Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết: "spotlight: author/illustrator allen say" của blogger Jama.
_______
"Hầu hết mọi người dường như quan tâm đến việc biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng cũng có những người biến hiện thực thành giấc mơ. Tôi thuộc nhóm người sau." - Allen Say
![]() |
Chân dung Allen Say trong phòng làm việc tại nhà. |
Khi mở bất kì cuốn sách tranh nào của Allen Say, khả năng cao bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cửa sổ và cửa chính. Có loại là cửa shoji của Nhật, làm từ gỗ và giấy; những loại khác là cửa phẳng hoặc cửa sổ cánh trượt thường thấy trong các căn nhà Mỹ.
Đối với Allen Say, đây có thể là cánh cửa dẫn vào trạng thái mơ màng, là biểu tượng của xung đột và cô lập, hoặc đơn giản là cách một người ngoài cuộc nhìn thế giới - ngắm nhìn những ô cửa sổ sáng đèn trong một ngôi nhà ấm cúng và ao ước mình thuộc về nơi đó, hoặc ngồi bên trong và quan sát phần còn lại của thế giới qua những tấm kính.
![]() |
Một giấc mơ sông |
Người ta thường nói, chúng ta dành nửa đầu cuộc đời để vượt qua tuổi thơ và nửa sau để cố gắng thấu hiểu nó. Nhiều tác giả sách thiếu nhi thừa nhận rằng họ sáng tác để hiểu rõ bản thân hơn, hoặc để tạo ra những cái kết hạnh phúc mà họ đã bỏ lỡ.
Điều này dường như đặc biệt đúng với Allen Say, người có tác phẩm xoay quanh các chủ đề như sự xa lạ, mất gốc, hòa nhập giữa các nền văn hóa và hành trình tìm kiếm danh tính. Ông sinh ra ở Yokohama và có một tuổi thơ không hạnh phúc: sống trong thời chiến, cha mẹ ly hôn, không hòa hợp với cha mình (một trẻ mồ côi gốc Hàn lớn lên ở Thượng Hải, muốn ông trở thành doanh nhân chứ không phải nghệ sĩ).
![]() |
Cả hai tác phẩm này đều có hình ảnh mẹ ông, một người Mỹ gốc Nhật sinh ra ở Oakland, California. Giống như con trai mình, bà cảm thấy không hạnh phúc khi buộc phải sống ở một đất nước khác. |
Ở sư phụ Noro Shinpei, Allen Say không chỉ tìm thấy một người thầy giúp mình nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật đang nảy nở, mà còn tìm được hình bóng người cha mà ông khao khát lâu nay. Ông gọi bốn năm gắn bó với Shinpei (được ghi lại trong cuốn The Ink-Keeper’s Apprentice) là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Giai đoạn học việc kết thúc khi ông theo cha chuyển đến Mỹ.
![]() |
Thời học việc với nghệ nhân giữ mực có thể xem là một cuốn tự truyện của Allen Say |
Nhưng đáng tiếc thay, “cuộc phiêu lưu lớn” mà Allen Say mong đợi đã trở thành những ngày tháng cô lập trong học viện quân sự toàn người da trắng, nơi ông bị tách biệt và phải sống trong một nhà kho cải tạo. Ông bị đuổi học vì hút thuốc trong phòng, nhưng nhờ vậy mà khi chuyển sang trường trung học công lập, ông được khuyến khích theo đuổi nghệ thuật.
Ông tham gia các lớp vẽ vào cuối tuần, trở về Nhật sau khi tốt nghiệp để rồi vỡ mộng trước những đổi thay của quê hương. Ông lại quay lại California và làm việc một thời gian với vai trò thợ học việc vẽ biển hiệu. Ông kết hôn và ghi danh vào UC Berkeley để học kiến trúc, nhưng không lâu sau đó bị gọi nhập ngũ và điều đến Đức.
Sau khi trở lại Mỹ, ông làm nhiếp ảnh gia thương mại trong khoảng 20 năm và thỉnh thoảng minh họa sách. Một trong những cuốn sách đầu tiên ông minh họa, How My Parents Learned to Eat của Ina R. Friedman (1984), đã mang tôi đến các tác phẩm của Allen Say; cuốn sách này cũng trở thành "cuốn sách thiếu nhi đa văn hóa” đầu tiên truyền cảm hứng cho việc viết lách của tôi.
Mãi gần đây tôi mới biết rằng Allen Say thực ra không hài lòng với cuốn đó vì chất lượng in màu kém. Ông thậm chí đã thề sẽ không bao giờ minh họa sách thiếu nhi nữa. Tuy nhiên, biên tập viên Walter Lorraine của Houghton Mifflin đã thuyết phục ông minh họa cuốn Boy of the Three-Year Nap của Dianne Snyder - một tác phẩm kể lại câu chuyện dân gian Nhật. Cuốn sách giành giải thưởng danh giá Caldecott Honor và Boston Globe-Horn Book Award vào năm 1988.
Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của Allen Say, bởi sau đó ông bỏ luôn nghề nhiếp ảnh thương mại và toàn tâm toàn ý sáng tác sách thiếu nhi. Năm 1994, ông giành được giải Caldecott Medal với cuốn Grandfather’s Journey.
![]() |
Bìa cuốn Hành trình của ông: là một người từng chu du khắp thế giới, ông nội của Allen Say cũng mang nỗi giằng xé giữa hai đất nước. |
Allen Say đặc biệt ở chỗ, ông là họa sĩ minh họa duy nhất mà tôi biết vẽ tranh trước rồi viết lời sau. Dù hầu hết các tác phẩm của ông đề cập đến những vấn đề sâu sắc, ông không bao giờ bắt đầu với một “thông điệp” cụ thể nào. Thay vào đó, ông phác thảo để thâm nhập vào những ý tưởng đang trôi nổi trong tiềm thức của mình:
Trước tiên, tôi nguệch ngoạc vài nét. Sau đó tôi vẽ bằng bút chì. Khi cảm thấy hài lòng với những gì đang hiện ra, tôi đưa nó lên giấy vẽ màu nước căng sẵn và bắt đầu đi màu. Khi tất cả các bức tranh đã hoàn thành, tôi mới đặt lời vào. Biên tập viên nghĩ rằng cách làm việc của tôi rất không tự nhiên; nếu ở trường, tôi sẽ không được điểm cao. Nhưng đây là phương pháp phù hợp nhất với tôi.
Allen Say cũng thừa nhận rằng ông không thích viết, thậm chí gọi đó là “việc không tự nhiên nhất mà tôi biết. Không một ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn bản chất của một điều gì đó.” Điều này cũng không bất ngờ, vì ông không biết một từ tiếng Anh nào khi đến Mỹ năm 16 tuổi.
Thẳng thắn thừa nhận rằng ông sáng tác chỉ để làm hài lòng chính mình, Allen Say vẫn không ngần ngại khai thác những chủ đề như tuổi già (Stranger in the Mirror), nguồn cảm hứng sáng tạo (Emma’s Rug) và cả những vấn đề gai góc như việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II (Home of the Brave). Những câu chuyện của ông dường như chạm đến trái tim người lớn nhiều hơn là trẻ em.
Các nhà phê bình, khi ca ngợi “những bức tranh màu nước bậc thầy” của Allen Say thường dùng những từ như tinh tế, thanh nhã, trong suốt và gợi cảm để mô tả phong cách nhẹ nhàng, tĩnh lặng của ông. Nét vẽ gọn ghẽ và bố cục thoáng đãng làm ta cảm thấy bầu không khí bình yên. Nhưng ẩn bên dưới là những tầng nghĩa xúc động và sâu rộng.
Nhiều tranh minh họa của ông mang dáng dấp của những bức chân dung điển hình, với sự chăm chút tỉ mỉ đến ánh sáng. Dường như những năm tháng làm nhiếp ảnh gia đã giúp ông nắm bắt trọn vẹn những khoảnh khắc cảm xúc trong chớp mắt và truyền tải lên tranh vẽ. Chính những biểu cảm khuôn mặt, nỗi đau hay sự bối rối ẩn sau đôi mắt mới là nơi câu chuyện thực sự diễn ra. Nó cho phép chúng ta, với tư cách là những người quan sát từ bên ngoài, bước vào cuộc đời của các nhân vật khi lật từng trang sách. Tranh vẽ của ông chứa đựng một sự tiết chế đầy mê hoặc.
Trong bài phát biểu nhận giải Caldecott năm 1994, ông đã nói: “Hành trình cuộc đời là một giấc mơ bất tận về những nơi ta đã rời xa và những nơi ta vẫn chưa chạm tới.”
0 Comments