Thị trấn bên bờ biển (Town is by the sea)

Bìa cuốn sách "Thị trấn bên bờ biển",
do Joanne Schwartz sáng tác và Sydney Smith minh hoạ

Nơi vùng biển bao la phẳng lặng, có cậu bé ngày ngày nhìn biển qua khung cửa sổ. Ánh sáng nhấp nhô nơi những con sóng đổ vào đáy mắt cậu lấp loáng, đầy tràn. Cậu sống ở đảo Cape Breton thuộc bang Nova Scotia, Canada. Ở nơi này, nghề thợ mỏ được khai sinh vào thế kỉ 17 và cứ thế cha truyền con nối, tiết lộ qua lời tựa: "Tặng những cậu bé ở Cape Breton đã phải xuống hầm mỏ từ khi còn quá nhỏ. Tặng cha tôi, Irving Schwartz, những đứa con thương yêu của New Waterford." 

Câu chuyện kể về diễn biến trong một ngày của cậu bé và cha cậu: hai dòng thời gian song song - một dòng ngập đầy ánh sáng biển cả, một dòng ám mùi muội than của lòng biển thẳm sâu. Và hai đường thẳng song song khi đi mãi sẽ tụ về một điểm: cậu bé rồi cũng sẽ trở thành người thợ mỏ giống cha. Xuyên suốt cuốn sách là các diễn biến đời thường "tuần tự" xảy ra, như ám chỉ qui luật "tuần tự" dành cho số phận của những đứa con sinh ra ở vùng đảo này: đường đời đã an bài. Họ gần như không có sự lựa chọn nào ngoài việc trở thành một người thợ mỏ. 

Kể ra thì đây là một chủ đề khác lạ dành cho một cuốn sách tranh, bởi ai lại nghĩ rằng kể chuyện về vùng đất khai thác mỏ lại có thể trữ tình nên thơ. Vậy mà từng trang sách, khi phần chữ và phần hình hợp nhất, lại gợi mở được bao cảm xúc và dự cảm nơi người đọc. Lời kể chuyện thản nhiên làm ta thoáng buồn, như gợi ý rằng ta phải chấp nhận số phận của cậu bé. Vậy mà, dẫu phận người lay lay ám ảnh thì những trang vẽ tuyệt đẹp về quang cảnh biển khơi lại cho thấy rằng: niềm hạnh phúc có thể được tìm thấy ngay cả ở hoàn cảnh sống khắc nghiệt nhất.

Sydney Smith - hoạ sĩ của cuốn sách, đã vẽ ra một khung cảnh khó quên: ánh mặt trời chói loá trên mặt nước mênh mông. Đây là khung cảnh hằng ngày của cậu:

"Hôm nay trời nắng to... mặt biển sáng lấp lánh"

Còn đây là khung cảnh làm việc hằng ngày của cha:

"Và tôi biết bố đang đào than ở sâu bên dưới lòng biển kia."

Dù tuổi thơ cậu bé có nét khác biệt do được bao bọc trong một thị trấn khai thác mỏ, thì thật ra cậu vẫn là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác. Có một khoảnh khắc cảm động, là khi cậu bé rủ cậu bạn hàng xóm đi chơi xích đu trong một sân chơi cũ kĩ, đã lâu không được bảo trì. Dường như thế giới dành cho trẻ con, cho những điều tươi mới đã dần trôi vào quên lãng. 


"Tôi không lấy làm buồn. Tôi đứng trên cái xích đu bé, còn thằng bạn ngồi trên cái to. 
Hai đứa đu cao, cao vút, đến nỗi bụng tôi nôn nao.
Chúng tôi đu cao đến nỗi tôi có thể nhìn thấy vùng biển ngoài xa." 

Nhưng sau cảnh này, mạch truyện lại trở về với khung cảnh hầm mỏ, như một ngụ ý rằng: dù đã lên được điểm nhìn cao nhất, quá khứ và quê hương vẫn sẽ luôn gọi cậu trở về. Cậu sẽ không có gì ngoài biển, ngoài hầm mỏ nơi cha cậu đang làm việc. 

Nhìn tổng thể cả cuốn sách, Sydney Smith đã xen kẽ các bố cục trang khác nhau: từ trang đôi đến các chuỗi hình ảnh nhỏ, thử nghiệm với không gian tràn lề và các khoảng trắng, đóng khung tranh hay để tranh chảy vào chữ. Sự xen kẽ nhuần nhuyễn này có dụng ý để cho câu chuyện được mở ra, tăng tốc, tạm dừng, lắng đọng, hay cắt nhỏ. 

Các tranh ở định dạng ngang tràn lề thường thể hiện sự rộng lớn của quang cảnh nhưng nhỏ bé của con người. 

Tỉ lệ con người trong các trang tràn lề đều nhỏ hơn rất nhiều so với quang cảnh

"Hôm nay biển lặng..."

Bên cạnh đó, các tranh chia khung thể hiện thời gian trôi qua bằng sự cắt nhỏ những diễn biến của một ngày:

Khung cảnh biến đổi cho đến khi bố về nhà 

Cảm nhận xuyên suốt câu chuyện là nhân vật đang mắc kẹt với hoàn cảnh sống, khi nhịp điệu ngày qua ngày cứ lặp đi lặp lại: "Mọi việc tuần tự diễn ra thế này.." Ý nghĩ của cậu bé, rằng: "Sâu bên dưới lòng biển kia là nơi bố đào than." cứ trở đi trở lại, như thể đó là sự tất yếu trong đời sống - không có lựa chọn nào khác cho người cha , và cũng sẽ không có lựa chọn nào khác cho cậu bé. Hạnh phúc và tình yêu vẫn là những dòng chảy đẹp đẽ và chân thực trong câu chuyện, nhưng song song đó chủ đề về số phận vẫn án ngữ như ngọn núi sừng sững. Hầm mỏ luôn hiện diện, ngay cả trong khung cảnh dịu dàng nhất: 

"Sâu bên dưới lòng biển kia là nơi bố đào than."

William Moebius, một học giả văn chương, đã đưa ra một số "công thức" (picturebook's codes) để giúp độc giả hiểu được dụng ý trong việc sắp đặt các thành tố trong một bức tranh. Ông cho rằng, trong một tranh đôi tràn lề, "một nhân vật ở bên rìa bức tranh, có khoảng cách xa hoặc có kích cỡ nhỏ so với kích cỡ toàn trang, và được đặt gần cuối trang, sẽ tạo cảm giác bất lợi hơn nhân vật được đặt ở trung tâm với kích cỡ lớn."

Có thể thấy rõ điều này khi đọc các bức tranh vẽ khung cảnh dưới hầm mỏ, trong đó những người thợ mỏ luôn được đặt ở góc dưới bên phải, lột tả tính chất nguy hiểm và bấp bênh trong công việc của họ. 



Chỉ khi hầm sập xuống thì họ mới được dịch chuyển sang trái, dịch chuyển ngược hướng với dòng chảy của câu chuyện, như thể họ đang được đi về phía của an toàn; tuy vậy họ vẫn được đặt ở cuối trang, ngầm ý rằng họ vẫn sẽ không hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy. 


Các tranh được đóng khung với các kích cỡ khác nhau nhằm hướng mắt độc giả đến các chi tiết cụ thể, bề ngoài dường như không quan trọng. Đây là các khoảnh khắc đời thường như được rút ra từ cuốn album gia đình.


Hình ảnh của cửa sổ và cửa ra vào được xuất hiện nhiều lần xuyên suốt câu chuyện. Chúng là biểu tượng cho giới hạn. Trong hình bên dưới, cậu bé nói rằng: "Ngó qua cửa sổ, thứ đầu tiên tôi nhìn thấy... là biển." Biển cả là thứ duy nhất ta thấy được qua khung cửa sổ. Được đặt ở đầu câu chuyện, ta có thể thấy cửa sổ dường như là ranh giới giữa sự an toàn của ngôi nhà và cuộc phiêu lưu sắp diễn ra ngoài khơi xa. 


Nhưng khi đọc thêm, ta sẽ thấy với người dân tại thị trấn mỏ, biển không đồng nghĩa với cuộc phiêu lưu nào cả: biển có nghĩa là mỏ than. Do vậy, khung cửa sổ này đóng vai trò như một cửa ngõ giao thoa giữa tuổi thơ êm đềm và con đường mà cậu bé phải chọn khi lớn lên.


"Tôi là con một người thợ mỏ.
Ở thị trấn này, mọi việc luôn tuần tự diễn ra như thế."

______________

- Cuốn sách được NXB Kim Đồng dịch và xuất bản năm 2020
- Bài viết có tham khảo từ nguồn: http://librarymice.com/town-is-by-the-sea/ 





Post a Comment

0 Comments