![]() |
Liệu nhân vật trong câu chuyện có biết rằng mình đang bước qua một chương mới? Ảnh minh hoạ của Sophia Foster-Dimino |
Vào buổi sáng muộn tháng Năm năm 735, tại đan viện Jarrow ở Vương quốc Northumbria (nay thuộc Scotland), có một nhân vật lỗi lạc - nhà sử gia và học giả chuyên về bảo tồn văn bản Kitô giáo, hấp hối trong một phiên làm việc cần mẫn. Bên cạnh ông lúc đó là một người sao chép bản thảo trẻ, tên Wilbert. Tuy cái chết đã cận kề, cậu vẫn canh cánh rằng công trình của Bede bấy giờ – bản dịch tiếng Anh “Phúc âm của thánh Giô-an” vẫn chưa xong, Wilbert nhắc Bede rằng “vẫn còn một chương nữa”. Ngay lúc đó, Bede đã đọc chương sót lại cho Wilbert; khi câu cuối cùng được viết xong, Bede trút hơi thở cuối cùng, nói rằng: “Nó đã hoàn thành”.
Từ Latin mà Wilbert dùng trong câu giục thầy mình là “capitulum”, trong tiếng Tây Ban Nha là “capítulo”, tiếng Pháp là “chapitre”, tiếng Tiệp là “kapitola”, tiếng Đức là “Kapitel”, tiếng La Mã là “capitol”, tiếng Ý là “capitolo”, tiếng Anh là “chapter” (và tiếng Việt là “chương”). Với bạn đọc, từ này, hay điều mà từ này mô tả, đã tồn tại hiển nhiên. Rất ít người để ý đến nó. Hai thiên niên kỉ đã trôi qua kể từ khi sách vở bắt đầu được viết hay biên tập thành các chương. Có lẽ sự tồn tại thâm căn cố đế của khái niệm này đã khiến nó trở nên vô hình; tuy vậy, vào thế kỉ thứ 8, nó không hề vô hình ở đan viện Jarrow. Bede đã làm việc trong thư viện quan trọng nhất thời đại của ông, nơi một lực lượng lao động học thuật không hề nhỏ dành thời gian biên tập các “capitula”; về cơ bản, công việc của họ là phân chia các văn bản kinh thánh, đặt tiêu đề và viết tóm tắt. Bản thân Bede cũng từng làm ra các công trình tương tự. Chia chương là một công cụ để Bede và các cộng sự của ông phân tích và ghi nhớ. Có lẽ nó đã luôn luôn giữ vai trò này từ bấy đến nay.
Chúng ta nghiễm nhiên mặc định rằng trong sách sẽ có chương, sẽ chia nhỏ việc đọc cho chúng ta, sẽ trao chúng ta giấy phép được tạm ngưng hay dừng lại. Các nhà văn chia chương cho câu chuyện của mình với ít sự nhận thức hơn rất nhiều các nhà thơ chia khổ cho bài thơ, hay các nhà soạn nhạc chia nhạc phẩm thành đoản khúc. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời viết về sự bế tắc khi viết của nhà văn, “New Grub Street”, mà George Gissing sáng tác năm 1891, đã đưa ra một gợi ý hoàn hảo về thói quen chia chương. Trong một đoạn miêu tả tâm trạng rầu rĩ của kẻ hay trì hoãn buộc phải ngồi xuống bàn và làm việc, ông viết: “Ngay từ đầu trang, tiêu đề “Chương III” đã hiện sẵn, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.”
