Phi công Saint-Exupéry và Hoàng tử bé: hai mảnh hợp tan của một cuộc đời phiêu bạt

Antoine de Saint-Exupéry, trước hết, là một phi công. 

Phần lớn cuộc đời, ông tận hiến cho những chuyến chở thư nơi thăm thẳm tầng trời. 

Thời nay, máy bay đã trở thành phương tiện di chuyển thiết yếu, và tất yếu; có gì lạ đâu một cỗ máy đi xuyên mây trắng, nhấp nhô trên hàng hàng đỉnh núi, lướt qua mênh mông biển cả, sông suối, đồng cỏ, sa mạc. Nhưng vào thời của Saint-Exupéry - những năm đầu thế kỉ 20, máy bay và thiết bị liên lạc còn sơ khai, nên chỉ ai can đảm phi thường mới dám làm nghề phi công. 

Saint-Exupéry lái chuyến bay dài đầu tiên năm 1926 khi ông hai mươi sáu tuổi. Và ông đã lái cho đến lúc chết, mất tích vĩnh viễn trong chuyến bay trên chính bầu trời quê hương. Đó là ngày 31 tháng 7 năm 1944, một năm sau khi ông viết “Hoàng tử bé” trong thời kì tha hương tại Mĩ quốc, cũng là thời kì ông đau khổ và thất vọng khôn cùng. 

Chân dung phi công Antoine de Saint-Exupéry

Không ai tìm thấy thi thể của Saint-Exupéry. Chỉ có những mảnh xác máy bay xác nhận cái chết. Vài giả thuyết cho rằng ông tự kết liễu đời mình, ngầm tiết lộ qua cái chết của Hoàng tử bé. Có lẽ chuyện ấy cũng không quan trọng, nhất là với độc giả từng đọc cuốn tiểu thuyết tự sự “Quê xứ con người” in năm 1939 mà biết đến ông - một Saint-Exupéry nâng niu từng khoảnh khắc cuộc đời, hết lòng yêu thương nhân loại và Trái đất, như ông đã viết: 

Từ đó, chúng tôi cảm thấy lạc loài trong khoảng không gian giữa các hành tinh, ở giữa đám một trăm hành tinh không thể nào đạt tới, đi tìm cái hành tinh chân chính độc nhất, hành tinh của chúng ta, một mình nó có những phong cảnh quen thuộc của chúng ta, những mái nhà thân thiết của chúng ta, những tình yêu của chúng ta. 

“Quê xứ con người” tập hợp một loạt bút kí ghi lại những kỉ niệm và suy nghĩ của Saint-Exupéry về trải nghiệm làm phi công. Ông kể chuyện, miêu tả, giãi bày và suy tư về những sự kiện trong đời: năm tháng tập sự, chuyến bay đầu tiên, cuộc đi lạc giữa sa mạc, cái chết của bạn bè, … Những câu văn khiêm nhường chứa đựng vô số những ẩn dụ dịu dàng và thi vị nói lên một điều: ông đã tận hưởng và yêu thương cái nghề đầy rẫy hiểm nguy ấy đến từng giây từng phút. 

Cuốn sách bản tiếng Anh có tên "Wind, Sand and Stars" (Gió, cát, sao)

Tấm địa đồ của Saint-Exupéry không nằm trên giấy, mà nằm trong tình yêu của ông dành cho từng ngọn cây cọng cỏ của quê hương Trái đất. “Máy bay không chỉ là một thứ cơ giới mà còn là một công cụ giúp người ta hiểu thêm khuôn mặt của Trái đất.” (lời dịch giả Nguyễn Thành Long, người dịch “Quê xứ con người”). Trước chuyến bay đầu tiên, Guygiômê – người bạn thiết thân đã chỉ cho người phi công tập sự cách để mường tượng ra cuộc hành trình:

… những chi tiết mà tất cả các nhà địa lý trên đời không ai hay biết. Bởi vì chỉ sông Ebrơ, tắm tưới cho các thành phố lớn, là làm cho các nhà địa lý lưu ý. Các nhà địa lý đâu có lưu ý cái con suối nhỏ kia nó nấp ở dưới cỏ ở phía Tây Môtơrin, nó là ông cha nuôi dưỡng cho chỉ độ ba chục bông hoa. “Hãy coi chừng con suối, nó làm hư hại cánh đồng…. Cũng hãy ghi nó vào bản đồ của cậu đi…” 

Buổi tối ngay trước chuyến bay, Saint-Exupéry khe khẽ tận hưởng niềm tự hào của một phi công chính thức thực thi nhiệm vụ. Niềm tự hào ấy còn theo ông mãi đến những năm tháng sau này của sự nghiệp:

Khi tôi chào Guygiômê ra về, tôi cảm thấy cần đi bách bộ, vào buổi tối đông giá rét này. Tôi lật cổ áo khoác lên, và, giữa những người qua đường không hay biết, tôi thấy cùng đi với mình là một nhiệt tình tươi trẻ biết bao. Tôi tự hào đi kề cạnh những người không quen biết đó với niềm bí mật trong lòng. Họ không biết tôi, ôi những kẻ man sơ, nhưng chính là tôi mà tảng sáng ngày mai họ sẽ giao phó những lo âu, những tình cảm của họ trong những bưu kiện tôi sẽ chở đi. Chính vào tay tôi mà họ sẽ đặt lòng mong mỏi của họ.

Và bạn có nhớ không, đoạn Hoàng tử bé gặp con cáo, những lời trao đổi cảm động về tình bạn của cả hai. Thực ra, đúng là có một loài cáo cát ở sa mạc mà ông đã gặp khi bị lạc ở sa mạc Sahara.

Những con vật ấy, ở sa mạc, chúng sống bằng gì cơ chứ? Có lẽ đó là những con cáo cát – loài thú rừng nhỏ ăn thịt chỉ lớn bằng loài thỏ, tai rất to. Tôi không cưỡng lại được ý muốn của mình và đi theo vết chân một con. Các vết chân dẫn tôi đến một dòng sông cát hẹp, ở đây tất cả các vết chân đều rõ mồn một. Tôi thấy xinh quá ba vệt ngón chân xoè cánh quạt giống hình lá cọ. Tôi tưởng tượng người bạn nhỏ của tôi nhảy lúp xúp nhẹ nhàng vào lúc bình minh vừa liếm sương trên các tảng đá… Thế đấy, tôi dự vào cuộc dạo chơi ấy của buổi sáng với một niềm vui lạ kì. Tôi yêu cái tín hiệu ấy của cuộc sống. 

Ở ngoài đời, ông không tiếc lời khen ngợi bạn đồng nghiệp, trân quý và cảm phục họ. Những người mà ông yêu quí hết mực ấy, một ngày nào đó sẽ ra đi. Ông ý thức điều đó như một lẽ dĩ nhiên, bởi phi công là nghề đối diện thường trực với cái chết, với biệt li.

Thật ra không bao giờ có cái gì thay thế được người bạn đồng hành đã mất. Những người bạn xưa cũ, ta có tạo lấy được đâu! Không gì so sánh được với cái kho báu của bao nhiêu kỉ niệm sống chung, bao nhiêu khoảnh khắc tồi tệ cùng nhau trải qua, bao nhiêu giận hờn rồi lại làm lành, bao nhiêu nhịp đập tình cảm. Những tình bạn như thế có làm lại được đâu!

