Đủng Đỉnh Đọc dịch từ bài "A master in his time: Anthony Browne share thoughts about his work" do Janet Evans chép lại cuộc phỏng vấn giữa bà và Anthony Browne. Bài viết được đăng trong cuốn "Talking about the Page" xuất bản năm 2009.
![]() |
Chân dung Anthony Browne |
Anthony Browne là tác giả kiêm họa sĩ minh họa sách tài hoa với hiệu suất làm việc đáng nể. Trong 32 năm, ông đã sáng tác và minh họa 30 cuốn sách tranh, đồng thời minh họa hơn 9 cuốn của các tác giả khác. Cuốn đầu tay của ông là 'Through the Magic Mirror' (Xuyên qua Tấm gương Thần kì). Cuốn xuất bản gần nhất, 'Little Beauty' (Vẻ đẹp nhỏ nhắn) sẽ sớm được tiếp nối bởi cuốn 'You and Me' (Bạn và Tôi) đang trong giai đoạn hoàn tất.
Sách của Browne đã nhận nhiều giải thưởng, như Huy chương Kate Greenaway năm 1983 cho cuốn 'Gorilla' và năm 1992 cho cuốn 'Zoo'. Ba cuốn sách của ông, 'Gorilla' (1983), 'Alice's Adventure in Wonderland' (1988) và 'Voices in the Park' (1998) đều giành Giải thưởng Kurt Maschler Emil. Năm 2000, Browne được trao giải thưởng quốc tế cao quí nhất về lĩnh vực minh họa sách - Giải thưởng Hans Christian Andersen, vinh danh những đóng góp của ông cho văn học thiếu nhi. Ông là họa sĩ minh họa người Anh đầu tiên nhận giải thưởng này.
Năm 1998, lần đầu tiên tôi phỏng vấn Anthony Browne là để lấy chất liệu cho cuốn sách đang viết: What's in the Picture?: Responding to Illustrations in Picture Books (Trong bức tranh có gì?: Phản hồi về các bản minh hoạ trong sách tranh). Từ đó đến nay, các suy nghĩ, ý tưởng và sức sáng tạo nơi ông vẫn tiếp diễn, chuyển biến và vươn đến ngưỡng cao hơn về mức độ quyết liệt và tiên phong. Đã mười năm trôi qua, giờ đây tôi muốn tìm hiểu xem ông nhìn nhận ra sao về những bước tiến của bản thân, cũng như các thay đổi trong suy nghĩ và góc nhìn về tác phẩm của mình.
JE: Mười năm sau cuộc phỏng vấn trước, suy nghĩ của ông đã thay đổi rõ rệt. Ông viết và minh họa thêm chín cuốn sách nữa, bao gồm Willy's Pictures, The Shape Game, Into the Forest, My Dad, My Mum, My Brother, Silly Billy và cuốn mới nhất, Little Beauty. You and Me sẽ là cuốn sách thứ mười. Điều này cho thấy trung bình mỗi năm ông viết và minh họa một cuốn sách. Ông cảm thấy thế nào về các tác phẩm của mình, cũng như sự chuyển biến và phát triển của chúng trong suốt mười năm qua?
AB: Nhìn chung tôi hài lòng với các tác phẩm của mình trong mười năm qua; tuy vậy tôi không nghĩ rằng kết quả này có được là do tôi thay đổi cách tiếp cận. Quan điểm tổng thể của tôi về sách tranh không đổi, nhưng tôi đã thực hiện một số dự án thuộc các địa hạt mới.
Có lẽ cử chỉ mang tính lịch sử nhất tôi từng thực hiện là viết một cuốn sách tích cực về người cha. Trước khi viết My Dad, tôi chịu rất nhiều chỉ trích do khắc hoạ kha khá các hình tượng người cha thiếu năng lực hoặc thiếu tình cảm. Một số người cho rằng khi trẻ em đọc về thất bại của các người cha này, chúng sẽ tưởng tượng rằng cha mình cũng vậy. Dù tôi không đồng tình – tôi nghĩ rằng hầu hết trẻ em đủ thông minh để phân biệt nhân vật hư cấu với người thực ngoài đời, nhưng tôi biết họ có lý. Các người cha trong Hansel and Gretel, Gorilla, Piggybook và Zoo đều biểu hiện các điểm yếu không thể chối cãi.
Trong một khoảng rất lâu, tôi không hiểu vì sao thái độ của mình về hình tượng người cha lại tiêu cực đến vậy, và bằng cách nào tôi có thể viết một cuốn đảo ngược khuynh hướng đó? Câu trả lời đến tự nhiên, đó là viết về cha tôi. Tôi vắt óc hình dung cách thực hiện nhưng không nghĩ ra lối nào phù hợp cho đến ngày tôi bắt gặp chiếc vali cũ của mẹ. Trong mớ đồ nào ảnh, nào giấy khai sinh, nào kỉ vật gia đình, tôi tìm thấy chiếc áo choàng tắm của cha. Nhiều năm qua tôi chẳng hề thấy nó, vậy mà cảm giác lại quá đỗi quen thuộc. Nó không mảy may bén mảng đến tầng ý thức của tôi, nhưng lại luôn xuất hiện thoáng qua trong các cuốn sách tôi làm: thì ra nó vương lại trong tôi ấn tượng sâu đậm đến vậy. Rút chiếc áo choàng khỏi vali và cầm trên tay, ngay lập tức tôi trở về khi mình năm tuổi. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, tôi nhớ lại cảm tưởng của một cậu bé con tin rằng cha mình sẽ làm được tất cả mọi thứ. Khoảnh khắc đó loé lên, tôi biết đích xác cuốn sách sẽ có hình dạng ra sao. Cuốn My Dad thật sự mang ơn chiếc áo choàng tắm đó!
![]() |
My Dad: cái ôm |
My Mum được sáng tác ngay sau nhưng lại chật vật hơn. Mặc dù đã tạo ra liên đới hòm hòm giữa mẹ thật của tôi với người mẹ trong truyện, tôi vẫn không tìm thấy mối quan hệ cá nhân với nhân vật này. Châm biếm các bà mẹ khó hơn nhiều. Là cha, tôi thấy thoải mái khi mô tả My Dad như một người ngớ ngẩn, thừa cân và thích thể hiện, nhưng áp dụng cách tiếp cận tương tự với phụ nữ lại lợi bất cập hại. Vì vậy tôi cẩn trọng với cách mình khắc hoạ, ưu tiên tôn lên nét đáng ngưỡng mộ hơn là nét lố bịch. Tôi khá hài lòng với kết quả, và thấy bản thân đã phải tự ý thức trong quá trình sáng tạo.
My Brother hoàn thiện bộ ba tác phẩm. Không ngạc nhiên khi câu chuyện dựa theo cách tôi nhìn nhận anh trai thời còn nhỏ. Khác với hai cuốn trước, lần này tôi được khơi nguồn cảm hứng. Tôi đến thăm một trường học ở Hà Lan. Các em học sinh cho tôi xem bài làm về cuốn My Dad và My Mum. Các em đã đọc kĩ hai cuốn sách rồi tạo ra câu chuyện riêng với tên gọi My Brother. Tôi lật từng trang và ấn tượng với các bức vẽ, đồng thời không ngạc nhiên khi thấy tụi nhỏ viết dựa trên cái sườn mà tôi đã đặt ra trong hai cuốn sách trước. Lật đến trang cuối cùng, tôi cứ tưởng phần văn bản sẽ tiếp tục mô-típ mà tôi đã viết: "Tôi yêu cha/mẹ và cha/mẹ cũng yêu tôi". Nhưng các em đã tạo ra cái kết bất ngờ, thay thế cấu trúc văn xuôi đơn giản của tôi bằng câu: "Bạn biết gì không? Tôi cũng ngầu ra phết." Tôi thích lắm. Đó chính là tia cảm hứng tôi cần để bắt tay vào dự án.
Một điểm nổi bật khác gần đây trong tác phẩm của tôi là sự tôn vinh các kiệt tác nghệ thuật. Tôi vẫn liên hệ các bức hoạ xưa nay trong sách mình, nhưng mười năm qua đã ra đời cuốn Willy's Pictures và The Shape Game với toàn bộ nội dung là về các bức hoạ nổi tiếng và cách ta có thể tái liên kết với chúng. Trong cuốn Willy the Dreamer, tôi đã khai sinh ý tưởng đặt các tác phẩm nghệ thuật ra giữa ánh sáng; đây là cuốn sách gửi sự kính ngưỡng đến các nghệ sĩ siêu thực. Cuốn Willy's Pictures tiếp nối ý tưởng này, nhưng lần này người đọc nhìn thấy cuốn vẽ phác thảo của Willy chứ không còn là giấc mơ. Cuốn sách không có cốt truyện, chỉ đơn thuần thể hiện diễn giải của Willy về các kiệt tác cậu chọn. Cuối sách có một trang gấp in các tranh gốc ở kích thước nhỏ. Tôi muốn các em so sánh tranh gốc với cách diễn đạt lại của Willy – giống như trò "tìm điểm khác biệt" tôi thích khi nhỏ. Willy the Dreamer và Willy's Pictures đại diện cho sự chuyển mình khỏi mô típ sách tranh thông thường vốn dựa trên cốt truyện. Chúng hoàn toàn dựa vào khả năng kể chuyện qua tranh minh họa. Đối với tôi, thật là một đặc ân khi được vẽ một loạt bức tranh mà không cần cân đối các giới hạn do văn bản đặt ra.
![]() |
Tranh minh hoạ trong cuốn Willy's Pictures |
The Shape Game cũng nói về việc chiêm ngưỡng tranh, nhưng lần này là về một ngày đi chơi của gia đình tại phòng triển lãm nghệ thuật. Tôi được thực hành cách triển khai khác hẳn trước đây; điều này vừa đáng sợ lại vừa giải phóng. Colin Grigg, điều phối viên một tổ chức của Tate Britain có tên Visual Paths, đã tìm gặp tôi. Ông hỏi liệu tôi có muốn trở thành nghệ sĩ thường trú tại Tate Britain trong chín tháng không. Trong thời gian này, tôi sẽ làm việc với một ngàn trẻ em từ các trường nội thành, dạy chúng khả năng đọc hiểu với các chất liệu từ phòng triển lãm. Tôi sẽ điều phối một loạt buổi workshop để các em đưa ra phản hồi với các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ tại phòng triển lãm, tôi sẽ tạo ra một cuốn sách tranh dựa trên trải nghiệm này.
Tôi rất vinh dự khi nhận được đề xuất và nhận lời ngay lập tức, nhưng sau đó tôi lo lắng về việc mình bắt buộc phải làm ra một cuốn sách tranh dựa trên trải nghiệm cụ thể. Trước đây tôi luôn để cho ý tưởng đến với mình tự nhiên vào thời điểm của riêng nó. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải tạo ra một ý tưởng trong giới hạn nghiêm ngặt về thời gian và chủ đề. Nhưng tôi không cần lo lắng quá lâu, vì dự án cuối cùng đã trở thành một trải nghiệm tuyệt vời. Các buổi hội thảo ngồn ngộn bao điều hay ho và bọn nhỏ đã nhiệt tình hỗ trợ. Tôi học được cách coi dự án như cơ hội hiện thực hoá điều tôi đã cố gắng làm trong nhiều năm: khuyến khích trẻ em trân trọng nghệ thuật đích thực. Gia đình trong câu chuyện này từng xuất hiện trong cuốn Zoo; lần này họ đi chơi tại Tate Britain. Bước vào phòng trưng bày, ai cũng chán nản và khó chịu trừ người mẹ, và rồi lần lượt từng người bắt được cảm hứng với các bức tranh. Cuối truyện, họ rời đi với cảm giác mở mang và hạnh phúc. Điều này dựa trên trải nghiệm của những đứa trẻ tôi đã làm việc cùng tại phòng trưng bày; với nhiều em, các bức tranh đã "mở ra" khi chúng học cách sử dụng trí tưởng tượng của mình.
Animal Fair là một thử nghiệm mới mẻ, vì đây là cuốn sách pop-up đầu tiên của tôi. May mắn thay, tôi không phải tự tay thực hiện bất kỳ công đoạn thủ công nào, nhưng nó vẫn là một thách thức khi cân nhắc các khía cạnh 3D. Khi vẽ minh họa, tôi chỉ mơ hồ hình dung cuốn sách sẽ trông ra sao khi các nắp, bánh xe và bánh răng được thêm vào; chính điều này khiến quá trình sáng tạo khá thú vị. Tôi hài lòng với kết quả. Cuốn sách dành cho trẻ nhỏ. Về chủ đề, tôi đã chọn một bài vè mà chính con tôi từng hát khi chúng còn bé. Bài vè hoá ra rất hợp với định dạng pop-up vì nó nhẹ nhàng, hài hước, nhịp nhàng, kể về một chú khỉ thực hiện đủ loại trò cùng các động tác thoát hiểm.
