Quentin Blake: “Tôi không bị bó buộc phải khiến người khác cảm thấy vui vẻ.”

Quentin Blake được nhiều người biết đến nhất vì đã thổi hơi thở sống động vào những cuốn sách thiếu nhi của tác giả Roald Dahl và Michael Rosen, nhưng một bộ phim tài liệu gần đây đã hé lộ một khía cạnh khác đáng suy ngẫm hơn của nghề minh họa.

Những bước chân khổng lồ… bìa sách Người khổng lồ thân thiện của NXB Puffin năm 1984. Ảnh: Quentin Blake

Hành trình trở thành quốc bảo của Quentin Blake được thúc đẩy bởi sự nghiệp minh họa 70 năm của ông, trong đó sách thiếu nhi chiếm đa số, và những tác phẩm của một nhà văn đặc biệt. Cách gợi nhớ về thế giới của Roald Dahl đầy đặc trưng và giàu biểu đạt mà Quentin Blake tạo ra là một trong những thành tựu rực rỡ của ngành minh họa cuối thế kỷ 20, nhưng đôi khi nó cũng che khuất những khía cạnh khác của một ngòi bút tài hoa – chứ không chỉ là một người chán ghét và né tránh loài người đến từ ngôi làng Great Missenden.

Bộ phim tài liệu mới đây của BBC – “Quentin Blake: Bức tranh cuộc đời tôi”, cho chúng ta thấy một góc nhìn rộng hơn. Nó mở đầu bằng hình ảnh vị họa sĩ minh họa 89 tuổi đứng đối diện với hơn 9 mét vải canvas trắng trơn và lời mời ông lắp đầy nó bằng một bức vẽ có thể nói lên câu chuyện về cuộc đời sáng tạo của ông. Tiểu sử của ông nhanh chóng được phác họa khái quát bằng những giai đoạn sau: những năm 1930 ông lớn lên ở ngoại ô Sidcup, phía đông-nam Luân Đôn, nơi Blake lần đầu tiên có tranh minh họa được đăng trên tạp chí Punch khi vẫn còn đi học; quyết định học Ngôn ngữ Anh tại Cambridge thay vì theo học tại trường nghệ thuật của ông; sự nghiệp minh họa luôn được săn đón ở độ tuổi 60 của ông (những chiếc bìa áo mà ông vẽ cho các cuốn sách như Lucky Jim của Kingsley Amis trông có vẻ nham nhở nhưng vẫn cuốn hút kỳ lạ); và là một tác giả, ông sáng tác cuốn sách Một ngụm nước cùng với John Yeoman - người bạn và cộng sự lâu năm của ông.

Mối liên kết giữa Blake với văn học thiếu nhi thực sự trở nên chặt chẽ từ những năm 1970 và BBC đã “khai quật” được một vài video của giai đoạn đáng nhớ khi Blake mới bước chân vào văn học thiếu nhi. Lúc ấy, ông mặc những chiếc sơ mi cổ rộng và tóc mài bù xù trong lúc vẽ tranh trên sóng các chương trình cho trẻ em như Jackanory. Một loạt những chuyên gia như David Walliams, Lauren Child và Michael Rosen mổ xẻ những điều chúng ta có thể xem là đặc điểm của Blake như: sức hút của ông nhờ tính cách dị hợm, tinh quái và bất trị; lòng thấu cảm sâu sắc, và sự thấu hiểu các nhân vật theo một lối không giống thông thường – bất kể đó là con người hay động vật.

“Tôi nghĩ rằng sách sẽ đưa mọi người đi thật xa”, ông nói, “không chỉ đến những nơi chốn nào đó, mà còn để trải nghiệm cách người khác cảm nhận, cách họ sống và đối mặt. Đó là cách để chúng ta có thể sống nhiều hơn một cuộc đời.”


