Lịch sử về thư viện lưu động: Những chiếc xe chở sách vẫn tiếp tục lăn bánh trên khắp thế giới

Hàng năm, Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) đều tài trợ cho Tuần lễ Thư viện Quốc gia và bày tỏ sự trân quý đến những thư viện lưu động và các thủ thư phụ trách chúng thông qua một ngày đặc biệt dành riêng cho họ - Ngày 6/4. Được kỷ niệm lần đầu vào năm 2010, Phòng Nâng cao Sự đa dạng, Năng lực đọc hiểu và Dịch vụ Tiếp cận hỗ trợ (ODLOS) của ALA, Hiệp hội Thư viện lưu động và Dịch vụ Tiếp cận hỗ trợ (ABOS) và Hiệp hội các Thư viện nhỏ khu vực nông thôn (ARSL) cùng tổ chức Ngày Thư viện lưu động Quốc gia. Gần đây họ đã điều chỉnh: Ngày Hỗ trợ Thư viện Quốc gia “tôn vinh các hoạt động tiếp cận hỗ trợ thư viện và các chuyên gia thư viện tận tâm đã mang sách đến nơi mà các độc giả của họ đang sinh sống.”



Năm nay, các hoạt động kỷ niệm diễn ra vào ngày 6/4/2022. ALA chia sẻ: “Các thư viện lưu động và những dịch vụ hỗ trợ phân phát sách trực tiếp khác đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng tâm, thiết yếu trong các thư viện trên khắp quốc gia. Trong hơn 100 năm qua, thư viện lưu động đã phục vụ các khu vực bộ tộc, ngoại ô, thành thị và nông thôn, mang cơ hội tiếp cận với thông tin và các nguồn tài nguyên học tập suốt đời đến mọi tầng lớp và cộng đồng.”


Nguồn ảnh: @lacountylibrary


Năm 1859, một chiếc xe kéo được gọi là Thư viện Perambulating – một trong những thư viện lưu động đầu tiên được ghi nhận, đã lăn bánh trên các con đường ở Warrington, nước Anh. Năm 1905, các thư viện lưu động đã đến Mỹ. Thư viện lưu động đầu tiên được ghi nhận xuất hiện ở Maryland. Với khoảng 50% dân số của quận Washington cư trú ở các vùng hẻo lánh bên ngoài Hagerstown, thủ thư Mary Lemist Titcomb với quyết tâm “phục vụ toàn quận” đã thiết kế thư viện lưu động đầu tiên: một chiếc xe kéo bởi hai chú ngựa Black Beauty và Dandy. Với các kệ sách bên ngoài, chiếc xe có thể chở theo khoảng 200 cuốn sách.

Năm 1912, Quận Washington có thư viện lưu động chạy bằng động cơ đầu tiên. Sharlee Glenn – Tác giả của Thư viện trên những bánh xe: Mary Lemist Titcomb và thư viện lưu động đầu tiên của Mỹ, gọi những năm 1960 và 1970 này là “thời kỳ huy hoàng” của các thư viện lưu động. Glenn nói rằng ít nhất 2000 thư viện lưu động hoạt động trên khắp nước Mỹ.

Suốt những năm 1960, W. Ralph Eubanks – Tác giả của cuốn sách mới nhất Một nơi như Mississippi: Hành trình xuyên qua những cảnh sắc trong văn học tưởng tượng và đời thực, nhớ về những thư viện lưu động từng dừng lại trên đường phố nơi anh sống ở miền bắc Mississippi: “Các thủ thư chẳng màn đến việc tôi đi chân đất và mặc một chiếc quần cộc rách tươm. Tất cả những gì họ quan tâm là tôi muốn đọc sách và việc giúp tôi tìm thấy cuốn sách nào đó mà tôi sẽ thích đọc.” Một mùa hè nọ, Eubanks, lúc ấy mới 11 tuổi, phát hiện ra William Faulkner trên kệ sách. Từng cái lật giở những trang sách Bọn đạo chích đánh dấu lần đầu tiên ông đọc sách của một tác giả đến từ Mississippi. Đối với những cậu nhóc như Eubanks, việc đọc cuốn tiểu thuyết này là “dấu hiệu đầu tiên cho thấy ai đó đến từ thế giới của tôi cũng có thể trở thành một nhà văn.”

Trên khắp bang Washington những năm 1960, Storm Reyes lớn lên trong những trại lao động của dân nhập cư. Cậu bé 12 tuổi chưa từng có một cuốn sách nào này bước đến thư viện lưu động lần đầu tiên với đầy sự hoài nghi và rời đi với một chồng sách trên tay, “ngấu nghiến chúng”, và trở lại sau 2 tuần. Reyes nói rằng, khi 15 tuổi, “tôi đã đọc về những người giống và không giống mình. Tôi đã thấy thế giới thay đổi dữ dội thế nào, và nó cho tôi dũng khí để rời đi.” Reyes sau đó trở thành một thủ thư của Quận Pierce và làm việc ở đó hơn 30 năm qua.