Việc chia chương có mối quan hệ mật thiết với quan niệm của chúng ta về khả năng đọc viết, tiết lộ qua một thực tế: khi trẻ có thể đọc đủ tốt, các em sẽ được chuyển qua loại “sách chia chương” (“chapter books”). Hơn cả vậy, chia chương đã trở thành một thế giới quan, một cách để chia nhỏ thời gian, và vì vậy chia nhỏ trải nghiệm. Nguồn gốc xuất hiện của chương rất xa xưa, phải lội ngược về thời điểm văn xuôi mới chớm nở vào thời kì cổ đại, trong vai trò là phương tiện biểu đạt và truyền thông tin. Vậy giai đoạn khởi sinh của chia chương tiết lộ điều gì về cách các câu chuyện, hay cuốn sách, được viết ra?
Các tác giả đầu tiên viết theo cách chia chương không phải để kể chuyện. Họ là những người biên soạn kiến thức, ứng dụng chia chương để sắp xếp vào trật tự một tổ hợp nhiều thông tin hổ lốn. Cuốn “De Agri Cultura” (“Về việc trồng trọt”) của Cato the Elder, vào thế kỷ thứ hai TCN, được sắp xếp thành các đơn vị nhỏ, kèm theo số thứ tự và tiêu đề. Bộ sưu tập vĩ đại của Pliny the Elder về Khoa học La Mã, “Naturalis Historia” (“Lịch sử tự nhiên”), từ thế kỷ thứ nhất SCN, đi kèm với một bản tóm tắt các chủ đề, khá giống với phần “mục lục” hiện nay. Aulus Gellius, văn hào La Mã cổ đại vào thế kỷ thứ hai SCN, đã chia “Noctes Atticae” (“Những đêm gác mái”) của ông thành “capita” với những tựa đề mô tả dài. Những chương này, không giống như các “khúc thơ” (gọi là “books”) trong sử thi, mà chỉ đóng vai trò như ngày nay chúng ta gọi là “công cụ hỗ trợ tìm kiếm”: một cách giúp người đọc định vị nhanh chóng nội dung cụ thể trong các văn bản dài mà họ không thể đọc liền mạch.
Như vậy, các nhà bách khoa cổ, tu sĩ, nhà thần học là cha đẻ của việc chia chương. Còn các tiểu thuyết gia thì sao?
Khó lòng tưởng tượng được rằng tiểu thuyết hiện đại, xuất hiện ở châu Âu thế kỷ 17 và 18, từng thận trọng với việc chia chương và xem đây là điều bất thường. Chia chương, vốn là kỹ thuật được tạo ra để hỗ trợ tìm kiếm thông tin hoặc trích dẫn học thuật, làm sao lại phù hợp với một câu chuyện đòi hỏi độc giả phải đọc tập trung và liền mạch? Biên tập viên William Caxton từng chia tác phẩm “Morte d’Arthur” (“Cái chết của vua Arthur”) của Thomas Malory thành các chương, như ông đã làm trong ấn bản năm 1485, chủ yếu là để độc giả được lựa chọn các khoảnh khắc trong truyện để trích dẫn vào các bài giảng đạo đức cụ thể. Sau này vẫn vậy, những câu chuyện lãng mạn trong văn xuôi Phục hưng không cần có chương. Vậy tại sao lại là tiểu thuyết?
Trong cuốn “The History of Charlotte Summers” (1750) của Sarah Fielding, nhân vật nữ - quí cô Arabella Dimple, nằm uể oải trên giường, gọi hầu gái Polly lấy cho mình “Tập đầu tiên của cuốn "Parish Girl" mà ta đã đọc lúc chiều”. Polly trở lại cùng cuốn sách, và hai người đã trao đổi như sau:
- Thưa cô, tôi nên bắt đầu từ đâu đây? Cô có gấp trang cô đã dừng đọc lại không?
- Không, đồ ngốc ạ. Cuốn sách được chia thành chương để ta không phải giữ cái thói quen xấu xí đó và làm hỏng những trang sách; bây giờ, ta nhớ ra rằng có lẽ đã bỏ dở ở phần cuối chương 6. Hãy lật đến chương 7, và đọc ta nghe đoạn mở đầu.
