The only child - Guojing: nỗi cô đơn của những đứa con một

Bìa sách "The only child"

Lúc còn nhỏ, khi đi học về tôi hay phải ở nhà bác từ chiều đến mười giờ tối thì ba mẹ mới đón. Tôi thường thấp thỏm ngó ra cổng từ lúc tám giờ, hễ chiếc xe nào dừng lại tôi đều mong đó là ba mẹ mình. Thời đi học năng khiếu ở nhà thiếu nhi, khi các bạn đã về hết và chỉ còn mình tôi ngồi cạnh cô bán nước, tôi dán mắt vào ngã ba tìm kiếm bóng dáng thân thuộc của ba mẹ trong dòng người xuôi ngược. Tôi cứ hi vọng rồi thất vọng, và cuối cùng người đến đón
lại là bác tôi.
Nỗi cô đơn của trẻ con như mưa rào ập vào không báo trước, và chính đứa trẻ cũng không bao giờ gọi tên ấy là “cô đơn”. Nó là cảm giác mang mang khắc khoải; trong khoảnh khắc ấy nó nghĩ rằng ba mẹ sẽ không bao giờ đến đón mình, rằng từ nay mình sẽ mãi mãi một mình. Tôi trân quí những kỉ niệm tươi đẹp của thời ấu thơ, nhưng cũng không thể quên những khi mình thấy mênh mang, nhỏ bé, bất lực trong thế giới do người lớn làm chủ.
Câu chuyện “The only child” của Guojing cũng mang nỗi niềm như vậy. Trong phần “Lời nhắn”, chị viết như sau:
“Câu chuyện trong cuốn sách này là viễn tưởng, nhưng nó phản chiếu rất thật nỗi cô độc và lẻ loi mà tôi trải qua khi lớn lên vào những năm 1980 dưới Chính sách một con ở Trung Quốc. Khi tôi còn bé, cả cha và mẹ đều phải đi làm để nuôi gia đình, nên vào ban ngày, bà sẽ trông nom tôi. Dù vậy, khi cha mẹ phải vội vã đi làm, hoặc Nai Nai (tên của bà) bận bịu, tôi sẽ phải ở nhà một mình. Trải nghiệm này rất phổ biến ở các gia đình thời đó. Tôi thuộc về một thế hệ trẻ em cô đơn.
Một lần khi sáu tuổi, trước khi cha tôi đến sở làm, ông đặt tôi một mình trên chuyến xe buýt đến nhà bà. Tôi ngủ quên, và khi tỉnh dậy thì cả chiếc xe gần như trống hoác. Tôi sợ hãi và bỏ chạy. Không có ai giúp tôi, nên tôi cứ thế đi bộ. Tôi vừa đi vừa khóc, cứ lần theo đường xe buýt mà bước. May sao, tôi đến được con đường quen, và sau ba tiếng thì về đến nhà bà.
Khi lớn lên rồi, tôi nhận ra mình rất dễ lạc đường, nhưng nếu tôi nhìn đủ sâu, sẽ luôn luôn thấy một con đường – như con đường của xe buýt – dẫn lối tôi trở về.”
Đọc đến đây, phần nào độc giả đã đoán được cốt truyện: nhân vật chính là một cô bé phải ở nhà một mình, rồi ngủ quyên trên chuyến xe buýt đến nhà bà. Nhưng trong thế giới của "The only child", sau khi phát hiện mình bị lạc, cô bé được người bạn đường là chú hươu bí ẩn dẫn đến một miền đất huyền ảo trên mây - nơi cô bé không còn một mình, mà được tận hưởng một tình bạn ấm êm, thương mến.



