![]() |
Bìa cuốn sách "William's Doll", xuất bản năm 1972, một trong các tác phẩm thiếu nhi đầu tiên đề cập đến định kiến giới |
Cuộc cách mạng queer trong sách thiếu nhi xuất hiện vào thế kỉ 20 nhờ vào tinh thần tiên phong của nhà biên tập Ursula Nordstrom, người được mệnh danh là “bà tiên đỡ đầu cho nền văn học thiếu nhi hiện đại”. Bà đã dọn đường để các tác giả song tính và đồng tính (Margaret Wise Brown, Maurice Sendark,…) được xuất bản tác phẩm của mình; song song đó phải kể đến sự hậu thuẫn đáng kể của bà trong việc xuất bản cuốn tiểu thuyết thanh thiếu niên đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng giới, cuốn “I’ll get there. It better be worth the trip.” (“Em sẽ đến đó. Chuyến đi chắc sẽ đáng giá.”) của tác giả John Donovan vào năm 1969. Ursula từng bộc bạch: “Trong nhiều năm, tôi đã ước có ai đó sẽ viết một cuốn sách gợi ý rằng giữa hai người cùng giới vẫn có thể có những cảm xúc lãng mạn.”
Trong thời gian công tác tại nhà xuất bản Harper & Row, Ursula Nordstrom có một người trợ lí biên tập đắc lực là Charlotte Zolotow. Charlotte đã trợ lực thành công việc xuất bản cuốn sách kinh điển “Harriet the Spy” của Louis Fitzhugh vào năm 1964 – một cuốn sách được cộng đồng đồng tính nữ hết sức yêu mến vì tiên phong có nhân vật nữ chính là một cô nàng tomboy thứ thiệt. Sau này, Charlotte trở thành người kế nhiệm chức tổng biên tập của Ursula.
Bên cạnh vai trò biên tập viên, Charlotte còn là tác giả sách. Bà không sợ phá vỡ những định kiến thâm căn cố đế, bẻ cong các thể loại có sẵn và dấn thân vào các chủ đề khó. Các tác phẩm của bà phản chiếu dòng cảm xúc ngầm chảy bên trong các em nhỏ. Bà từ chối việc chỉ xem trẻ nhỏ là “đồ con nít”, và muốn chạm vào những điều có thật đang sống động bên trong trẻ. Do vậy, không ngạc nhiên khi bà là tác giả của một trong những cuốn sách thiếu nhi đầu tiên phá vỡ định kiến về việc trẻ em chỉ được phép sở hữu món đồ chơi nằm trong khuôn khổ giới của mình: cuốn “William’s Doll” (“Búp bê của William”).
![]() |
Một trong các trang minh hoạ của "William's Doll" |
![]() |
William muốn có một em búp bê. Cậu muốn ôm và bế em trong tay. |
![]() |
và hạ rèm xuống và hôn em ngủ ngon và ngắm mắt em khép và rồi William muốn thức em dậy lúc sớm mai khi mặt trời ghé chơi |
![]() |
Đoàn tàu bé nhỏ lăn bánh trên đường ray lách cách, lách cách William dựng các trạm ga bằng bìa cạc-tông và các đường hầm và các cây cầu và chơi với đoàn tàu thật lâu. |
Nhưng cậu không thể ngừng muốn một em búp bê để ôm để bế để dắt em đi công viên Một ngày kia bà cậu đến thăm. |
Bà đến cửa hàng
chọn một em búp bê sơ sinh
có lông mày cong cong
mặc váy trắng thật dài
và đeo một chiếc nơ.
Em búp bê có đôi mắt xanh lơ
khi nhắm lại
nghe tiếng “click, click”
và William yêu em
ngay lập tức.
Charlotte chia sẻ rằng cảm hứng cho “William’s Doll” xuất hiện khi bà quan sát lúc chồng bà kết nối với con trai Stephen. Cậu bé muốn có một con sư tử nhồi bông nhưng không được chấp thuận vì thú nhồi bông làm chồng bà liên tưởng đến tính nữ. Charlotte đã tự mình mua cho con, và khẳng định rằng: phủ nhận món đồ chơi mà trẻ muốn là phủ nhận bản chất chân nguyên của con người. Khi quan sát cách mà các người cha tương tác với con tại công viên, Charlotte để ý rằng nhiều người đã vô tình bỏ qua cơ hội được kết nối với con trong những năm đầu đời. Ví dụ như chồng bà, ông luôn bỏ ra ngoài khi bà thay tã cho con; ông không biết mình đã lỡ dịp được thấy nụ cười đầu tiên nở trên môi con. Thiếu vắng sự tương giao thân mật và chân thật giữa cha và con vào giai đoạn đầu đời sẽ vô hình tạo ra sự xa cách sau này, khi nền tảng mối quan hệ không được nuôi dưỡng từ lúc mới hình thành.
"Phủ nhận món đồ chơi mà trẻ muốn
là phủ nhận bản chất chân nguyên của con người."
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích cách để sử dụng cuốn “William’s Doll” trong môi trường học đường. Tác động của chủ nghĩa phân biệt giới tính (sexism) vẫn luôn tồn tại trong lớp học – nơi vốn là trung tâm giao tiếp xã hội của trẻ. “William’s Doll” được dùng như một công cụ để giáo viên giới thiệu đến học sinh khái niệm định kiến giới; cụ thể hơn, khi trẻ tiếp xúc với một nhân vật gần gũi và nằm ngoài hình mẫu áp đặt về giới như William, các con sẽ dễ tiếp nhận một hình mẫu tương tự ngoài đời thật hơn.
Tuy vậy, các nhân vật nam giống như William – sở hữu các đặc điểm mang tính nữ, lại không được đón nhận cởi mở. Xã hội có xu hướng dễ chấp nhận các nhân vật nữ có tính nam hơn, còn nhân vật nam có tính nữ như William lại không phổ biến. Tiến sĩ Cecilia Silva, giáo sư tại Đại học Texas Christian cho rằng, xã hội tỏ vẻ không can dự đến sự tồn tại của thứ “qui tắc giới tính” dành cho nam, nhưng hễ một nhân vật như William xuất hiện, họ sẽ phản ứng. Và ở ngoài đời, một đứa trẻ giống như William sẽ phải lãnh chịu hậu quả như phức cảm tự ti hay đối mặt với các cản trở lớn trong quá trình phát triển năng lực cảm xúc – xã hội.
0 Comments