Ba câu hỏi (The three questions) - Jon J. Muth: sự chú ý tận tâm đến khoảnh khắc hiện tại

Cuốn sách tranh Ba câu hỏi (The Three Questions) của Jon J. Muth được viết dựa trên truyện ngắn cùng tên của Leo Tolstoy – một đại văn hào, đồng thời là một trong các triết gia đạo đức và nhà cải cách xã hội có ảnh hưởng nhất nước Nga. Trong truyện gốc, nhân vật chính là vị Sa hoàng, còn trong truyện này là cậu bé tên Nikolai.

Một ngày nọ, Nikolai tung tăng thả diều và chơi đùa với những người bạn động vật. Cậu hỏi chúng ba câu quan trọng. Nếu trả lời được ba câu này, cậu sẽ luôn luôn biết cần làm gì mỗi ngày:

1. Khi nào là thời điểm tốt nhất để làm mọi việc?

2. Ai là người quan trọng nhất?

3. Điều đúng đắn nhất cần làm là gì?


Để trả lời câu hỏi đầu tiên Khi nào là thời điểm tốt nhất để làm mọi việc?, diệc Sonya nói rằng lúc nào cũng nên “lên kế hoạch trước”. Khỉ Gogol thì khuyên “Chỉ cần thật sự chú ý, cậu sẽ tự biết”. Chó Pushkin thì rằng, “cậu không tự mình chú ý đến mọi thứ được đâu”, và phải có một hội bạn để “canh chừng và giúp cậu quyết định khi nào cần làm gì.”

Với câu hỏi thứ ba Điều đúng đắn nhất cần làm là gì?, các bạn đáp ngắn gọn: “bay” (diệc Sonya), “chơi cho đã đời” (khỉ Gogol) và “chiến” (chó Pushkin).

Nikolai không ưng ý lắm các câu trả lời này, liền tìm đến cụ rùa thông thái Leo (tất nhiên là đặt theo tên của Tolstoy) đang sống trên núi. Vừa đến nơi, Nikolai thấy cụ Leo đang đào đất trong vườn. Khi Nikolai đặt ra ba câu hỏi, cụ không trả lời. Nikolai cầm lấy xẻng, hì hục làm vườn cho cụ nghỉ tay. 

Bỗng nhiên sấm sét từ đâu giáng xuống; trong lúc chạy mưa, cả hai nghe thấy tiếng kêu cứu. Nikolai đổi hướng chạy về phía phát ra âm thanh thì tìm thấy một con gấu trúc và đứa con của nó. Chẳng do dự, cậu lập tức bế từng con một chạy về túp lều của cụ Leo. 

Buổi sáng sau bão, Nikolai thấy thất vọng, nghĩ rằng mình vẫn chẳng tìm thấy câu trả lời nào. Nhưng cụ Leo nói: “Ba câu hỏi đã được trả lời rồi đấy thôi.”

nếu con không ở lại vườn giúp cho ta một tay, con đã chẳng nghe thấy tiếng kêu cứu của gấu trúc trong rừng. Bởi thế, thời điểm quan trọng nhất là lúc con dành thời gian đào đất trong vườn. Người quan trọng nhất vào lúc đó là ta, và điều cần thực hiện nhất là giúp ta làm vườn. Sau đó, khi tìm thấy con gấu bị thương, thời điểm quan trọng nhất là giúp con gấu và đứa bé. Người quan trọng nhất là con gấu và đứa bé. Điều cần làm nhất là cho chúng nơi trú ẩn an toàn.

Cụ Leo giải thích: “Nhớ rằng, chỉ có một thời điểm quan trọng nhất: thời điểm ấy là ngay lúc này. Người quan trọng nhất luôn luôn là người đang hiện diện với con. Và điều quan trọng nhất là làm điều tốt lành cho người ấy… Bởi vậy, hai ta mới đang ở đây với nhau.”

Sâu thẳm trong tim, bản thể cao nhất của mỗi chúng ta đều biết đây là câu trả lời duy nhất. Nó phản ánh cách sống trực tiếp nhất mà cũng gian nan nhất, hàm chứa cùng lúc cả sự đơn giản khôn cùng và thách thức khôn cùng: để cho mình được trôi chảy, thuận dòng, chú tâm, hiện diện. 

Chỉ cần chú ý đến khoảnh khắc hiện tại, chúng ta đã đến tiến gần hơn đến nơi chốn của sự nhận biết tỉnh thức. Khi ấy, bất kì điều gì chúng ta đang làm đều đang trả lời ba câu hỏi. Đó là sự thực hành đưa ý thức vào từng khoảnh khắc: không để thói quen lấn át cách ta đối diện với các sự kiện, không “đứng núi này trông núi nọ” – chờ đợi một thời điểm đúng hay một điều lớn lao trong tương lai. 

Lòng trắc ẩn là một phẩm chất sẵn có, không phải điều phải dạy mới học được. Đúng hơn, chúng ta cần sự hiện diện trọn vẹn để học lại nó từ đầu, để ôm ấp hiện tại, trân trọng những người xung quanh, cố gắng làm điều cần thiết và đúng đắn. Khi đó, chúng ta đang đáp lại tiếng gọi thiêng liêng: hãy yêu lấy kẻ khác như yêu chính bản thân mình. 

Cách duy nhất để ta sống được những câu trả lời là thực hành sự chú ý tận tâm. Khi bền bỉ nuôi dưỡng khả năng chú ý này, ta nhận ra câu trả lời chẳng ở đâu xa: chúng ẩn hiện ngay trước mắt, luôn luôn ngay trước mắt.

_______

Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết: "Three Questions You Need to Answer as a Children’s Book Writer" của nhà văn Mira Ptacin

Post a Comment

0 Comments