Into the Forest là nỗ lực thâm nhập của tôi vào thể loại truyện cổ tích. Trong nhiều năm, tôi liên tục có thôi thúc muốn minh họa truyện cổ tích, nhưng vì một lý do nào đó mà mong muốn này chưa bao giờ hoàn toàn thành hiện thực. Thay vào đó, tôi đã sáng tác một số cuốn sách về bản chất là cổ tích và chứa đựng nhiều dấu chỉ đến các câu chuyện cổ tích phổ biến. Into the Forest là một cuốn sách như vậy, và nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ một truyện cổ tích hiện đại khác mà tôi đã sáng tác từ sớm trong sự nghiệp, The Tunnel.
Trong những năm gần đây, các chuyến công tác của tôi ngày càng thường xuyên và nhiều hứng khởi hơn. Thành công của tôi ở khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico, đã khiến tôi dành nhiều thời gian ở phần thế giới này và yêu thích mọi khía cạnh của nền văn hóa nơi đây. Silly Billy – dù có phần dựa trên tính cách hay lo lắng vốn đã ăn sâu trong gia đình tôi qua nhiều thế hệ, phần lớn lại chịu ảnh hưởng từ trải nghiệm của tôi ở Mỹ Latinh. Trong một chuyến thăm Mexico, tôi được tặng một hộp búp bê nhỏ. Tôi được kể rằng đó là những con búp bê lo âu. Nếu bạn kể cho chúng nghe tất cả những lo lắng của mình trước khi đi ngủ và để chúng dưới gối qua đêm, những lo lắng sẽ biến mất vào sáng hôm sau. Món quà đó quá đỗi phù hợp. Khi về nhà, tôi tặng hộp búp bê đó cho người lo âu nhiều nhất trong gia đình: mẹ tôi. Những con búp bê đã giúp bà bớt lo lắng trong vài đêm liền. Nhưng rồi một sáng nọ, bà xuống nhà với vẻ lo lắng. Khi tôi hỏi bà có chuyện gì, bà nói: "Mẹ lo quá, Tony ạ."
"Mẹ lo gì thế?" tôi hỏi.
"Mẹ làm mất mấy con búp bê lo âu rồi."
Với Silly Billy, tôi muốn bày tỏ sự tri ân tới mẹ tôi, người luôn lo lắng, và đồng thời tôn vinh văn hóa Mỹ Latinh. Câu chuyện dựa trên trải nghiệm của mẹ tôi với những con búp bê lo âu, và các hình minh họa thì tràn ngập màu sắc và tinh thần của Mexico.
Nhìn lại công việc của tôi trong mười năm qua, rõ ràng các cuốn sách của tôi đều rất khác nhau. Tôi không chủ ý cố gắng trở nên thử nghiệm hơn, và tôi vẫn dựa vào quá trình phát triển ý tưởng tự nhiên như trước nay vẫn làm.
Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào, tôi cho rằng đó là sự gia tăng về độ đa dạng của các ý tưởng, điều dường như đã xảy ra tự nhiên mà tôi không hề nghĩ đến. Dù lý do là gì, tôi vẫn hài lòng với kết quả và hi vọng rằng công việc sẽ tiếp tục tinh tấn theo cách này.
JE: Cuốn sách này là về việc phản hồi với các sách tranh; trẻ em ở mọi độ tuổi nên được trao cơ hội để đọc, chia sẻ, suy nghĩ và trò chuyện về sách tranh. Trong buổi phỏng vấn trước, anh đã được hỏi: "Anh có nghĩ rằng sách của mình chủ yếu dành cho trẻ em không?" Câu trả lời ngắn gọn của anh là "Có". Bây giờ thì rõ ràng nhiều người đón chờ các tác phẩm của anh lại là người lớn: họ yêu thích sách của anh, đọc và tận hưởng chúng, tất nhiên rồi, nhưng cũng nghiên cứu, viết, giải cấu trúc và tái cấu trúc chúng, đồng thời thực sự tôn trọng chúng vì nhiều lý do khác nhau. Anh có còn coi sách của mình chủ yếu dành cho trẻ em không?
AB: Đúng vậy! Tất nhiên sách của tôi dành cho trẻ em. Tôi rất vui khi bất kỳ ai đọc sách mình, và tôi mãn nguyện khi biết phụ huynh đánh giá cao sách của tôi khi họ đọc cùng con cái. Tôi cũng hạnh phúc khi giáo viên và thủ thư sử dụng chúng như những tài liệu sư phạm và các học giả thấy chúng đáng để nghiên cứu. Nhưng mục tiêu chính của tôi chắc chắn là mang đến niềm vui cho trẻ em. Thành thật mà nói, tôi không suy nghĩ quá nhiều. Tôi chỉ muốn sách của mình thật cuốn hút, và khi vẽ tranh minh họa, tôi không phân biệt điều gì thu hút trẻ em và điều gì thu hút người lớn. Tôi chỉ vẽ những gì bản thân cảm thấy được mời gọi. Đúng là tôi đưa rất nhiều chi tiết vào sách của mình và có tham chiếu đến tranh vẽ, phim ảnh hay các lĩnh vực văn hóa dành cho người lớn mà không phải lúc nào trẻ em cũng biết. Nhưng tôi không nghĩ rằng những điều đó làm giảm giá trị tổng thể của cuốn sách. Một đứa trẻ không nhận ra một hình ảnh cụ thể ám chỉ đến bức tranh của Magritte không có nghĩa là chúng không thể tìm thấy niềm vui từ hình ảnh đó theo cách khác. Kết nối này có thể được giáo viên, cha mẹ hoặc anh chị lớn giải thích cho đứa trẻ, hoặc có lẽ chính đứa trẻ đó sẽ nhận ra kết nối này nhiều năm sau khi chúng tình cờ gặp lại bức tranh. Ngay cả sự bí ẩn – cảm giác không hiểu điều đó có ý nghĩa gì – cũng có thể tạo ra tác động tích cực đến sự thích thú của trẻ với cuốn sách. Tương tự, người lớn có thể tận hưởng những khía cạnh mang tính trẻ thơ trong cuốn sách dù chúng không đặc biệt nhắm đến họ.
Những manh mối và tham chiếu hiện diện âm thầm trong tranh minh họa của tôi đôi khi rất khó nhận ra, và có vẻ việc trẻ em chú ý đến chúng là điều bất khả. Nhưng tôi nghĩ nhiều người lớn không nhận ra trẻ em tinh nhạy đến mức nào. Tôi đã trò chuyện với các em về sách của mình trong nhiều năm, và ngỡ ngàng khi biết chúng hiểu được nhiều điều đến vậy. Có thể nói chúng còn nhạy bén về thị giác hơn cả người lớn. Gần đây, một vài người tôi quen kể rằng họ đã đọc Little Beauty cùng cô cháu gái ba tuổi. Chính cô bé là người bảo ông bà mình hãy nhìn thật kỹ hai bông hoa hồng trên trang cuối (xem Hình 55). Khi làm vậy, họ phát hiện ra điều mà cô bé đã nhận ra từ trước: những bông hoa mang khuôn mặt của một con khỉ đột và một chú mèo con. Chính cô bé cũng nhận ra sự liên hệ với câu chuyện Beauty and the Beast. Tôi nghĩ rằng không nên đánh giá thấp khả năng nhạy bén về thị giác ở trẻ em.
![]() |
Little Beauty: hai bông hồng |
Tôi rất vui khi các nhà nghiên cứu dành thời gian đọc sách của tôi và tìm ra nhiều điều để thảo luận. Nhưng trong phần lớn trường hợp họ chỉ nhìn thấy những gì trẻ em đã thấy từ trước. Thật tuyệt vời khi người lớn cũng thích chúng, nhưng sách của tôi vẫn chủ yếu dành cho trẻ em.
JE: Người ta cho rằng sách tranh mang lại cơ hội để trẻ em tách mình khỏi thế giới thực tại và bước vào thế giới biểu tượng của một màn kịch tưởng tượng, dù khi chúng đọc một mình hay chia sẻ sách với bạn bè và người lớn (Goswami & Bryant, 2007). Ông nghĩ nhận định này liên quan gì đến sách của mình?
AB: Tôi đồng ý với ý kiến trên, nhưng không nghĩ rằng nó chỉ giới hạn ở trẻ em và sách tranh. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều tách mình khỏi thế giới thực tại bất cứ khi nào ta đọc sách, xem phim hoặc ngắm tranh. Đây là một trong các lý do chính khiến con người đắm chìm trong nghệ thuật. Với sách của tôi, rõ ràng các câu chuyện thường bắt đầu trong 'thế giới thực' và sau đó bước vào thế giới tưởng tượng khi câu chuyện tiến triển dần; diễn trình này lặp lại trải nghiệm của người đọc từ khi mở cuốn sách và bắt đầu đọc. Việc sáng tạo cuốn sách là một hành trình đi vào trí tưởng tượng của chính tôi, và bằng cách phát triển câu chuyện theo cách này, tôi đang khuyến khích trẻ em cùng tham gia vào hành trình đó với mình.
JE: Mười năm trước, ông đã được hỏi về việc sách của ông được mô tả là hậu hiện đại. Sau đó không nhiều người quan tâm đến điều này. Nhưng bây giờ, nhiều độc giả, bao gồm cả độc giả trẻ tuổi, đã nhận thức rõ hơn về việc sách tranh là các văn bản đa phương thức, đa nghĩa, sử dụng nhiều công cụ hậu hiện đại và siêu hư cấu để kể chuyện và thu hút người đọc. Sách của ông chắc chắn sử dụng nhiều trong số các công cụ này. Suy nghĩ hiện tại của ông về việc sách của mình được mô tả là hậu hiện đại là gì?
AB: Chính xác như những gì tôi đã từng nghĩ. Tôi rất vui khi mọi người nói sách của tôi là hậu hiện đại và dùng các từ như 'siêu hư cấu' và 'liên văn bản' để mô tả chúng, nhưng đó không phải là điều tôi nghĩ đến. Đó chỉ đơn giản là cách tôi làm việc. Mọi người muốn phân loại thì cũng không sao, nhưng nếu tôi để những khái niệm đó ảnh hưởng đến ý thức của mình khi sáng tạo, tôi sẽ lâm vào bế tắc. Đó không phải là cách hoạt động của sáng tạo... Ít nhất là đối với tôi.
JE: Tác phẩm của ông được nhiều nhà nghiên cứu đọc, đào sâu và phản hồi như:Arizpe (2001), Arizpe & Styles (2003), Doonan (1999), Evans (1998), Pantaleo (2004), Saltmarsh (2007) và Serafini (2005). Ông suy nghĩ gì về việc tác phẩm của mình thu hút rất nhiều sự chú ý từ giới học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu sách tranh?
AB: Tôi rất vui mừng và cảm kích. Tôi luôn thấy thú vị khi đọc các diễn giải về tác phẩm của mình dù bản thân có đồng ý hay không. Điều đặc biệt hấp dẫn là khi ai đó đưa ra một nhận xét mà bản thân tôi chưa từng nhận ra. Nó mang lại cho tôi cái nhìn sâu hơn về cách tiềm thức của tôi hoạt động khi sáng tạo. Đôi khi, các nhà học thuật đi quá xa và phân tích quá mức tác phẩm của tôi đến mức tôi cảm thấy kinh hãi hoặc thích thú với những ý định mà họ nhận thấy, nhưng tôi không bao giờ thực sự có thể tranh luận với cách diễn giải của người khác.
Tôi rất vui khi nghe rằng người lớn nói chung đang coi trọng sách tranh. Quá thường xuyên, tôi thấy các bậc cha mẹ hướng con mình tránh xa khu vực sách tranh trong nhà sách: “Đi chỗ khác đi, Robert, những cuốn sách này không đủ chữ đâu. Hãy tìm một cuốn sách thực sự cho con nào!"
Ngày nay, các bậc phụ huynh đang cố gắng giới thiệu tiểu thuyết cho con mình càng lúc càng sớm hơn, nhưng họ quên rằng sách tranh mang lại rất nhiều lợi lạc cho sự phát triển của trẻ mà tiểu thuyết không thể có. Đọc một cuốn sách tranh hay có thể là một quá trình kích thích trí tuệ. Tôi vui vì các nhà nghiên cứu đã công nhận điều này trong các kết quả nghiên cứu.
JE: Đôi khi ông mất rất nhiều thời gian để hoàn thành một cuốn sách vì nhiều lý do khác nhau. Voices in the Park là một trong những cuốn sách như vậy. Khi hoàn thành và thấy nhà xuất bản hài lòng, ông đã bộc bạch: "Tôi rất phấn khởi. Tôi vẫn chưa tìm ra lý do tại sao nó lại hay, và theo một cách nào đó tôi cũng không muốn tìm hiểu, nhưng điều đó cho thấy rằng khá thường xuyên, những quyết định tốt nhất tôi đưa ra liên quan nhiều đến bản năng hơn là trí tuệ." (Browne & Evans, 1998: 203.) Bây giờ ông vẫn làm việc chủ yếu dựa vào bản năng, hay ông suy xét cẩn thận và đấu tranh với các ý tưởng khi làm việc với tác phẩm?
AB: Tôi làm cả hai. Một số phần là kết quả của quá trình suy xét rất kĩ lưỡng, trong khi những phần khác hoàn toàn ứng biến và tự phát. Cách tốt nhất để mô tả quá trình này là sử dụng ví dụ về một bức tranh trong Voices in the Park để minh họa cho cả hai cách tiếp cận.
Hình minh họa ở cuối phần "voice" của bà Smythe cho thấy người kể chuyện, con trai bà là Charles và chú chó đang rời khỏi công viên (xem Hình 56). Bà giận dữ vì tin rằng Charles đã cư xử không đúng khi đi lang thang và chơi với một cô bé “bất trị.” Các đặc điểm chính của hình minh họa đã được suy xét và vạch ra cẩn thận trong bản phác thảo sơ bộ. Một yếu tố được hình thành trong quá trình tư duy là vị trí của các nhân vật. Charles gần như bị mẹ che khuất. Điều này nhằm ám chỉ rằng sự bảo bọc quá mức và sự cứng nhắc của mẹ đang kìm hãm cậu. Trong cùng hình minh họa đồng thời lại có chi tiết tạo ra nhờ quá trình bản năng. Khi tôi thực hiện một bức tranh, tôi hoạ các phần chính của bức tranh lên giấy vẽ màu nước để tạo bản phác, nhưng luôn cố gắng chừa lại các chi tiết và các thách đố ngầm cho phần tô màu. Đây là phần được ứng biến vào phút chót. Tôi thấy đây là một quá trình thú vị và sáng tạo hơn nhiều so với việc lên kế hoạch cho từng chi tiết nhỏ.
![]() |
Voices in the Park: bà Smythe, cậu bé Charles và chú chó rời công viên |
Với tâm thế này, tôi tô màu bức tranh cuối cùng trong chuỗi hình của bà Smythe, biết rằng điều gì đó sẽ xảy ra khi tôi để tâm trí và cây cọ của mình tự do lang thang. Với bức minh họa này, tôi tập trung vào sắc vàng óng của sắc thu, làm mọi thứ tỏa sáng nhất có thể. Mọi thứ trong bức tranh đều được nhuộm ánh cam: bộ lông của chú chó, con đường mà các nhân vật vừa đi qua, đỉnh cột đèn, cửa sổ của các tòa nhà ở hậu cảnh và lá trên cây. Động cơ ban đầu của tôi chỉ đơn giản là gợi lên tinh thần mùa thu, nhưng còn có một điều khác ảnh hưởng đến cách tôi xử lý những cái cây: sắc cam rực rỡ làm chúng trông như đang bốc cháy, và điều này đã phần nào ảnh hưởng đến quyết định vẽ một trong những cái cây thực sự đang cháy. Khi nhìn lại bức tranh, tôi nhận ra tâm trạng của bà Smythe cũng ảnh hưởng đến quyết định này. Bản thân bà ấy đang "bốc cháy" với cơn giận dữ khi dẫn cậu con trai "hư hỏng" về nhà. Tôi có xu hướng đồng cảm với các nhân vật mình vẽ, và cảm xúc của họ thường được phản ánh trong các phần khác của hình minh họa. Đây là một quá trình vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi.
Cả hai cách tiếp cận đều quan trọng như nhau. Tôi nghĩ rằng cần kết hợp cả việc cân nhắc kĩ lưỡng và việc ngẫu hứng, biến tấu. Chúng đều đóng góp lớn vào tính hiệu quả trong tác phẩm.
JE: Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội thay đổi nhanh chóng của thế kỷ 21. Có rất nhiều sự kiện đang diễn ra cả trong nước và quốc tế: chiến tranh, khủng bố, nạn đói, sự sụp đổ của các giá trị xã hội. Thực ra chuyện này không có gì mới mẻ vì chúng luôn xảy ra; tuy nhiên, ta dường như nhận thức rõ hơn về những thay đổi xã hội nhờ vào khả năng truy cập thông tin ngày càng nhanh các công nghệ mới như Internet. Những vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng đến công việc của ông và cách ông cảm nhận về loại sách ông đang viết không?
AB: Một lần nữa, đây không phải là điều tôi nghĩ đến. Tôi chưa bao giờ cố ý viết một cuốn sách có chủ đề thời sự, nhưng tôi tin rằng mọi thứ ảnh hưởng đến tôi đều ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi. Một trong những điều đặc biệt về sách của tôi là chúng đều có ý nghĩa cá nhân sâu sắc, và tôi đổ vào quá trình sáng tạo rất nhiều cảm xúc mình đang có vào thời điểm đó. Tôi là một nghệ sĩ, và mặc dù sách thiếu nhi không phải lúc nào cũng được coi là một hình thức biểu đạt lí tưởng nhất cho tính cá nhân, tôi luôn cố gắng thể hiện bản thân mỗi khi đặt cọ vẽ lên giấy. Khi nhìn vào sách của mình, tôi có thể thấy rất nhiều điều được tiết lộ về người nghệ sĩ: suy nghĩ, cảm xúc, tính cách của tôi, v.v. Tôi chắc chắn không cố che giấu đam mê của mình: sách của tôi đầy những tái hiện các bức tranh yêu thích, nhân vật từ các bộ phim yêu thích, và biểu tượng từ các môn thể thao yêu thích. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều ảnh hưởng đến công việc theo cách này. Bất cứ điều gì tôi đọc, tôi thấy, tôi nghe: tất cả đều thâm nhập vào tâm lý tôi. Những sự kiện trên thế giới không thể không tác động đến suy nghĩ của tôi, và mặc dù tôi không đưa ra bất kỳ tham chiếu trực tiếp nào trong sách về nạn đói hay khủng bố, tôi chắc chắn rằng quan điểm của mình về những vấn đề này được thể hiện theo cách tinh tế hơn.
JE: Ông dường như có một sự đồng cảm và nhận thức sâu sắc về những vấn đề liên quan đến những người yếu thế và những bất công mà họ phải chịu trong cuộc sống thực. Ông cũng có vẻ quan tâm đến quyền lợi động vật. Tại sao ông lại tập trung vào những mối quan tâm như vậy?
AB: Tôi không cố ý tập trung vào bất kỳ mối quan tâm nào, vì vậy rất khó để tôi xác định tại sao chúng dường như xuất hiện trong sách của tôi. Ý tưởng của tôi không đến từ việc tìm kiếm chúng. Chúng phát triển giống như những giấc mơ, xuất hiện dần dần và mơ hồ, không được định hình đầy đủ lúc ban đầu; theo thời gian chúng tích lũy thêm nhiều khía cạnh cho đến khi cuối cùng đạt đến điểm khả thi nhất định. Tôi không kiểm soát được bản chất của nhân vật chính hay các chủ đề sẽ được lồng ghép vào cốt truyện. Đúng là nhiều nhân vật của tôi là những người yếu thế, nhưng điều này không thực sự là kết quả của một quyết định. Giống như hầu hết mọi người, tôi có xu hướng đồng cảm với những người yếu thế, và tôi nghĩ đây là một thái độ phù hợp trong văn học thiếu nhi. Chính trẻ em cũng là người yếu thế, sống trong một thế giới do người lớn thống trị. Các em nhỏ hơn, yếu hơn, ít hiểu biết hơn, ít sức ảnh hưởng hơn và thường bị những anh chị lớn hơn, cha mẹ và giáo viên quản lý. Nhưng đây cũng là một mô típ rất phổ biến trong tất cả các dạng thức giải trí. Chỉ cần nhìn vào Hollywood, chúng ta thấy rằng trong nhiều bộ phim, nhân vật chính cũng là người yếu thế; một người vô tội lạc lõng. Hầu hết mọi người đều đồng cảm và ủng hộ người yếu thế, và trẻ em có lẽ biết đưa ra những lý lẽ thuyết phục hơn người lớn về chuyện này. Willy chắc chắn là người yếu thế điển hình, và cậu ấy là nhân vật được trẻ em trên thế giới biết đến nhiều nhất trong số các nhân vật của tôi (tôi nhận được nhiều thư về Willy hơn tất cả các nhân vật khác cộng lại). Cậu là một con tinh tinh sống trong thế giới của những con khỉ đột. Cậu khác biệt với chúng gần như mọi mặt, điều này khiến cậu là kẻ ngoại đạo. Bất chấp những khó khăn mà sự khác biệt mang lại, cậu chỉ tiếp tục sống, trân quý những điểm mạnh và chấp nhận những điểm yếu của mình. Có lẽ thành công của Willy đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi trong việc trao cho nhiều nhân vật chính trạng thái của một người yếu thế.
Tôi chưa bao giờ là một nhà vận động tích cực cho quyền lợi động vật, nhưng tôi chắc chắn quan tâm đến cách đối xử với động vật. Nếu có bằng chứng về quan điểm này trong sách của tôi, thì đó là ví dụ về niềm tin của tôi đã thấm vào tác phẩm đến mức tôi không còn nhận ra. Điều này liên quan đến một điểm tôi đã nói trước đó, vì động vật cũng là những người yếu thế. Chắc chắn những động vật nuôi trong nhà và động vật bị giam cầm không có quyền kiểm soát cuộc sống của chúng. Tôi đã dành nhiều thời gian ở các sở thú và phát triển mối quan hệ yêu ghét lẫn lộn với việc này. Tôi yêu thích việc ngắm nhìn động vật, nhưng niềm vui của tôi luôn bị vấy bẩn bởi nỗi buồn và khao khát tự do được tiết lộ rõ rành rành trong hành vi của chúng. Việc hổ đi qua lại trong lồng ở sở thú được miêu tả trong Zoo dựa trên những gì tôi thực sự thấy ở một sở thú: đó là một trong những điều buồn nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi có sự đồng cảm lớn với động vật trong hoàn cảnh này, và mặc dù tôi chưa bao giờ quyết định tạo ra một cuốn sách nhằm thúc đẩy quyền động vật, thì những cảm xúc này rõ ràng đã tìm được cách bộc lộ trong tác phẩm của tôi.
JE: Cuốn sách gần nhất của ông, Little Beauty, hiện đã được xuất bản. Ông có thể chia sẻ quá trình suy nghĩ đã dẫn đến việc Little Beauty được viết ra không?
AB: Little Beauty dựa trên một câu chuyện có thật mà tôi nghe được về một con khỉ đột. Vài năm trước, một con khỉ đột cái tại một sở thú ở California đã được dạy ngôn ngữ kí hiệu. Nó phát triển một vốn từ vựng rộng lớn và có thể truyền đạt nhiều cảm xúc của mình với những người chăm sóc tại sở thú. Một ngày nọ, một người chăm sóc đến chuồng của nó và phát hiện rằng nó đã quăng một bồn rửa khỏi tường và giờ nằm vỡ trên sàn. Người chăm sóc biết về tài năng ra kí hiệu đặc biệt của nó nên ra dấu "Chuyện gì đã xảy ra?". Không chút do dự, nó kí hiệu lại cho anh ấy "Người giữ chuồng làm đấy" (xem Hình 57).
Dù động cơ của con khỉ đột cho câu trả lời đó là gì, thì nó cũng rất đáng kinh ngạc. Nếu nó đang nói dối để tránh bị khiển trách, điều đó chứng minh rằng trí óc của một con khỉ đột đủ tinh vi để có khả năng nói dối vì lý do xã hội. Nếu nó đang nói đùa, thì điều đó chứng minh rằng nó có khiếu hài hước. Thật vi diệu.
Còn một câu chuyện khác về con khỉ đột này. Nó được cho một con mèo con để xem nó sẽ phản ứng như thế nào với việc có một thú cưng. Nó yêu con mèo con vô cùng, và trong một thời gian dài đã chăm sóc, chơi đùa và là một “chủ nhân” dịu dàng nhất mà người ta có thể tưởng tượng. Nhưng rồi một đêm, nó lăn mình khi ngủ và đè chết con mèo. Đây không phải là một câu chuyện nhẹ nhàng như câu chuyện kia, nhưng nó cho thấy khỉ đột giống con người đến mức nào (xem Hình 58). Tôi biết chi tiết của hai câu chuyện này sau đó, nhưng sự sáng tạo của Little Beauty thực ra là kết quả của việc tôi nhớ sai và nhầm lẫn chúng trong đầu. Cuốn sách do đó là sự kết hợp của hai câu chuyện, với một số yếu tố đã được thay đổi. Con khỉ đột đực trong sách của tôi biết ngôn ngữ kí hiệu và có một con mèo con làm thú cưng mà nó yêu quý. Một ngày nọ, nó phá hủy chiếc TV của mình trong cơn giận dữ (nó đang xem King Kong), và khi người chăm sóc hỏi nó chuyện gì đã xảy ra, nó đổ lỗi cho con mèo.
![]() |
Little Beauty: người giữ chuồng vội vàng chạy đến |
Kết thúc câu chuyện đặt ra một vấn đề, bởi vì nhiều người nghĩ rằng câu chuyện ngụ ý một thông điệp hời hợt về việc nói dối: con khỉ đột đổ lỗi cho hành động hung hăng của mình lên người khác, nhưng điều đó không sao vì nó vui nhộn. Thực tế, tôi không hề có ý định làm như vậy. Tất cả những gì tôi muốn nói là con khỉ đột cụ thể này đã nói dối - hoặc có thể đã đùa giỡn - trong trường hợp cụ thể này, nhưng nhiều người cảm thấy không thoải mái với sự mơ hồ trong "thông điệp" của tôi. Tôi đã vật lộn với vấn đề này trong một thời gian dài và điều đó khiến tôi buồn, nhưng cuối cùng tôi quyết định để con mèo nhỏ giơ bắp tay lên như một phản hồi cho lời nói của con khỉ đột. Suốt câu chuyện, mèo nhỏ là nhân vật thụ động, và bằng cách thừa nhận rằng chính nó là người phá hủy chiếc TV, nó làm rõ ràng với mọi người rằng đây chỉ là một trò đùa. Tôi hi vọng điều này làm cho câu chuyện trở nên tập trung hơn về tình bạn thay vì sự không trung thực.
Tôi đặt tên sách là Little Beauty vì đó là tên của chú mèo nhỏ, nhưng một lần nữa đây cũng là một ám chỉ có chủ ý đến một câu chuyện cổ tích, với hình tượng con khỉ đột là quái thú được ngụ ý. Chủ đề về hoa hồng xuyên suốt cuốn sách càng làm củng cố thêm sự ám chỉ này.
JE: Ông đang thực hiện cuốn sách mới nhất của mình, You and Me. Ông từng nhắc rằng đây là một trong những cuốn sách phức tạp và thách thức nhất từng viết và khiến ông tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Tại sao cuốn sách này lại là một thử thách và nó khác biệt như thế nào so với các cuốn khác?
AB: You and Me là một nỗ lực trở lại thể loại truyện cổ tích. Đây là một câu chuyện kể lại của Goldilocks and the Three Bears (Cô bé tóc vàng và Ba chú gấu). Tôi luôn nghĩ rằng cô bé tóc vàng bị đối xử không công bằng trong câu chuyện vì người ta cho rằng cô ấy xâm phạm vào nhà của gấu, ăn cắp thức ăn và phá hoại đồ đạc chỉ để thỏa mãn sự tham lam và ích kỷ của mình. Tôi đã cố gắng tưởng tượng một câu chuyện nền cho câu chuyện cổ tích này. Có lẽ cô ấy không chỉ phá vào nhà cho vui: cô ấy thực sự gặp khó khăn và cần thức ăn, nơi trú ngụ. Trong hầu hết các phiên bản kể lại, chúng ta thường được khuyến khích đồng cảm với những chú gấu, và tôi nghĩ đã đến lúc câu chuyện được kể từ một góc nhìn khác.
Ban đầu, tôi quyết định kể câu chuyện hai lần. Nửa đầu của cuốn sách sẽ dành cho lời kể từ những chú gấu. Ngoài việc hiện đại hóa câu chuyện và tạo hình gấu mặc trang phục của con người hiện đại, nó vẫn khá truyền thống. Những chú gấu sống một cuộc sống trung lưu rất thoải mái, và một ngày nọ khi về nhà, họ phát hiện ra một "đứa trẻ bẩn thỉu, kinh khủng" chạy trốn khỏi nhà mình, để lại một dấu vết của những chiếc ghế gãy và bát cháo trống. Họ cảm thấy kinh ngạc trước hành vi của cô bé, và giống như hầu hết mọi người biết câu chuyện – họ không thể tưởng tượng rằng cô bé có thể đang đói hoặc lâm vào đường cùng.
Nửa sau của cuốn sách sẽ là câu chuyện của cô bé tóc vàng, giải thích hoàn cảnh bắt cuộc khiến cô bị xem là "làm hại" những chú gấu. Tôi đã bắt đầu cuốn sách với ý định này, nhưng sớm nhận ra rằng cách làm này không hiệu quả. Toàn bộ cuốn sách trở nên quá u ám. Sau phần mở đầu tập trung vào sự giàu có và tự mãn của những chú gấu, cuốn sách kết thúc với cảnh cô bé tóc vàng chỉ lang thang trong giá lạnh mà không biết sẽ đi đâu. Đúng là nó khuyến khích một cách đọc khác về câu chuyện cổ tích truyền thống, nhưng tôi mong đợi trẻ em sẽ phản ứng như thế nào với một kết thúc vô vọng như vậy? Tôi cũng không thích định dạng vụng về với sự chuyển đổi đột ngột của người kể chuyện ở giữa câu chuyện.
Làm gì với cuốn sách này đã đặt ra một vấn đề lớn trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ biên tập viên người Pháp, Isabel Finkenstaedt. Chúng tôi quyết định rằng tốt hơn là kể hai câu chuyện đồng thời, với phiên bản của những chú gấu (cụ thể là của chú gấu con) ở trang bên phải của mỗi trang đôi và của cô bé tóc vàng ở trang bên trái (xem hình 60). Isabel đề nghị rằng câu chuyện của cô bé tóc vàng nên được kể hoàn toàn bằng hình ảnh, không có văn bản đi kèm. Dù có những ý kiến khác nhau, tôi đã cố gắng đề xuất một số kết nối giữa cô bé tóc vàng và chú gấu con. Ẩn trong những câu chuyện song song của họ là một mối liên hệ không được nói ra. Tôi cũng quyết định làm cho kết thúc có hi vọng hơn. Mặc dù nó vẫn mơ hồ, nhưng hình minh họa sẽ gợi ý rằng cô bé tóc vàng tìm thấy người mẹ bị lạc. Kể từ khi tôi giải quyết được những vấn đề này, cuốn sách đã trở nên trôi chảy hơn và tôi cảm thấy lạc quan về dự án này.
