The Arrival là tác phẩm sách tranh không lời có chủ đề di cư. Chuỗi hình ảnh kể người đàn ông phải để lại vợ con ở thị trấn quê hương đang héo mòn để tìm kiếm cơ hội tốt hơn nơi xứ người. Sau chuyến viễn dương xa xôi nghìn trùng, anh đặt chân lên một thành phố kì khôi toàn những phong tục xa lạ, loài vật dị kì, các vật thể bay lơ lửng nhìn anh đầy tò mò cùng thứ ngôn ngữ không thể nào giải mã. Phận nhập cư vỏn vẹn chiếc va li và vài đồng tiền lẻ, anh phải tìm nơi ở, thức ăn và công việc để sinh sống. Trên hành trình đó, bao người lạ đã đồng cảm và trợ giúp anh; mỗi người lại mang câu chuyện của riêng mình về cuộc đấu tranh và sinh tồn trong một thế giới đầy bạo lực, biến động và cả hi vọng. Một thế giới họ chưa bao giờ hiểu hết.
__________
Dưới đây là trích đoạn từ bài viết tự sự năm 2006 trên tạp chí Viewpoint. Tác giả Shaun Tan chia sẻ đôi điều về ý tưởng và hành trình thực hiện cuốn sách này.
Khi nhìn lại phần lớn tác phẩm mà tôi sáng tác và minh hoạ trước đây như The Rabbits (chủ đề thực dân), The Lost Thing (một sinh vật lạc lõng giữa thành phố xa lạ) hay The Red Tree (một cô bé lang thang trong những khung cảnh mộng tưởng), tôi nhận ra mình luôn bị cuốn theo ý niệm về cảm giác “thuộc về” một nơi nào đó, nhất là trong sự tìm thấy hoặc đánh mất cảm giác ấy. Dẫu điều này có xuất phát từ cuộc đời của riêng mình hay không, thì dường nó thuộc về phần tiềm thức nhiều hơn là ý thức.
Một trong những trải nghiệm có thể liên quan là việc tôi lớn lên ở Perth – một trong những thành phố biệt lập nhất thế giới, nằm giữa sa mạc và đại dương. Không chỉ vậy, cha mẹ tôi lại chọn sống ở vùng ngoại ô mới phía Bắc thành phố – một nơi chưa hình thành bản sắc văn hóa hay lịch sử rõ ràng. Một nhận thức lờ mờ về việc cưỡng bức di dời người bản địa (mà sau đó chủ đề này được gọt giũa thành trọng tâm cuốn The Rabbits) càng làm rối bời thêm cảm giác kết nối với “quê nhà” trong một vũ trụ chỉ còn những sinh thể trống rỗng: những đụn cát ven biển đã bị ủi đi, khu dân cư tường rào kiên cố bao quanh được dựng nên cấp tốc.
Ở vùng đất và vào thời điểm mà sự tồn tại của đứa trẻ lai Trung Quốc như tôi còn khá hiếm hoi, tôi liên tục được hỏi: “Cháu đến từ đâu?”. Câu trả lời không thỏa đáng của tôi: “Ở đây”chỉ càng dẫn đến những truy vấn sâu xa hơn. Dù sao sự chú ý này đỡ hơn hẳn so với làn sống kỳ thị chủng tộc ngầm mà tôi trải qua khi lớn lên ở Tây Úc những năm 1980. Đây là thứ kì thị mà tôi từng thấy người ta thể hiện đôi khi công khai, đôi khi kín đáo với cha tôi - một người đàn ông Trung Quốc. Tôi có cảm giác mơ hồ về sự chia cắt, ý niệm không rõ ràng về căn tính cùng sự xa rời nguồn cội. Chồng lên đó là cái ý niệm vốn đã gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay về việc thế nào là ‘người Úc’, hoặc tệ hơn là ‘không phải người Úc’ (dù điều đó có nghĩa là gì đi nữa).
