Nuôi dưỡng một em bé mê đọc sách trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh và máy tính bảng

Bài viết này của tác giả Donna Ferguson, đăng trên tờ The Guardian ngày 01/03/2020. Tác giả trình bày những cách rất thú vị và hữu ích, thực tế để nuôi dạy con trở thành một người mê đọc sách. Mời các bạn cùng theo dõi hành trình cô Donna làm cho con quen dần với ngôn ngữ, khơi dậy ham muốn khám phá sách và rèn luyện thói quen đọc cho con. Cuối bài, cô Donna sẽ chia sẻ tóm tắt 6 cách để duy trì và giúp con thích đọc sách.

Bài viết được dịch bởi tình nguyện viên Thu Hằng và hiệu đính bởi cô thủ thư Q. Cảm ơn chị Hằng vì sự cộng tác nhiệt tình với một bài viết siêu dài và rất hay này.

Sau đây mời mọi người cùng đọc!

...............

Ngày nay, phần lớn trẻ em đều yêu thích các thiết bị điện tử hơn sách giấy nhưng cha mẹ vẫn có thể nuôi dưỡng các em trở thành một người mê đọc từ tấm bé, như câu chuyện tôi chia sẻ dưới đây.

Flora - cô con gái 8 tuổi của tôi là một em bé mê đọc sách. Con đọc sách ở bất cứ đâu: trong nhà tắm, bên bàn ăn, hay khi trốn trong chăn, chong đèn lên vào lúc 9 giờ tối. Theo như tôi nhớ, phải có đến hai lần con bị ngã khi vừa đi vừa đọc sách trên vỉa hè. “Con KHÔNG HỀ HẤN GÌ mà mẹ,” con bé dõng dạc bảo sau cái lần đầu tiên bị hết hồn va vào cột đèn mà không để ý và tiếp tục đi theo chân mẹ.

Năm nay ngày Sách Thế Giới diễn ra ở chỗ tôi vào thứ Năm (ngày 2 tháng 4). Đó là một sự kiện để khuyến khích trẻ em ở khắp mọi nơi tham gia các hoạt động tôn vinh sách và nuôi dưỡng niềm hứng khởi khi đọc. Chủ đề của sự kiện này vào năm nay là niềm vui thích khi chia sẻ những câu chuyện với người khác, nhưng khi nghĩ đến đấy, tôi lại thấy buồn vì vấn đề này đã trở nên cấp thiết - và việc người lớn ngạc nhiên ra sao khi họ thấy Flora say mê đọc sách nơi công cộng.

Flora và chồng sách của con bé.


Chẳng hạn, khi con đọc sách trong nhà hàng, phục vụ tại đây nói với tôi rằng họ hiếm khi thấy một đứa trẻ say sưa đọc sách, thay vì dán mắt vào màn hình điện thoại. Tại những cửa hàng nhỏ, con thường nép mình vào một góc để đọc - và rồi, khi tôi gọi tìm con, những người nhân viên sẽ ngắt lời và cầu xin tôi đừng làm phiền bé. “Nhìn kìa, con bé đang đọc sách,” họ thì thầm vào tai tôi, đầy ngạc nhiên, như thể tôi chẳng hề thấy những gì đang xảy ra.

Ban đầu, tôi thấy điều này khá lạ. Dường như việc Flora làm hoàn toàn bình thường với tôi - có lẽ bởi tôi là một cô bé mê đọc sách, từ nhỏ vào những năm 1980s. Tôi, cũng từng có một ngọn đèn để đọc sách trong đêm và biết cách dùng nó - và cũng vài lần va phải cột đèn. Giống như Flora, tôi có thể đắm mình trong một cuốn sách và quên tuốt tuột mọi thứ xung quanh mình. Với tôi việc này chẳng cần nỗ lực gì nhiều, đầy diệu kỳ, và vào thời tôi còn bé, chuyện này cũng chẳng mấy đặc biệt. Một khảo sát về thói quen đọc sách ở trẻ nhỏ tại Anh từ năm 1977 chỉ ra 75% các bé trong độ tuổi từ 10 đến 14 tự nguyện đọc sách để giải trí. Năm 1999, khi tôi gần qua hết thời niên thiếu, con số này đã đạt tới 79%.

