Hiểu Biết Về Đa Văn Hóa: Tấm Gương, Cửa Sổ và Cửa Kính Trượt

Một trang trong cuốn sách tranh "Cây có đau không?" của tác giả Phan Cao Hoài Nam & hoạ sĩ Trần Đắc Trung, do Room to Read xuất bản

Thời nay, số phận của ngôn ngữ, văn hoá bản địa, bản sắc con người đang chịu chung số phận với thiên nhiên: tất thảy những gì đã được tích cóp qua khoảng thời gian dài dằng dặc bằng trí tuệ thực sự đang bị cào bằng để phục vụ cho lý trí và nhu cầu hạn hẹp của con người hiện đại. Bởi vậy, đẩy mạnh đa dạng văn hoá ngày càng trở nên cấp thiết hơn, như một phương thức để cân bằng lại các phản ứng phụ của toàn cầu hoá: tiêu giản văn hoá, ngôn ngữ, bản sắc dân tộc để vừa vặn ngưỡng "chuẩn" nhằm phục vụ số đông, đẩy các nhóm thiểu số ra ngoài lề nếu họ không thể theo kịp xu hướng phát triển.

Do vậy, bài viết “Mirrors, Windows, and Sliding Glass Doors" của nhà văn Rudine Sims Bishop, dù đăng từ năm 1990 và viết về hiện trạng tại Mỹ, vẫn có thể diễn tả những gì đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hi vọng trong tương lai không xa, số lượng sách thiếu nhi dành cho nhóm dân tộc thiểu số sẽ dần phong phú hơn. 

______________________

Tác giả: Rudine Sims Bishop, nhà văn & giáo sư tại Đại học Bang Ohio

Đủng Đỉnh Đọc dịch từ bài viết “Mirrors, Windows, and Sliding Glass Doors" đăng trên tạp chí Perspectives: Choosing and Using Books for the Classroom, Tập 6, số 3, Mùa hè 1990.

***

Sách là khung cửa sổ mở ra các cảnh tượng từ tác phẩm; cảnh tượng ấy có thể là hư hay thực, lạ hay quen. Khung cửa sổ cũng có thể biến thành tấm cửa kính trượt; độc giả chỉ cần kéo lớp kính qua để bước vào thế giới mà tác giả đã sáng tạo hoặc tái hiện. Khi điều kiện ánh sáng vừa đủ, khung cửa sổ lại trở thành tấm gương. Văn học chuyển tải trải nghiệm của con người và phản chiếu lại cho chúng ta. Trong sự phản chiếu đó, ta thấy trải nghiệm của riêng mình là một phần trong trải nghiệm rộng lớn của nhân loại. Vì vậy, sách trở thành phương tiện giúp độc giả nhìn rõ bức chân dung của bản thân trong tương quan với thế giới. 

Đã nhiều năm, các độc giả không phải người da trắng rất khó khăn để tìm thấy sự phản chiếu chân dung của mình. Năm nay (1990) đánh dấu 25 năm kể từ khi bài báo “Thế giới toàn màu trắng của trẻ em” của Nancy Larrick đăng trên tạp chí Saturday Review. Bà viết: “Trên khắp đất nước, 6,340,000 trẻ em không phải da trắng đang học cách đọc và hiểu lối sống Mỹ thông qua các cuốn sách gần như loại bỏ sự hiện diện của chúng, hoặc rất ít khi đề cập.” Một phần tư thế kỷ sau, dữ liệu điều tra dân số cho thấy có khoảng 30% học sinh thuộc các nhóm thiểu số như người Mỹ gốc La-tinh, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Mỹ bản địa. Vậy các em sẽ tìm thấy hình ảnh phản chiếu của mình ở đâu?

Sonia Nieto, một cộng sự trước đây của tôi tại Đại học Massachusetts, đã phát hiện ra rằng trong 10 năm từ 1972 đến 1982, trung bình mỗi năm chỉ có 5,5 cuốn sách được xuất bản về người Puerto Rico. Danh mục các sách xuất bản gần đây chỉ ra rằng trong 8 năm qua, con số vẫn y hệt và thậm chí thấp hơn.