Vượt lên trên bất kỳ vấn đề cá nhân nào, tôi nghĩ rằng “vấn đề” với sự thuộc về có lẽ nằm trong câu hỏi hiện sinh cơ bản mà ai cũng từng đối mặt đâu đó trong đời, nếu không muốn nói là thường xuyên. Nó đặc biệt trỗi dậy khi cuộc sống bình thường bị đảo lộn, khi điều xảy ra đi trái với ý nguyện hoặc chấm dứt một thực tại dễ chịu. Đó thường là khởi đầu của một câu chuyện hay. Ta thấy mình ở trong thực tại mới: một ngôi trường, công việc, mối quan hệ hay đất nước mới - những hoàn cảnh đòi hỏi ta tái định nghĩa lại cảm giác “thuộc về”.
![]() |
Khung cảnh đường phố ở đất nước mới (Street life, 2004-5, graphite pencil digitally coloured, 60 x 40cm) |
Diễn biến này hiện rõ trong tâm trí tôi suốt thời gian dài làm việc với cuốn The Arrival – một cuốn sách lấy chủ đề về trải nghiệm của người nhập cư. Với nỗi ám ảnh lâu năm về những “người lạ sống trong vùng đất lạ”, tôi đang khai thác thứ cốt truyện tất yếu: một người rời bỏ quê hương để tìm mái nhà mới nơi đất nước họ chưa từng gặp gỡ, nơi những điều cơ bản nhất của đời sống hằng ngày sao mà xa lạ, hoang mang và thách thức, chưa kể đến việc không thể nào nắm bắt những chuyện này bằng ngôn ngữ quen thuộc. Đây là viễn cảnh tôi đã suy nghĩ suốt nhiều năm trước khi tự nó kết tinh thành dạng kể chuyện.
Cuốn sách không chỉ xuất phát từ một nguồn cảm hứng, mà là điểm giao thoa của nhiều ý tưởng. Có thời điểm tôi nghĩ nhiều đến phần lịch sử không được ghi chép lại của người Hoa tại Tây Úc, đặc biệt về một vùng thuộc phía Nam Perth. Một thế kỉ trước nơi này từng là vườn rau thương mại lớn, giờ chỉ còn là bãi cỏ công viên. Tôi tìm hiểu sơ lược những người từng ở đây và mối quan hệ của họ với cộng đồng Anglo–Úc xung quanh, và cảm động sâu sắc với truyện ngắn "Wong Chu and The Queen's Letterbox" của nhà văn Tây Úc T.A.G. Hungerford. Câu chuyện dựa trên ký ức thời thơ ấu của tác giả về một nhóm người đàn ông kỳ lạ bị tách biệt và hiểu lầm, phải trải qua nỗi chia cắt bi thương với gia đình ở quê nhà Trung Hoa.
Cha tôi từ Malaysia sang Úc vào năm 1960 để học kiến trúc và gặp mẹ tôi khi bà làm ở một cửa hàng bán bút kỹ thuật (do đó mà tôi có mặt trên đời – tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những cây bút kỹ thuật). Những câu chuyện của cha thường chung chung, chỉ tập trung vào vài chi tiết cụ thể theo kiểu thường thấy của giai thoại: thức ăn không quen miệng, thời tiết quá lạnh hay quá nóng, những hiểu lầm tức cười, chuyện bị cô lập, các công việc làm thêm kỳ quặc, v.v. Khi tìm hiểu thêm về các câu chuyện nhập cư khác — khởi đầu với nước Úc hậu chiến rồi mở rộng sang làn sóng di cư sang Mỹ vào đầu những năm 1900, thì chính những chi tiết thường nhật lại là điều gợi cảm xúc nhiều nhất và phản ánh những trải nghiệm phổ quát của con người. Tôi nhận ra rằng di cư là một phần nền tảng trong lịch sử nhân loại, cả xưa lẫn nay. Khi tiếp tục thu thập các câu chuyện từ bạn bè sinh ra ở nước ngoài và từ vợ tôi - người Phần Lan, cũng như xem ảnh cũ và tài liệu, tôi dần nhận ra những khó khăn chung mà người nhập cư nào cũng gặp phải, bất kể quốc tịch hay điểm đến: rào cản ngôn ngữ, nỗi nhớ nhà cồn cào, cảnh nghèo túng, sự mất mát vị thế xã hội hay bằng cấp được công nhận, và đặc biệt là sự chia lìa người thân yêu.