Trong một lần phải hạ cánh xuống ven biển vì hỏng máy bay, ông qua đêm ở đó cùng vài người bạn phi công cùng cảnh ngộ. Trong cảnh quây quần giữa trùng khơi, ông cảm giác như ngày ấy là Giáng sinh, và để kết luận về cuộc đi lạc đó, ông đã viết:

[…] Người ta đi rất lâu cạnh nhau, mỗi người bị giam trong sự lặng im của bản thân mình, hoặc người ta trao đổi cho nhau những lời nói, bản thân chúng không chuyên chở điều gì hết. Nhưng bỗng giờ đây là lúc hiểm nghèo. Người ta liền kề vai nhau…Người ta cảm thấy mình rộng ra bởi mỗi người khám phá ra những lương tri khác. Người ta nhìn nhau với nụ cười rộng mở. Người ta giống như kẻ tù nhân được giải thoát đang mê mẩn trước cái bao la của biển.

"Hoàng tử bé", phải chăng là cuộc gặp gỡ giữa ông với chính mình: một ông sương gió bụi đời – chính là viên phi công, còn một ông trong trẻo thuần khiết – chính là Hoàng tử bé? Hai bản thể đó liệu có sống hoà hợp? Chúng có thể là bạn với nhau chứ? Và cái chết của Hoàng tử bé có phải cũng chính là lời từ biệt sớm của ông: cậu bé đã tự tìm đến cái chết, như cái bản thể ngây thơ, trực thức của ông đã tự kết liễu lấy mình.

Nếu có lúc nào hai bản thể ấy từng là một, từng hoà hợp, thì khoảnh khắc ấy phải diễn ra ở nơi chốn hoang vắng nhất địa cầu – sa mạc Sahara. Nó cho ông giữ khoảng cách với loài người, đưa ông vào một bầu không gian chính là phóng chiếu vật lý của thế giới nội tâm. Nơi ấy, ông gặp Hoàng tử bé.

Nếu trước hết sa mạc chỉ là trống không và lặng im, ấy nghĩa là nó tuyệt không phải dành cho những cặp tình nhân hợp và tan trong chỉ một ngày… Nếu ta không vì nó mà chối bỏ tất cả cái thế giới ngoài kia, nếu ta không hoà vào với phong tục tập quán của nó, những thù hằn của nó, ta không thể nào hiểu được thế nào là cái tổ quốc mà sa mạc cấu thành riêng cho một vài người. Hơn thế, cách chúng ta hai bước, con người tự khép mình trong hàng rào của anh ta và sống theo những qui tắc mà ta không biết, người đó thật sự đang trồi lên trong niềm cô quạnh có tính chất đạo sĩ, trong một sự xa vắng mà không một chiếc máy bay nào đặt ta tới được. Ta muốn viếng căn buồng chật hẹp của anh ta ư? Ngăn buồng ấy trống không. Vương quốc của con người là ở bên trong. Cũng vậy đó, sa mạc không phải làm bằng cát, bằng người Tuarếch, cũng không phải bằng người Môrơ, cho dẫu họ có súng…

Càng bị cuốn theo trải nghiệm của ông, ta lại càng cảm động và thấm thía hơn những tháng ngày ông từng sống trên địa cầu, kinh qua cơ man phong ba bão táp mà người đời khó lòng tưởng tượng nổi. Hành trình làm người của ông, về kích cỡ, thật đồ sộ, nhưng ông đã tài tình thu bé khối lượng kỉ niệm trùng trùng điệp điệp ấy vào hành trình ngắn hơn, đơn giản hơn của Hoàng tử bé. Sở dĩ ông làm được vậy, có lẽ vì tâm hồn ông đã chắt lọc được những gì tinh tuý nhất của mười tám năm phiêu bạt, không kể lể dông dài mà chỉ đề cập đến những gì hệ trọng nhất: ý nghĩa sự hiện diện của ta trên cuộc đời, những thao thức khôn nguôi về lòng tin vào sức mạnh trí tuệ con người, về tình bạn, về lòng nhân ái và cảm thông, về việc liên tục suy xét lương tri của chính mình, và về tình yêu mãnh liệt với hành tinh Trái đất. 

Các trích đoạn trong bài viết được lấy từ bản dịch cuốn "Wind, Sand and Stars" của Nguyễn Thành Long, với nhan đề tiếng Việt "Quê xứ con người."

Post a Comment

0 Comments