![]() |
Truyện ngụ ngôn Aesop đã được lưu truyền rộng rãi từ trước cả thời “Nghìn lẻ một đêm” hay “Truyện cổ Grimms” ra đời, nổi tiếng nhất phải kể đến là “Thỏ và Rùa” hay “Con cáo và chùm nho”. Các câu chuyện phản ánh các góc cạnh đa dạng và phức tạp của đạo đức con người và những “thói hư tật xấu” khi đạo đức không được gìn giữ: lừa dối, tham lam, ích kỉ, nóng nảy, hèn nhát, sĩ diện, v.v. Nhân vật trong truyện là các con vật, và tính cách mỗi loài có nét đặc trưng riêng: cáo thủ đoạn, lừa ngốc nghếch, dê cả tin, sư tử quyền lực, …
Theo như cuốn tiểu sử “The Aesop Romance” hay còn được gọi là “Life of Aesop”, một sáng tác dân gian xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 2 SCN, Aesop từng là một nô lệ người Hi Lạp sống vào những năm 620 – 560 TCN. Aesop có một người chủ nhân là triết gia Xanthus. Ông đã thể hiện trí thông minh và vẻ thông thái đầy dí dỏm và phóng khoáng trong các cuộc trò chuyện với Xanthus - người cũng giống như các nhân vật khác, đã đánh giá thấp khả năng của Aesop.
Cái tên Aesop có nghĩa là “khuôn mặt cháy” (“burnt-face”), đối lập với Xanthus, nghĩa là “màu vàng, màu tóc vàng” (“yellow”, “blond”). Câu đầu tiên của cuốn sách mô tả Aesop như sau: “Aesop có những nét gớm ghiếc, là một người hầu vô dụng, bụng phệ, đầu dị dạng, mũi hếch, da ngăm, lùn, chân vòng kiềng, tay ngắn, mắt lác – một con quái vật mang điềm gở”. Tệ hơn cả, ông sinh ra bị câm bẩm sinh.
![]() |
Dưới đây là vài câu chuyện để độc giả có thêm góc nhìn về ông.
Câu chuyện thứ nhất
Các đặc điểm trên biến Aesop thành đối tượng (tưởng như) dễ bị lợi dụng. Một hôm nọ, có vài nô lệ đã lén ăn quả sung của chủ nhân và đổ tội cho Aesop vì ông không nói được. Aesop uống vài ngụm nước ấm, chờ cho chảy đầy xuống bụng rồi ói ra, chứng minh rằng ông không hề ăn gì. Vị chủ nhân ra lệnh cho tất cả nô lệ đã buộc tội Aesop phải làm tương tự, và chúng ói ra sung. Dù bị câm, Aesop đã luôn thể hiện được điều mình cần nói.
Sau này, nhờ giúp đỡ một vị tư tế Isis lúc hoạn nạn, Aesop đã được ban cho một món quà thiêng liêng: tiếng nói.
Câu chuyện thứ hai
Tại khu chợ, ông được bày bán cùng với hai nô lệ khác – một nhạc công và một người diễn thuyết. Xanthus hỏi người nhạc công xem anh ta biết làm gì. Anh ta trả lời: “Bất cứ thứ gì.” (“Anything.”). Người diễn thuyết thì đáp: “Tất cả mọi thứ.” (“Everything.”). Quay qua Aesop, Xanthus hỏi: “Còn anh thì biết làm gì?”, và Aesop trả lời: “Chẳng gì cả.” (“Nothing.”).
Xanthus lặp lại: “Chẳng gì cả!”, và Aesop giải thích: “Người này nói anh ta biết làm “bất cứ thứ gì”, người kia nói anh ta biết làm “tất cả mọi thứ”. Vậy thì tôi chẳng còn gì để làm nữa.” Câu trả lời khiến Xanthus thán phục.
Ông hỏi tiếp: “Nếu tôi mua anh, anh có hứa sẽ tử tế và chân thật không?”
Aesop đáp: “Không cần ông mua thì tôi cũng đã như vậy rồi.”
“Anh có hứa sẽ không chạy trốn?”