![]() |
Người nhập cư ăn tối cùng những người xa lạ |
Trong nỗ lực tái hiện lại những hoàn cảnh mà tôi chưa từng trải nghiệm trực tiếp, ý tưởng ban đầu về một quyển sách tranh theo kiểu thông thường đã phát triển thành một cấu trúc rất khác biệt. Một chuỗi hình ảnh dài, phân mảnh, không lời dường như là cách tốt nhất để truyền tải cảm giác bấp bênh và phiêu lưu mà tôi đúc rút được từ quá trình nghiên cứu. Tôi cũng nảy ra ý tưởng mượn “ngôn ngữ” từ những tư liệu hình ảnh cũ và album gia đình từng xem qua: những thứ vừa có chất rõ ràng kiểu tư liệu, vừa mang nét câm lặng, bí ẩn, nhuốm màu hoài niệm. Album ảnh, suy cho cùng, cũng là một dạng sách tranh mà ai cũng từng làm và từng đọc — một chuỗi hình ảnh theo trình tự thời gian minh họa cho câu chuyện đời người. Chúng hoạt động bằng cách thổi hồn vào trí nhớ và thúc giục ta lấp đầy những khoảng trống im lặng, sinh động hoá mọi thứ để bổ sung vào mạch truyện chính.
The Arrival không có bất kỳ dòng mô tả nào, có thể giúp độc giả đặt mình trọn vẹn vào vị thế của một nhân vật nhập cư. Khi không có chỉ dẫn về cách diễn giải hình ảnh, chính ta phải tự tìm kiếm ý nghĩa, kiếm tìm sự thân thuộc trong một thế giới mà điều đó hoặc là hiếm hoi, hoặc bị che giấu. Ngôn từ như chiếc nam châm, có sức hút mạnh đến cách ta nhìn và hiểu hình ảnh đi kèm: thiếu đi chúng, một hình ảnh có thể có nhiều không gian khái niệm hơn, khiến người xem dừng lại lâu hơn, không còn vội vàng tìm một chú thích dễ dãi để bấu víu rồi để nó chi phối trí tưởng tượng của mình.
Tôi đặc biệt ấn tượng với The Snowman của Raymond Briggs, tình cờ bắt gặp khi đang suy tư về câu chuyện di dân của mình. Bằng những bản vẽ bút chì không lời, Briggs kể về một cậu bé xây một người tuyết, người tuyết ấy sau đó sống dậy và được giới thiệu với thế giới diệu kỳ trong nhà: công tắc đèn, vòi nước, tủ lạnh, quần áo, v.v.; đổi lại, người tuyết đưa cậu bé khám phá thế giới ban đêm của tuyết, không khí và những chuyến bay. Những điểm tương đồng giữa tình huống này và dự án đang hình thành của tôi thật rõ rệt, đến mức tôi không thể không đọc người tuyết im lặng và cậu bé nhỏ như hai người di dân, đang khám phá những điều kỳ diệu bình thường của đất nước nhau theo cách giản dị mà đầy mê hoặc. Điều này cũng khẳng định sức mạnh của hình thức kể chuyện không lời: không chỉ loại bỏ sự phân tâm của ngôn từ, mà còn làm chậm nhịp đọc để người đọc có thể chiêm nghiệm từng vật thể, từng hành động nhỏ, cũng như suy ngẫm theo nhiều cách khác nhau về toàn bộ câu chuyện.
