![]() |
Tranh của hoạ sĩ Sophie Blackall |
Ngày xửa ngày xưa có một cậu hoàng tử nhỏ. Cậu chàng vừa lớn thì được Vua cha báo tin: “Ngày mai con sẽ bắt đầu đi học. Đi học không chỉ là học đọc, học viết, mà còn học để sau này trở thành một vị vua tốt.”
Xưa giờ trong cung điện, Hoàng tử toàn thui thủi chơi một mình vì anh em, bạn bè đều không có. Còn ở trường thì tấp nập bao bạn cùng lứa. Từ giờ cậu đã có bạn chơi! Mỗi sáng, cậu cắp sách đến trường với trái tim rộn ràng, tưởng tượng ra biết bao trò hay để chơi cùng chúng bạn. Nhà vua rất phấn khởi khi thấy con mình tươi tỉnh, hoạt bát hẳn ra.
Nhưng Nhà vua nào biết Hoàng tử học gì ở trường, vì công việc triều chính đã chiếm hết thì giờ. Ông chỉ quan tâm xem các vấn đề có được giải quyết ổn thoả hay chưa, chứ không bận tâm mấy đến việc học của con. Rồi thời gian thấm thoắt trôi, đã ba năm kể từ khi hoàng tử bắt đầu đi học. Cậu chàng vẫn vui vẻ đến trường. Nhà vua lúc ấy mới sực nhớ, muốn thử xem con mình học hành thế nào.
Ăn tối xong, Nhà vua thảo một dòng nhỏ trên mẩu giấy: “Làm ra làm. Chơi ra chơi. Vậy mới vui.”
Nhà vua yêu cầu Hoàng tử đọc thành tiếng. Hoàng tử nhìn vào mẩu giấy, không hé nửa lời.
Nhà vua hỏi: “Từ đầu tiên là gì nào?”. Hoàng tử mấp máy gì đó rất nhỏ: “Lờ…lờ…lờ…"
Nhà vua mất kiên nhẫn: “Lờ am lam huyền làm! Con đọc từ cuối cùng xem.”
Hoàng tử: “Vờ…vờ…u….”
Nhà vua không màng giúp chàng đọc nốt bài. Ông ra lệnh cho mấy người nô tì đọc thử; thấy họ đọc được, ông chạnh lòng: Nô tì còn đọc được mà con ta thì không ư? Ông rất buồn, thức trắng đêm suy nghĩ đăm chiêu.
Hôm sau, ông đến lớp của Hoàng tử và núp sau cửa sổ để quan sát mà không bị phát hiện. Cảnh tượng trước mắt khiến ông lo lắng: khi thầy giảng, Hoàng tử làm mặt tếu để chọc cười lũ bạn; khi thầy cho viết chữ, Hoàng tử lôi hết bút ra ghép hình ngôi nhà; khi thầy cho đọc thành tiếng, Hoàng tử chạy biến đến cửa sổ trầm trồ đàn chim bay ngang. Giờ thì Nhà vua đã hiểu!
Nhà vua bước vào lớp dắt Hoàng tử về, trong lòng nặng trĩu. Đến cung điện, ông nói với cậu: “Bất cứ ai muốn trở thành Vua để cai trị người khác, đều trước hết phải cai trị được bản thân mình. Con ở trường ba năm, nhưng không học được cách chú tâm đến lời thầy, nỗ lực thay vì chơi đùa, biết tập trung vào một thứ trong một lúc. Ta sẽ để con trải nghiệm cuộc sống rộng lớn ngoài kia để con tự học được những điều này. Khi học được rồi con có thể trở về nhà, nhưng tuyệt đối không về khi chưa học xong! Cha thà không có con, còn hơn có một đứa con không thể cai trị nổi chính mình.”
Ngay sau đó, Nhà vua cho Hoàng tử một ổ bánh mì và một bình nước, rồi ra lệnh cho chàng rời cung điện. Những ngày sau đó, Hoàng tử lê bước qua những nẻo đường bằng đôi chân trần cho đến khi hết sạch bánh mì. Cậu chàng cô đơn, rỗng túi, không nơi nương tựa.
Đến ngôi làng nọ, cậu ngửi thấy mùi thơm từ một tiệm bánh nên vào xin một ổ bánh mì.
“Được rồi”, bác thợ làm bánh nói. “Cậu có vẻ là một chàng trai mạnh khoẻ! Nếu ở lại đây và làm việc cho ta, cậu sẽ được ăn bao nhiêu bánh mì tuỳ ý.”
Bụng đã réo sôi, Hoàng tử liền đồng ý. Bác thợ làm bánh cho cậu bánh mì và sữa, sau đó nhờ cậu đút khay bánh mì vừa nặn xong vào lò nướng. Đó là chiếc khay lớn đựng ngay ngắn nhiều ổ bánh. Bác giao nhiệm vụ cho cậu trông coi lò để bác nghỉ tay ăn tối, dặn kĩ rằng cậu phải lấy bánh ra khi chúng chuyển sang sắc nâu của hạt óc chó, không được nâu hơn.
Chỉ còn một mình trong tiệm, Hoàng tử đảo mắt thấy các khay bánh dựa san sát vách lò và đống củi chất trong góc. Cậu nghĩ: “Chơi với mấy thứ này thú lắm à nha!”, rồi lôi chúng ra xếp thành một ngôi nhà. Cái này chồng lên cái kia để dựng bốn vách tường, một cửa chính, một cửa sổ, một cái mái. Công việc tốn kha khá thì giờ. Khi đặt cái khay cuối cùng lên mái, Hoàng tử ngửi thấy mùi khét và đám khói bốc lên từ các khe ở cửa lò.
Đúng lúc ấy, bác thợ làm bánh trở lại. Đập vào mắt bác là cậu chàng lơ ngơ, là căn nhà dựng từ khay và củi. Nhưng cái đập vào bác mạnh nhất chính là đám khói bốc lên ngùn ngụt. Bác lao về phía cái lò, mở bung cửa lò và gào lên: “Mi làm cháy bánh mì của ta rồi!”
Hoàng tử đã mải chơi mà quên béng khay bánh. Nhưng giờ cậu đã nhớ ra. Cậu đang nhìn vào khay bánh mì cháy thui như than.
Bác thợ mếu máo: “Công sức làm việc cả ngày của ta tiêu tùng theo đám khói rồi! Giờ ta sẽ phải làm việc thâu đêm. Tất cả là vì trò trẻ con của mi! Cút khỏi đây. Tự mà kiếm sống. Quá đủ rồi!”. Bác tống cậu ra khỏi nhà, đóng sầm cửa lại.
Dưới trăng sao, Hoàng tử bé con cứ lang thang vô định. Trời gần sáng, cậu đến một thị trấn khác và thèm được ăn. Cậu gõ cửa một ngôi nhà, khi cửa mở cậu mới biết đây là tiệm đóng giày. Cậu xin bác đóng giày bữa ăn sáng.
“Được rồi”, bác thợ đóng giày nói, “Có vẻ cậu là một chàng trai khỏe mạnh. Nếu cậu ở lại đây và làm việc cho tôi, ngày nào tôi cũng sẽ cho cậu ăn sáng, ăn trưa, trà chiều và ăn tối”.
Hoàng tử đồng ý. Bác thợ đóng giày cho cậu ăn sáng, sau đó cậu vuốt chỉ sáp để bác khâu giày. Công việc chẳng có gì khó, Hoàng tử làm khá đều tay cho đến khi bác rời khỏi phòng. Hoàng tử không làm nữa và dáo dác nhìn quanh. Cửa tiệm có bao nhiêu thứ hay ho: các dụng cụ, các mảnh da, đa loại giày khác nhau với đủ hình dáng và màu sắc – giày nhảy, giày đi bộ, giày lao động, dép lê. Trong phút chốc, Hoàng tử đứng dậy và rời xa chiếc ghế làm việc. Cậu chạy tới lui hết góc này đến góc khác, ngó nghiêng mọi thứ trên kệ, trên bàn, thậm chí trong tủ đựng chén dĩa và tủ đựng đồ!
Bác đóng giày trở lại thì thấy Hoàng tử đang chơi với hộp đinh. Bác nói: “Đến đây, mau vuốt cuộn chỉ này đi. Phải có chỉ ta mới khâu giày được”.
Khi bác rời đi lần kế tiếp, Hoàng tử lại đứng lên, rà soát những thứ mà chàng chưa để mắt đến. Để câu chuyện dài thành ngắn, ngày hôm ấy, Hoàng tử không thể hoàn thành công việc vì cậu chỉ dành thời gian ngó nghiêng xung quanh chứ không vuốt chỉ. Hoàng tử rõ ràng không được việc. Bác thợ giày nói: “Ta chỉ nuôi người giúp ta hoàn thành công việc đúng giờ mà thôi.” Một lần nữa, Hoàng tử bị đuổi khỏi nhà.
Cậu đi suốt đêm dưới trăng sao, không biết mình đang đi đâu. Trời hửng sáng, cậu thấy mình đang ở gần một nông trại. Cậu bước vào nhà người nông dân và hỏi xin thức ăn.
“Được rồi”, bác nông dân nói, “Trông cậu khá khoẻ mạnh. Nếu cậu ở đây và giúp ta cắt cỏ, ta sẽ vui lòng đãi cậu các bữa ăn và cho cậu một cái giường ngủ”. Cậu đồng ý.
Có một vài cậu trai bằng tuổi Hoàng tử cũng ở đó. Sau bữa sáng, bác nông dân giao cho mỗi cậu một cái liềm rồi tất cả ra đồng làm việc. Bác chỉ cho tụi nhỏ số lượng cỏ cần cắt, dặn rằng phải chất lên xe trước khi mặt trời đứng bóng. Sau đó bác để cả đám tự xoay xở và qua cánh đồng khác để thu hoạch lúa mì.
Mọi chuyện không hề suôn sẻ! Thực ra đó là lỗi của Hoàng tử, vì cậu vẫn chưa nhận được bài học gì đáng kể. Ngay khi chỉ còn cậu với mấy cậu nhóc, cậu muốn vui chơi chứ không muốn làm việc. Đầu tiên cậu nhại lại khuôn mặt tụi nó, tạo ra âm thanh vui nhộn để khiến cả bọn cười nắc nẻ. Sau đó khi đã cắt được ít cỏ chất lên xe, Hoàng tử leo lên xe tuôn cỏ xuống. Thế là cuộc chiến ném cỏ đã diễn ra vô cùng vui vẻ, là trận vui nhất tính từ khi Hoàng tử rời trường. Đống cỏ khô bay vèo vèo. Bác nông dân xuất hiện.
Tất nhiên khi trông thấy cảnh tượng này, bác không chậm trễ một phút giây nào rượt theo cả bọn, hét lên: “Cút ra khỏi đây bọn trẻ ranh vô dụng, bác sẽ lột da tụi bây ra đấy, nghe chưa?”
Bây giờ bọn trẻ không còn thân thiện nữa. Chúng rượt theo Hoàng tử, ném đá vào cậu, hét lên rằng chính cậu đã làm họ bị đuổi việc. Hoàng tử chạy nhanh như bay và cuối cùng bỏ xa bọn trẻ. Bây giờ cậu lại một mình, không thức ăn, không mái nhà.
Đêm xuống, khi trăng sao vừa ló dạng, cậu thấy một căn chòi nhỏ. Cửa mở. Không ai đáp lại tiếng gõ cửa. Cậu đi vào, cánh cửa bỗng sập lại sau lưng. Căn chòi trống không: chẳng ghế, chẳng bàn, chẳng giường – chẳng có gì ngoài bốn bức tường và sàn nhà dơ bẩn. Trời lạnh, bụng đói, đêm mịt mờ, bốn bề im ắng. Hoàng tử cảm thấy đơn độc.
Cậu ngồi bệt xuống đất và bắt đầu suy tư. Cậu nghĩ về bác nông dân. Cậu nghĩ về bác đóng giày. Cậu nghĩ về bác làm bánh. Cậu nghĩ về trường lớp. Cậu nghĩ về cha mình và điều cha từng nói: “Thà cha không có con còn hơn có một đứa con không cai trị nổi bản thân mình.”
Rồi Hoàng tử thở dài và khóc: “Nếu mình chỉ tập trung cắt cỏ, vuốt chỉ và canh bánh mì, chắc giờ mình đã có cơm ăn.”
Rồi cậu lại thở dài và khóc: “Giá như mình chịu khó học đọc, mình đã được ở trong cung điện của cha.”
Chàng nức nở và rên rỉ rất to nên không nghe tiếng bàn chân nhỏ đang khe khẽ bước đến cửa. Đó là một người tí hon cầm theo chiếc đèn. Anh để ánh đèn rọi vào khuôn mặt Hoàng tử. “Có chuyện gì thế?”, anh hỏi. Hoàng tử nói cậu rất đói và muốn về nhà.
“Nói tôi nghe, nhà cậu ở đâu?”, người tí hon hỏi. Anh có một bộ râu bạc dài và ánh mắt lấp lánh. Trông anh tập trung lắng nghe đến nỗi Hoàng tử không thể ngăn mình kể cho anh tất cả mọi chuyện, và cậu lại oà lên khóc: “Em muốn về nhà!”
Người tí hon phản hồi thông thái: “Từ những gì cậu kể, tôi thấy rằng cách duy nhất là trở lại đúng con đường đã dẫn cậu đến đây. Lần này khi đang cắt cỏ, vuốt chỉ sáp và trông coi bánh mì, cậu sẽ nhận ra mình đã về nhà rồi mà không hay.”
Thế là Hoàng tử nhỏ nghe theo lời khuyên của người tí hon, trở nhà của bác nông dân, bác đóng giày, bác làm bánh. Ở mỗi nơi, cậu khiêm nhường nhận lỗi và cầu xin sự tha thứ. Cậu nói: “Hãy để tôi làm việc cho bác trong một năm một ngày. Bác sẽ không hối tiếc đâu”.
Ở mỗi nơi, cậu ở lại một năm một ngày. Lần đầu tiên bác nông dân, bác đóng giày và bác làm bánh có được người phụ tá được việc như vậy. Không một ai muốn cậu ra đi, nhưng khi cậu nói: “Tôi muốn về nhà với cha mình – nhà Vua”, họ vô cùng ngạc nhiên và để cậu đi.
Ba năm ba ngày thấm thoát trôi, Hoàng tử rồi cũng về nhà. Cha cậu - Nhà vua, quá đỗi sung sướng khi gặp lại cậu. Ngài biết rằng Hoàng tử sẽ không trở về trừ khi cậu đã học được cách cai trị chính mình.
Sau đó Hoàng tử trở lại trường, chú tâm nghe thầy giảng và chẳng lâu sau đã biết đọc, viết và đếm. Nhưng hơn thế, cậu đã chứng tỏ cho cha thấy cậu xứng đáng được trở thành một vị vua.
Ngay khi Hoàng tử đăng quang ngôi Vua, cậu đã phái bác làm bánh, bác đóng giày và bác nông dân đến cung điện để trở thành những cố vấn thân cận nhất của mình. Họ đều sống đến già và cai trị vương quốc thật thông thái và tốt đẹp.
0 Comments