Các truyện về người Mỹ gốc Mexico đương thời rất ít và thời điểm xuất bản cách xa nhau. Trong thư mục sách của Isabel Schon tại tạp chí “Journal of Youth Services” (Số mùa đông, 1989) liệt kê chỉ có tổng cộng 19 cuốn sách về người Mĩ gốc La-tinh, trong đó có 15 cuốn phi hư cấu, 4 cuốn truyện kể dân gian và truyền thuyết. 

Sách dành cho người gốc Á và người Mỹ bản địa cũng không khá hơn. Nhóm thiểu số có số lượng sách xuất bản nhiều nhất là người Mỹ gốc Phi. Trong một phần tư thế kỷ thế kỷ kể từ bài viết của Larrick, lượng sách về người Mỹ gốc Phi đã tăng đáng kể, dù có sụt giảm lớn trong khoảng những năm đầu và giữa thập niên 80.

Khi các em không tìm thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong các cuốn sách, hoặc hình ảnh nhìn thấy (về chính mình) lại méo mó, tiêu cực hoặc tức cười, các em hằn sâu bài học về cách mình bị hạ thấp trong chính xã hội mà mình đang là thành viên. Bởi tất cả trẻ em từ mọi nền văn hoá đang tạo nên một tô salad đầy màu sắc của xã hội Mĩ, lớp học phải là nơi các em tìm thấy được các hình ảnh phản chiếu của chính mình.

Trẻ em thuộc các nhóm xã hội chiếm ưu thế luôn tìm thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong sách, nhưng chúng cũng bị ảnh hưởng do không được đọc nhiều sách về người khác. Chúng cần các cuốn sách đóng vai trò như những khung cửa sổ nhìn ra thực tại chứ không chỉ nhìn vào thế giới tưởng tượng. Chúng cần sách giúp chúng hiểu được bản chất đa văn hóa của thế giới mình đang sống, và vị trí của chúng – vừa là thành viên của một nhóm nhất định, vừa thuộc về mối liên kết với tất cả con người khác. Ở đất nước này – nơi phân biệt chủng tộc vẫn là một trong các vấn đề chính và chưa thể giải quyết triệt để, sách là một trong các lựa chọn ít ỏi giúp những đứa trẻ bị cô lập và tách biệt với thế giới rộng lớn có thể gặp gỡ bao con người khác biệt với mình. Nếu chúng chỉ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình, chúng sẽ lớn lên với cảm giác “phóng đại” về tầm quan trọng và giá trị của mình trên thế giới – một dạng vị chủng nguy hiểm.

Từ việc đọc, trẻ em có thể nhận thức được nhiều cách sử dụng tiếng Anh khác nhau ở đất nước này, qua đó thấy được sự phong phú mà các phiên bản đó mang lại cho ngôn ngữ. Trong cuốn Tales of Belva Jean Copenhagen của Sandra Dutton (Atheneum, 1989), Belva Jean kể chuyện bằng giọng điệu riêng của mình, phản ánh nhịp điệu, ngữ pháp và sự sống động của người dân vùng núi Appalachian. Trong phần lời bạt, Belva Jean cũng nói: “Đáng ra tôi đã có thể kể mấy câu chuyện này bằng thứ Tiếng Anh Chuẩn, nhưng tôi không ở trên TV, và đây chẳng phải dịp gì trang trọng. Đây chỉ là bản thân tôi lải nhải về thời gian tôi đã trải qua và những người tôi đã gặp, và những điều chúng tôi đã trải qua cùng nhau…”

Trong một cuốn sách yêu thích cũ của tôi, My Brother Fine With Me của Lucille Clifton, lời kể của Johnetta phản ánh giọng kể đời thường của người Mỹ gốc Phi: "Me and Baggy the only child. I was the only child till he came being bom. Everything was all right, me and Mama and Daddy doing fine till Mama come spreading out like a pancake and Aunt Winnie who don't even like children come to watch me for a while and Mama go off and come back here with Baggy. I was mad for a long time and I ain't al that glad now, but I don't let on."

Đó là những giọng nói chân thực. Sự chân thực ấy khiến các nhân vật trở nên đáng tin cậy và định hình nên họ như thành viên của một nhóm xã hội đặc thù. Sử dụng thứ tiếng Anh chuẩn sẽ tước mất phần lớn sắc thái đặc trưng của họ.

