Robert Louis Stevenson: ngôi đền thiêng của tuổi thơ vẫn còn đó


Ảnh minh hoạ của hoạ sĩ Jessie Willcox Smith cho ấn phẩm phát hành năm 1905 
(Nguồn ảnh tại đây)

“Vườn Thơ của Một Đứa Trẻ” là tập thơ do Robert Louis Stevenson sáng tác khi ông 35 tuổi, xuất bản năm 1885. Tập thơ đã được tái bản nhiều lần, được xem là một trong những tác phẩm thiếu nhi có ảnh hưởng nhất của thế kỉ 19. Stevenson đã hoá thân vào đứa bé con của ngày xưa để kể lại tuổi thơ mình. Ý thơ có sức hấp dẫn vượt thời gian, được bao bọc trong bầu không khí của thời kì Victorian với khu vườn biệt lập và người nhũ mẫu trông nom riêng mình cậu.

Trong 65 bài thơ, ông đã viết về những điều đứa trẻ trong mình từng mơ, những tuyệt diệu vời vợi của riêng mình. Trong bài “Xứ Êm”, ông viết về những món đồ chơi trên giường, và đoàn lính băng qua những ngọn đồi “chập chùng chăn gối”, bồng bềnh nơi “biển cả ga giường”. Những bài thơ được yêu mến nhất có thể kể đến như “Những miền đất lạ”, “Người thắp đèn”, “Giờ đi ngủ mùa hè”, “Bóng của tôi”, “Xích đu”. 

Stevenson có một tuổi thơ đặc biệt. Ông sinh năm 1850 với thể trạng ốm yếu, trong cái lạnh giá và ẩm ướt của thành phố Edinburgh, Scotland. Ông là con một trong gia đình, có bố là một kĩ sư ưu tú. Vấn đề sức khoẻ cứ bám riết lấy ông từ khi sinh đến khi lìa đời, nhưng không vì nó mà ông có tính thụ động hay ỷ lại. Ngày nhỏ dù thể chất yếu ớt, khoảng thời gian dưỡng bệnh không được đi đây đó đã buộc Stevenson phải rèn luyện trí tưởng tượng. Khoảng thời gian náo nhiệt nhất tuổi thơ ông là khi chơi cùng anh em họ trong các kì nghỉ hè ở Colinton. 

Trong bài phỏng vấn Belle Strong, con gái của Stevenson, ông hiện ra như một đứa trẻ kể cả khi đã già. Bà kể lại buổi chiều ngay trước khi ông qua đời: “Sau bữa trưa, tôi tiếp tục công việc viết thư, còn con trai tôi khi ấy 10 tuổi, đang chơi với ông nó (là Stevenson). Tôi nghe thấy tiếng la hét, cười đùa, chạy lên chạy xuống cầu thang, rượt đuổi nhau. Austin xông vào phòng tôi nói: “Ông Louis bảo mẹ hãy đến chơi cùng”. Nhưng tôi bảo: “Viết xong thư mẹ sẽ đi” nhưng tôi không đi. Việc ấy, tôi sẽ còn hối hận đến chết…” Đến buổi tối, sức khoẻ của Stevenson bỗng trở nên trầm trọng. Khi đến bàn ăn tối, Belle nhìn thấy người thân trong gia đình đang đứng thành vòng tròn quanh Stevenson, vòng tròn bên ngoài là 3-4 người hầu cận đang quì xuống trong tư thế Samoran thành kính, chờ đợi lệnh. Mẹ bà gọi bà lại và nói: “Bảo Lloyd gọi bác sĩ. Louis đang hấp hối.” 

Bằng việc viết thơ, Stevenson lấy lại kho báu đã từng thuộc về mình. Những bài thơ trong Vườn Thơ của Một Đứa Trẻ vang lên nỗi nhớ tuổi thơ và khao khát được quay lại khoảng thời gian thiên đường ấy. Như những người đương thời, Stevenson xem mình như kẻ tha hương, kẻ đã phải lìa xa thời thơ ấu cùng mảnh đất quê hương. Và cũng như họ, ông tha thiết được trở về, để nối lại những gì đã đứt đoạn giữa quá khứ và tương lai, để thấy lại khoảng trời quê hương và mái nhà xưa. Thường cảm thấy mất mát và kẹt lại giữa cái thực đang diễn ra và cái trong kí ức, ông đã để ngòi bút viết về chốn xưa như một nỗ lực để chạm đến nó. Ông huyễn hoặc rằng mình vẫn có thể sống tiếp quãng đời ấy, nơi ngôi đền thiêng của tuổi thơ mãi đứng đó chờ ông dẫu năm tháng trôi qua. 

Có lẽ khi viết thơ, dù một chốc ngắn ngủi thôi, ông đã được ngồi trên con tàu mà đứa bé con trong mình từng du hành, được trở lại với những gì đã vĩnh viễn vắng bóng và dường như không bao giờ hiển lộ lại lần nữa. 

Tập "Vườn Thơ của Một Đứa Trẻ" vừa được Crabit và NXB Hà Nội chính thức ra mắt với bản dịch xuất sắc của Nhã Thuyên. Thân mời bạn tìm đọc. 


Nguồn ảnh: Crabit


Bài viết có tham khảo các nguồn sau đây:
https://robert-louis-stevenson.org/?page_id=20552  
https://blogs.loc.gov/loc/2019/02/rare-books-a-childs-garden-of-verses/ 
https://www.jstor.org/stable/40003054 
 




Post a Comment

0 Comments