Là kiểu con gái lớn lên trong thế giới của sách nhiều hơn thế giới thật, không hiểu sao đến khi 40 tuổi tôi mới đọc đến Anne dưới chái nhà xanh. Những bạn bè đồng niên mê đọc sách đã ra rả nhiều về Anne - về mái tóc đỏ, về sự nghiêm túc cô bé dành cho chữ E cuối tên mình, về vẻ đẹp quê nhà – đảo Prince Edward, nhưng tôi chỉ nhận ra toàn bộ vẻ cuốn hút của Anne khi đọc thành tiếng cuốn đầu tiên trong bộ sách cùng cô con gái 8 tuổi. Không chỉ thông minh, lém lỉnh, có mái đầu đỏ, đội mũ rơm (những điểm hay được nhắc đến), cô bé còn chân thành, nồng nhiệt, sôi nổi, mơ mộng, cứng đầu – những điều mà tôi xem như tố chất tốt đẹp nhất của chính mình.
Tôi và Thea (con gái tôi) đã cùng gặp gỡ Anne. Mỗi người đều trải qua sự tò mò và hoài nghi nhất thời – cảm giác thường gặp mỗi lần đọc một cuốn sách mới, đặc biệt khi cuốn ấy đã quá nổi tiếng.
Thea là đứa trẻ ham đọc sách. Mùa hè khi chúng tôi đọc Anne dưới chái nhà xanh cũng là lúc Thea bắt đầu chuyến du hành qua lại giữa thế giới của tuổi tiểu học và tuổi thiếu niên. Các cuốn sách về Ramona (một bộ sách thiếu nhi) bạn ấy đã đọc xong từ lâu, nhưng không thấy đồng cảm với các chương nhắc đến tình bạn hay kiểu “cảm nắng” tuổi mới lớn. Tháng ngày trôi qua với những vở kịch bạn tự dàn dựng, tự sắm vai cùng cậu em trai, với sự yêu thương hết mực dành cho chú cừu nhồi bông tên Baa. Khi tôi viết những dòng này, bạn vừa tranh luận xong về việc mặc gì vào ngày đầu tiên đi học: một chiếc váy hoa xếp li mua vài tuần trước, hay bộ cánh ngầu hơn chọn được sau khi tìm hiểu nguyên tắc phối đồ.
Tôi đã mong rằng Anne có thể là cầu nối giữa hai thế giới; và khác với Ramona hay Ivy & Bean, câu chuyện này phải “già dặn” hơn ngay từ phần mở đầu. Vậy mà, dù Anne mồ côi và cô độc, cô bé vẫn có nhiều lối ngây thơ y hệt Thea. Như Anne, Thea tìm thấy niềm vui trong vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Như Anne, cô bé yêu chiếc váy tay phồng. Như Anne, trí tưởng tượng của Thea đủ sống động để tự mình đi qua những giai đoạn cô đơn. Những người có chung sự nhạy cảm đặc biệt, Anne gọi là “chí cốt tâm giao” (“kindred spirits”). Tôi và Thea chính là “chí cốt tâm giao” của Anne – cả hai đều thấy mình y hệt cô bé.
Tôi và ông xã đều là giáo viên. Khi các con từ biệt giai đoạn ấu thơ cần được coi sóc thường xuyên, tôi bắt đầu tự hỏi làm sao để tạo ra phép màu vào các kì nghỉ hè – món quà mà công việc này đã tặng chúng tôi. Năm nay, Nick và tôi quyết định có các chuyến đi riêng 1 kèm 1 với hai con. Tôi đi cùng Simon - con trai sáu tuổi, trong hai ngày tại một công viên giải trí; ở đây, chúng tôi đi tàu lượn siêu tốc 6 lần liên tục và ăn kem 2 lần mỗi ngày. Còn với Thea, tôi lên kế hoạch cho chuyến đi đến đảo Prince Edward.