Nhiều yêu cầu công việc khiến Blake ngày càng rời xa khỏi sách thiếu nhi. Ông từng làm việc một thời gian dài với nước Pháp – nơi ông được trao giải the Légion d’honneur, và đã vẽ bức tranh Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà và Candide của Voltaire. Ông cũng vẽ tranh cho những trung tâm phụ sản và ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống thường nhật theo hướng phá cách (giặt giũ, tản bộ trong mưa) cho một khoa chữa trị chứng rối ăn uống, nhằm giúp các bệnh nhân có một cái nhìn thoáng qua về sự bình thường và ổn định. Triển lãm “Chúng ta đang sống trong thời đại lo âu” mở cửa chỉ một ngày trước lệnh phong tỏa vào năm ngoái (“Đột nhiên tên triển lãm trở nên cực kỳ hợp lý”). Trong triển lãm, Blake “muốn làm một điều gì đó để phản chiếu những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta đã đọc suốt về chúng”. Ông còn nói thêm rằng ông đã tìm thấy nhiều thứ từ dự án “mà trước đây tôi chưa từng thấy. Tôi cho rằng một phần do tuổi tác, cũng như mọi thứ khác”. Ông cho biết thêm: “Tôi không bị bó buộc phải khiến người khác cảm thấy vui vẻ.”

Cũng không phải Blake nghĩ rằng đây sẽ quyết định cuối cùng của mình. Ông nhớ lại khi thực hiện bức tranh tự họa bản thân: “Từ lúc này tôi sẽ áp dụng những nguyên tắc của giai đoạn bán nghỉ hưu và sẽ còn nhiều lần tôi phải nói không.” “Đó là năm 1998”, ông nói, “và tôi vẫn chưa ngừng lại kể từ lúc đó.”

Tiến trình của Blake: từ người khổng lồ thân thiện (BFG) đến bồn sinh dưới nước
Người khổng lồ thân thiện (BFG) của Roald Dahl, 1984 (Bức tranh ở đầu bài)

Trong một bữa ăn tối, Dahl và Blake thảo luận các chi tiết trong trang phục của BFG: tạp dề, giày bốt, thắt lưng và mũ. Họ đồng ý kiến về mọi thứ trừ khoản giày dép, rồi Blake đi về nhà. Chẳng lâu sau đó, một thùng hàng được gửi tới nhà ông, trong đó là một trong những đôi sandal của Dahl. “Tôi nghĩ rằng chúng có xuất xứ từ Na-uy”, Blake nói, “tôi chưa từng thấy chúng ở đâu khác. Và nơi đó là cũng chính là quê của Dahl. Đó là đôi sandal mà BFG mang.”

Âm nhạc xung quanh ta… một bản phác thảo hoặc tranh tường của Blake tại trung tâm sức khỏe tâm thần dành cho bệnh nhân cao tuổi. Minh họa: Quentin Blake

Tranh tường trong quận Kershaw, tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Kensington & Chelsea, Luân Đôn, 2006

“Bức tranh cuộc đời tôi” lôi cuốn sự chú ý của người xem tới các công trình tại các bệnh viện của Blake, trong đó bao gồm một loạt những bức tranh tường cho một trung tâm chăm sóc người cao tuổi mắc những vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong những bức tranh ấy, con người với đầy sự phấn khởi, vui tươi ngồi vắt vẻo trên cây và chơi đủ loại nhạc cụ, hoặc đu người đung đưa từ các cành cây. “Họ động viên chúng ta làm những điều mà chúng ta thường không làm,” một bác sĩ chia sẻ.

Đứa bé của tôi… Bức tranh của Blake trên một bồn sinh dưới nước tại một trung tâm phụ sản. Minh họa: Quentin Blake.


Tranh vẽ cho các phòng đẻ tại Trung tâm Sinh sản Rosie, Cambridge, 2012

Bức tranh về người mẹ và em bé nằm trong bể nước này được vẽ trên tường của bồn sinh nở. Một nữ hộ sinh tại trung tâm, Susan Prytherch, cho biết rằng Blake đã nắm bắt chính xác cách mà những người phụ nữ mới trở thành mẹ “ngắm nhìn thật lâu” trước khi chạm vào đứa con bé bỏng của họ: “Chúng tôi nhìn thấy những cái nhìn như vậy mọi lúc.”

Vẽ cho Michael… tranh minh họa của Blake trong cuốn sách Những đôi chân cứng cỏi của Michael Rosen. Ảnh: Zeutschel Omniscan 11/Quentin Blake


Từ Những đôi chân cứng cỏi của Michael Rosen, 1987

Blake bắt đầu làm việc với Rosen vào giữa những năm 70 và họ đã cộng tác từ đó. Hồi ấy “ý tưởng viết về thời thơ ấu theo kiểu đầy huyên náo, tràn trề sức sống và ầm ĩ vẫn còn khá mới mẻ”, Rosen nhớ lại. “Tôi rất thích sự nghịch ngợm và Quentin nắm bắt được đúng chỗ đó.”

Người dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments