Vì sao cha mẹ nên “kể chuyện thuộc lòng” cho trẻ mầm non?



Mother and Child by Gustav Klimt

Khi trẻ vừa giáng thế, tâm hồn thuần khiết của con xứng đáng được thẩm thấu những điều chân thực, đúng đắn. Vậy mà ngày nay, bao vây trẻ là hàng loạt âm thanh phát ra từ các thiết bị điện tử, tiếng nói do AI tạo ra, thoại hoạt hình vô hồn. Nếu phải nghe các tiếng này quá thường xuyên từ khi nhận thức còn non nớt, trẻ sẽ không còn nhạy cảm với “lời nói giả” và “lời nói thật”.

Lời nói là món quà thiêng liêng nhất mà Tạo hoá đã ban cho con người. Lời nói là biểu hiện của phần tư duy và cái tôi cao mà chỉ con người mới có. Bởi vậy, không cho trẻ được nghe tiếng nói lành mạnh, không khác nào tước đi một thứ quyền căn bản của trẻ.
Kể chuyện thuộc lòng là một cách để cha mẹ truyền cho trẻ cảm nhận về “lời nói chân thật” một cách mạnh mẽ, sống động. Nếu từ “by heart” hiểu nôm na là “bằng trái tim”, thì dịch thuần Việt là “thuộc lòng”, “nằm lòng”. Khi câu chuyện đã nằm trong tim, trong lòng cha mẹ, thì câu chuyện ấy sẽ mang đến trẻ sức ảnh hưởng đặc biệt.
Dưới đây, Đủng Đỉnh Đọc sẽ đưa ra ba lí do giải thích tầm quan trọng của hoạt động “kể chuyện thuộc lòng”.
1. Trẻ được phát triển “inner picturing” - tạo ra hình ảnh bên trong
Khi cha mẹ có sự kết nối với câu chuyện đến mức có thể tự kể ra trôi chảy, có nghĩa rằng các hình ảnh tưởng tượng trong cha mẹ về câu chuyện đã hết sức sống động. Các hình ảnh ấy được truyền sang con thông qua lời kể, như dưỡng chất giúp phát triển trong con khả năng tưởng tượng và mối tương quan giữa hình ảnh - ngôn ngữ.
Ngược lại, nếu cha mẹ không hình dung được hình ảnh của câu chuyện trong đầu mà chỉ “chạy chữ”, thì những gì truyền đến con sẽ chỉ là sự ghép lại của từ.
2. Tông giọng khi “kể chuyện thuộc lòng” ảnh hưởng đến cách con cảm nhận thế giới
Trẻ mầm non cần cảm nhận rằng: thế giới này là tốt đẹp; từ đó ngay trong tiềm thức con mới hình thành mong muốn gắn bó với thế giới này.
Tông giọng của người kể tạo ra bầu không khí của không gian xung quanh con. Khi cha mẹ kể chuyện với tông giọng ấm áp, ôn tồn, thoáng qua nét thông thái, con cảm nhận được cái thiện, cái đẹp trong tâm hồn của người kể, và trong chính thế giới mình đang sống. Giọng kể ấy bao bọc con trong không gian an toàn, nuôi dưỡng thính giác, cùng khả năng lắng nghe chính mình và người khác.
3. Trẻ biết lắng nghe sâu
Khi tâm trí chìm đắm trong lời truyện, lời thơ mà cha mẹ kể, con sẽ không chỉ nghe bằng tai, bằng đầu, mà bằng cả cơ thể mình. Đặc biệt những lời nói có vần điệu nhịp nhàng sẽ cho con nhịp điệu ngay trong cơ thể, phản ánh qua nhịp thở và nhịp tim.
Lắng nghe sâu còn ảnh hưởng đến cách con lắng nghe lời nói của người khác khi lớn lên: con không chỉ nghe bằng đầu óc và nắm bắt nội dung, mà còn thấu được những điều tuy thuộc về lời nói nhưng vô hình: chủ ý của người nói và những hàm ý bộc lộ qua lời nói.
Còn nhiều lợi ích khác mà cha mẹ sẽ khám phá được khi “kể chuyện thuộc lòng” cho con. Ai từng làm rồi thì chia sẻ với Đủng Đỉnh Đọc nhé.

Post a Comment

0 Comments