Sách cũng có thể giới thiệu cho độc giả lịch sử và truyền thống quan trọng của một nhóm văn hóa, và gợi mở sự so sánh với chính văn hóa của mình. Một trong những cuốn sách đoạt giải Caldecott Honor năm 1989, Mirandy and Brother Wind của Patricia McKissack, là phiên bản hư cấu về cuộc gặp gỡ của ông và bà tác giả khi họ còn là thiếu niên. Họ yêu nhau từ điệu nhảy cakewalk, khiến họ như đang “nhảy nhót cùng Gió!”. Câu chuyện cũng giới thiệu cho độc giả đôi nét về lịch sử của điệu nhảy này – lan truyền từ các nô lệ và bắt nguồn từ văn hóa châu Phi.

Các truyện kể dân gian cũng giúp duy trì truyền thống và giá trị cốt lõi của các nhóm xã hội. The Rainbow People của Laurence Yep là tuyển tập các câu chuyện kể bởi nhóm người nhập cư Trung Quốc đến Mỹ vào thể kỉ 19. Họ sống độc thân bởi không thể mang theo gia đình mình. Trong phần giới thiệu, Yep nói rằng các câu chuyện đã diễn đạt “nỗi cô đơn, giận dữ, sợ hãi và tình yêu – một phần trong trải nghiệm là người Mỹ gốc Hoa”.

Gần đây, một loạt các câu chuyện về người Mỹ gốc Phi đã được xuất bản, bắt đầu với The People Could Fly của Virginia Hamilton (1985), theo sau là các truyện về Thỏ Brer, minh hoạ bởi Barry Moser và do Harcourt Brace Jovanovich xuất bản: Jump! (1986), Jump Again! (1987), và Jump on Over! (1989). Julius Lester cũng đã xuất bản hai tuyển tập câu chuyện Thỏ Brer với tựa đề The Tales of Uncle Remus More Tales of Uncle Remus.

Rất nhiều câu chuyện về loài vật phản ánh hi vọng và ước mơ của con người. Các câu chuyện kể trên tái hiện lại một phần hiện thực trong cuộc sống của nhóm người yếu thế phải chịu sự quản thúc của các chủ đồn điền. Thỏ Brer – một kẻ tinh ranh, khôn ngoan và nhỏ bé, đã xoay xở để qua mặt các động vật lớn hơn và mạnh hơn mình rất nhiều. Dễ hiểu vì sao nhân vật này lại được yêu thích, bởi độc giả thấy một phần ở chính mình trong đó.

Các câu chuyện hấp dẫn tất cả trẻ em, vì có đứa trẻ nào lại không thấy nhỏ bé và bất lực trong thế giới người lớn? Chúng ta – những kẻ đam mê văn học thiếu nhi, có xu hướng hơi lý tưởng, tin rằng luôn luôn sẽ có một vài cuốn sách, câu chuyện, bài thơ nhất định phù hợp với từng đứa trẻ. Và nếu có thời gian và nguồn lực, chúng ta sẽ tìm ra cuốn sách đó và giúp thay đổi cuộc sống của đứa trẻ đó, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi và có tác động ngắn ngủi. Tuy nhiên, chúng ta đủ thực tế để biết rằng sức mạnh của văn chương dù có mạnh mẽ đến đâu thì cũng có giới hạn riêng. Nó sẽ không cho người vô gia cư một mái ấm; nó sẽ không nuôi sống những người đang chết đói; nó sẽ không ngăn cản mọi người tấn công lẫn nhau vì khác biệt chủng tộc; nó sẽ không dập tắt được tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, nó có thể làm ta thấu hiểu nhau hơn bằng cách chuyển hoá cách ta nhìn nhận sự khác biệt. Khi có đủ số sách với đủ sự đa dạng, sách sẽ thực sự đóng vai trò vừa là tấm gương vừa là cửa sổ cho tất cả trẻ em. Chúng sẽ thấy rằng cả sự khác biệt lẫn điểm tương đồng đều đáng được tôn vinh, bởi tất cả đều đã làm nên con người của chúng ta.

Post a Comment

0 Comments