Tất nhiên điều này cũng có cái giá của nó, vì ngôn từ là công cụ truyền đạt ý tưởng tiện lợi tuyệt vời. Khi vắng bóng chúng, ngay cả việc miêu tả những hành động đơn giản nhất như xếp đồ vào vali, mua vé, nấu ăn hay xin việc cũng trở thành một bài tập minh hoạ phức tạp, nặng nhọc và có thể dễ bị “trượt mất”. Tôi buộc phải tìm ra một cách kể chuyện bằng hình ảnh vừa thực tế, rõ ràng mà lại hiệu quả về mặt thị giác.
Vô tình, tôi thấy mình đang làm việc trên một cuốn tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) hơn là một cuốn sách tranh. Giữa hai thể loại này không có sự khác biệt quá lớn, nhưng tiểu thuyết đồ họa có lẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến tính liên tục giữa nhiều khung tranh, gần với làm phim hơn là minh họa sách. Tôi chưa từng là một độc giả truyện tranh say mê, nên phần lớn quá trình nghiên cứu của tôi được chuyển sang tìm hiểu các thể loại truyện tranh và tiểu thuyết hình ảnh khác nhau. Các khung tranh có hình dạng gì? Bao nhiêu khung nên có trong một trang? Cách tốt nhất để chuyển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kế tiếp là gì? Làm thế nào để kiểm soát nhịp kể, nhất là khi không có chữ? Một tài liệu tham khảo hữu ích là cuốn Understanding Comics của Scott McCloud, trình bày nhiều khía cạnh của “nghệ thuật kể chuyện theo chuỗi” theo cách vừa lý thuyết vừa thực tiễn, đặc biệt vì đó là một cuốn sách hướng dẫn được viết dưới dạng truyện tranh – và làm rất thông minh. Tôi cũng nhận thấy rằng nhiều truyện tranh Nhật Bản (manga) sử dụng các đoạn kể chuyện im lặng dài và khai thác cảm giác về nhịp hình ảnh khác đôi chút so với truyện tranh phương Tây – điều này rất bổ ích với tôi. Cùng lúc đó, tôi cũng đang làm việc với vai trò đạo diễn hoạt hình tại một xưởng phim ở London, chuyển thể The Lost Thing thành một phim ngắn (nơi phần lớn cốt truyện cũng không lời), và nghiên cứu kỹ các kỹ thuật mà họa sĩ storyboard và biên tập viên trong ngành này sử dụng. Tất cả những mảnh “nghiên cứu” đó đã góp phần định hình phong cách và cấu trúc của cuốn sách qua một vài lần chỉnh sửa với độ dài đầy đủ.
Quá trình thực sự để tạo ra những hình ảnh cuối cùng hóa ra giống làm phim hơn là minh họa thông thường. Nhận ra tầm quan trọng của tính nhất quán giữa các khung hình, đồng thời bị thu hút bởi phong cách của các bức ảnh xưa, tôi đã dựng một vài “bối cảnh” cơ bản bằng gỗ vụn và bìa các-tông từ thùng đựng tủ lạnh, cùng một số đồ nội thất và vật dụng gia đình. Những thứ này trở thành mô hình đơn giản cho các cấu trúc được vẽ trong sách – từ tòa nhà cao tầng đến bàn ăn sáng. Với ánh sáng phù hợp và sự giúp đỡ của bạn bè trong vai các nhân vật theo bản phác thảo, tôi có thể quay phim hoặc chụp ảnh những bố cục và chuỗi hành động dường như gần giống với từng cảnh. Tôi chọn ra những hình ảnh tĩnh, thao tác kỹ thuật số trên đó – làm biến dạng, thêm bớt chi tiết, vẽ chồng lên – và thử nghiệm các chuỗi hình ảnh để xem mức độ “đọc được” của chúng. Những hình ảnh này trở thành tư liệu bố cục cho các bản vẽ hoàn chỉnh, được thực hiện theo phương pháp cổ điển hơn – bút chì than trên giấy bìa cứng. Mỗi trang (có thể gồm đến mười hai hình) tốn khoảng một tuần để hoàn thành, chưa kể đến những bản bị loại với số lượng kha khá.
