Những ngày cuối năm, màu đỏ giăng giăng mọi nẻo đường. Màu đỏ chứa đựng nguồn năng lượng hừng hừng, thường biểu trưng cho sự rực rỡ, nhiệt huyết, cho những thay đổi ngoạn mục. Những ai trầm lắng có lẽ sẽ thấy khó để “ở lâu” với màu đỏ, vì màu đỏ có khuynh hướng ập vào, cuồn cuộn xoáy mọi thứ xung quanh vào tâm của nó.
Trong thế giới của sách tranh, để biểu đạt hàm ý câu chuyện rõ ràng và gợi cảm nhất, các hoạ sĩ liên tục thử nghiệm với màu sắc. Trong quá trình này, họ không ngại lôi màu sắc ra khỏi chiếc lồng đóng khung các vai trò biểu đạt cố hữu, thổi vào luồng hơi thở sáng tạo để hồi sinh nơi chúng một ý nghĩa mới, cuộc đời mới.
Hôm nay chúng ta sẽ bàn về màu đỏ.
Trước tiên, ta thử nhìn vào màu đỏ trong thiên nhiên. Màu đỏ rất hiếm khi dàn trải mà có xu hướng hội tụ: trong hoa, trong quả, trong mảnh lá mùa thu; máu trong cơ thể, màu lông của một số loài vật như chim và cá; một thời khắc hoàng hôn ngắn ngủi… Màu đỏ không mênh mông và phủ khắp như xanh dương, xanh lá, hay nâu. Chiêm nghiệm này cho chúng ta một vài từ khoá về màu đỏ: cô đặc, nổi bật, cường độ mạnh.
Màu đỏ, như Michel Pastoureau viết trong cuốn sách về lịch sử màu sắc, là “màu đầu tiên,” nguyên thủy và mang tính biểu tượng nhất, trong hàng ngàn năm ở phương Tây được coi là “màu duy nhất xứng đáng với tên gọi.” Đây là màu cơ bản của tất cả các dân tộc cổ đại (và luôn là màu yêu thích của trẻ em trên khắp thế giới). Nó xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật xa xưa nhất, trong các bức vẽ trên hang động của các nhóm người săn bắt hái lượm từ hơn 30.000 năm trước. Máu và lửa (việc thuần hóa lửa là một thành tựu quan trọng của loài người) luôn luôn và ở mọi nơi được biểu thị bằng màu đỏ.
Vậy các hoạ sĩ sách tranh đã dùng màu đỏ để biểu thị cho điều gì? Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu màu đỏ trong cuốn "Những bông hoa bên vệ đường" (Sidewalk flowers) do nhà thơ JonArno Lawson sáng tác và hoạ sĩ Sydney Smith minh hoạ.

Đây là một cuốn sách tranh không lời, kể về chuyến dạo bước quanh thành phố của một cô bé đi cùng cha mình. Cô bé mặc chiếu áo khoác màu đỏ - một biểu tượng xuyên suốt của câu chuyện, trong khi hầu hết mọi thứ trên đường đều không màu: phố xá, dòng người, kể cả cha cô bé. Trên đoạn đường, đôi mắt cô bé bắt gặp những bông hoa bên vệ đường, trong đó có hoa bồ công anh, một sinh thể sống đang đung đưa nơi kẽ nứt vỉa hè. Một bông hoa dại kiên cường giữa thành phố mặc cho nỗ lực của xã hội hiện đại muốn thuần hoá mọi sự. Và chỉ cô bé nhìn được nét đẹp nhỏ bé, kiên cường này - bông hoa vì thế mà có màu sắc. Rồi theo sự chú ý của cô bé mà những sắc màu dần hiện ra: quả chanh vàng tại hàng rau quả, màu vàng đáng yêu của chiếc taxi, chiếc váy hoa của một cô gái tại trạm xe buýt.


Dọc nẻo đường về, cô bé hái một chùm hoa dại đủ màu. Rồi điều kỳ diệu xảy ra: từng chút một, thành phố trở nên ngập tràn sắc màu. Lá cây xanh xanh, bầu trời xanh xanh. Thế giới xung quanh biến đổi qua từng hành động giản dị mà tràn đầy sự chú ý của cô bé.
Những bông hoa được trao lần lượt cho một người vô gia cư, một chú chim vừa kết thúc quãng đời trần thế, chú chó hàng xóm, mái tóc của mẹ và em trai.
Phải chăng việc cô bé chú ý đến vẻ đẹp âm thầm trong khung cảnh tấp nập cũng chẳng có gì lạ? Bởi trẻ con luôn biết chú ý đến những thứ mà người lớn bỏ qua. Bởi người lớn dễ phân tâm và luôn vội vã.
Chiếc áo đỏ là một phương tiện chuyển tải ngụ ý rất hay. Màu đỏ chỉ xuất hiện trong những gì đang có sự sống, và sự sống đó phải đang ở giai đoạn cao trào nhất, khoẻ mạnh nhất, sôi nổi nhất. Đó cũng là điều ta thấy ở cô bé. Bằng sự kết nối trực tiếp và sống động với thế giới, dường như cô bé đang thì thầm với mọi sự vật rằng: TÔI ĐANG THẤY BẠN. BẠN HIỆN HỮU TRONG TÔI.
Màu đỏ là khởi nguồn của sự sống.
Khi mọi thứ chỉ đang tồn tại,
cô bé lại đang sống.
Sự chú ý chính là sự sống:
chỉ khi để ý đến những nhỏ bé thường hằng,
sự sống mới bắt nguồn trong ta.
Khi trong ta có sự sống, ta có sự chú ý. Bỗng hiện ra trước ta, quanh ta, là ý nghĩa lớn lao ẩn chứa trong sự hiện diện nhỏ bé, bình dị của mọi sự.


Nguồn ảnh: The Marginalian
0 Comments