Emma's Rug - Tấm thảm của Emma

Emma's Rug (Tấm thảm của Emma) là tác phẩm sách tranh do hoạ sĩ/tác giả Allen Say sáng tác.

Emma được tặng một tấm thảm khi vừa chào đời. Từ đó tấm thảm là cả một sự diệu kì: suốt thời thơ ấu, Emma giữ tấm thảm như người bạn thiết, say mê những nếp gấp, hoa văn và hình thù mà không ai khác có thể nhìn thấy. Khi đến trường, Emma bắt đầu thể hiện khả năng hội hoạ vượt trội, được thầy cô khen ngợi và nhận nhiều giải thưởng. Khi người ta hỏi cô bé lấy ý tưởng từ đâu, thì chỉ nhận được câu trả lời: "Con chỉ sao chép lại thôi."


Emma yêu tấm thảm lắm. 

Cô bé nằm lên, ngồi lên và thấy thật hạnh phúc.

Khi mới vừa biết đi, cô bé mang nó đi khắp nơi và không bao giờ dẫm chân lên.

Còn bây giờ thì cô bé chỉ nhìn nó chằm chằm trong tư thế ngồi ngay ngắn, một lúc lâu thật lâu.

“Nó chẳng phải cái thảm. Nó là cái ti vi của con bé.”Ba nói.

“Con nhìn thấy gì trong cái vật xù xù đó vậy?”Mẹ hỏi.

Emma không trả lời.




Ngay sau ngày được Thị trưởng thành phố mời đến dự tiệc, mẹ Emma giặt tấm thảm. Nó co rúm lại, mất hết lớp lông mềm mại và biến thành một tấm thảm khác. Không còn bất kì điều gì hiện lên khi nhìn vào tấm thảm nữa. Cô bé ngừng vẽ, vứt bỏ tất cả giải thưởng, bút chì, sơn, cọ vẽ và cả tấm thảm. Cảm giác mất mát đẩy cô bé vào nỗi buồn lớn lao. Rồi một ngày, Emma nhận ra một hình thù quen thuộc xuất hiện trên tường, và nhận ra cảm hứng luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Cô bé không cần dựa vào một tấm thảm an toàn để khơi dậy khả năng nghệ thuật của mình nữa. 



Cả buổi chiều, Emma ngồi trong căn phòng trống.

Dường như căn phòng trông lớn hơn và sáng hơn.

“Không còn bức tranh nào nữa,” Emma lầm bầm.

Rồi một thứ gì đó khiến cô bé nhảy cẫng lên.
Từ khoé mắt cô bé bắt được thứ gì đó đang di chuyển đằng sau mình.
Cô bé biết ở đằng sau chỉ có bức tường mà thôi, bức tường trống trải.
Nhưng cô bé quay đầu lại - như để chụp lấy hình ảnh của một thứ gì đang bay đi.

Cô bé la lên.


 


Cô bé chạy như bay ra ngoài.
“Không thể nào.” Cô bé vừa nói vừa thở gấp.
Cô bé thấy những đôi mắt ấy đang dõi theo mình,
và rồi khuôn mặt của những sinh vật lấp ló khắp nơi.
Cô bé nhận ra tất cả những khuôn mặt này.
Cô bé đã nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp lại chúng nữa.
“Mình thấy các bạn rồi!” Emma la lên vui sướng.
Những cái cây sột soạt như đang cười.
Rồi mọi thứ trở nên yên ắng. 

Tấm thảm đã là cả thế giới mộng tưởng để cô bé được đắm chìm, để rồi "sao chép" vô số hình thù ra giấy. Trí tưởng tượng của cô bé phụ thuộc vào tấm thảm. Đó là thế giới sống động và thực đến vô cùng. Nhưng nhờ thoát ra khỏi thế giới đó mà tâm hồn cô bé mở rộng ra, không chỉ chăm chăm vào những thứ quen thuộc nữa. Đã đến lúc Emma bước ra thế giới bên ngoài.

