Hãy bắt đầu bằng một số định nghĩa.
1. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà khi nhắc đến, người ta thường nói: "Tôi đang đọc lại...", chứ hiếm khi là "Tôi đang đọc..." lần đầu.
Ít nhất điều này đúng với những người được xem là "đọc nhiều". Còn với người trẻ thì không ứng nghiệm bởi nhóm này đang ở độ tuổi lần đầu tiếp xúc với thế giới (và cả với các tác phẩm kinh điển vốn là một phần của thế giới ấy). Sự tiếp xúc này quan trọng bởi nó là lần tiếp xúc đầu tiên.
Tiền tố ám chỉ sự lặp lại "re-" trong động từ "read" có thể là cử chỉ khoả lấp nho nhỏ của một nhóm người e thẹn thừa nhận rằng họ chưa đọc một cuốn sách trứ danh nào đó. Để trấn an họ thì chỉ cần chỉ ra rằng: dù ai đó đã ngốn đa dạng sách đến đâu trong tiến hình định hình việc đọc của mình, vẫn luôn còn đó vô số tác phẩm quan trọng họ chưa từng đọc.
Ai đã đọc trọn bộ Herodotus và Thucydides thì giơ tay lên nào. Còn Saint-Simon? Còn Hồng y Retz? Ngay cả các chuỗi tiểu thuyết lớn của thế kỷ XIX cũng thường được nhắc đến nhiều hơn là được đọc. Ở Pháp, học sinh bắt đầu đọc Balzac từ thời đi học; dựa trên số lượng ấn bản lưu hành, có vẻ như nhiều người vẫn tiếp tục đọc ông sau khi rời ghế nhà trường. Nhưng nếu có một cuộc khảo sát chính thức về mức độ phổ biến của Balzac ở Ý, tôi e rằng ông sẽ xếp hạng khá thấp. Còn những người hâm mộ Dickens ở Ý là một nhóm nhỏ tinh hoa; mỗi khi gặp nhau họ sẽ hồi tưởng về các nhân vật và tình tiết như thể đang nói về những người họ thực sự quen biết. Khi Michel Butor giảng dạy ở Mỹ cách đây vài năm, ông đã quá mệt mỏi vì bị hỏi về Émile Zola - một tác giả ông chưa từng ngó ngàng, đến mức phải quyết định đọc toàn bộ loạt tiểu thuyết Rougon-Macquart. Ông phát hiện ra rằng nó hoàn toàn khác với những gì mình hình dung: hóa ra đó là một hệ thống phả hệ và vũ trụ luận đầy tính huyền thoại và sự diệu kì, điều mà sau này ông đã mô tả trong một luận văn xuất sắc.
Vẫn luôn còn đó một lượng tác phẩm nền tảng khổng lồ mà ta chưa từng đọc.
Điều này cho thấy rằng, việc đọc một tác phẩm vĩ đại lần đầu tiên khi đã trưởng thành hoàn toàn là một niềm vui phi thường, một niềm vui rất khác (dù khó nói là hơn hay kém) so với khi đọc nó lúc còn trẻ. Tuổi trẻ mang đến cho mỗi lần đọc hay mỗi trải nghiệm một hương vị và ý nghĩa độc nhất; còn ở độ tuổi chín chắn hơn, ta có thể trân trọng (hoặc nên trân trọng) nhiều chi tiết, lớp lang và tầng nghĩa hơn. Vì vậy, ta có thể thử một cách diễn đạt khác cho định nghĩa của mình:
2. Tác phẩm kinh điển là loại sách tạo nên trải nghiệm quý giá cho những ai đã đọc và yêu mến chúng; tuy nhiên, chúng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ấy cho người biết dành dụm cơ hội đọc vào thời điểm khi họ có điều kiện tận hưởng tốt nhất.
Thực tế là những gì ta đọc thời trẻ thường có thể mang lại ít giá trị, bởi khi ấy ta còn thiếu kiên nhẫn, khó tập trung, kĩ năng đọc lóng ngóng và chưa đủ trải nghiệm sống. Tuy vậy việc đọc khi còn trẻ cũng có thể (và có lẽ đồng thời) mang tính định hình theo nghĩa đen, bởi nó tạo nên khuôn mẫu cho những trải nghiệm trong tương lai, cung cấp các mô thức, cách tiếp cận, tiêu chí so sánh, hệ thống phân loại, thang giá trị và hình mẫu về cái đẹp. Tất cả tiếp tục vận hành trong ta ngay cả khi ta gần như không nhớ gì về cuốn sách đã đọc thuở thiếu thời. Đọc lại cuốn đó ở tuổi trưởng thành, ta nhận ra những thành tố không đổi này giờ đây đã cắm rễ thành một phần của cơ chế nội tại dù ta có quên béng chúng từ đâu ra. Một tác phẩm có sức mạnh đặc biệt khi bản thân nó có thể bị lãng quên nhưng vẫn để lại hạt giống bên trong ta. Từ đây có thể đưa ra định nghĩa sau:
3. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách tạo ra sức ảnh hưởng đặc thù: có khi chúng khắc sâu vào trí tưởng ta theo cách không thể quên được, có khi chúng ẩn mình trong các tầng ký ức - nguỵ trang dưới tầng vô thức cá nhân hoặc vô thức tập thể.