Aesop đáp: “Ông từng thấy con chim nào bị nhốt trong lồng mà lại nói với chủ là nó định trốn thoát không?”
Sự tinh thông của Aesop làm Xanthus rất muốn mua ông. Nhưng Xanthus chần chừ vì làn da đen và ngoại hình xấu xí của Aesop. Ông nói: “Cái hình hài quái gở của anh sẽ khiến chúng ta đi đâu cũng sẽ bị người ta há mồm dòm ngó.”
Aesop bình tĩnh đáp: “Một triết gia nên coi trọng một người vì tâm trí hơn là vì cơ thể anh ta.”
Cuộc mua bán chốt hạ. Phu nhân ngài Xanthus không thích vẻ ngoài của Aesop và mắng mỏ chồng vì đã mua ông, nhưng rồi tài trí của Aesop đã nhanh chóng thuyết phục bà.
Câu chuyện thứ ba
Một ngày nọ, sau khi cãi vã với ngài Xanthus, phu nhân bỏ đi. Aesop hứa với Xanthus rằng ông sẽ có cách khiến bà trở lại. Ông ra chợ, mua nào thịt cá, nào rau củ, nào bánh trái, nào hoa hoè, nào rượu, toàn chọn loại hảo hạng. Ở mỗi cửa tiệm hay với mỗi người quen, ông đều nói rằng ông mua để chủ nhân làm tiệc cưới vợ mới. Tin tức chẳng bao lâu loan đến tai phu nhân, bà vội vã trở về nhà. Bà hét lên: “Sao ông dám hão huyền rằng ông có thể cưới vợ mới trong khi tôi còn sống sờ sờ ở đây?”
Câu chuyện thứ tư
Để ăn mừng vợ trở về, Xanthus mở tiệc mời tất cả các triết gia hàng đầu của Hi Lạp đến chung vui. Aesop được tin tưởng giao cho khâu sửa soạn bữa tiệc. Khi các khách mời yên vị tại bàn ăn, mỗi món được phục vụ ra đều có nguyên liệu là lưỡi. Xanthus nổi giận đòi Aesop giải thích, Aesop đáp lại hồn nhiên: “Ngài muốn tôi phải phục vụ những gì hảo hạng nhất cho các vị khách quí. Lưỡi là chìa khoá dẫn ta đến tất cả kiến thức, còn gì hợp lý hơn một bữa tiệc lưỡi cho các vị triết gia đây?”
Tiếng cười của các vị khách mời đã xoa dịu ngài Xanthus. Ông tuyên bố: “Tôi mời các vị trở lại vào ngày mai. Tên nô lệ của tôi có vẻ hay làm điều ngược ngạo, nên tôi đã bảo hắn hãy chuẩn bị một bữa tiệc tồi tệ nhất. Chúng ta hãy chờ xem.”
Nhưng rồi cũng chỉ có các món lưỡi. Aesop giải thích cho ngài Xanthus đang điên tiết rằng: “Chẳng phải chiếc lưỡi quỉ quái đã làm tan vỡ gia đình ông sao? Và cũng chẳng phải chính chiếc lưỡi mềm mại đã hàn gắn gia đình ông? Cái lưỡi là thứ giải trí hảo hạng nhất và tồi tệ nhất.”
Lời kết
Các mẩu chuyện này chỉ là một phần rất nhỏ cuộc đời ông, bởi sau đó Xanthus đã trao tặng cho ông món quà thiêng liêng thứ hai: sự tự do. Nhờ thoát khỏi ách nô lệ mà ông chu du đó đây, nổi danh trong việc giải các câu đố và vấn đề hóc búa cho giới giàu có, quyền lực. Đôi khi ông sẽ kể những câu chuyện ngụ ngôn do mình sáng tác ra vào thời điểm thích hợp. Sau này, ông trở thành cố vấn của vua Croesus và đã góp phần hoà giải nhiều vấn đề chính trị nhờ kể các câu chuyện ngụ ngôn.
Mời bạn đọc thêm các câu chuyện về Aesop tại đây.
![]() |
0 Comments