Dù đã xuất phát từ phía đông bắc của Mĩ, hành trình đến đảo Prince Edward cần sự chuẩn bị kì công. Chúng tôi đã có thể bay hoặc đi tàu đến Montreal và sau đó bay đến phi trường của đảo ở Charlottetown. Nhưng vì phần lớn nơi đây là vùng hẻo lánh, chúng tôi cần có một chiếc xe hơi thì mới đi thăm được các địa điểm của Anne: bãi biển có cát đỏ, khu di tích L. Maud Montgomery, căn nhà mô phỏng theo căn nhà chái xanh của Anne, vở nhạc kịch Anne & Gilbert, chuyến đi bằng xe đầu kéo qua trang trại có thật nơi nhà Cuthbert làm nông và tạo ra nguồn cảm hứng mà Anne gọi là “Chiếc hồ của Dòng nước óng ánh”, ngôi làng mô phỏng theo làng Avonlea, và các cửa tiệm bán chiếc nón rơm với hai bím tóc. Cuối cùng, chúng tôi quyết định tự lái xe.
Khi trải quá các giai đoạn chuyển tiếp trong đời mình, rất nhiều lần những cuốc xe dài đã giúp tôi lèo lái qua nỗi chông chênh, đau buồn và các dự cảm. Khi rời nhà vào đại học, chính sự thay đổi chầm chậm của việc lái xe đã khiến việc xa nhà lần đầu bớt khó khăn hơn: đầu tiên là đi xuống con dốc, rời khỏi ngõ cụt và tiến vào con đường Merritt rợp bóng cây, rồi cuối cùng tăng tốc trên con đường dài 1,200 cây số giữa Connecticut và Chicago. Hành trình đó đã lặp đi lặp lại một vài lần hằng năm, luôn rơi vào thời điểm vừa kết thúc hoặc sắp bắt đầu một học kì; hệ quả luôn là, trong tôi nảy sinh những cảm giác hoặc bâng khuâng hoài niệm, hoặc hi vọng cho khởi đầu mới. Có một mùa hè trong khoảng 20 tuổi, khi phải trải qua căng thẳng với công việc là giáo viên cấp 3, tôi đã lái xe vô định từ Connecticut đến DC, rồi lần lượt đến Arkansas, Kansas, New Mexico, Arizona, Colorado, South Dakota, Minnesota, Chicago và quay về lại; nhờ vậy tôi tạo ra được khoảng cách giữa mình và năm học vừa qua. Khi trở lại, đúng như dự đoán, tôi đã sẵn sàng dạy học vào tháng chín. Lúc mang thai Thea, tôi và Nick lái xe đến Western Montana, dự đoán rằng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng trong vòng vài năm tới. Đó là cách chúng tôi vừa hưởng thụ, vừa tạm biệt giai đoạn chu du không con cái mà cả hai từng hết sức tận hưởng.
Từ nhà chúng tôi ở quận Fairfield, Thea và tôi lái xe qua Massachusetts vào Portsmouth, New Hampshire - nơi chúng tôi dừng chân để ăn bánh nướng, đọc sách và đi dạo nơi cây cầu bắc qua Maine. Chúng tôi trải qua đêm đầu tiên tại một nông trại cách thị trấn nhỏ Hallowell thuộc Maine một vài giờ lái xe về phía bắc, rồi sáng sớm hôm sau lái về phía bắc và đông - hướng đến biên giới Canada.
Ở Saint Stephen - Canada, anh nhân viên canh giữ biên giới nhìn hộ chiếu và hỏi lịch trình. Tôi nói rằng chúng tôi sẽ đi thăm các địa điểm trong “Anne dưới chái nhà xanh”. Khi ấy, một suy nghĩ thoáng qua trong tôi (mà sau đó tôi biết rằng không đúng), rằng đây có thể là câu trả lời anh thường nghe tại trạm của mình – nơi chỉ cách đảo Prince Edward năm tiếng lái xe.
Chúng tôi băng băng tiến về đảo Prince Edward trên cây cầu liên bang cao 61 mét, dài 13 cây số. Khi tấm biển báo đã sắp đến cầu, Thea đang thiếp ngủ trên ghế sau, nên tôi thoải mái thở ra một hơi thở dốc nặng nhọc khi nhìn thấy bóng dáng cây cầu mà không làm con bé sợ theo. Tôi không phải là một tài xế hay lo, cũng không sợ độ cao, và sống ở vùng ngoại ô ven biển - nơi các quận được chia cắt bởi sông và vịnh, tôi đã quá quen với việc lái xe qua cầu. Nhưng với cây cầu này, tôi phải vừa lái vừa niệm thần chú và tự trấn an, như tôi từng làm lúc còn bé hay ở các chặng cuối của cuộc thi marathon. Cách duy nhất để thoát khỏi là phải đi xuyên qua và mắt nhìn thẳng. Tôi tự ra lệnh: Đừng google “có bao nhiêu người chết trên cây cầu liên bang” khi mày đến khách sạn vào tối nay. Đừng.