Vì lý do đó mà quãng đời trưởng thành của mỗi người cần có khoảng thời gian dành riêng cho việc tái khám phá những tác phẩm quan trọng nhất từng đọc vào thời trẻ. Sách vẫn là chúng (dù bản thân chúng cũng thay đổi khi được nhìn dưới lăng kính của một góc nhìn lịch sử thay thế), còn ta chắc chắn đã thay đổi. Do đó lần gặp lại này là hoàn toàn mới mẻ.
Vậy nên, dùng động từ "đọc" hay "đọc lại" cũng không quá quan trọng. Thực ra có thể nói rằng:
4. Tác phẩm kinh điển là cuốn sách mà mỗi lần đọc lại đều có cảm giác mới mẻ như lần đọc đầu tiên.
5. Tác phẩm kinh điển là cuốn sách mà ngay cả khi ta đọc lần đầu, nó vẫn mang lại cảm giác như đang đọc lại một điều gì đó ta đã từng biết.
Định nghĩa số 4 có thể được xem là hệ quả của định nghĩa sau:
6. Tác phẩm kinh điển là cuốn sách không bao giờ cạn kiệt những điều có thể nói với độc giả. Trong khi đó, định nghĩa số 5 gợi ý một cách diễn đạt phức tạp hơn, như sau:
7. Tác phẩm kinh điển là các cuốn sách mà khi đến với ta, nó đã lấp lánh ánh hào quang của nhiều cách diễn giải trước, đã để lại sau gót bao vết hằn vào một hay nhiều nền văn hóa (hoặc chỉ trong ngôn ngữ và tập quán) mà chúng lướt qua.
Điều này đúng với cả kinh điển cổ đại lẫn kinh điển hiện đại. Khi đọc văn bản "Odyssey" nguyên gốc của Homer, ta không thể gác lại bao lớp lang ý nghĩa người ta đã tạo dựng qua hàng thế kỉ xung quanh cuộc phiêu lưu của Odyssey. Ta không thể không tự hỏi liệu những ý nghĩa đó đã tiềm ẩn trong nguyên tác hay chúng là những lớp nghĩa bổ sung, biến dạng hoặc mở rộng về sau. Khi đọc Kafka, ta tự thấy mình đồng tình hoặc bác bỏ tính hợp lý của tính từ Kafkaesque vốn thường dùng để mô tả bất cứ điều gì. Khi đọc Cha và con của Turgenev hay Lũ quỷ của Dostoevsky, ta không thể không suy ngẫm về cách các nhân vật trong những cuốn sách này tiếp tục được tái sinh cho đến tận thời đại của chúng ta.
Đọc một tác phẩm kinh điển cũng thường khiến ta ngạc nhiên khi so sánh nó với hình ảnh mà ta từng có về nó. Vì lý do đó, việc khuyến khích đọc trực tiếp văn bản gốc chưa bao giờ là đủ, đồng thời cần tránh tối đa việc tiếp cận các tài liệu bình luận, chú giải và diễn giải thứ cấp. Các trường học và trường đại học nên nhấn mạnh rằng không có cuốn sách nào bàn về một tác phẩm lại có thể nói nhiều hơn chính tác phẩm đó; thế nhưng, thực tế là hệ thống giáo dục thường làm điều ngược lại, khiến học sinh tin rằng các bài phê bình, phần giới thiệu và tài liệu tham khảo quan trọng hơn chính văn bản gốc. Đây là một sự đảo lộn giá trị đang rất phổ biến. Chúng biến các bình luận thành màn khói che lấp những gì văn bản thực sự muốn nói - những điều chỉ truyền tải được khi để tự nó lên tiếng, không bị can thiệp bởi những người cho rằng họ hiểu rõ hơn tác phẩm. Vì vậy, ta có thể kết luận rằng:
8. Tác phẩm kinh điển là một công trình luôn tạo ra một lớp bụi phê bình dày đặc xung quanh nó, nhưng cuối cùng nó luôn rũ bỏ lớp bụi ấy.
