Cứ cuối năm thì các trang báo như The New York Times, The Guardian hay NPR lại tổng hợp các tựa sách tranh hay nhất. Các danh sách này đều đáng tham khảo, được lấy từ ý kiến các chuyên gia và phóng viên tại toà báo.
Năm nay tụi mình gửi đến bạn một vài tựa trong danh sách của The Marginalian. Đây là trang của Maria Popova, nơi cô viết xuống các cảm nhận, chiêm nghiệm của mình trong quá trình đọc và sống. Tiêu chí đưa ra danh sách năm nay của cô được mô tả như sau:
"Lý do tôi đọc cũng giống như lý do tôi viết: để tường minh soi dò cuộc đời, để sống sâu sắc hơn. Một năm trôi qua, để biết tôi đã sống ra sao thì cứ xem tôi đọc những gì. Năm nay thì khác: những ngày tháng của nỗi đau khôn nguôi và cả sự chuyển hoá mạnh mẽ đã hợp nhất việc đọc và viết thành một hành động nhất quán đầy bất ngờ tại tiềm thức. Tôi bắt đầu viết ra lời tiên tri từ loài chim trong nỗ lực làm sáng tỏ nỗi hoang mang về việc sống, để sạc lại kho sinh quyển niềm tin về một thế giới hàn gắn hơn. Thói quen chiêm nghiệm mỗi ngày lấy bớt thời gian cho việc đọc, đặc biệt là đọc các cuốn mới. Ngôn từ trên trang giấy ngày càng lép vế trước thứ đức hạnh bị "thị trường hoá" ngày đêm mời gọi, trước những gợi ý nông cạn về sự phát triển bản thân. Tôi càng lúc càng tìm về những kho báu khả tín: chúng trường tồn qua cơn bão thời gian và thử thách lối đạo đức 'ăn xổi ở thì'. Trong một vài cuốn sách ít ỏi tôi đã đọc năm nay, dưới đây là những cuốn mà tôi sẽ còn trở đi trở lại nhiều lần để tìm chất liệu suy tư và sự trợ lực cho những năm sắp tới."
Mời bạn điểm qua các tựa sách mà Maria Popova đã đem lòng yêu mến, nâng niu - cũng là các tựa mà Đủng Đỉnh Đọc tìm thấy sự xác đáng và sâu rộng về chủ đề, câu chuyện và đặc biệt là cách các tác giả, hoạ sĩ đã diễn đạt chúng bằng sự hợp nhất của ngôn từ, hình ảnh.
1. THANK YOU EVERYTHING (CÁM ƠN TẤT THẢY MỌI ĐIỀU)
Tác giả cuốn sách là cặp nghệ sĩ Mayumi Otero và Raphael Urwiller, cùng cộng tác và lấy bút danh là Icinori. Họ đưa chúng ta ngao du trên chuyến hành trình của lòng biết ơn - vừa tĩnh tại lại vừa sống động, đi qua cả thế giới nội tại và ngoại tại. Cảm hứng của cuốn sách khởi phát từ ý niệm tsuumogami của Nhật Bản: thứ tâm hồn, hay linh hồn mà một sự vật vô tri sẽ có được nếu chúng hiện diện và phụng sự cho thế gian một trăm năm.
Từ những bức ảnh đầu tiên về niềm vui thích - “cám ơn, màu xanh”; “cám ơn, buổi sáng”; “cám ơn, ly nước thuỷ tinh”, dần hình thành một câu chuyện vừa trừu tượng lại vừa cụ thể.
Ta khởi sự một ngày với lòng biết ơn, rồi từ đó bước vào chuyến phiêu lưu bí ẩn. Mỗi bước đi là một lần cúi đầu. Nhân vật di chuyển qua bao thành phố và khung cảnh, cám ơn mỗi điều lớn nhỏ bắt gặp trên đường: là xe đạp, xe buýt hay máy bay; là trời, là mây hay là suối; là đêm giăng hay sương phủ; là ống nhòm hay chim chóc; là sâu bướm hay lá cây; là xuân sang hay im lặng.
