Vì sao ta kể truyện cổ tích cho trẻ?

Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ chương: "Why do we tell fairy tales to young children?" trong cuốn sách: "The World of Fairy Tales: A path to the essence of the young child through fairy tales" của tác giả Daniel Udo de Haes.

Minh hoạ cho truyện ‘The Little Mermaid’ (Nàng tiên cá) của Andersen 
bởi hoạ sĩ người Séc - Josef Palecek, 1981

Truyện cổ tích có thực sự tốt cho trẻ không?

Nếu trở ngược lại nhiều thế kỉ trước, câu hỏi này hẳn là vô nghĩa vì vào thời ấy, kể truyện cổ tích cho trẻ con là điều dĩ nhiên nhất trên thế gian này. Nhưng khi con người ngày càng trở nên lý trí và duy vật chất, họ bắt đầu xem truyện cổ tích là những điều sai sự thật.

Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Liệu ta có nên kể truyện cổ tích cho trẻ, và nếu có, thì tại sao?”, trước hết ta cần học cách hiểu xem truyện cổ tích thực sự truyền tải điều gì. 

Tục ngữ và thành ngữ nói với chúng ta bằng thứ ngôn ngữ tương tự như truyện cổ tích. Ví dụ, khi ai đó nói: “Nước lặng mới là nước sâu” (Still waters run deep), một người chỉ suy nghĩ bề ngoài sẽ không đồng tình: nước lặng chưa chắc đã sâu, đôi khi còn rất nông, trong khi biển động dữ dội lại có thể rất sâu. Nhưng người hiểu được ẩn dụ thì sẽ nhận ra câu nói ấy không nên hiểu theo nghĩa đen, mà biểu đạt cho sự thật về cốt lõi của con người.

Truyện cổ tích cũng nói với chúng ta theo cách ấy. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì những điều được kể thường là bất khả thi. Tuy nhiên, dưới dạng hình ảnh, chúng truyền tải những sự thật sâu xa và to lớn. Sự khác biệt giữa tục ngữ và truyện cổ tích là: tục ngữ nói về đời sống mà ta đã biết và hiểu, còn truyện cổ tích lại đi sâu hơn, đến mức ngay cả người lớn cũng khó nắm bắt được hết sự thật ẩn chứa bên trong. Vậy tại sao việc kể truyện cổ tích cho trẻ nhỏ lại có ý nghĩa?

Một ví dụ sau đây sẽ giúp ta đi từ tục ngữ sang truyện cổ tích bằng cách nhìn vào những mô-típ ngầm. Ai cũng biết câu: “Mây nào cũng có đường viền bạc.” (dịch thoáng: “Trong cái rủi có cái may”). Ta có thể hiểu đơn giản rằng: đừng lo lắng quá khi gặp nghịch cảnh hay khó khăn, vì trong cái xấu luôn có yếu tố tích cực. Những ngày tốt đẹp sẽ quay lại.

Nhưng câu này còn có thể được hiểu rộng hơn. Mây là do mặt trời tạo ra. Không có mặt trời thì không có mây; nhưng nếu không có mây, ta cũng không thể cảm nhận ánh nắng như một phước lành (hãy nghĩ đến cuộc sống trong sa mạc). Ánh sáng và bóng tối là hai mặt không thể tách rời. Chỉ khi đã đi qua bóng tối, con người mới thực sự cảm nhận được ánh sáng. Sau lớp mây, ánh sáng vẫn hiện diện — chính ánh sáng đã tạo ra mây và chỉ có thể toả sáng rực rỡ nhất khi xuyên qua bóng tối.

Chẳng phải Cô bé Quàng Khăn Đỏ và bà của cô cũng bị sói nuốt chửng, để rồi lại được cứu sống, như một sự “tái sinh” từ trong bóng tối? Dù yếu tố tái sinh không được nhấn mạnh trong truyện, nhưng trẻ nhỏ chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Ta thấy rõ rằng sự biến mất rồi trở lại từ bóng tối là một trải nghiệm lớn và mang tính bản chất trong hành trình phát triển của con người.