Tác phẩm kinh điển không nhất thiết phải dạy ta một điều gì hoàn toàn mới; đôi khi ta tìm ra trong một tác phẩm kinh điển một điều mà ta luôn biết (hoặc tưởng rằng mình biết), nhưng không nhận ra rằng văn bản kinh điển đó đã nói ra điều ấy trước tiên (hoặc rằng ý tưởng ấy có liên hệ chặt chẽ với tác phẩm này). Và phát hiện đó cũng là một bất ngờ đầy hứng khởi, giống như cảm giác lần đầu tiên biết được nguồn gốc của một ý tưởng, mối liên hệ của nó với một tác phẩm, hay ai là người đầu tiên phát biểu nó. Từ đó, ta có thể đưa ra một định nghĩa như sau:
9. Tác phẩm kinh điển là những cuốn sách mà càng nghĩ rằng ta đã biết về chúng qua những lời đồn đại, ta càng thấy chúng mới mẻ, bất ngờ và sáng tạo khi thực sự đọc.
Dĩ nhiên, điều này chỉ xảy ra khi một tác phẩm kinh điển thực sự ‘vận hành’ như một tác phẩm kinh điển, nghĩa là khi nó tạo lập một mối quan hệ cá nhân với người đọc. Nếu không có điểm sáng ấy, việc đọc sẽ trở nên vô nghĩa: không ai nên đọc sách kinh điển chỉ vì nghĩa vụ hay lòng tôn kính, mà chỉ nên đọc vì tình yêu dành cho chúng. Ngoại trừ trong trường học: trường học có nhiệm vụ dạy cho ta biết, dù ta thích hay không, một số lượng nhất định các tác phẩm kinh điển—và chính từ đó (hoặc bằng cách dùng chúng làm điểm tham chiếu), ta sẽ nhận ra đâu là tác phẩm kinh điển của riêng mình. Trường học buộc phải cung cấp cho ta công cụ để lựa chọn; nhưng những lựa chọn thực sự có ý nghĩa là những lựa chọn mà ta đưa ra sau khi đã rời xa môi trường giáo dục chính quy. Chính trong những lần đọc không bị ép buộc, ta mới có thể gặp được cuốn sách sẽ trở thành cuốn sách của đời mình. Tôi biết một nhà sử học nghệ thuật xuất sắc, một người đọc vô cùng uyên bác; trong số hàng nghìn cuốn sách ông đã đọc, cuốn mà ông yêu thích nhất lại là Những ghi chép của Pickwick (The Pickwick Papers). Trong bất kỳ cuộc thảo luận nào, ông đều trích dẫn Dickens, và liên hệ mọi sự kiện trong đời với các tình tiết trong Pickwick. Dần dần thì bản thân ông, vũ trụ và triết lý cốt yếu của vũ trụ đã hòa làm một trong tác phẩm Những ghi chép của Pickwick, trong một quá trình đồng nhất hóa hoàn toàn. Nếu đi theo hướng này, ta sẽ đến với một định nghĩa về tác phẩm kinh điển vừa cao cả vừa đầy thử thách:
10. Tác phẩm kinh điển là tên gọi của bất kỳ cuốn sách nào có khả năng đại diện cho cả vũ trụ, một cuốn sách ngang hàng với những bùa chú cổ đại.
Một định nghĩa như vậy đưa ta đến gần với khái niệm về một cuốn sách toàn diện, giống như điều Mallarmé từng mơ ước. Nhưng một tác phẩm kinh điển cũng có thể thiết lập một mối quan hệ mạnh mẽ ngang bằng - không phải từ sự đồng nhất, mà từ sự đối lập hoặc phản kháng. Tôi yêu thích mọi tư tưởng và hành động của Jean-Jacques Rousseau, nhưng đồng thời chúng cũng khơi dậy trong tôi một ham muốn không thể cưỡng lại để phản biện, phê phán và tranh luận với ông. Dĩ nhiên, điều này một phần do tính cách của ông không hợp với tôi, nhưng nếu chỉ vì thế tôi đã có thể đơn giản là tránh đọc ông. Thế nhưng, tôi lại không thể không coi Rousseau là một trong những tác giả của tôi. Vì vậy, tôi muốn nói rằng:
11. Tác phẩm kinh điển của bạn là một cuốn sách mà bạn không thể thờ ơ với nó, và nó giúp bạn định hình bản thân—dù theo hướng đồng thuận hay đối lập với nó.
