[ Thủ thỉ ] Dãy núi Alps hoài niệm của Peter Camenzind

Trước khi thấy dãy Alps tận mắt, nó đã sống trong tâm trí mình qua nhiều năm. 

Hermann Hesse là nhà văn mình yêu mến nhất trên đời. Cuốn đầu tiên mình đọc là “Sirthaddha”, sau đến “Đôi bạn chân tình”, “Hành trình về phương Đông”, “Sói đồng hoang”, và cuối cùng là “Tuổi trẻ và cô đơn” (tên gốc “Peter Camenzind”). Quá trình ấy giống như một chuyến đi dài thăm thú tâm hồn nhà văn từ lúc đã già dặn, sau mới lần theo dòng thời gian tìm về thời ông còn là một tay bút trẻ. Cuốn “Tuổi trẻ và cô đơn” cho mình những đồng cảm tươi mới cùng nỗi hoài niệm xa xăm về thuở ông mới lập nghiệp với những gian nan cùng cực. Mình tin hành trình đi tìm chân lý non trẻ của Peter Camenzind cũng chính là của Hermann Hesse: lần đầu bước chân ra khỏi quê nhà, lần đầu biết đau buồn trước cái chết, lần đầu tận hiến cho tình yêu, lần đầu biết mở toang lòng đón nhận cái đẹp ào ạt của muôn vàn sự vật mới mẻ nơi xứ lạ.

Trong tác phẩm, quê nhà của nhân vật nằm ở vùng núi châu Âu, nơi “những đứa con của núi rừng sống ngây thơ qua các thế hệ”. Peter trải qua thời niên thiếu biệt lập trong lòng những dãy núi đá, nhờ vậy mà toàn bộ tình yêu đầu đời cậu dành hết cho vẻ kì vĩ và bí ẩn của thiên nhiên quê nhà. Các đoạn văn miêu tả trong cuốn này, đến nay vẫn là những đoạn mình thích nhất trong tất thảy các tác phẩm mình từng đọc qua. Với tình cảm dạt dào, tác giả đã gửi gắm vào lời văn hình ảnh những sự vật thiên nhiên đã gắn bó với ông suốt thời niên thiếu. 


Dưới đây, mình xin đăng một vài đoạn trích tả cảnh trong tác phẩm từ bản dịch của dịch giả Vũ Đình Lưu:

“Tôi chưa biết tên cái hồ, rặng núi, con sông xứ sở tôi, nhưng tôi đã trông thấy làn nước phẳng lặng màu xanh và màu lam lấp lánh hàng ngàn tia sáng dưới mặt trời, xung quanh núi non lởm chởm như tuyết sáng chói, với những thác nhỏ trên khe núi cao, dưới chân chạy dài triền dốc tắm nắng và đồng cỏ lác đác cây ăn quả, nhà gỗ và bò xám xứ Alps. Tâm hồn con trẻ của tôi còn trinh trắng và lặng lẽ, chờ đợi cuộc đời, đã in khắc chiến công rực rỡ và hiển hách của thần núi thần hồ.”

“Những đống đá ấy nhắc đi nhắc lại một truyện từ ngàn xưa. Muốn hiểu chúng cũng không khó khăn gì, chỉ việc nhìn những cạnh dựng đứng, lớp nọ bị xô lên trên lớp kia, méo mó, nứt nẻ, đầy vết thương toang hoác. Chúng nó như muốn bảo rằng: “Chúng tôi đã chịu đựng những cuộc thử thách ghê gớm và chúng tôi còn chịu đựng nữa”. Nhưng ngôn ngữ của chúng chững chạc, nghiêm nghị, cương quyết như ngôn ngữ của người chiến sĩ đã bạc đầu với nợ kiếm cung mà không bao giờ chấm dứt sự nghiệp.”

“Cây cổ thụ gây cho tôi một ấn tượng nghiêm trang và sâu xa hơn. Tôi nhìn mãi cây sống cảnh đời biệt tích, mỗi vòm lá có hình thái cá biệt, bóng râm cũng không cây nào giống cây nào. Cây cối dưới mắt tôi hoá ra những thầy tu và những chiến sĩ, cuộc sống mật thiết với núi đồi, vì mỗi cây, nhất là những cây mọc trên cao, vật lộn lặng lẽ và dẻo dai với gió mưa và đá sỏi để sinh sống và tăng trưởng. Cây nào cũng phải mang gánh nặng lá cành, cây nào cũng phải đâm rễ chắc chắn xuống đất, sự cố gắng ấy đã tạo cho mỗi cây một hình thể cá biệt và cũng để lại trên mình nó những vết thương.”

“Hãy chỉ cho tôi biết trong cõi đời to rộng này có người nào biết rõ mây hơn tôi và yêu mây hơn tôi! Hãy chỉ cho tôi biết trong thiên nhiên có cái gì đẹp hơn đám mây! Mây là đồ chơi, là sự an ủi cho con mắt, mây là phép lành, là tặng phẩm của trời, là sự giận dữ của trời, là quyền lực tàn phá của trời. Mây dịu dàng, hiền lành và bình thản như linh hồn trẻ sơ sinh; mây đẹp, giàu có và rộng rãi như thiên thần; mây ủ rũ, khắt khe và vô lương tâm như sứ giả của thần chết.”

Tất cả dường như đã góp phần tạc nên tâm hồn Peter Camenzind từ thuở anh chàng còn chưa hiểu được cõi lòng mình: cái gai góc và cứng cỏi của đá, cái độc nhất trong dáng vẻ của từng cây thông, cái ngây thơ bay bổng mà biến hoá khôn lường của mây, cái rực sáng lấp lánh của mặt hồ trong nắng. Chúng là món quà quê hương trao cho anh, vĩnh viễn trở thành một phần của anh, để rồi thay mặt cho quê hương đồng hành cùng anh trong những bước thăng trầm của tuổi trẻ.

Sau này, khi nộp đơn xin thị thực đi công tác ở Thuỵ Sĩ, mình luôn loé lên suy nghĩ: “Mình sắp được thấy núi Alps rồi! Mình sắp nhìn thấy những cánh đồng cỏ ngập đầy hoa dại màu trắng, những rừng thông bát ngát dưới trời hè trong veo!” Và đến khi tận mắt ở trong lòng núi Alps, mình đã trải qua những kỉ niệm không bao giờ quên.

Còn bạn thì sao, bạn đã từng tận mắt thấy một nơi chốn nào đó trong những câu chuyện yêu thích của mình chưa? 


Post a Comment

0 Comments