Ursula Nordstrom và cuộc cách mạng queer* trong sách thiếu nhi thế kỷ 20

Năm 2017, trong năm cuối đại học, tôi vinh dự được trình bày một luận án tại hội nghị văn học thường niên của chương trình mình đang theo học. Bài luận của tôi viết về những cuốn sách của trẻ nổi loạn, chủ yếu từ thế kỷ 20, và làm thế nào mà những cuốn sách như Harriet tung hoành, Cô bé MatildaCharlie và nhà máy sô-cô-la cho trẻ em cơ hội để đứng lên chống lại những nhân vật người lớn có nhiều quyền lực và áp bức, qua đó cho người đọc biết rằng luôn có cơ hội để một ngày nào đó mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Một bài nghiên cứu rộng lớn như vậy nhưng tôi tuyệt nhiên chưa từng biết đến tên của một người phụ nữ kỳ quặc – người đã giúp một vài cuốn sách kiểu vậy đến được với chúng ta.



“Ôi trời, tóm gọn lại là thế này: chúng ta chỉ là không thể giải thích mấy chuyện tuyệt vời giản đơn này cho một số người lớn”, biên tập viên sách thiếu nhi Ursula Nordstrom từng viết. Bà nổi tiếng nhất với vai trò tổng biên tập cho những cuốn sách Harper và Row dành cho bé gái và bé trai từ năm 1940 đến năm 1973. Được ghi nhận với việc mở ra thời đại sách thiếu nhi phục vụ cảm xúc và trí tưởng tượng của trẻ hơn là chạy theo các chuẩn mực và giá trị mà phụ huynh xem trọng, tầm nhìn của Nordstrom đã giúp xuất bản nhiều cuốn sách như Ngủ ngon nhé Mặt Trăng, Ở nơi quỷ sứ giặc non, Harold và bút sáp màu tím, Cây táo yêu thươngCharlotte và Wilbur. Nhưng hơn nửa thế kỷ sau, di sản của bà – cũng như nhiều phụ nữ cùng thời, phần nào đã bị mất đi trong dòng lịch sử.

Sinh năm 1910 cùng thời các nghệ sĩ hài tạp kỹ ở Manhattan, Nordstrom theo học các khóa về kinh doanh khi còn trẻ và bắt đầu làm thư ký trong phòng sách giáo khoa của Harper & Row vào năm 1931. Nhiều người mô tả bà là một “phụ nữ trẻ trung e thẹn đến khó tin”. Bà được lên chức trợ lý cho Louise Raymond của phòng sách cho bé trai và bé gái vào khoảng năm 1936. Khi Raymond thông báo nghỉ hưu vào năm 1940, Nordstrom là cái tên đầu tiên trong danh sách được bổ nhiệm thay thế vị trí tổng biên tập mảng sách thiếu nhi.

Năm 1960, bà trở thành phó chủ tịch nữ đầu tiên của Harper.

Vốn không thích giọng điệu khoa trương, ủy mị mà bà cho rằng đã hoành hành nền văn học thiếu nhi nước Mỹ, Nordstrom ngay lập tức tìm kiếm các tác giả sẵn sàng thách thức hiện trạng này. (Cách đây vài năm, khi Anne Carroll Moore – kẻ thù không đội trời chung của Nordstrom, người quản lý công tác thiếu nhi tại Thư viện Công cộng New York hỏi bà về lý do bà cảm thấy mình đủ năng lực làm biên tập viên sách thiếu nhi, Nordstrom trả lời rằng: “À, tôi là một ‘cựu nhi đồng’ và tôi chưa từng quên một thứ gì.”) Châm ngôn của bà là trẻ em là “những con người hoàn toàn mới” và có rất nhiều “sách dở cho những đứa trẻ ngoan” trong thế giới xuất bản. Do đó, bà luôn tìm kiếm một thể loại “sách hay cho những đứa trẻ hư” để xuất bản.

Theo những người làm việc trong HarperCollins ngày nay, “Nordstrom đưa thế giới văn học thiếu nhi đến một thời đại mới đầy hân hoan. Dưới sự giám sát của bà, lần đầu tiên, sách thiếu nhi chạm đến những vấn đề như ly hôn, dậy thì, cô đơn, nghiện rượu, quan hệ chủng tộc, mang thai ngoài ý muốn – và giải quyết những vấn đề này bằng kỹ năng và sự nhạy cảm.”

“Đối với các tác giả và họa sĩ, Nordstrom không chỉ là một biên tập viên - bà còn là bác sĩ trị liệu cho họ, chỗ dựa tin cậy và người bạn tâm giao, và luôn là người bảo vệ đầy sáng tạo và người vô địch vĩ đại nhất”, Maria Popova viết trong cuốn The Marginalian. “Trên hết, Nordstrom là người bảo vệ dũng cảm cho thế giới và những trải nghiệm đầy tưởng tượng của trẻ em, việc mà những người lớn thiếu thốn trí tượng tượng thường cho là nguy hiểm, và bảo vệ cho sự nguyên vẹn của trí sáng tạo của các họa sĩ dưới áp lực thương mại tăng cao và buộc họ phải chạy theo các quy luật của thị trường để bán được sách và phải kể những câu chuyện an toàn, hàng hóa hóa và rập khuôn.”

Vì vậy, không ai sánh kịp sức ảnh hưởng của người biên tập này khi bà ở đỉnh cao thành công. “Chẳng lâu sau, danh sách những cuốn mà Ursula xuất bản bắt đầu chẳng giống một danh sách nào trong văn học thiếu nhi”, Betsy Bird – Chuyên gia thu thập sách cho giới trẻ tại Thư viện Công cộng New York chia sẻ. “Khiếu hài hước điên rồ của bà ấy lại rất hợp với năng lực phát hiện những tài năng văn học thiếu nhi tiềm năng.”

Nhưng một trong những điều chưa được nhắc đến trong di sản và thành công của Nordstrom là bà ấy có một lợi thế hơn các biên tập viên khác và các nhà sáng tạo cùng thế hệ - đó là bà ấy là một người đồng tính. “Vị thánh bảo vệ nhân từ nhất cho tuổi thơ của trẻ em thời nay hóa ra lại là một người phụ nữ đồng tính, không có con, sống trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa tiêu dùng ở Mỹ và vẫn xoay sở để hình dung, xuất bản và bảo vệ sách thiếu nhi – những cuốn sách không phải là món hàng dễ quên đi mà là những kiệt tác vượt qua thử thách của thời gian và mê hoặc các thế hệ độc giả”, Popova cho biết. Do đó, nhiều tác giả và những quan điểm mà bà nuôi dưỡng và công bố cũng kỳ quặc, bất kể theo cách ầm ĩ hay lặng lẽ.

Margaret Wise Brown, tác giả của Ngủ ngon nhé Mặt TrăngBunny bỏ trốn, trở thành người song tính nổi tiếng vì mối tình nhiều thập kỷ với Blanche Oelrichs – vợ cũ của diễn viên John Barrymore. Louise Fitzhugh - Nhà sáng tạo của Harriet tung hoành, cũng là một người đồng tính. Việc này nâng sự lệch chuẩn so với các quan điểm truyền thống về giới tính và xu hướng tình dục trong tiểu thuyết của cô lên hàng đầu, đồng thời cho nhiều độc giả trẻ được nhìn thấy chính mình qua các nhân vật trong sách. (Theo Neva Grant của NPR, “Mặc dù xu hướng tính dục của Harriet không bao giờ được đề cập trong sách, nhưng quần áo con trai và sự dũng cảm của cô bé cũng đủ gửi một thông điệp đến những đứa trẻ cảm thấy khác biệt và không hiểu tại sao.”)

Nhưng một trong những nỗ lực ủng hộ cộng đồng queer* táo bạo nhất mà đáng tiếc lại ít người biết đến của Nordstrom chính là xuất bản cuốn sách Em sẽ đến đó. Chuyến đi đáng giá hơn của John Donovan năm 1969.



Là tiểu thuyết thanh thiếu niên đầu tiên đề cập đến tình cảm cùng giới, cuốn sách được Megan McCluskey gọi là một trong những cuốn sách dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên hay nhất mọi thời đại trên tạp chí Time. Cô viết: “Được ca ngợi là một trong những cuốn sách dành cho thanh thiếu niên đầu tiên nói về sự lệch chuẩn một cách cởi mở, Em sẽ đến đó. Chuyến đi đáng giá hơn, xuất bản năm 1969, đã phá vỡ những rào cản ban đầu trong phong trào sách thanh thiếu niên ủng hộ cộng đồng queer ngày nay, việc này đã mở đường cho những cuốn sách có sức ảnh hưởng và được cộng đồng LGBTQ yêu thích như Những chàng trai cầu vồng của Alex Sanchez và Aristotle và Danta khám phá những bí mật vũ trụ của Benjamin Alire Sáenz.”

“Trong nhiều năm tôi cũng từng nói rằng tôi ước có ai đó sẽ viết một cuốn sách mà chỉ cần đưa một chút gợi ý rằng giữa hai người cùng giới vẫn có thể có những cảm xúc lãng mạn”, Nordstrom chia sẻ. “Điều này xảy ra với tất cả mọi người khi họ trưởng thành, cảm thấy quý mến một thầy giáo hay một điều gì đó, và họ đánh mất cảm xúc đó hoặc không. Không một lời báo trước, John Donovan viết cho tôi một bức thư nói rằng anh muốn viết một cuốn sách về những kiểu tình yêu khác nhau.”

Nhưng không mối quan hệ nào giữa những người queer nào có thể so sánh với quan hệ cố vấn của Nordstrom đối với Maurice Sendak – một người đồng tính, khép kín và bất mãn với cuộc đời.

“Tôi cảm thấy mình đang sống một cuộc đời quá hạn hẹp – với đôi mắt và các giác quan đều hướng vào bên trong. Tôi không cảm nhận được sự rộng lớn của cuộc sống. Tôi chỉ quan tâm đến bản thân một cách hẹp hòi… Tất cả những gì tôi thể hiện chỉ là một chút ít ỏi tôi đã lượm lặt được trong đời vì những mục đích riêng”, ông viết cho bà khi mới bắt đầu sự nghiệp, trước khi bà giúp ông xuất bản Ở nơi quỷ sứ giặc non.

Sendak gặp Nordstrom lần đầu tiên vào năm 1950 khi ông đang ôm ấp hình bóng nhân vật truyền hình Rhoda Morgenstern và làm công việc trang trí cho cửa hàng đồ chơi trẻ em F.A.O. Schwartz ở thành phố New York. Để có thể gặp Nordstrom, người mua sách thiếu nhi để trang trí cho cửa hàng này đã được bà chọn lọc kỹ càng. Nordstrom mê đắm những cuốn phác thảo của Sendak và tin rằng họ nhất định phải làm việc với nhau. Bailey Johnson của Bluum đã viết: “Những câu chuyện ngụ ngôn đầy tính rao giảng và những cuốn sách dạy hành xử và việc tốt không hấp dẫn bà ấy. Bà ấy tin rằng trẻ em nên đọc những cuốn sách văn học mà có thể chuẩn bị cho chúng đương đầu với thế giới hỗn loạn và phức tạp mà chúng đang sống – và bà ấy nhìn thấy sự thật này trong tác phẩm của Sendak”. Đáp lại những bất an dễ tổn thương mà Sendak bộc bạch trong lá thư gửi cho bà, Nordstrom viết lại rằng: “Anh không phải Tolstoy, nhưng Tolstoy cũng không phải Sendak. Anh có tài hoa trời cho vô cùng trù phú và đẹp đẽ”. Bà còn viết thêm ở phần tái bút: “Tình yêu, nỗi sợ, sự chấp nhận, sự khước từ, sự tái bảo đảm, và trưởng thành. Bây giờ không cần thêm nữa.”

“Tôi cảm mến bà ấy ngay từ cuộc gặp đầu tiên”, Sendak kể lại nhiều năm sau đó. “Thú thật những hồi ức hạnh phúc nhất của tôi là khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp của mình, khi mà Ursula là chỗ dựa tin cậy và là người bạn tâm giao của tôi. Bà ấy thực sự trở thành gia đình và là người mà tôi tin tưởng nhất. Những năm khởi đầu này xoay quanh những chuyến đi của tôi đến văn phòng Harper trên Phố Ba mươi ba và được Ursula gửi cho hàng đống sách, cũng như được động viên với từng bức tranh tôi vẽ ra. Chúng tôi cũng có lúc bất đồng ý kiến nhưng bà ấy luôn đối xử với tôi một cách nhẹ nhàng, ân cần như thể tôi là một đóa hoa mong manh, chăm sóc tôi trong suốt mười năm và chọn lựa tỉ mẩn những tranh vẽ mà sau này đều nằm trong những cuốn sách trường tồn của tôi và trở thành sự hỗ trợ quan trọng đối với tôi.”

Sau hai thập kỷ xuất bản sách của người khác, Nordstrom cũng muốn thử chấp bút viết một cuốn sách thiếu nhi của riêng mình. “Bà ấy không tin vào những câu trả lời hời hợt và các giải pháp chóng vánh. Bà ấy muốn được những cuốn sách hớp hồn, được bùng nổ cảm xúc với sách, được lắng nghe những sự thật trong sách – kể cả khi bà ấy – như chính xác những gì bà ấy nói, chỉ là một “người lớn cực kỳ ngu ngốc”, Kelly Blewett của Los Angeles Review of Books giải thích. Vậy nên dù thời điểm ấy, bà đã thu thập được một danh mục đầy tham vọng tập hợp những “cuốn sách hay cho trẻ hư”, Nordstrom vẫn muốn thể hiện tài năng viết lách sáng tạo của riêng mình trên những trang giấy của một cuốn sách chỉ thuộc về mình. Ngôn ngữ bí mật – Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nordstrom với tư cách là một tác giả, lên kệ vào năm 1960 và được người biên tập này mô tả là “một lời giải thích khá chi tiết, đơn giản và chân thật” về những cảm xúc và trải nghiệm của một cô bé phải xa nhà khi học ở trường nội trú.