Tôi không nghĩ mình cần biện hộ cho việc sử dụng thuật ngữ kinh điển, vì nó không phân biệt về niên đại, phong cách hay thẩm quyền. (Để tìm hiểu lịch sử của tất cả những ý nghĩa này, có một bài viết rất đầy đủ của Franco Fortini về Classico trong Enciclopedia Einaudi, tập III). Ở đây, điều phân biệt một tác phẩm kinh điển có lẽ chỉ là một dạng cộng hưởng mà ta cảm nhận được—bất kể đó là một tác phẩm cổ hay hiện đại—nhưng nó luôn có một vị trí trong dòng chảy văn hóa liên tục. Ta có thể nói rằng:
12. Tác phẩm kinh điển là là một tác phẩm đi trước những tác phẩm kinh điển khác; nhưng những ai đã đọc những tác phẩm kinh điển khác trước đó sẽ lập tức nhận ra vị trí của nó trong phả hệ của các tác phẩm kinh điển.
Đến điểm này rồi, tôi không thể trì hoãn thêm vấn đề quan trọng về mối liên hệ giữa việc đọc các tác phẩm kinh điển với việc đọc tất cả những văn bản khác không thuộc về kinh điển. Đây là một vấn đề gắn liền với những câu hỏi như: "Tại sao đọc các tác phẩm kinh điển thay vì đọc những tác phẩm giúp chúng ta hiểu sâu hơn về thời đại của chính mình?" và "Làm thế nào để tìm được thời gian và sự an nhiên để đọc các tác phẩm kinh điển, khi chúng ta đang bị nhấn chìm trong cơn lũ của các tài liệu in ấn về thời hiện tại?"
Dĩ nhiên về mặt lý thuyết, có thể tồn tại một người may mắn dành toàn bộ "thời gian đọc" của mình chỉ để nghiền ngẫm Lucretius, Lucian, Montaigne, Erasmus, Quevedo, Marlowe, Bài diễn thuyết về phương pháp (Discourse on Method), Wilhelm Meister của Goethe, Coleridge, Ruskin, Proust và Valéry, thỉnh thoảng lấn sân qua Murasaki hay các Saga Iceland. Và người đó có thể làm tất cả điều này mà không cần viết bài đánh giá về lần tái bản mới nhất, không cần gửi bài báo để theo đuổi một chức danh giáo sư đại học, hay hoàn thành bản thảo đúng hạn cho nhà xuất bản. Để duy trì chế độ này mà không bị xáo trộn, người may mắn ấy phải tránh xa báo chí, không bị cám dỗ bởi tiểu thuyết mới nhất hay cuộc khảo sát xã hội gần đây nhất. Nhưng cần phải xem xét liệu sự khắt khe như vậy có thể được biện minh hay thậm chí có ích hay không. Thế giới đương đại có thể tầm thường và gây mê muội, nhưng nó luôn là bối cảnh mà từ đó chúng ta phải định vị mình để nhìn về quá khứ hoặc tương lai. Để đọc các tác phẩm kinh điển, bạn cần xác định rõ mình đang đọc chúng từ đâu, nếu không cả người đọc lẫn văn bản đều có xu hướng trôi dạt vào một màn sương mù phi thời gian. Vì vậy, có thể nói rằng người tận dụng tối đa lợi ích từ việc đọc các tác phẩm kinh điển là người biết cách luân phiên chúng một cách khéo léo với những liều lượng phù hợp của tài liệu đương đại. Và làm được điều này không nhất thiết phải là người có nội tâm hài hòa: nó cũng có thể là kết quả của một tính khí nóng nảy, bồn chồn, của một người luôn cảm thấy khó chịu và bất mãn.
Có lẽ lý tưởng nhất là lắng nghe hiện tại như một âm thanh ngoài cửa sổ, cảnh báo chúng ta về những ùn tắc giao thông và sự thay đổi thời tiết bên ngoài, trong khi chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi dòng chảy của các tác phẩm kinh điển vang lên rõ ràng và mạch lạc bên trong căn phòng của mình. Nhưng với hầu hết mọi người, việc nghe các tác phẩm kinh điển như một tiếng vang xa xôi bên ngoài căn phòng bị bao trùm bởi hiện tại như thể một chiếc tivi đang mở hết âm lượng, đã là một thành tựu. Vì vậy, chúng ta có thể bổ sung thêm:
13. Một tác phẩm kinh điển là tác phẩm có thể khiến âm thanh của hiện tại trở thành âm thanh nền, và đồng thời, các tác phẩm kinh điển không thể tồn tại nếu thiếu cái âm thanh nền ấy.
14. Một tác phẩm kinh điển là một tác phẩm vẫn tiếp tục vang vọng như một âm thanh nền, ngay cả khi hiện tại hoàn toàn mâu thuẫn với nó.
Trên thực tế, việc đọc các tác phẩm kinh điển vẫn dường như đi ngược lại với nhịp sống của chúng ta – một nhịp sống không dung chứa những khoảng thời gian kéo dài hay không gian dành cho thứ nhân tính tên là ‘otium’ (sự nhàn tản có mục đích theo tinh thần cổ điển); và cũng đi ngược lại với tính chiết trung (‘eclecticism’) của nền văn hóa hiện nay, vốn sẽ không bao giờ có khả năng soạn ra một danh mục các tác phẩm kinh điển phù hợp với thời đại của chúng ta.
Thay vào đó, những điều kiện trên lại chính là cuộc sống của Leopardi: sống trong lâu đài của cha mình (ông gọi đó là ‘paterno ostello’), ông theo đuổi sự sùng bái dành cho nền cổ đại Hy-La trong thư viện đồ sộ của cha mình - bá tước Monaldo. Thư viện ấy bao gồm toàn bộ nền văn học Ý cho đến thời điểm đó, và toàn bộ văn học Pháp ngoại trừ các tiểu thuyết và những tác phẩm xuất bản gần nhất, vốn bị đẩy sang rìa để dành cho chị gái của ông ("Stendhal của em"—cách ông gọi nhà văn Pháp khi viết thư cho Paolina). Giacomo thỏa mãn ngay cả những hứng thú khoa học và lịch sử mãnh liệt nhất của mình bằng những văn bản chưa bao giờ thực sự "cập nhật": ông đọc về tập tính của loài chim trong sách của Buffon, về các xác ướp của Frederik Ruysch ở Fontenelle, và về các chuyến đi của Columbus ở Robertson.
Ngày nay, nền giáo dục cổ điển như của Leopardi là điều không tưởng, nhất là khi thư viện của bá tước Monaldo - cha ông, đã phân rã. Phân rã cả theo nghĩa những đầu sách cũ đã bị khai trừ, lẫn theo nghĩa những đầu sách mới lại bùng nổ tại mọi nền văn học và văn hóa hiện đại. Điều duy nhất mỗi người có thể làm là tự xây dựng thư viện lý tưởng của riêng mình về các tác phẩm kinh điển; và tôi nghĩ rằng một nửa trong số đó nên là những cuốn sách mà ta đã đọc và có ý nghĩa đối với mình, còn nửa kia là những cuốn sách mà ta dự định sẽ đọc và cho rằng có thể sẽ có ý nghĩa đối với mình. Chúng ta cũng nên để trống một số không gian dành cho những bất ngờ và những khám phá tình cờ.
Tôi nhận thấy Leopardi là cái tên duy nhất thuộc văn học Ý mà tôi đã trích dẫn. Đây chính là hệ quả của sự phần rã của thư viện. Giờ đây tôi nên viết lại toàn bộ bài luận này, làm rõ rằng các tác phẩm kinh điển giúp chúng ta hiểu chúng ta là ai và đã đi xa đến đâu. Do đó, các tác phẩm kinh điển của Ý là không thể thiếu đối với người Ý để họ có thể so sánh với các tác phẩm kinh điển nước ngoài, và ngược lại, các tác phẩm kinh điển nước ngoài cũng không thể thiếu để có thể đặt cạnh các tác phẩm kinh điển của Ý.
Sau đó, tôi thực sự nên viết lại nó lần thứ ba, để mọi người không nghĩ rằng các tác phẩm kinh điển phải được đọc vì chúng có một mục đích nào đó. Lý do duy nhất có thể viện dẫn để ủng hộ chúng là: đọc các tác phẩm kinh điển luôn tốt hơn là không đọc chúng.
Và nếu ai đó phản đối rằng chúng không đáng để dành nhiều công sức như vậy, tôi sẽ trích dẫn Cioran (không phải một nhà tư tưởng kinh điển, ít nhất là chưa, mà là nhà tư tưởng đương đại; tác phẩm của ông chỉ mới được dịch sang tiếng Ý gần đây):
Khi người ta đang chuẩn bị chén thuốc độc, Socrates vẫn học một giai điệu trên cây sáo. "Điều đó có ích gì cho ông?", người ta hỏi. "Ít nhất, tôi sẽ học được giai điệu này trước khi chết."
Đủng Đỉnh Đọc dịch từ nguồn: https://www.penguin.co.uk/discover/articles/why-we-read-classics-italo-calvino
0 Comments