Thuở còn đi học, đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” (“Dế mèn phiêu lưu ký” – Tô Hoài) không đọng lại gì mấy trong tôi; nay đọc lại, tự dưng cảm động.
Vì sao bài học đầu tiên của Dế Mèn lại là cái chết của Dế Choắt - một người bạn yếu thế hơn mình? Chẳng phải nó quá nặng nề với một đứa nhỏ mới bước vào đời sao?
Thứ mà một kẻ mạnh bẩm sinh như Dế Mèn cần nhất, là có lòng thương. Chỉ khi nhìn thấy Dế Choắt hấp hối, Dế Mèn mới được trải nghiệm phần “mềm yếu” của tâm hồn: “Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.”
Sự ốm yếu của kẻ khác không còn làm anh ta cảm thấy ngạo mạn. Và cảm giác ăn năn là cần thiết để một kẻ mạnh bước vào chiều kích mới trong nhận thức của mình: chiều kích của lương tri.
Bạn tôi một lần từng nói, Thượng đế cho con người biết buồn vào thời điểm tâm thức con người đã trở nên quá khô cằn. Nỗi buồn là “giọt nước mắt nhỏ vào hoang mạc”, có thể thay đổi tất cả.
Câu ấy tôi cứ nhớ mãi. Nó làm tôi không còn ngại khi phải khóc. Nó làm tôi biết, nếu học trò tôi nhỏ nước mắt vì một đoạn văn, khoảnh khắc ấy có thể sẽ thay đổi em mãi mãi.
0 Comments