Anh trai của Fielding, tiểu thuyết gia Henry Fielding, trong cuốn “Joseph Andrews” (1742), đã giải thích về “những Khoảng trống nhỏ giữa các Chương” là “Một quán trọ hoặc Nơi nghỉ ngơi, nơi anh ta có thể dừng lại và uống một li nước hoặc làm bất kì điều gì để giải lao sao cho hợp ý mình.” Tiêu đề các chương giống như những dòng chữ trên cửa của những quán trọ đó, quảng cáo căn phòng bên trong.
Thể loại tiểu thuyết luôn có khả năng tiếp thu và tái sử dụng; nó tận dụng cốt truyện và công cụ từ thể loại khác và mang lại cho chúng sự sống mới. Với chia chương, vào thế kỷ 18, các nhà tiểu thuyết bắt đầu bình thường hoá kĩ thuật này và cho chúng một vai trò văn hoá mới. Điều mà chương làm được cho tiểu thuyết, là giúp nó “dễ thở” hơn; chẳng hạn, “một chương trước khi ngủ”, sẽ khiến cuốn tiểu thuyết đi vào các thói quen hằng ngày. Ngắt chương cho phép một quãng dừng – để ngẫm nghĩ hay phản tư, hoặc để nghỉ ngơi, làm mới đầu óc, hay định hướng lại việc đọc. Laurence Sterne, trong cuốn “Tristram Shandy”, nhấn mạnh rằng “các chương giúp giải tỏa tâm trí”, hỗ trợ sự đắm chìm của ta vào cuốn sách bằng cách nhắc nhở rằng ta sẽ sớm được phép thoát ra và quay về với các nhiệm vụ khác. Đến và đi, phân bố sự tập trung một cách nhịp nhàng, là cách mà các tiểu thuyết gia hình dung độc giả sẽ đọc cuốn sách của mình.
Như vậy, các chương trong tiểu thuyết ra đời như cách để khoanh vùng một phần nhỏ nhắn và tạm thời, tạo ra quãng nghỉ hứa hẹn cuộc phiêu lưu tương tự tiếp theo, như màn đêm buông xuống trước khi ngày mới bắt đầu. Khi tiểu thuyết hiện đại càng phát triển, các tiêu đề chương không còn phần tóm tắt nữa. Tiểu thuyết đầu tay của Charles Dickens, “The Pickwick Papers” (“Di cảo của câu lạc bộ Pickwick”), vẫn còn sử dụng cách tóm tắt chương, ví dụ như “Chương 38: Ông Samuel Weller, được giao phó sứ mệnh tình yêu, đã thực hiện nó; Sau cùng thành công sẽ đến với ông”. Đến khoảng những năm 1870, Anthony Trollope đã đặt tiêu đề một chương đơn giản chỉ là “Vulgarity”. Khi chương không còn lạ lẫm nữa, độ dài mỗi chương cũng dài ra; một chương trung bình ở thời Victoria có khoảng 3.500 từ, gần gấp đôi so với tiêu chuẩn của thế kỷ 18.
Khi chia chương đã trở phần một phần tất yếu của tiểu thuyết, theo thời gian nó cũng biến thành một món nội thất mốc meo: quen thuộc, thoải mái đến mức không ai buồn xét đến nữa. Và cũng như món nội thất cũ, nó định hình cách sống của chúng ta đến mức vai trò của nó trở nên vô hình.
Một nhóm thanh niên qua đêm ở công viên; một trong số họ ngà ngà say và đang trong giai đoạn vượt qua một lễ đính hôn bị huỷ bỏ. "Đó chỉ là một đoạn đời ngắn ngủi, ngắn đến nỗi chẳng đáng gọi là một chương”, như W. M. Thackeray viết trong tờ “Vanity Fair”. Thackeray tiếp tục: “Đây là một chương, và là một chương rất quan trọng. Chẳng phải, có những chương nhỏ trong cuộc đời tưởng chừng như chẳng là gì, nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ phần còn lại của tiểu sử mỗi người sao?” Vào những năm 1840, ẩn dụ này đã trở nên phổ biến. “Khép lại một chương của cuộc đời tôi” với sự tiếc nuối để hào hứng “bắt đầu một chương mới”. “Chương” ở đây vừa ở trong trải đọc vừa ở trong trải nghiệm sống. Nói cách khác, chúng ta đang khoác lên cuộc sống của mình tấm áo của một cuốn tiểu thuyết.