Rất nhiều khó khăn trong việc kết hợp các hình ảnh tham khảo thực tế của con người và các vật thể vào một thế giới hoàn toàn tưởng tượng, vì đây luôn là ý tưởng trung tâm của tôi. Để hiểu rõ nhất cảm giác như thế nào khi đến một quốc gia mới, tôi muốn tạo ra một nơi hư cấu mà bất kỳ độc giả nào, ở độ tuổi hay xuất thân nào, đều không quen thuộc (bao gồm cả tôi). Đây chính là lý do mà niềm đam mê của tôi với “những vùng đất kỳ lạ” đã bay lên, vì tôi đã có những ý tưởng ban đầu về một nơi mà ở đó, chim thì “từa tựa chim” và cây cối thì “từa tựa cây”; nơi mà con người ăn mặc kỳ quặc, các đồ đạc trong căn hộ thì gây bối rối và những hoạt động phố xá bình thường lại rất kỳ lạ. Đây là điều tôi đã tưởng tượng: cảm giác của người nhập cư là vậy, một trạng thái mà lý tưởng nhất là được chuyển tải qua tranh minh họa, và mỗi chi tiết đều được được vẽ tay.
Tuy nhiên các thế giới tưởng tượng không bao giờ nên là “hoàn toàn giả tưởng”, và nếu thiếu một vòng tròn sự thật vững chắc, chúng dễ dàng làm suy yếu niềm tin tạm thời của người đọc, hoặc đơn giản là khiến họ quá bối rối. Tôi luôn quan tâm đến việc tạo ra sự cân bằng đúng đắn giữa những vật dụng, động vật và con người bình thường, và những thay thế kỳ diệu của chúng. Trong trường hợp của The Arrival, tôi đã lấy rất nhiều cảm hứng từ những ký ức của bản thân về việc đi du lịch đến các quốc gia xa lạ, cảm giác có những ý niệm cơ bản nhưng không chính xác về những thứ xung quanh, nhận thức về môi trường bao phủ đầy những ý nghĩa ẩn giấu: tất cả đều rất kỳ lạ nhưng lại hoàn toàn thuyết phục. Trong đất nước không có tên của tôi, những sinh vật kỳ lạ xuất hiện từ những chiếc nồi và bát, những ánh sáng lơ lửng trôi dọc theo các con phố, cửa và tủ giấu kín những thứ bên trong, và xung quanh là những thông báo kêu gọi, mời gọi hoặc cảnh báo bằng các chữ cái không thể giải mã. Tất cả những điều này tương đương với một số khoảnh khắc mà tôi đã trải qua như một người lữ khách, nơi mà ngay cả những hiểu biết đơn giản cũng là một thử thách.
Một trong những nguồn tham khảo hình ảnh chính của tôi là New York vào những năm 1900, một tiêu điểm của làn sóng di cư từ châu Âu. Rất nhiều “hình ảnh truyền cảm hứng” dán trên tường xưởng vẽ là những bức ảnh cũ về quá trình xử lý nhập cư tại Ellis Island, những ghi chú hình ảnh cung cấp các khái niệm cơ bản, tâm trạng và bầu không khí đằng sau nhiều cảnh trong sách. Những hình ảnh khác tôi thu thập được mô tả cảnh phố xá ở các thành phố châu Âu, châu Á và Trung Đông, những phương tiện giao thông cổ điển, các loài thực vật và động vật ngẫu nhiên, biển hiệu cửa hàng và áp phích, nội thất căn hộ, ảnh người làm việc, ăn uống, trò chuyện và chơi đùa, tất cả đều được chọn vì tính bình thường của chúng cũng như sự kỳ lạ có thể có. Các yếu tố trong những bức tranh của tôi dần phát triển từ những nguồn ảnh đơn giản này. Một bức tượng khổng lồ ở giữa cảng thành phố, hình ảnh đầu tiên kỳ lạ mà những người di cư gặp phải, gợi nhớ đến một mối liên kết với Tượng Nữ thần Tự do. Một cảnh người di cư đi qua trong đám bóng bay trắng được lấy cảm hứng từ những bức ảnh di cư lên tàu cũng như sự sinh sản ban đêm của các polyp san hô, hai ý tưởng được liên kết bởi những chủ đề cơ bản chung – sự phân tán và tái sinh.
