Vài bài thơ của Robert Frost

Mua sách ở đây 

Thơ khác với văn xuôi ở chỗ: bạn có thể nhâm nhi một cuốn thơ trong nhiều năm, cứ đọc xong rồi gác lại đó. Dang dở cũng chẳng sao. Cứ mỗi tháng, mỗi năm một bài đã là đủ. Một bài có thể ở lại đó hoài hoài với bạn, như một bài hát quen thuộc vậy.

Một bài thơ nên có “mở đầu tươi sáng và cái kết sâu xa”; đó là lời của nhà thơ người Mỹ Robert Frost (1874-1963). Mình biết đến ông qua bài “Ghìm cương bên rừng một chiều tuyết xuống” và “Con đường không đi”. Thật vậy, thơ của Frost vừa tươi sáng, hài hước và dồi dào cảm hứng, nhưng cũng không thiếu nét thâm trầm. Các bài thơ truyền tải ý niệm về sự thật, miên man trong tâm trí sau khi đặt bài thơ xuống.
Rất nhiều bài của Frost được đặt trong khung cảnh ở New Hampshire và Vermont, miền bắc bang New England – nơi ông gắn bó với cuộc sống nông trang xuyên suốt đời mình. Chẳng vậy mà các bài thơ hay nhất của ông lại là về những công việc đời thường nơi đây: gieo hạt vào đất khi xuân về (bài “Putting in the Seed”), làm rơm cuối hè (bài “Mowing”), thu hoạch táo cuối thu (bài “After Apple-picking”).
Frost thích đi đến cửa hàng tạp hoá của thị trấn, nơi ông nghe ngóng những người nông dân chuyện trò. Ông nhanh chóng nhận ra chất thơ trong cách nói chuyện vô cùng sống động ấy. Ông học cách lắng nghe họ để trải nghiệm cái đẹp trong lời nói hằng ngày – điều mà ông gọi là “âm thanh của giác quan”, ám chỉ tính nhạc trong ngôn ngữ hội thoại. Vì vậy, các bài thơ của Frost có tính đối thoại. Ông sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng sắp xếp chúng theo cách vô cùng đáng nhớ. Trong bài thơ “Ghìm cương bên rừng một chiều tuyết xuống”, về cơn gió thổi qua tuyết trong khu rừng đêm, ông viết: “The only other sound’s the sweep / Of easy wind and downy flake.” – “Tiếng còn lại là rừng cây xào xạc - Trong gió chiều và hoa tuyết nhẹ bay.” (Pháp Hoan dịch)
Chỉ một số ít nhà thơ nắm bắt được đời sống của những người bình dân: giấc mơ và nỗi sợ, niềm vui và niềm đau của họ, một cách súc tích như Robert Frost. Thơ ông sẽ mãi là minh chứng mạnh mẽ cho vẻ đẹp của thiên nhiên, cho niềm vui nỗi buồn của công việc đồng áng, và cho tầm quan trọng của ngôn ngữ thơ – một phương tiện mang lại hình hài cho trải nghiệm và tôn lên vai trò của suy nghĩ và cảm xúc trong quá trình kiến tạo cuộc sống.
(Một số ý nêu trên được trích dịch từ phần Lời bạt trong cuốn thơ.)
Dưới đây là các hình ảnh trong tập thơ “Poetry for Kids” của Frost, minh hoạ bởi Michael Paraskevas. Đủng Đỉnh Đọc xin để caption là bản dịch tiếng Việt của dịch giả Pháp Hoan.
Nguồn thơ dịch ở đây: https://phaphoan.com/tag/robert-frost/


Lời Nguyện Cầu Mùa Xuân
(Pháp Hoan dịch)

Hãy cho ta niềm vui bên hoa thắm;
Chẳng bận lòng với toan tính nay mai
Mùa thu hoạch nào biết trước tương lai
Hãy giữ ta ở nơi này mãi mãi.

Cho ta vui cùng những cây táo dại,
Ngày lạ thường, đêm trắng toát như ma;
Hãy để ta cùng ong bướm hoan ca,
Đang lượn lờ giữa vườn cây nắng nhuộm.

Cho ta vui cùng bầy chim chao lượn
Và tiếng ong vang dậy giữa đêm trăng,
Chú chim ruồi lao vút tựa sao băng,
Dừng mũi kim trước nhuỵ hoa hút mật.

