Vì sao sách tranh về thiên nhiên lại cần thiết cho trẻ?

Các tựa sách về thiên nhiên và làm vườn tại gia đình của blogger Victoria Wade.
"Đây là những cuốn sách mà tôi và con xem đi xem lại để chiêm ngưỡng tranh vẽ, tra cứu một loài cây  hoặc đơn giản là tận hưởng nhịp điệu của ngôn từ."

Nghĩ về thời thơ ấu, những hình ảnh nào lập tức hiện lên trong bạn? 

Với mình, đó là vạt cỏ dại ở bãi đất trống gần nhà đổi sắc theo từng mùa, hàng rào dâm bụt rực rỡ, cây bàng oai vệ có chiếc xích đu tụi mình tranh nhau ngồi... Dường như những sự việc, con người của tuổi thơ luôn gắn liền với một sinh thể hay quang cảnh thiên nhiên. 

Trẻ con có sự kết nối bẩm sinh và trực tiếp với môi trường sống xung quanh: những khóm hoa nở rồi tàn, ngọn núi đằng xa, con sông cuối phố, mùi đất ngai ngái sau cơn mưa,... Những sự vật, quang cảnh, hiện tượng trong môi trường sống được trẻ thu nhận trong vô thức, dần dần hình thành trong tâm hồn trẻ bức tranh đầu đời về thế giới. Một cách tự nhiên, trẻ được thu hút bởi những chuyển động của sự sống, để rồi khởi sinh cảm xúc gắn bó, thương mến, có nhu cầu muốn tìm hiểu và khám phá nhiều hơn. Chính nhu cầu này là điểm khởi đầu cho hành trình học tập suốt đời.

Vì sao trẻ cần được nghe kể và đọc sách về thiên nhiên?

Để giúp trẻ chuyển giao từ trạng thái ý thức mơ màng sang dần dần tỉnh thức với môi trường xung quanh, chúng ta có thể cho trẻ được tiếp xúc với các chất liệu khác nhau. Khi còn bé (3-5 tuổi) thì cha mẹ có thể kể các câu chuyện nhỏ khắc họa hình ảnh của núi, sông, bầu trời, mây, cây cối, động vật, khoáng vật. Ánh sáng và hơi ấm của mặt trời, nước từ những đám mây, ngọn gió chở hạt giống đi xa, mặt đất ôm ấp hạt mầm và những chồi non vừa hé nở: tất cả có thể được đưa vào những câu chuyện tràn đầy đối thoại, hé lộ cử chỉ nội tại và những bí mật của thế giới. Mặc dù được nhân cách hóa, các câu chuyện này được sáng tác để thể hiện theo cách giàu hình ảnh các yếu tố khác nhau trong môi trường sống, sao cho trung thực (dựa trên cơ sở khoa học), khơi dậy cảm giác tôn kính, yêu thương, ngưỡng mộ và biết ơn đối với thế giới tự nhiên.

Đây là một trong những cuốn sách tranh thiên nhiên tiêu biểu cho trẻ trong độ tuổi mầm non & lớp 1. Sibylle von Olfers là một họa sĩ minh họa và tác giả sách thiếu nhi người Đức. Các tác phẩm của bà khắc họa thiên nhiên qua đường nét mềm mại và gam màu đất. Bà nắm bắt nhịp điệu của các mùa trong năm một cách dịu dàng và đầy chất thơ, thể hiện trẻ em như một phần của tự nhiên: nhú lên như những bông hoa vào mùa xuân, vui chơi vào mùa hè, rồi rút xuống lòng đất khi đông đến. Các tranh minh hoạ của bà tuy đơn giản và tao nhã nhưng lại có sức hút vượt thời gian, khiến các tác phẩm của bà trở thành kinh điển trong văn học thiếu nhi.

Một vài trang trong cuốn sách

Vào tiểu học, trẻ đã có thể đọc các cuốn sách tranh về thiên nhiên. Tuổi càng lớn, những câu chuyện mang đến các hiểu biết càng có tính chi tiết và nhạy bén hơn; khi đó sự quan tâm và khả năng quan sát của trẻ được rèn luyện một cách nhẹ nhàng, đồng thời khả năng sống trong các hiện tượng thiên nhiên vẫn được gìn giữ. Khi câu chuyện đang dần định hình, một khía cạnh nào đó của thiên nhiên cũng đồng thời tiết lộ chính nó một cách trọn vẹn hơn. Sự hòa mình của trẻ vào những điều kỳ diệu của thiên nhiên dần chuyển hóa thành cảm xúc, đồng thời khả năng quan sát tinh tế hơn cũng được khơi dậy.


Một vài trang trong cuốn Cây sung trên đảo của tác giả/hoạ sĩ Lương Ngọc Linh do Room to Read xuất bản. Cuốn sách đặt trong bối cảnh một trận bão lớn đang về, người dân đều phải tản cư tránh bão và chỉ còn cây sung trơ trọi trên đảo. Quả mọc ra rồi chín nẫu mà vẫn chưa thấy bóng dáng ai, cho đến khi những hạt cây theo gió bay xa...

Bên cạnh đó, chúng ta nên bổ sung thêm các tựa sách phi hư cấu có thể khơi gợi sự đối chiếu, mày mò, suy ngẫm. Đây là các cuốn sách giải thích cho trẻ về những điều gần gũi ngay trước mắt, để rồi trẻ sẽ gặp lại chúng sau này trong môn Địa lý hay Sinh học. Các môn học này trở nên gần gũi hơn khi trẻ đã sẵn có vốn hiểu biết và sự liên hệ đến những thứ mà trẻ quen thuộc — cây cối, động vật, địa hình đất đai, núi non và sông ngòi… Nhờ vậy trẻ được đánh thức về thế giới quanh mình, học được cách kết nối bản thân với thế giới đó.

Các cuốn sách về thực vật, động vật và môi trường không chỉ nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với thế giới tự nhiên mà còn khơi dậy mong muốn trải nghiệm và tương tác trực tiếp.
Ảnh: Anh Thy

Một trang trong cuốn Bí mật của rừng, của tác giả Trần Trọng Ngân và hoạ sĩ Nguyễn Quang Phúc do Room to Read xuất bản

Tác giả sách thiếu nhi Michael Gerand Bauer kể rằng: "Trước mỗi chuyến đi biển, chúng tôi đến thư viện địa phương lục bằng hết các cuốn sách có câu chuyện về đại dương, bãi biển cùng vô số sinh vật kì thú đã chọn nơi đó là nhà. Chẳng ngạc nhiên khi hai đứa con tôi trở thành những nhà thám hiểm đá đầy say mê." 

Ảnh: Michael Gerard Bauer

Ông kể rằng mình rất yêu thích thiên nhiên trong cuốn Gió qua rặng liễu, nhưng sách về thiên nhiên chỉ thực sự trở nên quan trọng khi các con ông chào đời. Nội dung sách làm nổi bật lên vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, mở ra trước đôi mắt của trẻ vô vàn điều kì diệu. Những điều kỳ diệu ấy, các con không chỉ khám phá trong các công viên quốc gia hay các khu rừng, mà còn ngay trong sân nhà mình. 

Chính thiên nhiên sẽ mang lại cho trẻ một trong các cảm xúc quan trọng nhất vào những năm đầu đời: cảm giác ngỡ ngàng trước điều kì diệu. Cảm giác này sẽ khơi nguồn cho hành trình học tập của trẻ, là điều kiện tiên quyết để tạo động lực cho tư duy hoạt động.

Post a Comment

0 Comments