Với tôi, có một sự kiện vào năm lớp 5 đánh dấu cột mốc thiếu niên: những ngày mẹ tôi sắp sinh em gái. Tôi khóc lóc hằng đêm khi đột ngột nhận ra sẽ phải san sẻ ba mẹ tôi với một đứa trẻ khác. Vào năm lớp 6, một bạn nam thích tôi, và tôi được bảo rằng khi thích nhau, người ta sẽ hôn. Khi ấy, cái hôn với tôi là một cái gì thực sự khủng khiếp, nghĩ đến thôi tôi đã muốn cháy thành tro. Năm lớp 7, tôi gia nhập băng đảng giang hồ, lên mặt với kẻ yếu, chung đàn với kẻ mạnh; kết quả học tập tụt dốc thê thảm và khi rút khỏi băng đảng, tôi bị đầu đảng nện cho một trận tơi bời. Cùng lúc đó, một bạn tôi từng bắt nạt trong lớp qua đời chóng vánh vì tai nạn xe. Tôi đi đám tang, thấy mẹ bạn khóc cạn ruột cạn gan; lần đầu tiên tôi biết đến cái chết, tận cùng nỗi đau, và cảm giác ăn năn. Năm lớp 8 và 9 trôi qua êm đềm hơn: tôi được ở trong những tình bạn đầy thú vị, phiêu lưu và có cả vô vàn những xích mích cỏn con trong địa phận rối ren của bọn con gái.
Trong quãng thời gian ấy, tôi sống song song hai thế giới: thế giới tôi đối diện ngoài đời thật, và thế giới trong sách – nơi tôi kinh qua bao xứ sở, trải nghiệm cuộc đời của vô vàn nhân vật và gần gũi với cõi lòng họ. Chính thế giới trong sách đã củng cố nơi tôi niềm tin vào số phận con người: rằng tất cả các cuộc phiêu lưu đều có ý nghĩa đặc biệt với mọi kẻ tham gia dẫu chính diện hay phản diện, rằng đạo đức không phải là trắng hoặc đen, mà còn có một vùng xám mênh mông – nơi chỉ những ai tỉnh thức và giàu trí tuệ mới khám phá được, nơi tiết lộ bản chất thực sự của những biểu hiện bên ngoài. Văn học cho tôi một niềm tin còn sống động trong tôi đến tận hôm nay: những điều cao hơn, xa hơn, sâu sắc hơn đang chờ tôi khám phá ẩn tàng trong tầng tầng lớp lớp hình hài trần thế.
__________
Như một cột mốc tất yếu trong giai đoạn phát triển, giai đoạn 11-15 tuổi như Columbus đi tìm châu Mỹ. Đứa trẻ không biết đích đến là đâu; nó chỉ biết thế giới đang nới ra từng ngày, và địa phận an toàn cũng vậy. Những thử thách đầu đời ập đến đầy sự mới mẻ và không kém phần khốc liệt: thay đổi về thể lý, cảm xúc, mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Lần đầu tiên trẻ biết đến thế giới của người lớn, khao khát nhổ neo để đi đến bến miền đất hứa của giấc mơ, của tự do - độc lập. Kể từ đây, thế giới của cha mẹ và của trẻ bắt đầu phân tách. Trẻ sẽ thường xuyên nghe câu: “bây giờ con lớn rồi…”, và chúng dần cảm thấy có trách nhiệm với cuộc sống riêng của mình.
Dưới đây là ba thể loại truyện có thể giúp thiếu niên trên hành trình tạm biệt thời thơ ấu, vượt qua những biến cố của tuổi để cập bến giai đoạn trưởng thành thuận buồm xuôi gió.
1. Cuộc hành trình phi thường của một nhân vật
"Vì trong giấc mơ, chúng ta bước vào một thế giới hoàn toàn là của riêng mình. Hãy để cậu bé bơi trong đại dương sâu nhất hoặc lướt trên đám mây cao nhất." – lời của cụ Dumbledore trong Harry Potter và Tên tù nhân ngục Azkaban
Mở đầu, nhân vật thường sống trong sự bảo bọc của gia đình và những điều thân thuộc, sau đó biến cố xảy ra buộc đứa trẻ phải lìa xa những điều kiện thuận lợi trước đây. Từ đó các thách thức xảy đến liên tiếp với cấp độ tăng dần, đòi hỏi đứa trẻ phải đương đầu không khoan nhượng thì mới học được bài học cần thiết. Các nhân vật chính thường có những tố chất đặc biệt như lòng can đảm, tình yêu thương, sự thấu cảm… Đây là các khả năng đặc biệt chỉ mỗi nhân vật sở hữu, đồng thời là “vũ khí” xuyên suốt giúp nhân vật vượt qua thách thức. Vào cuối cuộc hành trình, nhân vật đạt được sự trưởng thành vượt bậc.
Một số dạng hành trình tiêu biểu:
a) Hành trình diễn ra trong bối cảnh giống như cuộc sống thật: Không gia đình – Hector Malot, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huck Finn – Mark Twain
b) Hành trình diễn ra trong thế giới giả tưởng: Harry Potter – J.K. Rowling, Pháp sư xứ hải địa – Ursula K. Guin, Chúa tể những chiếc nhẫn – J. R. R. Tolkien
c) Hành trình trong sử thi, thần thoại, truyền thuyết: Gilgamesh, truyền thuyết vua Arthur
2. Cuộc đời các nhân vật lịch sử có thật (biography)
Trong những thay đổi có phần hỗn độn, trẻ thường bị cuốn theo những diễn biến mạnh trong nội tâm của mình, mất đi bức tranh tổng thể, đồng thời đồng hoá mình với những diễn biến đó. Để thoát ra khỏi mớ bòng bong, trẻ cần được gần gũi với những lý tưởng cao cả. Những câu chuyện về nhân vật lịch sử có thật – những người mà các em có thể ngưỡng mộ, hướng đến, đã từng đi con đường chông gai để đến được với sự thật và chứng minh rằng đạt được những thành tựu vĩ đại, như một con người, là khả dĩ.