Nordstrom thực sự rất khiêm tốn về thành công của cuốn sách này, mặc dù nó được đón nhận rất nồng nhiệt, bởi vì Ngôn ngữ bí mật chắc chắn là một trong những cuốn sách thiếu nhi nói về queer nhiều nhất. Dĩ nhiên, xu hướng tính dục không bao giờ được thảo luận môt cách rõ ràng nhưng ngôn ngữ bí mật mà tiêu đề đề cập đến nói về thứ ngôn ngữ mà nhân vật chính Martha phát triển cùng cô bạn Victoria, gọi là leebossa. “Này nhé, leebossa dùng khi cậu thích một cái gì đó. Khi một thứ nhìn thôi đã thấy đáng yêu hoặc khi một việc gì đó diễn ra tốt đẹp, đó chính là leebossa. Thấy bất kỳ thứ gì đặc biệt dễ thương, cậu có thể nói leeleeleeleebossa. Nhưng chỉ dùng cho thứ gì thực sự tuyệt vời thôi đấy. Hiểu chứ?” Martha giải thích. Trẻ em hiển nhiên là không hiểu được điều này, nhất là vào năm 1960, nhưng tôi có thể tự tin khẳng định với mọi người rằng leebossa rõ ràng là một mật mã dành cho những người đồng tính nữ.

Theo nhà sử học văn học thiếu nhi Leonard Marcus, Nordstrom bị cáo buộc đã viết phần tiếp theo với tựa đề Lựa chọn bí mật – cuốn sách mà bà đã hoàn thành tất cả trừ chương cuối trước khi tuyên bố rằng bà không biết cách kết thúc nó. Sau khi công khai nhá hàng về phần tiếp theo trong các cuộc phỏng vấn, Nordstrom được cho là đã đốt bản thảo khi gần kết thúc sự nghiệp với Harper, dù rằng tuyên bố này đã gây tranh cãi. Dù thế nào đi nữa, những cuộc đấu tranh mà bà ấy phải đối mặt khi viết cuốn tiểu thuyết trẻ em thứ hai chắc chắn cũng đại diện cho những cuộc đấu tranh mà bà ấy phải đương đầu với sự lệch chuẩn của mình trong suốt một thế kỷ liên tục phủ nhận sự tồn tại của cộng đồng queer.

Là một người nhút nhát đến mức khó tin nên Nordstrom luôn giữ kín cuộc sống riêng tư và tách biệt nó khỏi sự nghiệp chuyên nghiệp của mình, mặc dù thực tế bà là một người đồng tính. Mary Griffith - Bạn đời của bà, được gọi là “bạn đồng hành lâu năm” trong cáo phó năm 1988 của Nordstrom, khẳng định sự mơ hồ vẫn còn trong cuộc sống cá nhân của bà ngay cả khi bà đã qua đời. Cũng bởi những nỗ lực quyết liệt của bà để tách rời cuộc sống riêng tư khỏi công việc nên hầu như không ai biết gì về nó. Sau khi rời khỏi Harper vào năm 1973, bà tiếp tục ghi dấu ấn của mình ở vai trò biên tập viên cao cấp bằng những cuốn sách của Ursula Nordstrom cho đến năm 1979.

Mặc dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư buồng trứng 9 năm sau đó ở tuổi 78, di sản của Nordstrom – và nhất là di sản để lại cho cộng đồng queer của bà, vẫn sống mãi với những người sẵn sàng tìm kiếm nó – giống như bà đã làm với những tài năng mới trong nền văn học thiếu nhi. Như một đồng nghiệp kể lại: “Bất kỳ ai nhấc máy gọi điện, bất kỳ ai bước ra khỏi thang máy, bất kỳ ai đặt bút xuống, đều sẽ được nhìn thấy và được lắng nghe.” Bà luôn trả lời những cuộc gọi đến cho mình và nếu tình cờ nghe thấy một tiếng chuông khác, bà sẽ hét lên: “Nhấc máy ngay! Đó có thể là một Mark Twain tiếp theo.”

*Tìm hiểu thêm về định nghĩa Queer tại đây. (N.D) 
Đọc bài gốc trên tại đây.

Người dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments