Marice Sendak: "Tôi đã viết để cứu lấy mình."

Bài viết dưới đây là trích dẫn từ một bài phỏng vấn tác giả Maurice Sendak vào năm 2011 về cuốn sách tranh mới ra vào thời điểm đó, “Bumble-ardy”. Đây là một cuốn sách có bầu không khí u ám, thể hiện những tưởng tượng sâu sắc, gần giống với hai cuốn kinh điển trước đó “Where the Wild Things Are” (Ở nơi quỷ sứ giặc non) và “In the Night Kitchen” (Trong nhà bếp buổi đêm).


Bìa sách "Bumble-ardy" ra mắt vào năm 2011. 
Câu chuyện kể về sự hồn nhiên của trẻ nhỏ và tình yêu không gì lay chuyển được mà người dì dành cho cháu.

Chú heo mồ côi Bumble-ardy lên 9 tuổi rồi mà chưa lần nào được tổ chức sinh nhật. Chú nói với dì Adeline rằng mình muốn mở tiệc, nên dì dự định sẽ làm một bữa tối nhỏ hai dì cháu với nhau. Vậy mà khi dì vắng nhà, Bumble-ardy đã bí mật phang luôn một bữa tiệc hóa trang đình đám. Sự vụ bắt đầu từ đây. 

Dì bảo: “Được rồi ranh con, cháu được bữa tiệc như ý rồi đấy, đừng hòng có lần sau nhé”. Bumble-ardy đáp lời: “Cháu hứa, cháu thề, cháu sẽ không bao giờ lên 10 tuổi nữa.”

Sendak rất thích hai dòng đối thoại đó. Chúng đã gói ghém lại cuộc đời và sự nghiệp của ông: 

“Hai dòng ấy quan trọng với tôi. ‘Cháu sẽ không bao giờ lên 10 nữa’ - câu ấy chạm tôi nhiều, nhưng tôi cũng không vờ rằng mình biết câu ấy thực sự có nghĩa gì đâu. Tôi chỉ thấy vui vì mình đã nghĩ ra nó (câu thoại). Nó đến với tôi tự nhiên: một biểu hiện trọn vẹn của sáng tạo. Có những thứ đến với bạn mà bạn không cần thiết phải hiểu ý nghĩa… Nó đã đến với tôi vừa lúc tôi “chín”, tôi già đi, và tôi muốn tạo ra các tác phẩm đồng điệu với quá trình ấy.” 

Sendak sáng tác Bumble-ardy khi đang chăm sóc cho Eugene Glynn, người bạn đời gắn bó lâu năm và qua đời vì ung thư phổi năm 2007.

Ông nói: “Khi sáng tác Bumble-ardy, tôi có nhận thức mãnh liệt về cái chết”. Rồi ông kể thêm: “Eugene, người bạn và người đồng hành của tôi, đã mất trong căn nhà này khi tôi viết Bumble-ardy. Tôi đã viết để cứu lấy mình. Tôi không muốn chết cùng Eugene. Tôi muốn được sống như bất kì con người nào khác. Nhưng chắc chắn cuốn sách mang theo dư chấn của việc đã xảy ra trong căn nhà… Bumble-ardy là sự hòa trộn của nỗi đau sâu thẳm và cảm giác ngỡ ngàng của việc quay về với một mình mình. Tôi đã mất rất lâu. Thực sự rất lâu.”

Vài nét chính trong cuộc phỏng vấn

Về công việc viết ở thời điểm hiện tại

“Tôi thấy mình đang làm việc vì bản thân. Nếu xuất bản được thì tốt, còn không thì cũng chẳng thay đổi gì. Bởi tôi đã khẳng định rằng thời điểm này là dành cho tôi và chỉ mình tôi thôi. Tôi 83 tuổi rồi.”

“Tôi đang viết bài thơ về một cái mũi. Tôi đã luôn muốn viết bài thơ về một cái mũi. Nhưng đó là một chủ đề kì khôi. Bởi vậy hồi trẻ, tôi sợ phải viết ra những thứ có vẻ vô nghĩa. Nhưng bây giờ tôi không sợ. Tôi không còn gì phải lo. Không còn quan trọng nữa.”

Về ước muốn có con

“Tôi chắc chắn muốn có một đứa con gái hơn. Nếu có con trai, tôi sẽ để nó ở tiệm A&P hoặc chỗ thường lui tới của mấy người đang đi tìm con nuôi, rồi nó sẽ ổn thôi. Một đứa con gái sẽ thấy tôi dễ gần. Một đứa con gái sẽ muốn giúp tôi. Con gái thường phức tạp hơn con trai, cũng như phụ nữ phức tạp hơn đàn ông. Tôi đã sống cả đời mơ ước có một cô con gái.”

Chuyện ông không nói về các phiên trị liệu với người bạn đời sau này, dù đó là một nhà phân tâm học

“Đơn giản là, để làm gì? Làm vậy chỉ khiến người ấy nhọc thêm. Liệu trình của tôi cũng kéo dài lâu rồi. Chuyện tôi là gay cũng không phải thứ tôi quá quan tâm. Chúng tôi đã sống với nhau bằng đó năm, thường du lịch đến những chốn ưa thích ở châu Âu; ở đó chúng tôi đọc cuốn sách mình thích và nghe nhạc.” 

“Một ngày nọ tôi không thể chịu nổi sự kiện 9/11. Tôi chịu không nổi… Buổi tối ngày 9/11, họ chơi bản giao hưởng số 2 của Mahler…. Và tôi ngồi đó khóc như đứa trẻ.”

 Về việc là gay

“Hiểu ra mình là gay khi đã lớn tuổi làm tôi bàng hoàng và thất vọng… Tôi không muốn là gay… Một phần trong tôi cực kì Brooklyn và cực kì bảo thủ, tôi biết. Tôi không thể chối bỏ phần ấy. Nó trong gene của tôi. Đó là con người tôi.”

Về cuộc đời mình

“Tôi nào có gì ngoài sự trân trọng cho cuộc đời mình từng sống qua. Tôi không buồn. Tôi chỉ khóc nhiều vì tôi nhớ mọi người. Họ đã chết và tôi không ngăn được. Họ rời bỏ tôi và tôi thương họ nhiều hơn… Điều tôi nghĩ đến mà sợ là sự cô độc. Có rất nhiều thứ đẹp đẽ trên thế giới mà tôi phải chia lìa khi mình chết, nhưng tôi sẵn lòng, tôi sẵn lòng, sẵn lòng...”

_____

Bài viết gốc:  https://www.npr.org/2011/12/29/144077273/maurice-sendak-on-life-death-and-childrens-lit?fbclid=IwAR3sjEQubePS1FrGpbr7s_GeWMSgwbBpsyF_lBJ-QzPLUNtHZx6_twi2_Lk  
 

Post a Comment

0 Comments