Nhưng chuyện giờ đã khác. Khi Flora đọc sách ở nơi công cộng, con thường thu hút ánh nhìn từ mọi người xung quanh. Hè năm ngoái, nơi công viên, một người phụ nữ lớn tuổi tiến lại gần chỗ chúng tôi khi bà thấy Flora chăm chú đọc sách trong gần nửa giờ đồng hồ. “Ngày nay mấy khi còn được thấy cảnh này nữa đâu nào, ,” bà thốt lên, trong niềm hạnh phúc. “Vậy mà tôi cứ nghĩ là bọn trẻ đâu còn thích đọc sách nữa.”

Dường như số lượng những đứa bé ham đọc như Flora đã dần trở nên hiếm có. Tại Anh, một nghiên cứu của tổ chức National Literacy Trust đăng trên tờ Observer (Người quan sát) cho biết, năm 2019 chỉ có 53% trẻ em tự nguyện đọc sách để giải trí, như vậy là đã sụt giảm so với kết quả thống kê 59% trong năm 2016. Chỉ có 25% các em nhỏ vẫn đọc sách hằng ngày, trong khi vào năm 2015, số lượng là 43%. Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra phần lớn trẻ em ở mọi độ tuổi bây giờ đều yêu thích các thiết bị điện tử hơn là sách.

Vậy làm sao để nuôi dưỡng một em bé ham đọc trong năm 2020 này? Cá nhân tôi bắt đầu bằng việc ưu tiên việc đọc các sách mà mình thích. Trong khi chồng tôi chẳng nề hà việc đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách hàng đêm cho con, tôi lại thấy nó sao quá đơn điệu. Thay vì thế, tôi lùng khắp các cửa hàng từ thiện hay hội chợ trong trường học và lập ra một danh sách dài những cuốn sách tranh mà thật lòng tôi muốn con đọc - một danh sách kết hợp giữa sách bán chạy và sách kinh điển. Khi đó, tôi bắt đầu để tâm về một mẫu số chung.

Hầu hết các sách tranh đều xoay quanh toàn về các nhân vật nam giới. Hiếm khi tôi bắt gặp nữ anh hùng - càng hiếm gặp nhân vật nữ trong vai kẻ thù hay kẻ săn mồi. Thậm chí ngay cả với các quyển sách mới được xuất bản trong thời gian gần đây, các nhân vật vẫn chủ yếu là nam, nhất là khi nhân vật ấy đầy sức mạnh, quyền lực. Trong sách thì các nhân vật nam cũng có nhiều đất để bày tỏ, đối thoại, lên tiếng nhiều hơn.

Thực ra thì tôi vốn định bụng sẽ thực hiện một nghiên cứu đàng hoàng về chủ đề này, đầu tiên là cho tờ Observer và sau đó là tờ Guardian. Nhưng lúc đó, tôi lại quyết định rằng mình chỉ cần thay đổi tất cả các ngôi đại từ nhân xưng trong các cuốn sách của con. Bất ngờ chưa! Tôi chỉ cần một cây bút để thực hiện việc này, vì vậy bất cứ ai đọc sách cho Flora cũng sẽ đọc theo cách này.

Hóa ra cách ấy mang lại một hiệu quả thật đáng nể. Tới tận bây giờ, mỗi khi Flora sáng tạo nên những câu chuyện của riêng mình, thì các nhân vật robot, khủng long và sói của con luôn mang giới tính nữ. Con viết ra những trang truyện về các nữ anh hùng đầy dũng cảm trong các cuộc phiêu lưu và chiến đấu với những nữ kẻ thù đáng gờm. Trí tưởng tượng của Flora không hề bị ngăn cản bởi giới tính: con viết ra những câu chuyện mà con đã đọc.

Tôi cực kỳ tin rằng việc hoán đổi giới tính trong những cuốn sách vốn toàn nhân vật nam đã giúp con (nhất là khi con còn nhỏ) thấy thích thú việc đọc hơn vì con dễ dàng thấy mình trong đó và đồng cảm hơn với những nhân vật chính. Không giống như những đứa trẻ khác, con chẳng có cuốn sách yêu thích đặc biệt nào cả. Thay vì yêu cầu “đọc lại thêm lần nữa đi”, con lại thường xuyên nằn nì “đọc thêm quyển khác nữa đi”.

Khi ở tuổi lên 3, chúng tôi gợi ý cho con tự “đọc” sách tranh khi thức dậy, với hy vọng rằng nhờ đó mà bố mẹ có thể ngủ nướng thêm một tí đến sau 6 giờ sáng. Không thể ngờ được rằng vậy mà cách này hiệu nghiệm! Tất nhiên, lúc đó con không biết đọc nhưng Flora thích chắp ghép các mẩu chuyện mà con nhận biết được từ những bức tranh con thích mê tơi. Từ đó, trong con nhen nhóm lên một khao khát hiểu được ngôn từ - tức là năng lực con có thể tự đọc mọi thứ.

Để khuyến khích con, tôi đã tải về chiếc điện thoại smartphone cũ những cuốn sách nói kinh điển mà tôi yêu thích khi còn nhỏ, như Winne-the-Pooh The Secret Garden (Khu vườn bí mật). Khi ở nhà hay rong ruổi những chuyến đi chơi xa bằng ô tô, chúng tôi sẽ cùng nghe sách và say mê tận hưởng cùng nhau. Lần tải thành công nhất là cuốn The Enchanted Wood (Khu rừng mê hoặc), tập đầu tiên trong series Faraway Tree của nhà văn Enid Blyton, lúc đó Flora lên 4 tuổi. Con có lẽ đã nghe nó tới ít nhất 10 lần. Tôi thì nhanh chóng chán ngấy Blyton, và giới thiệu cho con về tác giả Roald Dahl, rồi Edith Nesbit và Richmal Crompton.

Tôi đã khám phá ra LibriVox - sách nói cho phép tải miễn phí những cuốn không có bản quyền như Heidi. Ngay cả khi có một vài quyển được sáng tác từ hơn một thế kỷ trước thì việc con không hiểu hết mọi từ ngữ trong truyện cũng không phải là một vấn đề gì to tát. Nội dung, giọng điệu và biểu cảm trong sách giúp con có nắm bắt được về truyện.

Chúng tôi cũng đọc cho con hàng đêm, lui tới thăm đi thăm lại thế giới của My Naughty Little Sister (Em gái nghịch ngợm của tôi), chuyện về chú cá sấu Alfie, chú voi Elmer và Milly-Molly-Mandy và bao gồm mọi thứ minh hoạ bởi hoạ sĩ truyện tranh Quentin Blake, tác giả Jane Hissey và nhà văn - nhà biên kịch Julia Donaldson.

Cho tới khi Flora bắt đầu học đọc ở trường, con đã có một vốn từ rộng và hiểu biết sâu sắc về cốt truyện. Việc này khiến quá trình học đọc trở nên dễ dàng hơn. Khi con gặp khó khăn, tôi bảo con rằng việc có thể đọc được giống như con có một chiếc chìa khoá diệu kỳ - nó giúp con mở cánh cửa tới thế giới mới - và tôi cho là con đã hiểu những điều tôi nói. Thay vì chỉ tập đọc to lên các dòng chữ, con bé tự thu âm “sách nói” và nghe lại chúng, dùng ngón tay non nớt di theo từng dòng chữ. Dường như việc đọc trở nên thú vị hơn với con bé.

Năm con hoàn tất lớp vỡ lòng, tôi đã mua tặng con cuốn sách vui nhộn Frog and Toad Treasury của tác giả Arnold Lobel và khuyến khích con đọc to hết các câu chuyện vào cuối mùa hè. Flora đã thật tự hào về bản thân khi con hoàn thiện thử thách đó.