Sự lạc quan và lý tưởng rất quan trọng với thiếu niên. Khi các em giữ được tâm trạng lạc quan, đầy nhiệt huyết, luôn chờ đợi những điều thú vị trong cuộc sống, thì cơ thể em sẽ phát triển thông suốt, mạnh khoẻ. Các nhà miễn dịch học đã chỉ ra rằng bệnh tật sinh ra khi hệ thống miễn dịch bị ức chế vì trầm cảm, căng thẳng, khiếp sợ. Chính các cuốn tiểu sử về các nhân vật lịch sử sống trong một nền văn hoá và mang tinh thần thời đại đặc trưng, sẽ truyền cảm hứng cho trẻ.
Từ đó, cha mẹ cũng có thể nói chuyện với con: Ai trong gia đình là người mà con muốn trở thành: một người ông hài hước, tốt bụng, chu đáo? Một người chú là đã hi sinh vì đồng đội của mình trong chiến tranh? Một người dì từng là y tá, được bệnh nhân trân trọng, yêu quý? Tất cả những tấm gương này đều hữu ích cho trẻ. Trẻ hiểu rằng nhiều người đã đến với cuộc đời này trước mình, đã sống và phấn đấu, đã thành công và thất bại, đã chịu đựng và tạo dựng một cuộc sống mới, đã nảy ra những ý tưởng mới và kiến tạo những con đường mới. Họ nhắc trẻ rằng nỗi đau khổ sẽ giúp ta trui rèn sức mạnh, rằng thời điểm tồi tệ trẻ đang trải qua vẫn không phải là khủng khiếp nhất – nếu so với những gì người khác từng chịu đựng, nhờ vậy giúp trẻ sống mạnh mẽ và can đảm hơn.
3. Hồi kí / nhật kí / tự truyện
“Chừng nào ánh nắng mặt trời và bầu trời trong xanh này còn tồn tại và miễn là tôi còn được thưởng ngoạn điều đó thì làm sao tôi phải buồn?”- trích Nhật kí Anne Frank.
Trong các cuốn hồi kí / nhật kí / tự truyện, trẻ đọc về kí ức của một người có thật. Qua đó, trẻ hiểu rằng mỗi người đều sống một cuộc đời đặc biệt của riêng mình, đóng góp phần riêng của mình vào dòng chảy chung của xã hội loài người. Đây cũng là một cánh cửa đưa trẻ thâm nhập vào một thế giới luôn tồn tại bên trong mình, nhưng đến nay mới ý thức: thế giới nội tâm, để hiểu về những cảm xúc, suy nghĩ thuộc về không gian bên trong và cách chúng tác động đến hành động bên ngoài – là cái chúng ta nhìn thấy được.
Đọc trang nhật kí ngày mỗi ngày, trẻ sẽ thấy rằng số phận một người được đan dệt nên từ những sự kiện nhỏ mỗi ngày, và rằng chúng ta có thể luôn sống trong hiện tại, có những suy nghĩ – cảm xúc hiện tại và từ đó tương lai thành hình. Trong giai đoạn này, trẻ cũng thường có xu hướng xem mình là trung tâm, chăm chăm vào thế giới của riêng mình. Những tập nhật kí giúp trẻ chuyển sự chú ý qua cuộc đời của những người khác – những người mang lại hi vọng và cảm hứng cho hành trình của các em. Nhờ việc đọc, các em được khuyến khích để viết xuống những tâm tư của mình, đồng thời bắt đầu đặt ra những câu hỏi riêng tư, sâu sắc, nuôi dưỡng sự can đảm đi qua những thăng trầm nội tâm khi trưởng thành.
“May mắn và đầy biến cố, đời tôi là một câu chuyện thú vị. Nếu như lúc tôi còn nhỏ, bước vào đời trong cảnh nghèo khó và cô đơn mà có một bà tiên hiện ra bảo rằng: “Bây giờ con hãy chọn đường đời của con, và mục đích con muốn gắng công đạt tới, sau đó, tùy theo sự phát triển trí tuệ của con và khi thấy hợp lý, ta sẽ dẫn dắt và bảo vệ để con đạt được điều ấy,” thì dẫu như vậy, số phận của tôi cũng không thể nào được định hướng sao cho vui vẻ hơn, thận trọng hơn hay tốt đẹp hơn. Câu chuyện đời tôi sẽ cho mọi người biết điều mà tôi luôn được nhắn nhủ: Có một Đấng Chúa Trời đầy lòng yêu thương sẽ dẫn dắt mọi sự theo hướng tốt đẹp nhất.”
“Điều gì đang chờ đợi? Tôi không biết, nhưng tôi sẽ chào đón những năm tháng sắp đến với lòng biết ơn và hy vọng. Cả cuộc đời tôi, những ngày tươi sáng cũng như u ám, đều dẫn tới những điều tốt đẹp nhất, giống như một chuyến viễn du đưa tới một cái đích đã biết trước. Tôi là người cầm lái, tôi đã chọn lộ trình, nhưng Chúa sẽ quyết định sóng gió, bão dông. Ngài có thể đưa con tàu của tôi đi theo đường khác; và sau đó, dù thế nào đi nữa, đích đến dành cho tôi vẫn sẽ là tốt nhất.”
– Trích Chuyện đời tôi, Hans Christian Andersen, “Chương XII”
0 Comments