Giuliano Cucco (1929–2006) thuở ấy còn là cậu bé sống cùng cha mẹ trong cái tịch liêu hùng vĩ của miền quê nước Ý. Nỗi cô đơn thường thấy của tuổi thơ giăng vào tài năng thiên phú hiếm có, từ ấy những thôi thúc nghệ thuật bắt đầu hé nở - vừa dịu dàng lại vừa chấn động.
Các thập kỷ sau đó, Cucco bùng lên như núi lửa trong thế giới hội họa và thơ ca, nhiếp ảnh và phấn tiên: nghệ thuật của ông rừng rực tình yêu mãnh liệt cho cuộc sống.
Chàng nghệ sĩ trẻ Cucco chuyển đến Rome, tình cờ gặp gỡ tại đây nhà văn trẻ người Mỹ John Miller – một cây bút chuyên về thiên nhiên. Thế là một tình bạn tuyệt đẹp nảy nở. Đó là những năm đầu thập niên 1960, khi Rachel Carson – tác giả nổi tiếng với tác phẩm "Mùa xuân yên lặng" – vừa đánh động lương tri sinh thái hiện đại và đang tận dụng vị thế hiểm hóc mà bà giành được để đề cao một chân lý mang tính cách mạng: chính cảm giác kinh ngạc của trẻ thơ là chìa khóa để bảo tồn thiên nhiên.
Trong bầu không khí văn hóa ấy, Cucco và Miller đã hợp nhất tài nghệ của cả hai để đồng sáng tác một loạt những cuốn sách thiếu nhi đẹp đẽ và có hồn, lấy cảm hứng từ thiên nhiên.
Nhưng khi Miller trở về New York, hết cánh cửa này đến cánh cửa khác đóng sầm trước mặt ông — các nhà xuất bản thương mại không sẵn sàng đầu tư vào việc xuất bản những tác phẩm của Cucco vì tốn kém. Sau nửa thế kỉ, nhờ sự ra đời của định luật Moore mà lòng can đảm đi ngược dòng văn hoá mới được đền đáp: nhà xuất bản độc lập Enchanted Lion có trụ sở tại Brooklyn đã dám mạo hiểm nhận những báu vật cổ bị lãng quên này và đưa chúng về với đời sống.
Háo hức muốn tái kết nối với người bạn cũ để chia sẻ tin vui, Miller nỗ lực tìm kiếm gia đình Cucco. Sau một hành trình liên lạc dài đằng đẵng, ông đau đớn tột cùng khi biết rằng người nghệ sĩ và vợ ông đã qua đời vì tai nạn: họ bị một chiếc xe máy tông trúng khi đang băng qua đường ở Rome.
Con trai họ khi đó mới lục tìm kho tàng tranh vẽ của cha mình — nhiều bức chưa từng được thế giới nhìn thấy, nhiều bức khắc họa những phong cảnh và khung cảnh của giấc mơ thời thơ ấu đã định hình nghệ thuật của ông.
Nỗi đau thương thường là cánh cổng dẫn ta đến với vẻ đẹp và sự sống động. Vì vậy mà Miller quyết tâm tôn vinh bạn mình bằng cách kể lại câu chuyện của bạn theo cách độc đáo và dịu dàng hiếm thấy. Ông du hành ngược thời gian trên đôi cánh của ký ức và trí tưởng tượng, trở về thời ấu thơ trù phú mà cô độc, về thuở ban đầu đã hun đúc tài năng của người họa sĩ. Ông đặt mình vào trái tim và tâm trí của cậu bé năm nào thông qua những bức tranh còn sót lại của người nghệ sĩ trưởng thành, xóa nhòa ranh giới giữa thực tế và hư ảo.
Trước Khi Tôi Lớn (Before I Grew Up) ra đời — vừa là khúc tưởng niệm, vừa là bài ca tôn kính sự sống động của thế gian: đời sống của cảm xúc và trí tưởng tượng, của cảnh vật và ánh sáng, của thiên nhiên và của chính khát khao hướng tới cái đẹp – thứ làm bừng sáng những gì chân thật và trác tuyệt nhất trong bản chất con người.
Miller đã lột tả được cái “thần” của tuổi thơ Giuliano bằng cách kể lại cuộc hành trình trở thành nghệ sĩ của bạn, với lời kể được cất lên từ một cậu bé nửa thực nửa hư cấu trong ngôi thứ nhất ngắn gọn và đầy chất thơ. Nhờ vậy, Miller đồng thời khơi dậy cái “thần” mà bất kì tuổi thơ nào cùng cần có: một hồ nước vô tận của trí tưởng tượng, nơi từng khiến Baudelaire thốt lên rằng: “Thiên tài chẳng là gì khác ngoài tuổi thơ được tái hồi theo ý muốn.”
"Tôi có bàn làm việc riêng trong phòng,
là nơi tôi gấp thuyền giấy rồi để chúng trôi xa như những giấc mơ."

Chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn nỗi cô đơn trong trí tưởng phong phú của cậu bé khi gặp gỡ chân dung cha cậu — người đàn ông thông thái mà lại xa cách: “một nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc của ánh sáng, không phải ánh sáng mặt trời mà là một loại ánh sáng ông nói rằng không thể chạm tới.” Ông kiệm lời và “thích đạp xe ra biển, chèo thuyền nhỏ lênh đênh đầu ngọn sóng để kiếm tìm ánh sáng.”

Người mẹ không bao giờ xuất hiện, dù trong bức hoạ hay câu chuyện. Nhưng khu vườn của bà là chốn nương náu, nơi cậu bé tìm đến để ngắm những bông tulip nở rộ. “Ở đó, tôi không bao giờ thấy cô đơn,” cậu nói, theo cách mà ta thường tự an ủi mình về thực tại.
Ở đó, cậu mơ được bay lên và rời đi như một chú chim, vút lên bầu trời phía trên những bông hoa, tận hưởng ánh sáng và sức sống của thiên nhiên giữa vùng quê xa xôi ấy.
Nhưng rồi cha mẹ quyết định gửi cậu đến thành phố để học hỏi về đời sống văn hóa. Sống cùng dì và dượng, chứng kiến những người lớn bận rộn với những cám dỗ hấp dẫn của tuổi trưởng thành, cậu lại một lần nữa du hành đến những thế giới kỳ diệu trong trí tưởng của mình.
Trong cơn lốc tràn ngập niềm vui, cậu bé trở về vùng quê, lang thang giữa thưa thớt nhà cửa, leo lên tháp mái, thả cánh diều tan vào ánh sáng.
Một ngày nọ, khi cậu bé mười hai tuổi, cha cậu chèo thuyền ra biển để tìm kiếm thứ ánh sáng vô hình, rồi trở về kể câu chuyện về mặt nước lặng yên. Lặng yên đến mức ông có thể đứng trên con thuyền nhỏ mà kéo vĩ cầm.
"Đây là bức tranh tôi vẽ từ lời kể của cha.
Vẽ xong, tôi hỏi cha xem liệu tôi đã vẽ đúng thứ ánh sáng cha đang tìm kiếm.
Cha tôi không phải người hay nói, nhưng lần này ông đã nói ra ba từ: "Đúng rồi con."
Vậy là đủ.
Từ dạo ấy, tôi đã biết rằng mình sẽ lớn lên là một nghệ sĩ."
Sử dụng các khung cảnh tĩnh được khắc họa trong tranh của Cucco, các sự kiện trong cuộc đời người bạn thân, lồng ghép trong giọng kể của cậu bé con đang được nguồn cảm hứng sáng tạo chảy vào và thắp sáng, Miller đã diễn đạt một chân lý thơ ca rộng lớn hơn: về ý nghĩa của việc trở thành một nghệ sĩ, về bản chất của tình yêu, về việc biết thế nào là đủ, về những sợi dây mỏng mảnh của niềm tin dệt nên mạch sống của tinh thần sáng tạo.
_________Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết gốc "Before I Grew Up: A Stunning Illustrated Elegy of Life, Loss, Our Search for Light, and Loneliness as a Crucible of Creativity" trên trang Marginalian của tác giả Maria Popova.
0 Comments