Đây là một cuốn sách tranh không lời, nên cách đọc cũng có phần đặc biệt. Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn Li Xiaocui, một độc giả ở Bắc Kinh, về cách cô cùng đọc "The only child" với con gái của mình. Mong rằng nó mở ra điều gì đó cho quá trình đọc sách cùng con của bạn.
“Tôi chực khóc sau lần đọc đầu tiên. Đây là một câu chuyện ấm lòng với các tranh minh hoạ đẹp tuyệt, và được bao bọc bởi chút huyền ảo nữa. Dù không có lời, nhưng qua các bức tranh, câu chuyện đã được truyền tải đầy xúc động. Tôi đặc biệt thích những trang cuối, khi nhân vật phải chia tay chú hươu vào đoạn kết của cuộc hành trình kì diệu. Biểu cảm gương mặt nơi nhân vật mới sống động và tinh tế làm sao, như thể bạn đang có mặt ở đó với họ, chỉ cần giơ tay ra, bạn sẽ chạm được họ, ôm lấy họ. Bối cảnh câu chuyện không phải là Trung Quốc thời hiện đại, trông những toà nhà, cách mọi người ăn mặc, khung cảnh đường phố thì biết; đây là Trung Quốc trong kí ức của tác giả Guojing.
Con gái tôi mới chỉ hai tuổi vào lần đầu tôi đọc cuốn này cho con. Tuổi ấy con còn quá nhỏ để hiểu được những cảm xúc mạnh. Con chỉ tỏ ra thích thú với những phần tươi sáng. Tuy vậy, khi con lớn hơn và nhận thức phát triển, tôi thấy tình cảm và sự trân trọng của con dành cho cuốn sách ngày một nhiều hơn.
Cả con gái và tôi đều thấy hình ảnh của mình trong câu chuyện. Con tôi làm điều y hệt như nhân vật trong những trang đầu: bám riết lấy tay tôi mỗi sáng, van lơn tôi ở nhà, tự hoá trang bằng cách thử giày và quần áo người lớn, đôi khi còn bôi cả son môi và mĩ phầm, thích chơi đồ chơi và xem truyền hình.
Bởi cuốn sách không có chữ nên khi đọc cho con gái, tôi cho mỗi nhân vật một cái tên. Ví dụ như đứa bé trong truyện sẽ tên là “Emma” (tên tiếng Anh của con gái tôi), chú hươu tên là “Xiaolu 小鹿” (chú nai nhỏ), một người bạn khác tên là “Wangzai 旺仔” (một thương hiệu thức ăn trẻ con nổi tiếng của Đài Loan). Cách mà “Emma” tương giao với “Xiaolu” là một trong những phần yêu thích của con; tôi đoán mò là nó toả ra niềm hạnh phúc hao hao như khi con bé chơi cùng ba. Một lần khi đọc đến đoạn Xiaolu rời đi sau khi Emma thiếp ngủ (để đi tìm ba mẹ cho Emma), con bé bất giác bật khóc, và khóc hoài như vậy không dừng được, còn từ chối nói chuyện với tôi nữa. Tôi giải thích rằng Xiaolu sẽ quay lại sớm thôi để đưa Emma đi gặp lại mẹ; khi đó con bé mới thôi. Sau đó lúc Emma phải nói lời từ biệt thật sự với Xiaolu, con bé lại khóc nữa.
Ngay cả khi thấy Emma ngủ thiếp đi trong bức hình cuối cùng, tay đã nắm lấy chú hươu nhỏ, con tôi vẫn không an tâm. Tôi không hề nghĩ còn nhỏ tuổi như con tôi mà lại có cảm xúc tràn trề đến vậy khi xem truyện. Dẫu sao, điều ấy đã xảy ra. Với một cuốn sách tranh không lời, đứa trẻ có thể tự “đọc” hết bằng cách xem tranh. Đôi lúc, tôi còn khích lệ con kể lại câu chuyện này bằng lời của chính mình.
Dù nhan đề sách là “The only child”, tôi cho rằng sự cô độc và khát khao có cha mẹ, bạn bè cạnh bên không chỉ là nỗi niềm riêng của những đứa con một. Tôi lớn lên trong một đại gia đình với ba mẹ, hai chị lớn, một em trai (ba mẹ và ông bà tôi mòn mỏi trông ngóng có một đứa con trai, và để sinh thêm con đã phải trả phí phạt như nhiều gia đình khác). Cha mẹ tôi bận bịu cả ngày làm việc nuôi gia đình nên có rất ít thời giờ dành cho con. Tôi còn nhớ một buổi chiều nọ, sau khi rời nhà ông bà, tôi cầm chìa khoá trong tay nhưng chẳng biết đi đâu bởi ở nhà chẳng có ai. Ba mẹ đi làm, các chị thì đi học nội trú chỉ về nhà vào cuối tuần, còn em trai thì đang ở nhà bạn. Đi bộ về nhà, lòng tôi ngập trong nỗi cô đơn và cảm giác mình không thuộc về đâu cả.”

(https://chinesebooksforyoungreaders.wordpress.com/...) 

Post a Comment

0 Comments