Những cánh rừng biến mất: truyện cổ tích sẽ ra sao?

Rừng Đen (Black Forest) tại Đức

Với tình trạng hạn hán, thiếu mưa như hiện nay, nhiều loại cây đang có nguy cơ tuyệt chủng, đơn cử như cây vân sam – một loài cây chiếm phần lớn diện tích tại khu Rừng Đen (Black Forest) ở Đức. Đây là nơi đặt bối cảnh của hầu hết các câu chuyện trong Truyện cổ Grimm như: Hansel và Gretel, Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, Rapunzel – Nàng công chúa tóc mây, Người đẹp ngủ trong rừng và Cinderella – Cô bé lọ lem. 

Biến đổi khí hậu không chỉ là sự mất mát với thế giới vật chất của thực vật, động vật và con người. Chúng ta phải xét đến cả sự mất mát về văn hoá – về những câu chuyện sẽ không bao giờ được kể. Khi những cảnh quan đang dần bị biến dạng và xoá sổ, sự tồn tại và phát triển của những câu chuyện kể cũng bị đe doạ; song song đó, ý nghĩa của chúng cũng sẽ bị thu hẹp lại. 

Những câu chuyện cổ Grimm sẽ ra sao nếu không có bối cảnh khu rừng? Nếu không có những cánh rừng tối tăm, lắt léo như mê cung, thì Hansel và Gretel đã dễ dàng tìm được đường về nhà, vậy câu chuyện chẳng còn gì để kể. Nếu toà tháp của Rapunzel hay ngôi nhà của Bạch Tuyết ở giữa một cánh đồng, họ sẽ bị phát hiện ngay lập tức. Vậy các cảnh quan khác nhau có thể thay đổi ý nghĩa, cốt truyện, bài học đạo đức như thế nào?

Để hiểu được chúng ta đánh mất điều gì khi không còn những cánh rừng, trước tiên ta phải hiểu cánh rừng ẩn dụ cho điều gì.

Ý nghĩa biểu tượng của rừng

Đi vào cánh rừng, là tìm đến những ngóc ngách tăm tối nhất trong tâm hồn chúng ta và đối diện với thế lực hiểm ác, để rồi rời khỏi rừng với hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và nhân loại. Chúng ta tiến vào rừng để đối diện với thế lực siêu nhiên, và phát triển bản thân cho xứng tầm với thế lực ấy. Trong rất nhiều câu chuyện, khu rừng mang đến một bài kiểm tra về nhân cách mà chúng ta thường không dám liều mình vượt qua. 

Maria Tatar, một học giả về văn học dân gian Đức và văn học thiếu nhi cho biết: “Rừng rậm là nơi mê hoặc và hiểm trở, đầy rẫy nhũng bí ẩn, ma thuật, sự kinh hãi và quái dị. Một nơi huyền bí cho phép bất kì điều gì xảy ra.” Bà cho rằng, một mặt, khu rừng là địa phận của hiểm hoạ - nơi sinh sống của quỉ dữ: một con chó sói đang chờ cô bé quàng khăn đỏ, mụ phù thuỷ chờ Hansel và Gretel, bụi tầm gửi giăng kín lâu đài của Người đẹp Ngủ quên. Mặt khác, đó cũng là nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi tìm được mái nhà: Bạch Tuyết chạy trốn đến nơi an toàn trong rừng – nơi không ai bén mảng đến cũng chính vì sợ quỉ dữ.

Anh em nhà Grimms đã thu thập các câu chuyện cổ trong những chuyến lữ hành khắp châu Âu và châu Á; song song đó, họ phải làm một việc thiết yếu: “bản địa hoá”. Họ đã chuyển bối cảnh ở khắp nơi về lại cảnh quan biểu tượng quê nhà: Black Forest – khu Rừng Đen độc nhất vô nhị. Đó là một khu rừng cực kì tối tăm, rối rắm không lối thoát – nơi lý tưởng để lạc lối và chỉ tìm được đường về nhà nhờ vào sự phi thường. 

Không có rừng, câu chuyện sẽ diễn ra ở đâu?

Hãy thử hình dung nếu câu chuyện diễn ra trong một thành phố hiện đại, ta sẽ thấy có gì đó khập khiễng. Rừng rậm là sự đối lập của thành thị: nó không hề có trật tự, kĩ thuật và tiện nghi của một nơi chốn do con người tạo dựng. Thậm chí, khu rừng còn là sự đối lập cực điểm: sức sống tự nhiên của nó là phản lực với quá trình công nghiệp hoá nơi đô thị. 

