Tác giả: Meghan Cox Gurdon
Cô Gurdon là nhà báo chuyên trang mục The Journal’s “Children’s Books”. Bài viết dưới đây được trích ra từ quyển sách mới của cô tên là “The Enchanted Hour: The Miraculous Power of Reading Aloud in the Age of Distraction” (tạm dịch: Những giờ thần diệu: Sức mạnh kỳ diệu của việc đọc to sách cho trẻ em nghe trong thời buổi có nhiều điều gây phân tán tập trung), do nhà xuất bản HarperCollins ấn hành.
Bài viết này cũng được đăng trên Wall Street Journal vào ngày 19 tháng 1, 2019
...
Ngay từ lúc chỉ là trẻ sơ sinh, các em bé đã nhận được những nhận thức sâu sắc cũng như những lợi ích về cách ứng xử khi được đọc cho nghe một câu chuyện với những minh họa sống động.
Hàng triệu người - có lẽ bạn là một trong số đó - đã từng xem một video về một bà cụ người Scotland cười nghiêng ngả khi đọc truyện cho đứa cháu nhỏ. Trên chiếc ghế sofa êm ái cùng với đứa cháu nhỏ, bà Janice Clark cười không ngớt khi đọc cuốn The Wonky Donkey. Chỉ vài tháng sau đó, bà lại quay tiếp một đoạn video đọc sách cho cháu, lần này là cuốn I Need a New Bum.
Tiếng cười rinh rích của bà nghe thật tuyệt và trông điệu bộ của bà siêu hài hước, nhưng điểm sáng nhất của các video này chính là những điều đã xảy ra với cậu bé. Nằm yên trong vòng tay bà, em hoàn toàn bị cuốn hút bởi cuốn sách. Trong đoạn video thứ hai, vì em đã lớn hơn một chút, bạn có thể thấy em đã bắt đầu biết dõi theo các hình minh họa, đôi mắt mở to mỗi khi bà lật sang trang sách mới. Cậu bé chẳng quan tâm đến chiếc máy quay ngay trước mặt, mà đôi mắt chỉ chăm chú nhìn những bức tranh.
Những điều đã diễn ra với cậu bé, vừa rõ ràng lại vừa kì diệu. Một cụ bà cười chảy nước mắt khi đọc truyện cho đứa cháu nhỏ, và cậu bé hoàn toàn nhập tâm, bị cuốn hút vào quyển sách ấy. Có một điều kì diệu ẩn chứa trong sự phát triển não bộ của đứa trẻ. Ở đó, sự ấm áp từ giọng nói, hơi ấm gần gũi của người bà và đặc biệt nhất, những hình ảnh minh họa đọng lại trong tâm trí cậu, làm cho cậu say sưa nhìn ngắm. Tất cả, đều có tác động đến mạng lưới nhận thức sâu sắc của cậu bé.
Điều mà cậu bé và cả người xem video không thể nhận thức được, chính là sự liên kết và đồng bộ hóa các miền trong bộ não của em:
(1)tiểu não, nơi có hình dạng san hô nằm ở đáy hộp sọ, có vai trò hỗ trợ kĩ năng sàng lọc;
(2) mạng chế độ mặc định (DMN), nơi thực hiện những quá trình định hướng nội bộ như hướng nội, sáng tạo và nhận thức;
(3)mạng lưới hình ảnh trực quan, bao gồm các khu vực về phần nhìn ở bậc cao và trí nhớ, đồng thời là công cụ của não bộ giúp con người nhìn các bức tranh; mạng lưới của ngữ nghĩa, nơi não bộ rút ra được ý nghĩa của ngôn ngữ;
(4)và mạng lưới nhận thức trực quan, hỗ trợ xử lý các kích thích thị giác.
Tất cả đều diễn ra chính xác khi con người cần đến, quá trình này bắt đầu từ rất sớm. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, bộ não của đứa trẻ tăng gấp đôi kích thước. Vào năm thứ hai, các khớp thần kinh được hình thành cho ngôn ngữ cùng nhiều chức năng nhận thức bậc cao khác. Và ngay khi đứa trẻ tròn năm tuổi, “chủ nhân của đoạn video hiện tượng” sẽ trải qua các giai đoạn phát triển đến ngôn ngữ, kiểm soát cảm xúc, tầm nhìn, thị giác, thính giác và phản xạ theo thói quen. Những trải nghiệm đầu tiên các em bé có được, cùng hệ thống dây thần kinh tạo ra các nơ-ron, sẽ giúp kiến thiết não bộ, mở ra con đường cho những suy nghĩ và trí tưởng tượng trong tương lai.
Tạm gác lại hiện tượng mạng xã hội về cậu bé người Scotland sang một bên, những phát hiện giá trị về nhận thức và hành vi có thể nói cho chúng ta nghe về ánh nhìn của một đứa bé và sức mạnh chủ động của một cuốn sách ảnh. Các bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Đọc Viết Trẻ em ở thành phố Cincinnati (Cincinnati Children’s Reading and Literacy Discovery Center) đã dùng máy quét MRI để nghiên cứu những vấn đề này, và họ đã tìm ra câu trả lời với một cụm từ hoa mĩ: Hiệu ứng Goldilocks (The Goldilocks Effect).
Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện năm 2018 về 27 đứa trẻ có độ tuổi từ 4 tuổi, các nhà nghiên cứu quan sát cách bộ não phản ứng với các kích thích khác nhau. Như bát ngũ cốc đầu tiên Goldilocks tìm thấy ở nhà của Ba chú gấu, âm thanh của người kể chuyện có vẻ “lạnh lùng” và chưa đủ truyền cảm để thu hút sự chú ý của hệ thống não bộ của những đứa trẻ. Đến bát thứ hai, phim hoạt hình chúng thấy trên TV hay máy tính bảng lại có vẻ “quá nóng”. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và dồn dập để những đứa trẻ có thể tương tác với những gì chúng thấy. Não bộ của những đứa trẻ nhỏ không gặp khó khăn trong việc tiếp nhận những bức ảnh có độ sáng, có sự chuyển động nhanh, theo như kinh nghiệm và kết quả scan MRI. Tuy nhiên, sự dồn dập và liên tục của hoạt hình không để trẻ có đủ thời gian để hình thành nhận thức sâu sắc hơn.
Như việc Goldilocks thở phào nhẹ nhõm khi cô múc muỗng ngũ cốc thứ ba và nghĩ rằng đây là “hành động đúng”, thì một đứa trẻ cũng có cảm giác tương tự khi đọc một cuốn sách ảnh. Việc đoán xem những đứa bé ấy đang nhìn ai và nghe thấy gì chính là một thách thức khá thú vị. Đó chính là khoảng thời gian để suy ngẫm những tác động mà một câu chuyện đã để lại cho cuộc đời của đứa trẻ - sự chuyển đổi giản đơn như chớp mắt khi chúng nhìn thấy một con lừa thật và lập tức liên tưởng đến cụm từ đầy nhịp điệu “honky tonky, winky wonky donkey” trong cuốn sách tranh của tác giả Craig Smith (mà chúng ta nghe thấy trong đoạn video về người bà Scotland đọc cho cháu). Sự tương tác của một đứa trẻ đối với câu chuyện rất quan trọng và hiệu quả. Việc đọc to nội dung sách sẽ “kích thích mô hình phát triển trí não tối ưu”, như nhan đề một bài báo năm 2014 của tờ American Academy of Pediatrics. Bài báo này cho biết: củng cố thêm liên kết thần kinh sẽ giúp đứa trẻ có khả năng xử lí những câu chuyện phức tạp hơn khi chúng lớn lên.
Phần lớn bí mật diệu kì đằng sau việc đọc to chính là đôi mắt phải chăm chú với ánh nhìn say mê. Đọc một cuốn sách với người lớn, một đứa trẻ sẽ tăng thêm khả năng “chú ý và tương tác” - chú ý việc người lớn làm và dõi theo ánh mắt của họ. Hiện tượng này tạo ra một sức mạnh tiềm tàng ở trẻ em. Nó khuyến khích sự phát triển của chức năng điều hành, một loạt các kĩ năng bao gồm kĩ năng ghi nhớ chi tiết và tập trung. Trẻ con “học cách điều chỉnh sự chú ý một cách tự nhiên khi chúng đang tập trung vào một nhiệm vụ mà chúng thấy thú vị, trong điều kiện được nuôi dưỡng, chở che và nhận được sự phản hồi từ người lớn”, trích lời David Dickenson và cộng sự từ trường Đại học Vanderbilt trong bài viết kết luận những giá trị phong phú thu được từ việc đọc to.
Ngược lại, các chương trình truyền hình với tốc độ nhanh lại làm giảm chức năng điều hành ở trẻ nhỏ sau ít nhất chín phút xem. Đây cũng không phải là nhược điểm duy nhất của các thiết bị liên quan đến công nghệ. Những đứa trẻ thường dõi theo người lớn để xem chúng ta đang nhìn đi đâu, vậy nên khi chúng ta dán mắt vào một thiết bị điện tử, thì đó cũng là thứ thu hút ánh nhìn của con trẻ. Những gì trẻ con thấy có thể không phải là những gì chúng ta muốn chúng thấy. Nhà tâm lí học Catherine Steiner-Adair từng viết: “Các em bé thường tìm đến cha mẹ mỗi khi chúng buồn hay sợ hãi, nhưng cha mẹ lại không quan tâm đến chúng. Các nghiên cứu cho rằng trẻ con thường đặc biệt bị nhiễu loạn bởi những trạng thái “không cảm xúc” và vô tình của người mẹ, thứ cảm xúc ta có thể đã từng bắt gặp trên gương mặt vô hồn của một người trông trẻ, nhưng giờ đây lại làm điều tương tự với con mình khi cúi gằm mặt xuống để nhắn tin, nhìn đi chỗ khác khi nói chuyện điện thoại hoặc chăm chăm vào màn hình máy tính khi lên mạng.”
Dù biết rằng ông bà và cha mẹ thi thoảng buộc phải sử dụng các thiết bị di động, nhưng cân bằng thời gian ấy với thời gian tương tác, chơi đùa cùng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ quan trọng hơn. Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Cambridge, Việc giao tiếp bằng mắt với trẻ khi đọc sách, tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang đến sự đồng bộ hóa sóng não giữa đứa bé và người lớn. Các em bé trong nghiên cứu trên phát âm nhiều hơn khi chúng được giao tiếp với người lớn. Đây chính là khởi đầu sớm cho việc học ngôn ngữ. Việc đọc một cuốn sách ảnh cho trẻ con mang lại lợi ích nhân đôi: giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị di động và tăng thêm hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng hệ thống kĩ năng và phát triển não bộ. Đây là một cách hoàn hảo để đảm bảo rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhận được những gì tốt nhất từ việc nhìn thấy: những bức tranh tuyệt với từ các cuốn sách và gương mặt đầy cảm xúc của người lớn.
Người dịch: Cô (cựu) thủ thư Linh
1 Comments
The Best Slots | Casino Roll
ReplyDeleteThe gri-go.com best slots at Casino Roll. nba매니아 If you love table 바카라 사이트 games, 바카라 사이트 to play blackjack, you have to bet https://febcasino.com/review/merit-casino/ twice for the dealer to win. The dealer must