![]() |
AB: Tôi không chắc mình nên trả lời câu hỏi này như thế nào. Không có một ý nghĩa cố định áp dụng cho tất cả các cuốn sách của tôi. Mỗi cuốn sách đều mang một ý nghĩa riêng biệt.
JE: Những nghệ sĩ, họa sĩ minh họa và tác giả sách tranh nào đã ảnh hưởng đến công việc của bạn, và ảnh hưởng đó như thế nào?
AB: Có hàng trăm người. Mỗi tác phẩm nghệ thuật mà tôi từng yêu thích đều ảnh hưởng ít nhiều đến cách tôi sáng tạo. Về tác giả và họa sĩ minh họa sách tranh, Maurice Sendak có ảnh hưởng rất lớn. Tôi tin rằng chính ông là người đã tạo ra những cuốn sách tranh "thực sự" đầu tiên, nơi mà từ ngữ và hình ảnh vừa kết hợp lại vừa hoạt động độc lập. Thay vì hình ảnh chỉ là tài liệu tham khảo trực quan cho các sự kiện được mô tả trong văn bản, chúng cần chứa đựng điều gì đó mà văn bản không tiết lộ; đồng thời, văn bản cũng nên diễn đạt điều không rõ trong hình ảnh. Và đôi khi, có những thứ bị bỏ qua cả trong hình ảnh lẫn văn bản. Những khoảng trống đó là để người đọc tự tưởng tượng.
Đối với tôi, chính Sendak đã tiên phong cho ý tưởng này, và mọi họa sĩ minh họa sách tranh sau này đều chịu ảnh hưởng từ ý tưởng của ông. Sự khôn ngoan của Sendak cũng giúp tôi tự tin hơn trong việc vẽ tranh. Ông từng nói rằng ông lo lắng về sự vụng về trong các minh họa của mình. Ông rất nghiêm khắc với kĩ thuật của bản thân. Khi nhìn vào các bức tranh của mình, ông thường thấy khó chịu với những nét vẽ chéo lộn xộn ở đây, hoặc một hình vẽ quá nặng nề ở kia. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng chính sự "vụng về" đó đã làm nên phong cách đặc trưng của mình. Nếu các bức tranh được thực hiện một cách chính xác hơn, thì rất nhiều sắc thái của chúng sẽ biến mất, và chính những "sai sót" (như ông từng nghĩ) đã khiến các bức tranh trở nên độc nhất vô nhị. Điều này khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn với những hạn chế trong kĩ thuật của mình.
Một họa sĩ minh họa khác mà tôi muốn nhắc đến là Chris Van Allsburg. Tôi nghĩ rằng ông ấy có những ảnh hưởng tương tự đến tôi. Ông ấy rõ ràng rất quan tâm đến chủ nghĩa siêu thực và những câu chuyện kỳ lạ, đồng thời có cách tiếp cận rất nghệ thuật đối với việc minh họa sách dành cho trẻ em. Ông cũng là một người minh họa xuất sắc cho ý tưởng về "khoảng trống" giữa từ ngữ và hình ảnh của Sendak. Cuốn sách thể hiện điều này rõ ràng nhất là The Mysteries of Harris Burdick (1984), trong đó người đọc phải tưởng tượng toàn bộ câu chuyện chỉ dựa trên một bức tranh minh họa duy nhất. Theo nghĩa này, khoảng trống mà Sendak để lại cho trẻ em tự lấp đầy trở thành một vực thẳm khổng lồ. Đây là một ý tưởng phi thường từ một nghệ sĩ phi thường.
Ngoài các họa sĩ minh họa có quá nhiều ảnh hưởng để thảo luận, tôi sẽ đề cập đến những người theo chủ nghĩa siêu thực vì rõ ràng họ đã có tác động lớn đến công việc của tôi. Tôi đã bị mê hoặc bởi chủ nghĩa siêu thực từ khi phát hiện ra nó vào thời niên thiếu, và nó đã trở thành một ảnh hưởng lớn xuyên suốt mọi giai đoạn nghệ thuật trong sự nghiệp của tôi. Ngay cả khi tôi là một họa sĩ minh họa y học, tôi cũng đã vẽ những người tí hon đang leo ra khỏi vết thương hở hoặc đu đưa từ lồng ngực, biến các minh họa sách giáo khoa thành những phong cảnh siêu thực. May mắn thay, chủ nghĩa siêu thực không hề lạc lõng trong môi trường sách thiếu nhi. Bản thân trẻ em là những nhà siêu thực tự nhiên. Khi trẻ vẽ, chúng không bị ràng buộc bởi khái niệm thực tế của người lớn; chúng sáng tạo hơn nhiều. Ví dụ, việc trẻ vẽ một con cá và một chiếc máy bay trong cùng một bức tranh là điều hoàn toàn bình thường. Sự miêu tả thế giới của trẻ nhỏ thật phi thường, một phần vì chúng đang nhìn thấy nhiều thứ lần đầu tiên: mọi thứ đều khơi gợi cảm giác ngỡ ngàng. Điều mà những người theo chủ nghĩa siêu thực cố gắng làm là tái tạo trạng thái ngỡ ngàng của trẻ khi nhìn thế giới lần đầu tiên. Bằng cách đặt các vật thể bình thường trong một bối cảnh bất thường, họ đã tạo ra một thế giới như mơ, vừa quen thuộc lại vừa mới lạ và phi thường.
JE: Cảm ơn ông đã chia sẻ suy nghĩ về các tác phẩm của mình và cho chúng tôi góc nhìn về cách ông tư duy, cảm nhận khi viết và minh họa. Ông xứng đáng là bậc thầy trong thời đại của mình, và mỗi tác phẩm nghệ thuật của ông (sách tranh của ông xứng đáng với tên gọi đó) đã trở thành kiệt tác đúng nghĩa. Ý tưởng của ông tràn đầy phát minh mới và có độ phong phú phi thường. Thật may mắn cho những ai yêu sách tranh nói chung và độc giả của ông nói riêng. Ông là một tác giả và họa sĩ minh họa có sức sáng tạo dồi dào, với các tác phẩm mở ra bao biên giới mới, tạo ra thách thức để độc giả suy nghĩ, cân nhắc và phản hồi theo lối mới lạ, thú vị hơn.
0 Comments