Tất nhiên, một đứa trẻ nhỏ chưa thể hiểu được điều này khi nghe Cô bé Quàng Khăn Đỏ  nhưng nó tiếp nhận những hình ảnh đó bằng sự nhạy cảm đặc trưng của tuổi thơ — như những hạt giống gieo vào tâm hồn. Về sau, khi khả năng tư duy phát triển, những hạt giống ấy sẽ nở hoa thành suy nghĩ có ý nghĩa. Những tư tưởng nảy mầm từ bên trong như thế luôn phong phú và sâu sắc hơn vô vàn so với những điều con người chỉ học từ bên ngoài bằng trí tuệ thuần lý. Đây chính là lý do chính yếu vì sao nên kể truyện cổ tích cho trẻ từ sớm.

Truyện “Nữ hoàng Tuyết” của Hans Christian Andersen cũng hé mở một cái nhìn kỳ lạ về mối liên hệ giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Trong truyện, cậu bé Kay bị một mảnh pha lê vỡ bay vào mắt khiến cậu chỉ thấy điều xấu xí. Cả khối pha lê có thể được xem như biểu tượng cho một trật tự thế giới trong sáng và công bằng. Con người hiện đại, trong sự hiểu biết về thế giới, chỉ còn giữ một mảnh nhỏ của khối pha lê ấy. Họ có một mảnh “pha lê tri thức” — một cái nhìn giới hạn về thế giới — và do đó cái nhìn của họ cũng méo mó. Tóm lại: tri thức của con người ngày càng trở nên như những mảnh vụn sắc nhọn của khối minh triết toàn thể ngày xưa. Và những mảnh sắc nhọn đó lại cứa rách mọi thứ xung quanh. [...]

Ánh sáng và bóng tối còn xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích khác. Chú bé Tí Hon (Tom Thumb - Truyện cổ Grimm) phải rời “mái nhà của Cha” cùng các anh em và bước vào khu rừng đen tối để rồi sau bao cuộc phiêu lưu, tìm lại được “Người Cha của thế giới.” Bạch Tuyết phải sống lại từ cõi chết mới có thể cưới hoàng tử và trở thành hoàng hậu. Công chúa ngủ trong rừng say giấc suốt trăm năm, lẽ ra đã phải chết dưới lời nguyền, nhưng lại được đánh thức bởi hoàng tử. Bảy chú dê con cũng bị sói nuốt giống như Cô bé Quàng Khăn Đỏ, rồi lại được cứu ra khỏi bụng sói. Rất nhiều truyện cổ tích mô tả sự mất mát của thế giới ánh sáng để rồi bước vào hành trình đi vào bóng tối, và sau cùng thoát ra khỏi bóng tối để trở lại với ánh sáng. Nói cách khác, truyện cổ tích tái hiện bi kịch lớn của nhân loại theo cách mà tâm hồn trẻ nhỏ có thể cảm nhận được. [...]

Chúng ta cũng cần hiểu rằng những câu chuyện dân gian mô tả sự chiến thắng bóng tối hay con đường đi đến ánh sáng mới sẽ mang lại sự hỗ trợ to lớn cho trẻ trong suốt cuộc đời. Điều này đặc biệt đúng với những đứa trẻ đã lớn và "quên" các câu chuyện. Khi đó, những truyện ấy có cơ hội rút khỏi tầng ý thức và chìm sâu vào tâm hồn trẻ. Đến đây ta có thể nói rằng, lý do đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất để kể truyện cổ tích cho trẻ nhỏ là: truyện cổ tích, một cách vô thức, kết nối trẻ và cả chúng ta với tiến trình phát triển vĩ đại của nhân loại, và bằng cách đó biến chúng ta thành những công dân thực thụ của Trái Đất.


Post a Comment

0 Comments