Pháp sư xứ Hải Địa - Ursula K. Le Guin

Sao một cuốn truyện trong thế giới giả tưởng có thể mô tả trực quan điều đang diễn ra trong tâm hồn con người đến vậy?

“Pháp sư xứ Hải Địa” là cuốn tiểu thuyết kì ảo đầu tiên mình đọc. Câu chuyện nói về cuộc hành trình ngoạn mục của Ged qua ba giai đoạn: từ cậu bé con non nớt tình cờ khai phá được tiềm năng pháp thuật, đến cậu thiếu niên tự phụ dám mở cửa ngõ đến cái chết để rồi bị con quái vật Bóng Đen bám riết, và cuối cùng là chàng thanh niên neo được bản thể chân chính nơi mình. Sau này, Ged trở thành vị pháp sư vĩ đại nhất vùng Hải Địa. 

Sơ lược về mạch truyện

Vị thầy đầu tiên của Ged là Orion Câm Lặng. Chính thầy tìm thấy Ged, trao tên thật cho cậu và khẳng định cậu có thiên phú về pháp thuật. Nhưng cách dạy của thầy đòi khỏi quá nhiều kiên nhẫn, Ged lại muốn học càng nhanh càng tốt. Thế là cậu giã biệt thầy để đến trường pháp thuật ở đảo Roke, nơi sẽ trao cho Ged tất cả phép thuật cao siêu. Tại đây, Ged bị khiêu khích bởi đàn anh Jasper, nên đã phục thù bằng cách dùng thiên năng của mình để mở cửa ngõ giữa cõi chết và cõi sống. Từ kẽ nứt giữa bóng tối của đêm và mặt đất, thứ sinh vật huyền bí, hùng mạnh, quái gở - Bóng Đen, thoát ra. Không một ai – ngay cả những người thầy giỏi nhất, biết Bóng Đen đến từ đâu, và thực sự là gì. Bóng Đen bám riết lấy cậu, khát khao điều khiển cậu, hay đúng hơn là điều khiển thứ quyền lực vô song của một thiên tài. Bóng Đen là thứ sinh thể vô hình, hiểm độc có thể mặc lấy thân xác người và nuốt chửng linh hồn người. Nó sở hữu cái mãnh lực làm ta nghẹt thở. Chính nó đã đẩy Ged vào cảnh khốn cùng, đã tạo ra những thử thách để dẫn dụ Ged thoả hiệp với các thế lực xấu để dễ bề thao túng. Chính vậy mà Ged càng phải quyết tâm chuyển hoá mình thì mới đủ tỉnh táo phân biệt thật giả, để xác quyết sứ mệnh của mình và người pháp sư mình muốn trở thành.

David Mitchell, nhà văn viết cuốn “Bản đồ mây”, cũng đọc đi đọc lại cuốn này suốt những năm niên thiếu, và chính khi gấp cuốn sách lại, ông biết chắc mình sẽ trở thành nhà văn: “Tôi khát khao có thể trao cho người khác điều mà “Pháp sư xứ hải địa” đã trao cho tôi – dẫu rằng tôi không thể nói cho rõ điều đó thực sự là gì.” Theo năm tháng, ông thu nạp nhiều tiêu chuẩn phê bình khắt khe nên cũng cho “ra rìa” nhiều cuốn yêu thích thuở nhỏ, nhưng “riêng với cuốn này của Le Guin, sự trân trọng của tôi luôn nhiều hơn sau mỗi lần đọc lại.”

Hành trình của Ged có những điểm tương đồng với hành trình của Odyssey. Vũ trụ của họ là biển cả mênh mông, nơi con người tạo lập xứ sở tại các hòn đảo; mỗi hòn đảo là nơi cư ngụ của một chủng người, với xuất xứ, đặc tính, tập quán, niềm tin và chế độ chính trị riêng biệt. Những người anh hùng du hành từ đảo này qua đảo nọ, mỗi chuyến đi hứa hẹn một khám phá mới và một ngã rẽ mới của định mệnh: họ không bao giờ biết điều gì đang chờ đợi mình. Mỗi hòn đảo lại trao cho họ một thử thách riêng, và dĩ nhiên món quà đi kèm là các năng lực ẩn giấu dần hiển lộ. Chính các năng lực có được thông qua sự dấn thân, lòng nhiệt thành và quả cảm là thứ năng lực có một không hai, là các bước đệm tạo ra người anh hùng chân chính. 

Như vậy, Odyssey và Ged giống nhau ở chỗ họ không sinh ra sẵn là một người hùng. Odyssey và Ged đều phải trải qua một chuyến đi dài để đạt được phẩm chất cần thiết, đặc biệt là khi phải đối diện trở ngại mà số phận trao cho. Sau cuộc hành trình dài kinh qua bao nguy nan, trớ trêu thay Odyssey lại không thể vượt qua thử thách cuối cùng: chàng để mình yếu lòng nhu nhược, chìm dần vào cuộc sống êm đềm, ru ngủ mà Calypso đã tạo ra trong suốt bảy năm. Chỉ khi có sự can thiệp của nữ thần Athena thì Odyssey mới tỉnh ngộ, chinh phục cuộc vượt biển cuối để trở về hòn đảo Ithaca - quê nhà của Odyssey, là nơi có nàng Penelope chung thuỷ và quả cảm một lòng một dạ chờ chồng. Ithaca không chỉ là quê nhà về mặt địa lý, mà là nơi Odyseey gặp gỡ và sáp nhập với “bản thể cao nhất và trọn vẹn nhất” của mình - nàng Penelope. 

Ged cũng không thể trở về "quê nhà" của mình, nếu cậu không tìm được sự hợp nhất giữa giữa thiên tư pháp thuật phi thường và nhân sinh quan đúng đắn. Sự xuất hiện của Bóng Đen lôi Ged vào cuộc vật lộn dữ dội giữa các mâu thuẫn căng thẳng và cốt yếu mà bất kì ai sở hữu tiềm năng lớn lao đều phải trải qua: Tôi dùng pháp thuật để thâu tóm quyền lực hay phụng sự thế gian? Tôi đang tham gia vào cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa? Khi nào tôi cần đến pháp thuật, khi nào không? Và quan trọng nhất là: tôi đang hiểu đến đâu mối tương quan giữa sự hiện hữu của tôi và của thế giới? Thế là, để giải quyết tất cả các mâu thuẫn này ở độ tuổi đôi mươi, Ged đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra hà khắc. 

Có thể nói, hành trình này giống như một hình xoắn ốc. Ở đường tròn từ ngoài vào tâm: là lúc cậu khám phá ra tiềm lực của mình, phung phí nó để thoả mãn cái tôi thấp để rồi bức thành trì yếu ớt của lòng kiêu hãnh sụp đổ, cậu mất hết niềm tin nơi mình. Cuộc mất mát này xảy ra ngay tâm vòng xoắn ốc; sau đó, cậu dần tỉnh dậy, làm quen với con người mới nơi mình - tuy yếu đuối hơn nhưng cũng tỉnh thức hơn. Cậu bắt đầu bước ra khỏi tâm, đi theo đường tròn di chuyển ra ngoài để xây lại con người mới: cậu trở thành pháp sư của thành Torning Hạ và hoàn thành sứ mệnh giúp người dân trị rồng, cậu vượt cạm bẫy ở lâu đài Osskil bằng lòng kiên định và tâm trí sáng suốt, cậu chạy về cầu cứu người thầy đầu tiên - Orion Câm Lặng để biết rằng mình cậu không thể trốn chạy Bóng Đen nữa. Cậu phải sẵn sàng đi về phía cái chết. 

Mỗi người, mỗi sự vật đều có một cái tên thật

Có nhiều chi tiết thể hiện thế giới quan hết sức sâu xa của tác giả. Một trong các chi tiết đó, là khi “mọi vật đều có một cái tên” - tên ở đây không phải là tên gọi, mà là tên thật của một người, một sự vật tồn tại trường kì trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung. "Ai biết được tên một người cũng là nắm mạng sống của người đó trong tay mình." 

