Sự thật về chiếc mũi của Pinocchio

Pinocchio đến trường cùng Gepetto, tranh minh hoạ của Sergio García Sánchez 
Nguồn ảnh tại đây


Liệu Pinocchio của Disney có phải là phiên bản gốc?

“Nói dối thì mũi sẽ dài như Pinocchio” là câu cửa miệng để doạ những đứa trẻ hay nói dối, xuất phát từ bộ phim hoạt hình Pinocchio do hãng Disney sản xuất năm 1940. Sau bộ phim, Pinocchio nhanh chóng trở thành một nhân vật hoạt hình nổi tiếng toàn cầu. Nếu chỉ xem phim và không tìm hiểu nguồn gốc, có lẽ ta không bao giờ biết rằng: Pinocchio, trước nhất là một nhân vật trong tác phẩm Các cuộc phiêu lưu của Pinocchio của nhà văn người Ý Carlo Collodi. Truyện bắt đầu được đăng theo từng kì trên tờ Giornale per i Bambini (Báo cho Thiếu nhi) từ ngày 7-7-1881. Tác phẩm được giới phê bình văn chương xem như một kiệt tác của thể loại văn học thiếu nhi, có thể sánh ngang với Alice ở xứ sở thần tiên (văn học Mỹ) và Gulliver du kí (văn học Anh). 

Không thể phủ nhận Disney có công rất lớn trong việc toàn cầu hoá nhân vật Pinocchio, bởi trước khi có bộ phim hoạt hình, cuốn sách chỉ phổ biến trong nước Ý. Sau khi công chiếu, cuốn sách trở thành một trong hai tiểu thuyết hư cấu được dịch nhiều nhất thế giới. Đồng thời, nhân vật Pinocchio có cơ hội hoá thân nhiều lần trong đa dạng thể loại như phim truyền hình, phim điện ảnh, kịch nghệ, trò chơi điện tử, v.v

Tuy vậy, các nhà làm phim Disney đã nhào nặn ra một Pinocchio khác xa với nhân vật gốc, song song đó thay đổi bối cảnh và thông điệp trung tâm của tác phẩm. Trong cuộc phiêu lưu dài bất tận của Pinocchio ở bản gốc, cậu bé đôi khi bị trừng phạt với chiếc mũi ngày càng dài ra. Các nhà làm phim Disney, vốn quá kinh nghiệm và tinh tường trong việc tạo ra một hình mẫu nhân vật bắt mắt và đánh trúng tâm lý khán giả, đã biến chiếc mũi dài thành trung tâm của bộ phim. Từ đó, Pinocchio mãi mãi gắn chặt với hình tượng chiếc mũi dài - hậu quả của việc nói dối.

Ngạc nhiên thay, câu chuyện gốc của Collodi không hề xoay quanh việc nói dối và chiếc mũi. Phiên bản đầu tiên của Pinocchio chỉ kéo dài đến chương 15, khi cậu bé bị treo ngược lên cây sồi và chết. Từ đầu truyện cho đến đây, chủ đề nói dối không hề xuất hiện, dù có hai lần mũi Pinocchio đã mọc dài ra: một lần trong lúc Geppetto đang tạo ra cậu (chương 3), một lần khi cậu hoảng loạn nhận ra cái ấm nước đang sôi chỉ là tranh vẽ tường (chương 5). Trong chương 7, có một lần Pinocchio nói dối rằng con mèo đã ăn chân mình, nhưng mũi cậu vẫn không hề hấn gì. 

Mũi Pinocchio dài ra khi Gepetto đang tạc cậu

Chỉ đến khi độc giả của tờ báo nài nỉ Collodi kéo dài thêm câu chuyện, thì ông mới cho hồi sinh con rối, mở rộng thêm đề tài từ các chương trước đó: sự bất tuân của cậu bé và chiếc mũi mọc dài. Việc nói dối được Collodi bổ sung vào như một biểu hiện của tính cách ngỗ nghịch và ưa gì làm nấy. Ở các chương mở rộng, mũi Pinocchio dài ra vỏn vẹn hai lần vì tội nói dối; và có đến 3-4 lần khác tuy cậu nói dối nhưng mũi nguyên xi. 

Vậy nếu nói dối không phải là thông điệp then chốt, Collodi thực sự muốn nói về điều gì trong câu chuyện gốc? 

Thông điệp thật sự của câu chuyện

Carlo Collodi là bút danh của Carlo Lorenzini, một nhà báo và nhà văn trào phúng, nhưng cuối cùng lại kiếm sống bằng chân nhân viên chính phủ. Ông sinh ra ở Florence năm 1826, là cây viết chắc tay cho các tạp chí chính trị - văn hoá, kiên trì phê bình các nhà lãnh đạo quốc gia về thái độ lãnh đạm của họ với tầng lớp dân nghèo trong xã hội. Ông hết lòng ủng hộ việc giải phóng nước Ý khỏi ách thống trị của nước ngoài, kêu gọi thống nhất đất nước. Ông đã hai lần liều mình ra trận trong cuộc chiến giành độc lập lần thứ nhất và thứ hai của Ý. Tuy nhiên sau đó, trong các bài báo, ông bày tỏ tâm trạng vỡ mộng với chế độ chính quyền mới được hình thành sau khi thống nhất: tham nhũng ngày một tăng, còn chính phủ thì hầu như không đoái hoài đến hoàn cảnh sống bi thảm của đa phần người dân Ý.

Đọc dòng đầu tiên của câu chuyện, ta có thể ngay lập tức nhận ra sự thất vọng của ông. Nếu các câu chuyện cổ tích thường bắt đầu với: “Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua...”, thì ở đây lại là: “Ngày xửa ngày xưa, có một…khúc gỗ.” Phần tiếp theo, không hề xuất hiện hoàng tử - công chúa hay hiệp sĩ – thiếu nữ. Câu chuyện đặt trong một bối cảnh là ngôi làng tuổi thơ của tác giả: thế giới khắc khổ của những người nghèo sống ở vùng quê – nơi hầu hết các chính trị gia không bén mảng đến. Sự chỉ trích cay nghiệt Collodi dành cho chính quyền Ý thể hiện rải rác trong câu chuyện. Đơn cử như khi Pinocchio ra toà với hi vọng đòi lại công lý sau khi bị cướp hết tiền vàng, cậu bé lại gặp viên thẩm phán – một con tinh tinh, kẻ đưa ra phán quyết oái oăm: phạt tù Pinocchio bốn tháng. Sau đó, viên cai ngục còn hoạnh hoẹ không cho Pinocchio ra tù theo chỉ thị tha bổng của nhà vua, mà nói rằng chỉ những "kẻ bất lương" mới được tha. 

Chi tiết Pinocchio phải đối diện với ngài thẩm phán là một con tinh tinh phán xử ngang ngược

Phẫn nộ trước tình cảnh đương thời, Collodi quyết định rằng đóng góp khả dĩ nhất ông có thể làm là cống hiến khả năng của mình vào việc cải thiện phẩm chất đạo đức của thế hệ tương lai. 

Tầm quan trọng của giáo dục được xem là một trong những chủ đề chính của câu chuyện. Collodi vốn là nhà hoạt động hăng hái trong lĩnh vực này. Chính vì trốn học mà Pinocchio sa vào một hành trình đầy rẫy hiểm hoạ. Hệ quả của việc thất học vào cuối thế kỉ 19 tại Ý đã được ám chỉ đầy bàng hoàng trong chương 31: khi Pinocchio cùng một người bạn đi đến Miền đất đồ chơi và tưởng đó là thiên đường. Nhưng đi đến nơi, chúng bị biến thành những con lừa. Pinocchio thoát chết trong gang tấc khi bị giết để lấy da, còn người bạn đi cùng thì bị đày đoạ làm việc đến chết – cũng là số phận của tầng lớp lao động phổ thông tại Ý. 

Trong tiếng Ý, “con lừa” vừa được dùng để chỉ những ai làm việc kiệt sức đến chết, hoặc những ai học không tốt ở trường – không phải vì họ ngu dốt, mà vì họ từ chối việc học. Collodi tin rằng nếu ở trường là một con lừa, thì sau này cũng sẽ làm việc như một con lừa. Cách duy nhất để không phải sống khổ sở như vậy, là phải học hành. 

Giáo dục cũng là chìa khoá cho cái kết của câu chuyện cổ tích này. Pinocchio tưởng sắp được hoá thành người nhờ học hành chăm chỉ và giữ lời hứa với chị tiên xanh, nhưng sau đó cậu bé lại phạm một lỗi không thể tha thứ: la cà đến Miền đất đồ chơi. Sau tai nạn kinh hoàng, cậu bé chú tâm học hành trở lại, nhưng chỉ khi biết tự chịu trách nhiệm cho bản thân và những người thân yêu, cậu bé mới có được đặc ân trở thành một con người. 

Do vậy, câu chuyện không nhằm dạy trẻ em luôn phải nói sự thật, mà hướng đến điều cao cả hơn: giáo dục là điều kiện tối quan trọng để giải phóng con người khỏi sự cực nhọc tàn bạo của cuộc sống. Giáo dục ở đây không chỉ mang nghĩa hẹp là đi đến trường, mà câu chuyện cũng phản ánh một con đường song song: sự tự giáo dục thông qua những bất trắc, gian nan trên đường đời. Chỉ khi chúng ta mở lòng và nỗ lực đón nhận tri thức – cả tri thức trường lớp và tri thức đời sống – thì ta mới xứng đáng được là-một-con-người. Nếu không, ta sẽ không bao giờ thoát kiếp làm một con rối – một món đồ vô tri dễ dàng bị lừa gạt, thao túng.

________________

Bài viết được Đủng Đỉnh Đọc biên tập dựa theo các nguồn sau: 

https://lithub.com/is-the-original-pinocchio-actually-about-lying-and-very-long-noses/ 

https://www.nytimes.com/2019/05/10/books/review/pinocchio-carlo-collodi-lorenzini.html 

https://www.degruyter.com/document/doi/10.1515/9783110642032-030/html?lang=en#:~:text=Up%20until%20this%20point%2C%20there,kettle%20while%20being%20very%20hungry. 

Post a Comment

0 Comments