![]() |
Tuyển tập "Thơ cho tuổi thơ" của NXB Kim Đồng |
Thơ dễ dàng đi vào trái tim em nhỏ bởi thơ là tiếng nói hồn nhiên của tâm hồn. Với thơ thiếu nhi, hiện có nhiều quan niệm khác nhau mà bật lên là “thơ thiếu nhi thì phải gieo vần”. Thông qua bài viết này, Đủng Đỉnh Đọc muốn chia sẻ một chút cảm nghĩ, hiểu biết của mình về thơ thiếu nhi, mong rằng mang đến thêm một góc nhìn cho độc giả. Việc hiểu đúng về thơ thiếu nhi là nhu cầu của tất cả những ai quan tâm đến trẻ nhỏ, bởi ai cũng muốn thơ thiếu nhi nói riêng, văn học thiếu nhi nói chung càng ngày càng lôi cuốn các em hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay: văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át.
Vì sao thơ gieo vần lại phổ biến?
Hầu hết các bài thơ chúng ta thuộc lòng đều là từ sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học, nhắc đến hẳn 8X, 9X nào cũng phải có ấn tượng như: Làm anh (Phan Thị Thanh Nhàn), Lượm (Tố Hữu), Trăng ơi… từ đâu đến, Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa), Nói với em (Vũ Quần Phương), v.v. Phần lớn các bài thơ này đều gieo vần, áp dụng luật bằng trắc của thể thơ, nên khi ngân lên nghe như một bài hát có nốt trầm nốt bổng, âm sắc thú vị nên dễ dàng thuộc làu.
“Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…”
(Lượm – Tố Hữu)
Bên cạnh đó, tâm hồn người Việt lớn lên với những áng thơ lục bát trong lời ru, ca dao, thành ngữ. Trong một cặp dòng lục và bát có sự phân bố thanh điệu, hiệp vần, ngắt nhịp một cách hài hòa, cùng luật viết thơ đã được hoàn chỉnh theo tiến trình phát triển ngôn ngữ của văn học bình dân. Đó là lý do vì sao khi ngân lên, câu thơ lục bát nào cũng có thể trở thành bài hát ru con.
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”
(Ca dao)
Có lẽ chính vì âm hưởng của thơ lục bát và luật gieo vần khắt khe, cùng trí nhớ về các bài thơ thuộc lòng từ bé làm ta có ấn tượng thơ thiếu nhi thì phải vần, hoặc nghĩ rằng đây là yếu tố tiên quyết làm nên một bài thơ hay.
Tiêu chí chọn thơ cho thiếu nhi
Nếu như vậy, có phải tất tần tật thơ cho thiếu nhi đều cần phải có vần chăng? Nhà văn Võ Quảng từng nói “Nội dung của văn học thiếu nhi […] phải được thể hiện thế nào cho phù hợp với “đôi mắt” và “con tim” của mỗi lứa tuổi”.
Đủng Đỉnh Đọc tạm chia ra hai nhóm độc giả.
1. Trẻ từ 2 – 7 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ đi từ giai đoạn bắt đầu học ngôn ngữ đến khi hoàn thiện kĩ năng ngôn ngữ. Giai đoạn hoàn thiện thường kết thúc vào lớp 2. Đây là giai đoạn trẻ chơi với từ và âm thanh, lời thơ cần đi vào tâm trí trẻ càng tự nhiên càng tốt. Đặc biệt, trẻ không học thơ qua việc đọc mà qua việc nghe và lặp lại nhiều hơn, vì vậy tính vần điệu và nhạc điệu vô cùng quan trọng. Thơ cho lứa tuổi này thường ngắn gọn, có nhịp và có vần, rất gần với bài đồng dao, bài vè, trò chơi vui nhộn. Chính các bài thơ làm cho ngôn ngữ trở nên sống động, bởi nó tái hiện thế giới xung quanh bằng âm sắc trầm bổng. Dưới đây là hai bài thơ của Phan Trung Hiếu rất phù hợp với trẻ ở lứa tuổi này.
Nào chim, nào bướm
Nào lá, nào hoa
Ta cùng cất tiếng
Lá là lá la
hay như trong bài “Bão”:
Chắc bão có chân
Mới hay chạy nhảy
Vừa xô cây ấy
Đã rung cành này
Chắc bão có tay
Móng dài vuốt sắc
Vườn nhà xơ xác
Bão cào đó thôi
Thơ của độ tuổi này thường có vốn từ vựng đơn giản nhưng được vận dụng sáng tạo, mang sắc thái vui vẻ, nghịch ngợm, phản ánh hiện thực theo cách nhìn, cách nghĩ của trẻ. Tiêu biểu có thể kể đến là Hay hát đồng dao (Nguyễn Lãm Thắng), Mèo con đi học (Phan Thị Vàng Anh), Lời chào đi trước (Nguyễn Hoàng Sơn), Đôi tay mẹ (Võ Quảng), v.v. Các bài thơ này đều có ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đồng thời có nội dung gần gũi như thiên nhiên, các tình huống, sự việc hay gặp hằng ngày, nhưng hiện lên rất hồn nhiên, dí dỏm, tinh nghịch.
2. Trẻ từ 8 – 11 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ đã có vốn ngôn ngữ hoàn chỉnh, bắt đầu biết vận dụng ngôn ngữ thành thạo, có thể hiểu được các ẩn dụ đơn giản. Đây là lúc trẻ có khát khao thấu hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh mình. Do vậy, thơ cho độ tuổi này thường có chủ đề phức tạp hơn, câu thơ và bài thơ dài hơn, tính vần điệu không còn quan trọng bằng chủ đề của bài thơ. Brooke Vitale, một chuyên gia về sách tranh, đã chia sẻ rằng: “Ý tưởng càng phức tạp, thì càng khó để truyền tải trong vài câu thơ vần điệu. Các chủ đề sâu hoặc cảm xúc mãnh liệt thường đòi hỏi sự giải nghĩa tường tận. Do vậy, việc câu nệ vào kiểu thơ có vần điệu có thể “bóp nghẹt” các ý tưởng sâu sắc hoặc mang nhiều lớp nghĩa.”
Một số bài thơ tiêu biểu cho độ tuổi này là Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông), Tiếng vọng (Nguyễn Quang Thiều), Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ) v.v. Ở các bài thơ này, luật gieo vần được nới lỏng, thay vào đó tính nhạc lại tạo nên từ việc khéo léo sử dụng thanh bằng trắc; với nhiều bài, chính thanh bằng trắc lại tạo nên “bầu không khí” cho bài thơ:
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
(Những cánh buồm – Hoàng Trung Thông)
Có thể thấy các danh từ và tính từ song song trong các cặp câu tạo nên nhịp thơ. Nhịp thơ không cố định mà phải cảm nhận qua từ ngữ. Việc vận dung thanh bằng trắc trong cặp tính từ đối nhau như “lênh khênh” và “chắc nịch”, “rả rích” và “càng trong” là sự tinh ý của tác giả trong việc sử dụng từ ngữ vừa tượng thanh, vừa tượng hình; chúng đồng thời lại có nét đối nghịch nhau, tăng sức gợi của các hình ảnh trong thơ.
Với bài thơ "Trời xanh của mỗi người" của Xuân Quỳnh, bầu trời không còn thuần túy là khoảng không vật lý, mà trở thành khoảng không kí ức trong tâm hồn của bà, của mẹ, của bố: dấu ấn chiến tranh không bao giờ mờ phai dù năm tháng trôi qua. Trong khi đó, vùng kí ức của em còn đang thành hình, trong trẻo thiện lành:
Trời xanh của riêng em
Em chưa nhìn thấy hết
Dài và rộng đến đâu
Ai bảo giùm em biết?
Dài và rộng đến đâu
Lớn rồi em sẽ biết.
Bài thơ này phù hợp với lứa tuổi lớp 4, lớp 5, khi các em đã dần có nhận thức sơ khởi về thế giới tâm hồn, về khoảng trời bên trong mỗi người. Qua bài thơ này, em nhận ra sự khác biệt giữa tâm hồn người lớn vốn trải qua nhiều thăng trầm, và tâm hồn trẻ nít trong veo không tì vết.
Tiếp theo là bài thơ "Kho báu của tôi" của tác giả Robert Louis Stevenson do Nhã Thuyên dịch, với khổ thơ đầu như sau:
Những hạt quả này, sau ổ rơm thơm, tôi giấu kỹ,
Nơi đội lính chì đang nằm khểnh nghỉ ngơi,
Mùa thu ấy, ngoại cùng tôi lượm hạt,
Trong khu rừng rìa biển có một cái giếng khơi
Có thể thấy mỗi câu thơ lại có số chữ khác nhau: câu 1 - 11 chữ, câu 2 - 9 chữ, câu 3 - 8 chữ, câu 4 - 10 chữ. Đây là bài thuộc thể thơ tự do, vốn không phổ biến trong dòng thơ thiếu nhi Việt Nam. Thể thơ tự do sẽ rất thích hợp với các bạn nhỏ đã vững về ngôn ngữ và nhịp điệu; khi đó, các bạn có thể thoải mái tận hưởng ý thơ và sự ngẫu hứng thú vị trong từng dòng thơ, không dòng nào giống dòng nào. Bên cạnh đó, nội dung bài này rất phù hợp với trẻ từ lớp 3 trở lên: các em đã có nhận thức ban đầu về cái tôi riêng biệt, phân biệt cái gì là "của tôi" và "của bạn", tìm thấy niềm sung sướng trong sự sở hữu riêng một sự vật nào đó.
Như vậy, với lứa tuổi này, nội dung của bài thơ là vô cùng quan trọng. Nội dung thơ cần diễn tả cuộc sống với chiều sâu vừa đủ, vừa mang theo cảm xúc ban sơ mà trẻ cảm nhận ở lứa tuổi này, vừa gói ghém chúng trong lớp ngôn từ tinh tế, đa dạng. Cách diễn đạt có phần tự do, phóng khoáng hơn, cho tác giả không gian để biểu đạt các hình ảnh, ý thơ. Nhờ đó mà trẻ được thâm nhập vào chiều sâu cuộc sống một cách tự nhiên, hài hòa, để lại những dư âm đẹp trong tâm hồn các em.
Kết
Việc chia theo nhóm tuổi như trên chỉ là một gợi ý của Đủng Đỉnh Đọc. Quan trọng nhất là cha mẹ, thầy cô cần tự đọc và cảm nhận bài thơ, xem nó mang lại cho mình cảm giác và bầu không khí ra sao, điều nhắn nhủ của bài thơ ấy là gì... Lúc ấy, mỗi người sẽ tự suy xét được bài thơ nào là phù hợp nhất cho con. Với thơ ca, vốn dĩ không khuôn mẫu nào có thể giúp xác định tuyệt đối một bài thơ là phù hợp hay không phù hợp với trẻ, mà phải thông qua chính trải nghiệm đọc thơ cùng con của cha mẹ.
Bài viết của Đủng Đỉnh Đọc có tham khảo các nguồn dưới đây:
https://thewritepractice.com/making-a-rhyme/
https://www.jstor.org/stable/20204675
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/dao-tao/2020_12/le-thi-que.pdf
0 Comments