Nội dung khiêm nhường của một chương, cách nó không thể hiện tầm quan trọng của mình nhưng lại đánh dấu một sự chuyển tiếp, hóa ra lại là phẩm chất hữu ích nhất. “Chương” là từ vựng để ghi nhận việc chúng ta sắp xếp quá khứ của mình thành các đơn vị. Một số điều phải dừng lại, một số khác đang bắt đầu. Các biến chuyển diễn ra trong các mối quan hệ, công việc hoặc nơi ở, và ta yên tâm rằng câu chuyện cuộc đời mình vẫn tiếp diễn. Nhưng làm sao chúng ta biết khi nào mình đang bắt đầu một chương mới? Làm thế nào chúng ta quyết định được khoảnh khắc cần dừng lại trong dòng thời gian đang trôi chảy?
Sự mơ hồ này chính là một điểm được yêu mến của tiểu thuyết. Như Thomas Mann viết trong “The Magic Mountain” (“Ngọn núi thần kỳ”) rằng: “Thời gian không tự phân chia để đánh dấu dòng chảy của nó, không bao giờ có giông bão hay tiếng kèn inh ỏi báo hiệu một tháng mới hoặc một năm mới. Ngay cả khi một thế kỷ mới bắt đầu, chỉ có chúng ta là kẻ rung chuông và bắn phát súng mà thôi.” Thật vậy, có nhiều cách phân chia chẳng liên quan gì với các hành động trong câu chuyện, vì vậy tự mỉa mai chính hành động phân chia thời gian này. Làm sao một nhân vật trong câu chuyện biết được khi nào một chương mới bắt đầu? Làm sao chính chúng ta biết được?
Như ngón tay của nghệ sĩ dương cầm nhất thời nhấc lên khi hợp âm vẫn giữ, các chương trong tiểu thuyết cổ điển gợi nhắc thời gian bằng cách để ta chìm đắm trong một khoảng dừng ngắn, chứ không phải một kết thúc dứt khoát. Để cảm nhận thời gian trong tiểu thuyết, ta chia nó ra thành từng mảnh, nhưng phải là những mảnh không hình thù rõ ràng, để chúng mờ ảo hoà lẫn vào nhau trong cả khối hồi ức. Ai thực hành chia chương giỏi đều thích xem sự phân chia này như một cách để tạo ra các nhịp ngắt tuy thoáng qua mà lưu lại dư âm, chi tiết chẳng đáng nhớ tới mà vẫn để dấy lên cảm xúc khó quên. Trong âm thầm, các tình huống tạo ra những khúc cua nhỏ để tạo tác các lối rẽ lớn, cảm xúc hoặc nhẹ nhàng phai nhạt, hoặc xâm nhập vào ta lặng lẽ, tạo ra sự thay đổi trong bầu không khí xung quanh. Thời gian trong tiểu thuyết được tạo nên bởi những chuyển tiếp nhỏ nhắn chỉ bằng nửa cung giữa hai nốt nhạc. Và tên thường gọi của chúng trong lịch sử thể loại tiểu thuyết, là “chương”. Đây là ý nghĩa mà tiểu thuyết trao lại cho công cụ biên tập cổ đại này: một sự hồi sinh mạnh mẽ đầy sống động.
Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết: “The Chapter: A History” của tác giả Nicholas Dames
Bạn có thể đọc một bài viết tóm lược hơn tại đây.
0 Comments