Thỉnh thoảng, cũng có người hỏi xem tôi chọn sách picturebook như thế nào để đọc, tôi có tiêu chí gì không. Tranh vẽ đẹp? Cách dẫn truyện? Ý nghĩa truyện? Sự liên hệ với bản thân?
Có lẽ tất cả đều có một chút. Như chiều hôm qua, khi đọc sách để chuẩn bị cho công việc, tôi tình cờ xem lại câu chuyện này.
Cuốn sách có vẻ rất kỳ quặc này chỉ có một lời văn duy nhất lặp đi lặp lại suốt cả quyển: "Con làm được tiếng tàu hỏa kêu đấy!". Nhưng chỉ bẳng hình ảnh minh họa và typography thú vị, tác giả đã dẫn người đọc lao vào một chuyến tàu tưởng tượng đầy hào hứng.
Có lẽ những ngày cuối năm này, người ta hay mệt mỏi nhiều hơn là vui, vì nhiều thứ phải thu xếp để đóng gói lại, dọn dẹp, lau chùi. Deadline chồng deadline. Đó cũng chính là tâm trạng của cả người lớn và trẻ em trong trang đầu tiên của sách. Chỉ duy một đứa trẻ cảm thấy khác.
Có thể em đã vừa học được một trò vui và quá hứng khởi với nó. Niềm vui trong veo của em và sự nhiệt thành cuốn tất cả những người lớn cùng trẻ con nhầu nhĩ lo lắng kia vào một trò chơi. Mà trò chơi ấy, nếu xét theo khía cạnh kiểu người lớn là một trò... vô bổ vô nghĩa. Bạn xem những bức tranh này có hình dung ra tiếng Tuuuuuu tuuuu tuuuu bắt chước tiếng tàu hỏa không? Nhưng sự vô nghĩa đó lại thật có ý nghĩa, vì nó là một niềm vui trong veo và tách người ta ra khỏi luồng suy nghĩa vụn vặt đơn lẻ. Cái niềm vui đó làm tất cả bỗng thấy mình chung một không gian, một câu chuyện để chuyện trò và kết nối. "Đoàn tàu" vì thế cũng mang một tầng ý nghĩa ẩn dụ, bởi nó nối những con người ở nhiều bối cảnh, nguồn gốc lại trong một chuyến kia, và nó đưa tất cả về cùng một bến.
0 Comments