Tháng 9 năm đó, tôi đi được một bước xa hơn khi dừng mọi chương trình TV, ngoại trừ Newsround (Bản tin) và các phim ảnh thông thường. Tôi cũng cấm con sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng, ngoại trừ việc dùng chúng nghe sách nói. Tôi đã cố gắng để đảm bảo rằng con bé có những khoảng thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày, để không bị lấp đầy bởi các hoạt động sau giờ học. Sau đó tôi mua cuốn The Enchanted Wood (Khu rừng mê hoặc) và chờ cho đến khi con không thể nào không thốt ra câu: “Mẹ ơi, con thấy chán quá!”. Khi lời thỉnh cầu xuất hiện, tôi bèn đưa con cuốn sách, hy vọng sự gần gũi của câu chuyện mà con đã từng nghe sẽ giúp con bớt e dè khi đọc sách truyện nhiều chương.

Chuyện này giống như việc thắp một que diêm sáng lên vậy. Ở tuổi lên 5, con đọc say sưa trong yên lặng. Con có niềm say mê đặc biệt với tác giả Blyton. May sao ở những cửa hàng từ thiện, giảm giá luôn đầy sách của tác giả này.

Chúng tôi bắt đầu kè kè mang theo sách tới bất cứ đâu và trở thành những độc giả thường xuyên của thư viện. Tôi trở nên quen với việc dành một giờ đọc sách ở đó và cho phép con tự lựa sách đọc. Con đã khám phá ra những bộ sưu tập như series Horrid Henry và series Rainbow Fairies (Những nàng tiên cầu vồng) và bị cuốn vào chúng. Con đọc mỗi cuốn sách của tác giả Roald Dahl những hai lần, rồi hào hứng với những tác giả kế thừa di sản của ông như David Walliams và Andy Stanton. Những tác giả hài hước khiến con phá lên cười: sinh nhật lần thứ 7, con được tặng bộ Diary of a Wimpy Kid (Nhật ký chú bé nhút nhát), con đọc ngấu nghiến chúng và vẫn đọc đi đọc lại đến tận bây giờ.

Tuyển tập thơ với những minh hoạ ngớ ngẩn cũng khiến con cười không ngớt: Don’t Bump the Glump! của tác giả Shel Silverstein là một cuốn sách mà con cực kỳ yêu thích, ngoài ra còn có những vần thơ tào lao của nhà thơ Edward Lear và những bài thơ vui nhộn của Michael Rosen. Thawing Frozen Frogs của nhà thơ Brian Pattern - được nhà văn Phoebe Waller-Bridge đề xuất trên tờ New York Times - là một tác phẩm thơ mà con cũng thích mê.

Tôi chắc rằng Flora không hiểu hết những gì mình đọc, nhưng con chẳng bận tâm và tôi cũng thế. Con đọc vì niềm yêu thích, hứng thú với sách - và tôi đồ rằng con sẽ luôn như vậy. Nói cho cùng thì Flora đích thị là một em bé ham đọc sách.

6 cách khiến con bạn yêu đọc sách

1. Chia sẻ với con niềm yêu thích việc đọc. Cha mẹ đọc to sách cho con nghe hoặc tải sách nói và nghe cùng con.

2. Khuyến khích con đọc vì niềm yêu thích theo bất kỳ hình thức nào - không quan trọng con đọc gì, miễn là con tận hưởng niềm vui khi đọc.

3. Đưa con tới thư viện và cho con nhiều thời gian để con tự lựa chọn những cuốn sách mình thích.

4. Những cửa hàng từ thiện, giảm giá cũng có thể là nơi chốn hay ho để lựa sách.

5. Cho con không gian và thời gian đọc sách khi rảnh rỗi.

6. Mỗi khi đi đâu cùng con thì đều nhớ mang theo một hoặc hai cuốn sách.

Post a Comment

0 Comments