![]() |
Trang minh hoạ lấy cảm hứng từ tượng Nữ thần tự do ở New York (The New Country, 2004-5, graphite pencil, digitally coloured, 60 x 40cm) |
Ngay cả những hiện tượng giàu tưởng tượng nhất trong sách cũng được thiết kế để chuyên chở một ý nghĩa ẩn dụ nào đó, mặc dù chúng không ám chỉ những thứ cụ thể, và có thể khó giải thích đầy đủ. Một trong những hình ảnh tôi đã nghĩ đến trong nhiều năm là một cảnh những tòa nhà ổ chuột đang phân hủy, trên đó là những con rắn đen khổng lồ đang “bơi”. Tôi nhận ra rằng những con rắn này có thể được hiểu theo nhiều cách: một cách trực tiếp, là một sự xâm lấn của quái vật, hoặc theo cách ẩn dụ hơn là một mối đe dọa, áp bức. Và ngay cả khi đó, việc giải thích chúng là chính trị, kinh tế, cá nhân hay điều gì khác còn tùy thuộc vào mỗi độc giả, tùy vào những ý tưởng hay cảm xúc mà hình ảnh có thể khơi gợi.
Tôi hiếm khi quan tâm đến những ý nghĩa biểu tượng, nơi một thứ gì đó đại diện cho một thứ khác, vì điều này làm mất đi sức mạnh của hư cấu trong việc được giải thích lại. Tôi thích hơn việc tìm kiếm một loại sự cộng hưởng trực giác hay thơ ca mà chúng ta có thể cảm nhận khi nhìn vào những bức tranh, và hiểu những gì chúng ta thấy mà không nhất thiết phải diễn đạt được nó. Một nhân vật chính trong câu chuyện của tôi là một sinh vật trông giống như một con nòng nọc biết đi, to bằng một con mèo và có ý định tạo ra một tình bạn không được mời với nhân vật chính. Tôi có những ấn tượng riêng về điều này, lại là một cái gì đó liên quan đến việc học cách chấp nhận và thuộc về, nhưng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng diễn đạt điều này bằng lời. Có lẽ nó có ý nghĩa rõ ràng hơn dưới dạng một loạt những bức vẽ chì im lặng.
Tôi thường xuyên tìm kiếm trong mỗi hình ảnh những thứ đủ kỳ lạ để mời gọi một mức độ giải thích cá nhân cao, và vẫn duy trì một vòng tròn sự thật. Trải nghiệm của nhiều người di cư thực sự có sự tương đồng thú vị với cách nhìn nhận sáng tạo và phản biện mà tôi cố gắng theo đuổi như một nghệ sĩ. Có một sự tìm kiếm tương tự về ý nghĩa, cảm giác và bản sắc trong một môi trường có thể vừa trong suốt vừa mờ đục, hợp lý vừa gây bối rối, nhưng luôn sẵn sàng để được xem xét lại. Tôi hy vọng rằng ngoài chủ đề ngay lập tức của nó, bất kỳ câu chuyện minh họa nào cũng có thể khuyến khích người đọc dành một chút thời gian để nhìn ra ngoài “sự bình thường” của hoàn cảnh của chính họ, và nhìn nhận nó từ một góc độ hơi khác. Một trong những sức mạnh lớn của kể chuyện là nó mời gọi chúng ta bước vào vị trí của người khác một lúc, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, nó mời gọi chúng ta suy ngẫm về đôi giày của chính mình. Chúng ta có thể làm tốt khi nghĩ về chính mình như những người lạ ở chính vùng đất kỳ lạ của mình. Những kết luận mà chúng ta rút ra từ điều này có lẽ sẽ không dễ dàng tóm gọn, càng có lý do để suy nghĩ thêm về những kết nối giữa con người và địa điểm, và chúng ta chỉ đến điều gì khi nói về sự “thuộc về”.
0 Comments