Khi Ged còn là cậu thiếu niên, cậu cùng thầy Ogion đi trên đường, trong lòng bứt rứt vì chẳng thấy thầy làm phép gì cả. Rồi thầy hỏi cậu: "Cây thảo mộc bên đường kia là gì?" Khi biết được tên nó là cỏ bốn lá, cậu hỏi lại: "Thưa thầy, nó dùng làm gì ạ?". Thầy trả lời: "Theo như ta biết thì nó chẳng có ích gì cả". Ged bực bội cầm hạt cỏ một lát rồi ném nó đi. Phản hồi của thầy đã tiết lộ bản chất của tên thật.

"Khi con đã nhận ra được cây cỏ bốn lá trong mọi mùa, từ rễ cho đến lá cho đến hoa, qua hình dạng, mùi vị và hạt của nó, thì con sẽ biết được tên thật của nó: điều đó còn quan trọng hơn cả ích lợi của nó. Con hãy tự hỏi mà xem, ích lợi của con là gì? Hay của bản thân ta là gì? Núi Gont có ích lợi gì? Đại dương có ích lợi gì?" Ogion đi tiếp khoảng nửa dặm nữa, rồi cuối cùng kết luận: 

"Để lắng nghe, người ta phải biết im lặng."

Ged đã có một năm ở với thầy Khởi Danh trên Tháp Cô Lập chỉ để học thuộc lòng tên của rất nhiều sự vật quanh các hòn đảo. Thầy nói một điều mà Ged không bao giờ quên: "Một pháp sư chỉ có thể điều khiển được những gì ở gần mình, những gì mình có thể gọi tên đúng đắn và toàn vẹn."

Khi gặp em gái của anh bạn thân Vetch - cô bé Yarrow, Ged thấy “cô bé như một con cá nhỏ, một con cá tuế, bơi lội trong một dòng suối trong veo vậy – không có gì tự vệ, nhưng cũng không ai bắt được.” Và quả vậy, tên thật của cô bé là Kest, trong Cổ ngữ có nghĩa là cá tuế. Còn Vetch, người bạn thân đã song hành cùng Ged từ điểm khởi đầu của thử thách đến chặng kết thúc, trong khoảnh khắc chia tay để rời trường Roke về quê nhà làm pháp sư, đã trao cho Ged thứ quí giá nhất của mình: tên thật. Bởi anh tin chắc Ged sẽ không bao giờ làm hại anh.

Bởi vậy, tên thật của Ged không phải do cha mẹ cậu đặt, mà do người thầy quan trọng nhất cuộc đời trao cho cậu vào ngày Lễ trưởng thành. Đây là cột mốc trong đời: tách ra khỏi cha mẹ để tự đi lấy con đường của mình, giống như lớp áo huyết thống đã làm xong nhiệm vụ, nay được cởi bỏ để Ged phải tự mặc lấy chiếc áo riêng biệt của số phận mình. 

Mình không thể giải thích vì sao cái chi tiết tên thật này nó lại ấn tượng với mình đến vậy. Nó giống như, cái tên thật này không chỉ thuộc về "tôi" của thế gian hiện tại, mà còn là "tôi" của bản thể cao hơn đã chết đi sống lại, tiếp tục hiện sinh qua bao kiếp bao đời. Cái bản thể cao hơn đó, chính mỗi người cũng không thể hiểu hết. Nó mang theo một lịch sử cá nhân cuồn cuộn chảy vào dòng lịch sử thế gian. 

Con quái vật Bóng Đen thực sự là gì?

Lúc Ged mất hết sinh lực sau khi triệu hồi Bóng Đen, thầy Triệu Tập đã nói với Ged: "Ta chỉ biết điều này mà thôi: chỉ một sức mạnh vĩ đại mới có thể triệu tập một thứ như vậy, và có lẽ chỉ có một sức mạnh duy nhất - giọng nói của con. Nhưng điều đó có nghĩa là gì thì ta không biết. Con sẽ phải tìm ra. Con sẽ phải tìm ra, hoặc là chết, hoặc tệ hơn thế nữa..."

Đây là manh mối để giải thích vì sao con quái vật Bóng Đen, kì lạ thay, biết tên thật của Ged. Cuộc chạy trốn Bóng Đen, dường như là sự chạy trốn một phần mà bản thân Ged đã chối bỏ, đã thù địch. Và khi nó xuất hiện trở lại vào một thời điểm nào đó, một kiếp nào đó, thì lại tưởng rằng nó không phải là mình. Con quái vật này, nó muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường, không có một khuôn mặt, nhân dạng: nó chính là cái phần ác thú nhất, tinh vi nhất, nhiều mặt nạ nhất trong mỗi chúng ta. Cuộc chiến này đẩy Ged vào tình thế cấp bách, nhưng cũng chính là sứ mệnh chính yếu để giúp Ged nhập thể trọn vẹn và làm thông suốt toàn bộ sự hiện hữu của mình. Nó quyết định phần đời còn lại của Ged. 

"Khi sức mạnh của một người phát triển và tri thức của người đó mở rộng hơn, thì con đường mà người đó có thể đi lại càng thu hẹp lại: cho đến khi cuối cùng người ấy không thể chọn lựa được điều gì nữa, mà chỉ có thể làm duy nhất, trọn vẹn một điều mà người đó phải làm..."


Kết
Giờ đọc lại sau 14 năm, thật kì lạ rằng Bóng Đen vẫn làm mình ám ảnh. Nếu trong lần đọc đầu, Bóng Đen chỉ là một nhân vật trên trang sách – nó đơn thuần là thử thách của Ged còn mình là kẻ ngoài cuộc, thì bây giờ Bóng Đen ập vào mình như một sự thức tỉnh: mình cảm thấy sự tồn tại của nó trong mình, trong mỗi chúng ta. Xin kết lại bằng một vài lời của tác giả - nhà văn Ursula K. Le Guin về khổ đau, điều mà Ged và Odyssey đã trải qua và làm nên bản thể anh hùng nơi họ, cũng là điều mà tất cả chúng ta đang trải qua.

“Người ta đã hiểu lầm khổ đau.
Nó tồn tại…Nó có thật. Khổ đau đã bị hiểu lầm. Tôi không giả vờ rằng nó không tồn tại, hay sẽ ngưng tồn tại. Khổ đau là điều kiện sống của chúng ta. Khi nó đến, bạn biết. Bạn biết nó rành rành như sự thật. Không xã hội nào có thể thay đổi một sự tồn tại dĩ nhiên. Chúng ta không thể ngăn chặn khổ đau… Một xã hội có thể giải phóng khổ đau thuộc về xã hội - loại khổ đau không cần thiết. Nhưng nỗi khổ đau khác thì vẫn còn đó: cái khổ đau gốc rễ, cái thực tại. Tất cả chúng ta rồi sẽ trải thương đau; nếu sống được 50 năm, thì bạn trải thương đau trong 50 năm… Dẫu vậy, tôi tự hỏi phải chăng khổ đau, qua từng ấy thời gian, đều đã bị hiểu lầm - cái bấu víu vào hạnh phúc này, cái sợ hãi nỗi đớn đau này… Nếu thay vì sợ nó và trốn chạy nó, một người có thể… vượt qua nó, vượt lên trên nó. Có điều gì đó hiện hữu bên trên một nỗi đau. Có một bản thể đang trải qua đau thương, và có một nơi để bản thể này dừng lại. Tôi không biết giải thích sao cho rõ. Nhưng tôi tin vào thực tại này - sự thật tôi nhận ra trong đau khổ mà sẽ không thể nhận ra trong thoải mái và hạnh phúc. Sự hiện hữu của nỗi đau không phải là nỗi đau. Nếu bạn có thể vượt qua nó. Nếu bạn có thể chịu đựng nó đến cùng.”


Post a Comment

0 Comments