Cây cầu và nỗi kinh hoàng nó gây ra, dường như khiến cho những ngọn đồi nhấp nhô xứ Prince Edward và những công trình mô phỏng thế giới của Anne trông càng phiêu lưu hơn. Chúng tôi lái xe một tiếng quanh đảo, nhận phòng khách sạn (tên là Kindred Spirits!), và ăn tối ngay tại Avonlea – một ngôi làng mới được dựng trông y hệt như nơi Anne sống. Một ngôi làng được dựng lên chỉ để dành một cô bé mồ côi tóc đỏ, chỉ đến được đó nếu băng qua được cây cầu đáng sợ, di chuyển nhiều chặng bằng cả đường bộ và đường bay hoặc phà trên sông: xứ sở của Anne thật quá huyền diệu!
Trong hai ngày trên đảo, tôi đã cố gắng đồng ý với Thea nhiều nhất có thể. Mỗi ngày chúng tôi ghé Avonlea ít nhất một lần, bơi trong hồ bơi khách sạn, ăn kem, mua mũ rơm, ăn tối tại một nhà hàng Ý sang trọng trước khi buổi nhạc kịch Anne & Gilbert bắt đầu. Vào buổi sáng cuối cùng, chúng tôi thực hiện nguyện vọng cuối trong danh sách: khám phá bãi biển cát đỏ dọc theo vùng biển của vịnh St. Lawrence lạnh giá phía bắc Đại Tây Dương. Trước khi quay trở về Northumberland Straight thẳng đến News Brunswick, tôi giải thích thật nhẹ nhàng cho Thea rằng tôi cần con yên lặng để tôi được tập trung lái xe. Vậy mà trừ những phút dài băng qua cầu, chúng tôi đã nói liên tục trong 1200 cây số về nhà. Chúng tôi nói về cuộc hôn nhân của Anne và Gilbert – cô ấy có thực sự yêu Gilbert không? Và nếu có, tại sao cô ấy không yêu ngay từ đầu mà phải đến mãi về sau? Trong vở nhạc kịch, tình yêu của Anne dành cho Gilbert đến quá nhanh, còn trong sách nằm ở cuốn thứ 2 và 3; vì chúng tôi chưa đọc nên phải qui lại rằng phải có thêm thông tin về bối cảnh hơn nữa. Chúng tôi ca vang bài hát yêu thích trong màn biểu diễn, xếp hạng những chiếc kem ốc quế đã ăn, cùng bàn luận về các vở kịch tiểu học, …
Phụ huynh của trẻ lớn thường nói với tôi rằng, họ có những cuộc nói chuyện quan trọng nhất với con khi ở trong xe hơi. Khoảng nghỉ giữa những điểm đến làm cho hai người buộc phải phát triển một sự thân mật. Ở thế giới rộng lớn bên ngoài những bức tường, chúng ta rất dễ chạy trốn khỏi sự thân mật ấy. Thậm chí khi ở cùng nhà cũng khó mà có được.
Sau sáu giờ lái xe về lại biên giới ở Mĩ trên con đường I-95 vắng vẻ, cuộc nói chuyện từ từ dịu lại, trừ khi bình luận về những nơi chốn chúng tôi đi qua. Chúng tôi nói về những nảy lên trong đầu khi đang lái xe: nên dừng ăn tối ở đâu và gọi món gì? Vì sao nhà hát opera bị đóng cửa? Nếu sống ở đây thì sẽ ra sao? Nếu mình là một người khác thì sẽ thế nào? Còn nơi nào mình còn có thể đến cùng nhau? Chúng ta còn có thể trở thành ai nữa?
Chiếc xe, cuốn sách, chuyến đi: chúng có nghĩa rằng mình cùng đi đến nơi chốn không biết trước, cùng nhau.
_________
Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết: https://lithub.com/road-to-avonlea-amanda-parrish-morgan-on-the-transportive-intimacy-of-reading-and-long-drives/?fbclid=IwAR0sLpdo3-4rJzMfIt3hq_7p1G9Cfj3w8w7nCzyamRowDn73xjiQf8NH--M
0 Comments