2. SOMETHING ABOUT THE SKY ( MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VỀ BẦU TRỜI)
Rachel Carson là tác giả cuốn Mùa xuân im lặng – cuốn sách khởi nguồn cho tư tưởng đạo đức tiến bộ về sinh thái học hiện đại. Bà được chương trình truyền hình Omnibus đặt hàng để viết “một điều gì đó về bầu trời” theo yêu cầu của một khán giả nhí. Sau này, hoạ sĩ Nikki McClure bắt gặp một vài mẩu nhỏ trong kịch bản tưởng đã rơi vào quên lãng của Carson trong tạp chí Orion, từ đó yêu mến nội dung và đi tìm lại toàn bộ kịch bản. Cuốn “Something about the Sky” đã ra đời như thế.
Bản thân Carson, dù là một nhà khoa học nhưng cũng sớm phát lộ năng khiếu văn chương từ thuở nhỏ với một ấn phẩm truyện kèm tranh minh hoạ cho trẻ em được đăng trên tạp chí. Bà tin rằng không ai có thể viết hay về thiên nhiên mà “bỏ quên tính thơ”. Dường như với bà, sự thật (Chân) và cái đẹp (Mĩ) không những không đối lập mà còn bù đắp cho nhau. Viết về khoa học bằng một lối viết đẹp không làm lung lay tính tin cậy của thông tin; ngược lại, nó làm cho thông tin có chiều sâu hơn. Đây cũng chính là phong cách viết của bà trong cuốn sách.
Hoạ sĩ McClure đã minh hoạ cuốn sách bằng nghệ thuật cắt giấy độc đáo, làm bật lên sự tương phản rõ rệt và đường viền sắc nét. Bà dùng loại giấy lưu trữ từ chuyến đi Nhật Bản và loại mực sumi giúp bà đi cọ thật tự do. Nét vẽ của bà vì vậy thả theo trọng lực, chất màu nước hoà vào nhau làm mờ các sắc xanh lam và đen. Thử nghiệm này giúp bà diễn tả thành công sự mềm mại của bầu trời. Bà chia sẻ rằng “Tờ giấy và tôi đã trò chuyện về điều có thể xảy ra”. Và kết quả là những trang minh hoạ thật nên thơ và cá tính, thể hiện đúng tinh thần văn bản của Rachel Carson.


3. KAMAU & ZUZU FIND A WAY (KAMAU & ZUZU TÌM ĐƯỜNG SỐNG)
Nhà thơ Aracelis Girmay và hoạ sĩ Diana Ejaita đã mang đến câu chuyện hiện thực huyền ảo với nỗ lực đi sâu vào những câu hỏi hiện sinh cốt yếu. Người bà và cậu bé thức giấc một sáng nọ và nhận ra mình đang ở mặt trăng. Giữa sự khốn đốn trên trời rớt xuống, họ không ngừng cố gắng để biến nơi đây thành nhà. Điều bật lên sáng nhất là ý chí sắt đá muốn sống một quãng đời trù phú giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, là lòng quyết tâm chiến thắng nghịch cảnh bằng bản lĩnh duyên dáng.
Như Victor Frank đã viết: “Mọi thứ đều có thể bị tước đoạt khỏi con người trừ một thứ: quyền tự do lựa chọn thái độ khi phải đối diện với bất kì hoàn cảnh nào”, cậu bé đã vươn mình lớn lên, học cách để trồng trọt, hát ca, nhìn ngắm bà nhảy múa. Còn bà thì nói với mặt đất: “Chào nhé, người chị em tôi”, và ấn vào lòng đất một hạt bắp, rồi mọi thứ từ từ nảy nầm và lớn mạnh.
Trên Trái đất quê hương, mọi người nháo nhào tìm kiếm hai bà cháu. Ngày nọ, một lá thư xuất hiện trong túi người cha, báo tin rằng Kamau và Zuzu đang an toàn trên mặt trăng. Sau niềm vui khôn xiết, cả nhà bối rối không biết làm sao để gửi thư hồi âm. Chị gái Kamau nảy ra một ý tưởng tuyệt vời: cô đạp xe đến đại dương để lần tìm mối quan hệ vĩnh cửu giữa mặt trăng và thuỷ triều. Cô viết lá thư trên cát và gửi dòng nước mang đến cho em trai.
4. THERE'S A GHOST IN THE GARDEN (TRONG VƯỜN CÓ MỘT BÓNG MA)
Trẻ em dễ nghĩ đến ma vì trong các em đầy tràn trí tưởng tượng. Nơi thế giới bao la và lạ lùng với vô số điều chưa biết, tưởng tượng là cách em đi tìm câu trả lời; lạ thay, đó thường là các câu trả lời độc đáo, diệu kì và logic theo cách riêng. Tác giả Kyo Maclear và hoạ sĩ Katty Maurey đã mang trí tưởng tượng của trẻ em vào hành trình tìm hiểu về tình yêu và sự mất mát, bằng câu chuyện về cậu bé tin rằng có một con ma trong khu vườn của ông mình.
Đó là một con ma tinh quái và thân thiện: nó đập đổ chậu hoa, để lại những món quà nhỏ trong tổ chim và dấu vết trên con đường mà trước đây từng là một dòng suối mát và tăm tối. Lần theo nguồn gốc của con ma, cậu bé khám phá ra rằng ông mình cũng từng sống một tuổi thơ. Trong hình hài già nua là bóng ma của một cậu bé từng có bao mộng tưởng và nỗi sợ; cậu từng chơi đùa trong ánh mặt trời óng ánh và bơi trong dòng suối mà ngày nay chỉ còn là lối đi khô cạn.
Bóng ma ở đây ám chỉ đến sự lãng quên những người đã xa lìa chúng ta, những phần nội tại mà mỗi người đã bỏ lại phía sau. Đó là một dạng của cái chết, nhưng ta luôn có thể tìm về chúng qua kí ức và tình yêu – hai điều đã đan dệt nên tấm lưới kết nối ta với mọi điều đẹp đẽ và bền bỉ trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung.
5. THE DICTIONARY STORY (CÂU CHUYỆN CỦA TỪ ĐIỂN)
Để đạt đến cái tôi cao cả, chúng ta phải đi qua cơ số khủng hoảng để có được sự thấu suốt về bản thân. Đó là cơ hội để chúng ta làm mới cuộc đời mình, buông bỏ điều cũ và đón nhận điều mới phù hợp với một tầng nhận thức đã sang trang. Đây là một công việc khó khăn mà cuốn từ điển – nhân vật chính trong cuốn sách, phải trải qua.
Tác giả Sam Winston và hoạ sĩ Oliver Jeffers đã làm hành trình đi qua khủng hoảng này có nét thật nghịch ngợm và tươi sáng. Câu chuyện phảng phất nét ngụ ngôn về khát khao có được sự nhất quán nội tâm và sự chấp nhận bản thân, đồng thời cũng là bức thư tình dành tặng ngôn ngữ - được truyền tải qua nét vẽ tươi vui và nét chữ viết tay của Oliver, cùng các chi tiết lắp ghép lí thú của Sam.
Câu chuyện bắt đầu trên giá sách, nơi mà “các cuốn sách đều biết mình nói về điều gì”, ngoại trừ một cuốn duy nhất: từ điển. Bởi cô chứa đựng “tất cả các từ từng được đọc qua, có nghĩa rằng cô có thể nói về tất cả mọi thứ từng được nói ra”. Từ điển vì vậy mà luôn chông chênh về bản thân. Nguyên tắc sống của cô không phải là logic mạch lạc, mà là trật tự của bảng chữ cái. Các từ trong cô không tạo nên câu chuyện mà là một danh sách.
Thế là xảy ra cuộc hỗn loạn vui vẻ khi các từ ngữ sống dậy và cố nhập vai – một con ma, một đám mây, một lốc xoáy, một mặt trăng, trong câu chuyện rắc rối mà cả đám đang viết ra. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuốn từ điển ngày càng hoảng loạn khi mọi thứ dần mất kiểm soát. Đột nhiên, tính trật tự trong bản tính tự nhiên của cô trở nên sáng giá; nó có ích gấp nhiều lần khi đặt cạnh mớ bòng bong mà các nhân vật đã tạo ra vì các mong muốn mâu thuẫn lẫn nhau.


0 Comments