Còn làng mạc thì sao? Trong các câu chuyện cổ, ngôi làng đại diện cho sự an toàn và quen thuộc, là “nhà” của nhân vật chính. Dĩ nhiên cuộc sống ở làng không phải dễ dàng, nhưng các khó khăn trong bối cảnh này thường dễ đoán và phổ biến như nghèo đói, trộm cướp, bệnh tật. Nhân vật chính cần đến một bối cảnh giúp họ thoát khỏi sự nhàm chán của cuộc sống đời thường, trải nghiệm cuộc phiêu lưu đánh đổi sinh mệnh, nơi các năng lực phi thường cả bên trong và bên ngoài bản thân họ cật lực đối kháng các thế lực đen tối và chỉ thoát ra được trong “đường tơ kẽ tóc”. 

Belle, nhân vật chính trong “Người đẹp và Quái vật”, khát khao được phiêu lưu. Sứ mệnh cứu cha trở thành sứ mệnh cứu chính mình thoát khỏi “những tầm thường tỉnh lẻ”. Cô không quản hiểm nguy để xung phong giáp mặt Quái vật – một nhân vật đã mang đến đúng thứ cô cần: cuộc thám hiểm, và tình yêu đôi lứa. Chỉ khi cô dám rời khỏi làng, dám thách thức những định kiến cố hữu về phụ nữ, cô mới đạt được thứ mà cô muốn ở một không gian địa lý hoàn toàn đối lập - cánh rừng đáng sợ nhưng ẩn chứa cơ hội đổi đời.

Bối cảnh rừng trong TV show Once Upon a Time
Bối cảnh rừng trong TV show Once Upon a Time. Các nhân vật sinh sống trong thị trấn, nhưng họ thường xuyên đến cánh rừng gần đó để phiêu lưu. 

Sa mạc cũng không thể thay thế. Robert Pogue Harrison, tác giả cuốn “Rừng rậm: Bóng tối của nền văn minh” (Forests: The Shadow of Civilization) cho biết:  “T.E. Lawrence từng nói rằng, sa mạc là nơi không có sự chuyển giao giữa các sắc thái; ở đó chỉ có hoặc ánh sáng hoặc bóng tối. Nhưng khu rừng thì có đủ sắc thái. Nó xóa mờ sự khác biệt, gợi lên mối quan hệ uyển chuyển giữa vật sống và vật vô tri, bóng tối và ánh sáng, hữu hạn và vô hạn, cơ thể và linh hồn, hình ảnh và âm thanh.”

Cũng không thể thay thế rừng với đồng cỏ hay thảo nguyên, hang động hay đường hầm dưới lòng đất. Chỉ có đại dương là tương đồng nhất, bởi vẻ mênh mông và bí ẩn của nó có thể mang đến những cuộc chạm trán với sinh vật huyền bí, bóng tối, cảm giác hồi hộp về những điều chưa biết. Nhưng đại dương lại có lịch sử biểu tượng riêng biệt của nó không hề giống với rừng.

Tình trạng tuyệt chủng của những cánh rừng

Không có quốc gia nào nằm ngoài tác động của biến đổi khí hậu. Ở Hoa Kỳ, nhiệt độ nóng lên hiện đang khiến các loài bọ sinh sôi và tấn công các rừng thông, hạn hán liên miên gây ra các vụ cháy rừng diện rộng ở California. Các nhà văn hiện đại đã hình dung ra nhiều khả năng cho tương lai thế giới trong tình trạng biến đổi khí hậu. Rồi câu chuyện nào sẽ vĩnh viễn không được kể, khi những hòn đảo, bờ biển, rừng cây lần lượt biến mất, khi lũ lụt trầm trọng, bão đổ bộ mạnh hơn, các loài dần tuyệt chủng và các khu rừng khô héo?

Biến đổi khí hậu là bài kiểm tra đạo đức tập thể của chúng ta, là biểu hiện vật lý của tội lỗi con người: háu ăn, lười biếng, tham lam, ích kỷ, bị chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa công nghiệp thao túng. Chúng ta đã từng bước vào một khu rừng tràn ngập cây xanh cùng vô vàn động vật hoang dã. Vậy sau này, sẽ còn cánh rừng nào sót lại cho những câu chuyện cổ hay không, hay chúng ta đều sẽ mãi mãi mất đi nơi ẩn nấp của mình?

_________

Bài viết do Đủng Đỉnh Đọc dịch từ bài "When Climate Change Comes for Fairy Tales Forest" của tác giả Olivia Campell <https://lithub.com/when-climate-change-comes-for-the-fairy-tale-forest/>

 

Post a Comment

0 Comments