Khoảnh khắc cô bé nhìn thấy cái bóng diệu kì ấy: đó là cái aha! giải thoát cô bé khỏi một thứ quen thuộc. Nó giống như hành trình một đứa trẻ phải rời khỏi vòng tay mẹ, một thanh niên 18 tuổi rời quê nhà lên thành phố học, một thuyền nhân rời đất mẹ để lên chuyến hải hành về phía miền đất hứa. Ở đây cũng là một cuộc rời bỏ cái gắn bó để đến với một cái gì rộng rãi hơn, đòi hỏi nhiều can đảm hơn.

Bây giờ cô bé đã tự do vì kết nối được với sự sống ở khắp nơi. Khả năng hình dung trong nội tâm nay đã bắt rễ với thế giới bên ngoài. Đôi mắt đã thuộc về một chân trời mới.

Tác giả/hoạ sĩ Allen Say, trong bài phát biểu nhận Huy chương Caldecott đã kể ra một câu chuyện cho ta thêm góc nhìn về cuốn sách. Câu chuyện như sau:

[...] tôi muốn kể bạn nghe về món quà kỳ diệu nhất. Tôi chưa đầy bốn tuổi khi nhận được nó, và người tặng là một nhân vật quyền quý mà tôi không còn nhớ rõ khuôn mặt. Món quà ấy là một thanh kiếm nghi lễ tuyệt đẹp. Đôi tay bé nhỏ của tôi khó lòng nắm hết vỏ kiếm nặng nề; tôi rút kiếm ra một nửa để chắc chắn rằng nó là thật rồi đẩy vào lại với một tiếng "cạch" tràn đầy sung sướng và cẩn thận đặt nó lên chiếc bàn gỗ anh đào dài trong phòng ăn. Sau đó tôi vào phòng tắm, khi trở lại thanh kiếm đã biến mất. Tôi hỏi người hầu, rồi hỏi cha mẹ. Họ đặt vào tôi ánh nhìn trống trải. Trong cơn hoảng loạn, tôi lục tung khắp nhà, và khi không tìm thấy, tôi nổi trận lôi đình, buộc tội người lớn giấu nó đi. Cuối cùng, mẹ tôi hiểu ra và cố gắng an ủi tôi. Đó chỉ là một giấc mơ thôi, bà nói.

Tôi chưa bao giờ hoàn toàn tin rằng đó chỉ là một giấc mơ. Ngay cả bây giờ, hơn năm mươi năm sau, thanh kiếm ấy vẫn là một trong những vật sống động nhất mà tôi gần như đã sở hữu. Và sự việc đó đánh dấu khởi đầu cho sự bối rối suốt đời của tôi: tôi luôn khó khăn trong việc phân biệt giữa cuộc sống khi thức và những giấc mơ của mình. Thường xuyên, tôi hoàn toàn lạc lối khi cố xác định xem quả lê ngon ngọt tôi ăn hai ngày trước, hay người lạ thú vị tôi gặp ba ngày trước, có thật hay chỉ là ảo ảnh.

Allen nói rằng ông đã luôn sống giữa hai bờ hư thực. Cuộc chia tay của Emma với tấm thảm có lẽ cũng là ẩn dụ của Allen Say về những cuộc chia ly của ông với thế giới mộng tưởng để trở lại hiện thực, rồi lại bắt gặp mình ở một thế giới mộng tưởng khác. Ông là người mơ giữa thế gian. 

Vì vậy, Emma's Rug là câu chuyện là về sự sinh ra lần nữa và khám phá lại chính mình, về vai trò của sự buông bỏ trong hành trình đến với những chân trời mới.

Tranh minh họa của Allen Say đơn giản, với những đường nét rõ ràng và màu sắc thanh nhã, hài hoà. Tranh của ông kể câu chuyện của Emma, còn tranh của Emma lại có phong cách và sức sống riêng biệt. Trong khi trí tưởng tượng của Emma ngập tràn màu sắc và sự bay bổng, nghệ thuật kể chuyện của Allen Say lại gần như chân thực như ảnh chụp. 

Lời bài hát này bất giác hiện lên trong mình. Không bao giờ là cuộc chia ly, bởi những cái cũ sẽ sinh ra cái mới, và cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn trong qui luật vô thường.

No coming no going
No after no before 
I hold you close to me
I release you to be so free 
Because I am in you
And you are in me
Because I am in you
And you are in me. 


Post a Comment

0 Comments