Cách đây nhiều năm, trong lần thảo luận về kịch bản sách thiếu
nhi, chúng tôi đã dừng lại trước một câu chuyện và hỏi tác giả rằng: “Nhưng thật
ra anh muốn chuyển tải thông điệp gì về thế giới này đến cho các em nhỏ? Rằng
chúng ta ai cũng sẽ lớn lên, già đi và chết? Rằng cuộc đời chao ơi là buồn đến
thế?”. Và người tác giả ấy đáp: “Đáng tiếc rằng đó là một sự thật, rằng cuộc đời
không màu hồng, cuộc đời đầy nỗi buồn, và hãy thành thật nói những điều ấy cho
trẻ em.”
Câu chuyện ấy trở về với chúng tôi lần nữa khi đọc “Trạm dừng
cuối ở Phố Chợ”. Và chính tác giả của cuốn sách, Matt de la Pena, cũng trăn
trở với câu hỏi: “Làm thế nào để kể cho trẻ em nghe về sự thật mà các em vẫn chấp
nhận được, chịu đựng được?”.
Với tác phẩm của mình, Matt trả lời rằng: bằng sự chân thành
và tình yêu thương. Có lẽ chính vì thế mà “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” đạt được
một kỳ tích hi hữu: dù là sách tranh thiếu nhi nhưng lại dành giải Newbery năm
2016, một giải thưởng vốn xưa nay thường chỉ trao cho sách truyện dài, tiểu
thuyết.
Newbery, giải thưởng danh giá hàng đầu của hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, luôn được trao cho những tác phẩm có cống hiến đặc biệt vào nền văn học Mỹ. Từ năm 2016 đến nay, "Trạm dừng cuối ở Phố Chợ" đã dự phần vào bao cuộc tranh luận về tính xác đáng khi được trao giải thưởng này. Người ta thật khó tin làm sao vỏn vẹn 32 trang truyện lại có thể có một giá trị gì sâu sắc cho nền văn học.
Ấy là cho đến khi người ta có thời gian để đọc thật chậm quyển sách cực ngắn này...
Về C.J.
CJ biết tủi thân khi nghĩ về hoàn cảnh của mình và khi so
sánh những thứ diễn ra trước mắt. Giàu – nghèo, sướng – khổ hóa ra không phải
là những thứ gì vô hình mà nó hiện rành rành ra ở những chi tiết nho nhỏ trong
đời sống. Đó là chiếc ô tô, là chiếc ipod mà CJ chỉ biết thèm thuồng nhìn ngắm…
Sự chân thành của Matt nằm ở chỗ anh không giấu diếm trẻ em
rằng thế giới chỉ tuyền thần tiên kẹo ngọt cùng những giấc mơ êm. Nhưng khi kể
về những điều như thế, anh không nhằm mục đích tạo ra sự bi quan cho độc giả nhỏ
tuổi. Trái lại, trong câu chuyện của Matt, không có vị tiên nào ban cho CJ
những điều em mong muốn. Gấp lại tranh sách, ta thấy CJ vẫn không có máy nghe
nhạc xịn, vẫn đi đến bếp tế bần sau buổi lễ nhà thờ. Đường đi thì toàn những thứ
thật xấu xí, nhà cửa nguệch ngoạc graffiti, khu phố đổ nát trong đói nghèo…
Nhưng kìa, giữa những ảm đạm ấy, có một chiếc cầu vồng bắc ngang trời.
Và nỗi băn khoăn sau cùng của CJ vừa như một câu hỏi, mà
cũng như một chiếc chìa khóa cho bao khắc khoải: “Em băn khoăn không biết làm
sao mà bà lúc nào cũng tìm ra được những điều đẹp đẽ ở nơi mà thậm chí em còn
chưa từng buồn để mắt đến.”
Nơi đó, em đã có được đáp án, lời dẫn lối của bà:
““Có những khi mình sẽ bị những thứ tăm tối, dơ bẩn phủ lấp
CJ ạ . Đó chính là lúc mình nhận thức được rõ hơn rằng điều gì là đẹp đẽ trên đời.”
Về Nana
Nana là cách gọi thân thương từ “bà” trong ngôn ngữ của CJ. Có một chi tiết khá thú vị trong sách mà khi đọc lần thứ nhất, người ta thường không hiểu ngay. CJ phụng phịu cằn nhằn vì sao trời mưa mà chúng ta phải đứng đây chờ xe buýt. Bà trả lời em: “Thì những cái cây cũng khát nước mà. Cháu không thấy cái cây kia uống nước bằng một chiếc ống hút à?”.
Dĩ nhiên người đọc lẫn CJ không nắm được ngay lập tức ý bà là như thế nào, vì sao câu trả lời của bà lại tự nhiên có vẻ “lạc quẻ” thế.
Nhưng đây chính là thông điệp ban đầu, là ngưỡng cửa mà bà muốn đưa CJ băng qua.
Đó chính là hãy quan sát mọi thứ xung quanh bằng một trái tim rộng mở và một trí tưởng tượng vô biên. Chỉ có bằng cách đó chúng ta mới hiểu được những tình huống tiếp theo trong truyện. Những người đến, người đi, người lên, người xuống suốt chuyến xe buýt cùng bao thắc mắc của CJ và trò chuyện của bà thật ra cũng chỉ nhằm khai mở khả năng cảm nhận cuộc sống của cậu bé.
Câu chuyện đi đến cao trào khi CJ nhắm mắt lại và cảm nhận đươc điệu nhạc nâng bổng mình “bay ra khỏi chiếc xe buýt, bay lên trên tầm của thành phố xiết bao tất bật. Em nhìn thấy ánh tà dương nhảy múa lượn vòng nơi những con sóng vỗ bờ. Em nhìn thấy cả một gia đình diều hâu sải cánh băng ngang bầu trời. Em nhìn thấy những con bươm bướm trong lọ của bà già đang chấp chới múa dưới ánh trăng.”
Bà đã dự phần quan trọng
trong quá trình chuyển hóa của cậu bé. Hơn ai hết, bà là người hiểu rõ cuộc đời
này có rất nhiều thứ xấu xí, ảm đạm. Bà có đầy đủ những điều kiện để đau khổ:
người da màu, già nua, đời sống cũng chẳng dư giả mấy. Nhưng bà nhìn thấy được
vẻ đẹp của âm nhạc, của cầu vồng, của tình người. Bà chuyển hóa những câu hỏi thất vọng của CJ
thành những câu hỏi băn khoăn và rồi thành những niềm hy vọng và tin tưởng vào
vẻ đẹp cuộc đời, dẫu cho cuộc đời ấy không huy hoàng rực rỡ, lắm đau buồn. Và
bà chia sẻ được cho CJ niềm hy vọng ấy, bởi lẽ bà đã nói về cuộc đời một cách đầy
chân thành và cũng đầy niềm yêu thương.
0 Comments