Đây chính là thứ tình yêu duy nhất,
Còn những gì ta chẳng dám khát khao
Chúng thuộc về Thượng Đế ở trên cao,
Riêng điều này đủ khiến ta mãn nguyện.


THÁNG MƯỜI (Pháp Hoan dịch)

Buổi sáng tháng mười êm đềm và tĩnh lặng,
Đám lá của người đã chín đỏ trên cây;
Nếu những cơn gió cuồng nộ vào ngày mai,
Thời những chiếc lá sẽ rụng rơi về cội.
Bên trên cánh rừng lũ quạ kêu inh ỏi;
Nhưng khi ngày đến sẽ vội vã bay xa.
Buổi sáng tháng mười yên tĩnh và bao la,
Cùng những thời khắc đang trôi qua chậm rãi.
Ôi ngày hôm nay như kéo dài mãi mãi.
Với trò tiêu khiển làm vui sướng con tim:
Một chiếc lá vàng rụng vào buổi bình minh;
Một chiếc lá khác vào buổi trưa đứng bóng;
Một chiếc trong vườn, một chiếc nơi rừng vắng.
Trễ nải mặt trời cùng một dải sương lam;
Mê hoặc mặt đất với hổ phách rực vàng.
Nhưng hãy chậm thôi, hãy chậm thôi, thật chậm!
Vì đám cây nho trái vẫn chưa chín mộng,
Nhưng lá trên cành đã héo úa trong sương,
Vì đám cây nho phủ kín những bức tường –
Nên hãy chậm thôi, hãy chậm thôi, thật chậm!


CON ĐƯỜNG KHÔNG ĐI
(Pháp Hoan dịch)

Giữa rừng thu đường chia làm đôi ngả,
Và xin lỗi tôi không thể bước trên
Hai con đường, sau một hồi đứng yên
Và dõi nhìn cho đến khi tầm mắt
Theo lối mòn biến mất cuối lùm cây;

Rồi quyết định chọn con đường thứ hai,
Dẫu lối này quả thực trông vắng vẻ,
Hơn lối kia, bởi rêu phong, có lẽ;
Nhưng chân người qua lại bấy lâu nay
Đã dẫm đều trên cả hai lối nhỏ,

Hai con đường sáng kia tôi nhớ rõ
Lá rợp vàng chưa có kẻ nào đi.
Lối còn lại tôi đợi một ngày kia!
Nhưng đâu biết đường phân chia mãi mãi,
Tôi ngờ mình sẽ trở lại nơi đây.

Tôi sẽ kể với một tiếng thở dài
Thuở xa xưa đâu đó sau tán lá:
Hai con đường chia đôi, và tôi đã-
Chọn con đường ít có kẻ đi qua,
Và điều đó làm ra bao khác biệt.


GHÌM CƯƠNG BÊN RỪNG MỘT CHIỀU TUYẾT XUỐNG
(Pháp Hoan dịch)

Rừng ai đây tôi nghĩ rằng tôi biết.
Nhà của ông nằm ở dưới làng xa;
Ông sẽ chẳng thấy tôi đang mải miết
Ngắm cánh rừng trong tuyết trắng bao la.

Chú ngựa nhỏ nghĩ rằng thật quái lạ
Sao dừng chân nơi chẳng có thôn trang
Giữa rừng thẳm và mặt hồ lạnh giá
Trong buổi chiều u ám nhất cả năm.

Chú lắc đầu khẽ rung chòm lục lạc
Như muốn hỏi chắc sai lầm chi đây.
Tiếng còn lại là rừng cây xào xạc
Trong gió chiều và hoa tuyết nhẹ bay.

Rừng mờ mịt, tối tăm và quyến rũ.
Nhưng tôi còn bao lời hứa trên môi,
Bao dặm đường trước khi tôi đi ngủ,
Bao dặm đường trước lúc được nghỉ ngơi.


BỤI TUYẾT 
(Pháp Hoan dịch)

Chú quạ vỗ cánh
Rải lên đầu ta
Bụi hoa tuyết trắng
Từ cây thông già

Tâm tư bỗng chốc
Nhẹ nhàng hơn thêm
Cứu rỗi thời khắc
Ăn năn muộn phiền.

Post a Comment

0 Comments