phần văn bản của Charlotte Moundlic, bởi cô đã diễn tả nỗi đau của cậu bé thật thẳng thắn và nguyên sơ. Không cần dùng động vật để ẩn dụ. Không nhẹ nhàng hoá cái chết bằng một nhân vật lớn tuổi.

Anh nhanh chóng nảy ra ý tưởng minh hoạ với chỉ một vài màu cơ bản. Anh biết mình sẽ cần dùng tông màu mạnh, sao cho phần hình kết hợp với phần chữ sống động nhất. Không được thừa thãi. Không cần dễ thương. 

Thường thì nỗi buồn sẽ có màu xanh, nhưng ở đây, Olivier đã cho nỗi buồn mang màu đỏ. Màu đỏ tràn lan mọi nơi: trong khung cảnh bên ngoài, trong tâm hồn cậu bé.

Màu đỏ ở đây vẫn áp dụng một số tính chất căn bản: cường độ mạnh, biểu đạt một cái gì đang thực sự sống, đang ở độ căng nhất, sôi nổi nhất. Đó chính là trạng thái nỗi đau của cậu bé: một vết thương lớn và âm thầm lấn át tâm hồn cậu, dù cậu bé có biết hay không; một nỗi đau đang sống, đang đập, đang ùa vào mọi ngóc ngách trong cảm xúc, suy nghĩ và hành động của cậu.

Chính vậy mà “Vết thương” khác biệt với các cuốn sách khác: nó nói về một nỗi đau không thể chịu nổi, bằng một tông màu tương đương với cường độ của nỗi đau đó. Nó diễn tả đúng cái đang xảy ra. Màu đỏ là một sự lựa chọn tuyệt vời: nó chuyên chở cả một mạch cảm xúc cuồn cuộn, từ sự tức giận đến sự phủ nhận, từ nỗi đau không thể nguôi ngoai đến việc cậu bé cuối cùng cũng chấp nhận thực tại buồn bã.


Không chỉ mùi của Mẹ đang nhạt đi – tôi cảm thấy tôi không còn nhớ được giọng mẹ nữa. Nên tôi bịt tai lại, che mắt và ngậm miệng để giữ giọng nói ấy lại. (Nhưng không bịt mũi vì tôi còn phải thở.)

Lúc nào tôi làm mình bị thương, Mẹ cũng nói: “Chỉ là một vết xước thôi, anh chàng bé nhỏ của mẹ. Con mạnh mẽ lắm nên chẳng có gì làm con đau lâu được đâu.” Tôi sẽ nhắm mắt lại và mẹ sẽ dang rộng vòng tay đón tôi, và cơn đau sẽ dần biến mất theo cách đó.



Trong lúc chạy bộ, cậu bé bị một vết xước trên đầu gối. Khi đó, giọng mẹ tự nhiên vọng đến rõ rành rành. Thế là khi vết thương vừa khô thì cậu lại cạy ra, cậu muốn thấy nó còn tươi để giọng nói an ủi của mẹ luôn còn bên cậu. Đó là cách cậu bé níu kéo sự tồn tại của mẹ.  

Và rồi bà ngoại cậu đến.

Sáng nay, Bà xuất hiện. Bà là mẹ của mẹ. Mình hơi lo, vì bây giờ mình phải chăm cho hai người lớn. Không chỉ thế, còn phải để mắt đến vết xước của mình nữa.

Bà ngoại di chuyển khắp nhà “như thể bà đang tìm kiếm thứ gì đó hoặc ai đó". Bà mở toang cửa sổ để giải phóng sự ngột ngạt trong phòng. Nhờ vậy, cậu bé giải tỏa được khối cảm xúc ứ đọng mà lâu nay cậu gắng làm cho tê liệt để đảm đương việc chăm sóc ba.

Điều đó quá sức chịu đựng với mình. Mình la lớn rồi khóc rồi hét lên. “Đừng! Đừng mở cửa sổ! Mẹ sẽ biến mất mãi mãi…” Rồi mình tuôn nước mắt mà chẳng thể kìm lại được. Mình không làm gì được nữa. Mình đã mệt mỏi lắm rồi.




Cậu bé sợ rằng bà nghĩ cậu đã hoá rồ. Nhưng bà lại ân cần đến bên, đặt tay lên tim cậu.

"Mẹ con ở đây này", bà nói, "ở trong tim con, không bao giờ rời xa." 

Rồi một ngày nọ, nằm trong chăn, cậu chạm phải đầu gối mình và nhận ra vết thương đã khô và lành. Nó đã biến thành vết sẹo.


Trong phút chốc, mình nghĩ rằng mình sẽ khóc, nhưng rồi mình không khóc.
Mình nằm xuống, hai bàn tay trên ngực. Tim mình đập lặng lẽ và bình an, đưa mình vào giấc ngủ.

"The Scar" (Vết thương) không chỉ là một cuốn sách tuyệt vời dành cho trẻ em, mà còn giúp người lớn hiểu rằng trẻ em có cách riêng để đối diện với đau buồn và mất mát.

Hoạ sĩ Olivier từng bộc bạch: “Rất nhiều người nghĩ sách thiếu nhi thường là những câu chuyện tươi sáng, đầy cảm hứng. Nhưng sách thiếu nhi không chỉ có thế. Có những cuốn đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như cái chết, giới tính, sự cô đơn. Minh hoạ các chủ đề này rất khó vì các ý tưởng đều không dễ diễn tả. Là một hoạ sĩ và tác giả, tôi phải cẩn trọng về điều mình biểu lộ và cách mình biểu lộ với trẻ, bởi các em rất dễ bị ảnh hưởng.” Đối với anh, việc minh hoạ sách thiếu nhi cũng thách thức không kém việc minh hoạ sách cho người lớn, bởi các hình ảnh hiện lên trong tâm trí các em có thể sẽ được lưu giữ trong suốt phần đời còn lại. 

Minh hoạ cuốn "The Scar" bằng màu đỏ là một sự lựa chọn can đảm. Nó gợi ý cho các độc giả nhí biết rằng nỗi đau thương, ngoài những tông màu tối và trầm, ngoài màu xanh dương man mác, còn có màu đỏ dữ dội. Không có một mặc định nào khi đối diện nỗi đau: khi buồn, con có thể hét lên, có thể giận dữ, có thể thấy suy nghĩ và hành động của mình ầm ào bão tố. Con không cần đóng khung mình trong sự trầm buồn, lặng lẽ. Và như tấm ảnh cuối cùng, nếu cậu bé có thể nằm ngủ bình an giữa thực tại màu đỏ, giữa một giai đoạn khó khăn, thì con cũng sẽ làm được như vậy.

Post a Comment

2 Comments

  1. Sách hình như chưa có bên nào xuất bản và bán ở VN? cho mình hỏi nếu muốn đọc full (tiếng Việt) thì làm thế nào ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi bạn. Bạn đành phải đọc bản tiếng Anh nha. Bạn có thể đọc online ở link này (phải đăng nhập): https://archive.org/details/scar0000moun

      Delete