Vào những năm 1990, thư viện lưu động trải qua một “thời kỳ huy hoàng” nữa. Năm 1991, 1125 thư viện lưu động được ghi nhận ở Hoa Kỳ. Con số này giảm cho đến năm 2015, với mức thấp là 647 thư viện lưu động. Theo báo cáo từ Khảo sát Thư viện Công cộng năm 2019 do Viện Bảo tàng và Dịch vụ thư viện thực hiện, khoảng 6% thư viện công cộng vận hành “một hoặc nhiều hơn” thư viện lưu động, và 671 thư viện lưu động cung cấp các dịch vụ thư viện trên khắp Hoa Kỳ. Với sự xuất hiện ngày một tăng, liệu đây có phải là tín hiệu, như đã được dự đoán ở những nơi khác, về một “thời kỳ phục hưng”?

Suốt nhiều thập kỷ, Kentucky liên tục là bang có nhiều thư viện lưu động nhất. Ở miền đông Kentucky, thủ thư Sandra Hennessee - người bắt đầu lái các xe chở sách lưu động từ năm 1995, vận chuyển sách đến các trung tâm chăm sóc trẻ em, các trường mầm non, các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt và các nông trại. Thư viện lưu động của Thư viện Công cộng Quận Graves cũng kết nối với người dân nông thôn bằng Internet tốc độ cao. Năm 2017, hàng tháng Hennessee giao khoảng 1600 cuốn sách, chiếm gần ¼ số sách được mượn của thư viện quận.

Ngoài việc xếp sách đầy các kệ - chỉ việc này thôi cũng thật tuyệt vời, một vài thư viện lưu động còn có cả DVD, trò chơi, tạp chí và âm nhạc. Bạn còn có thể yêu cầu đặt một số tựa sách cụ thể, kết nối Internet, sử dụng công nghệ và tìm thấy nhiều thứ khác ở một vài thư viện lưu động.

Nguồn ảnh: @cobbookmobile


Khi ai đó nghĩ về thư viện lưu động, họ thường nghĩ ngay đến những hình thức phổ biến nhất của chúng như: xe buýt, xe tải và xe van con, nhưng thực tế các thư viện lưu động ngược xuôi khắp thế giới theo nhiều kiểu khác nhau. Khi Roshan của dự án Thư viện Lạc đà ghé thăm các ngôi làng ở Pakistan, các bạn nhỏ ở đó reo lên: “Lạc đà kìa!”. Ở Thụy Điển, bokbåten – thư viện nổi của Stockholm, chở khoảng 3000 cuốn sách cùng nhiều thủ thư. Được thành lập năm 1953, chiếc thuyền này đã du hành đến 23 hòn đảo khác nhau. Từ năm 1997, Luis Soriano – một cựu giáo viên từ La Gloria, đã đến vùng quê Colombia bằng những chú lừa để mang sách cho học sinh. Với những giá sách treo trên yên ngựa của Alfa và Beto, thư viện “Biblioburro” đã phát triển từ 70 đến hơn 7000 cuốn sách và từ 1 đến gần 20 thư viện lưu động. Sau khi biết tất cả những thư viện lưu động này đều khả thi, giờ đây tôi đang mơ mộng về một chiếc xe trượt tuyết thơ ca do những chú kỳ lân kéo đi.

Nguồn ảnh: @thecolombiacollective


Một ví dụ thú vị cho thấy cách các thư viện lưu động đã không ngừng phát triển là Thư viện lưu động Kỹ thuật số của OverDrive. Là một dịch vụ miễn phí dành cho các đối tác trường học và thư viện của họ ở Mỹ và Canada, Thư viện lưu động Kỹ thuật số chỉ cho độc giả ở mọi lứa tuổi cách truy cập và tìm thấy các bộ sưu tập sách kỹ thuật số trong thư viện của họ.

Ngày nay, thư viện không phải là nơi duy nhất quản lý các xe chở sách lưu động. Ở Crozet, Virginia, Flannery Buchanan vận hành Bluebird Bookstop – một tiệm sách di động do phụ nữ làm chủ, được thiết kế lại từ một “chiếc xe cắm trại cổ điển” dễ thương. Năm 2015, OlaRonke Akinmowo thành lập Thư viện miễn phí cho phụ nữ da đen. Lưu động nhưng đặt tại Brooklyn, “dự án nghệ thuật xã hội, nơi tương tác và sưu tập sách tôn vinh trí tưởng tượng, sự đa dạng và trí thông minh của các nhà văn nữ da đen” này có đến 5000 cuốn sách của phụ nữ da đen.

Nếu bạn cảm thấy hứng thú với thư viện lưu động và hy vọng có thể bắt đầu một cái của riêng mìng, bạn cần có 200.000 đô la, theo tính toán của ABOS. Trong cuốn Làm thế nào để bắt đầu một thư viện lưu động, Emily Stochl trò chuyện với Hilary Atleo của Iron Dog Books. Lấy cảm hứng từ sự phổ biến của các xe bán đồ ăn, Atleo thành lập một tiệm sách lưu động do người bản xứ làm chủ ở Vancouver, nơi cô bán cả sách mới lẫn sách đã qua sử dụng cùng với chồng mình, Cliff.

Đừng ngần ngại nhấn vào các liên kết trong bài đăng này để xem các bức ảnh hay ho về những thư viện lưu động mới và cũ. Nếu bạn muốn đọc thêm nữa, hãy xem những bức ảnh lịch sử của các thư viện lưu động ở Hoa Kỳ, các cuốn sách về thư viện lưu động và những thư viện độc đáo trên khắp thế giới

Đọc bài viết gốc tại đây.
Người dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments