Những điều cần biết khi chúng ta giới thiệu sách cho người khác

Minh họa: Kelsey Garrity-Riley


Nếu bạn là một người thích đọc sách, hẳn bạn đã từng được bạn bè nhờ giới thiệu vài đầu sách. Thành thật mà nói thì với mọt sách như chúng ta, không có gì hạnh phúc hơn việc đó. Bởi nó có nghĩa là những người bạn này tin vào đánh giá về sách của chúng ta! Và còn tuyệt hơn nữa nếu những người bạn đó vừa mới bắt đầu đọc sách, vì chúng ta chính là người sẽ đưa họ đến với niềm vui bất tận của việc đọc.

Tuy nhiên, việc này cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy vô cùng áp lực, căng thẳng. Chẳng may họ không thích cuốn sách chúng ta giới thiệu thì sao? Chẳng may họ nghĩ rằng chúng ta là một người đánh giá sách dở tệ thì sao? Và tệ nhất, chẳng may những lời giới thiệu của chúng ta khiến họ vĩnh viễn tránh xa khỏi việc đọc thì sao? Mặc dù những điều này có thể chẳng bao giờ xảy ra nhưng chắc chắn chúng ta đều có thể cảm thấy lo lắng như vậy, đặc biệt là nếu trước giờ chúng ta chưa từng có cơ hội để giới thiệu sách cho người khác.

Nếu bạn rơi vào tình huống phải giới thiệu sách cho ai đó, đây là phương pháp tôi đã áp dụng thành công nhiều lần. Phương pháp này sẽ hiệu quả nhất trong trường hợp bạn và người kia đã quen biết nhau, còn nếu không, miễn là bạn sẵn lòng đặt câu hỏi để tìm hiểu những thứ họ thích, phương pháp này sẽ luôn hỗ trợ bạn đắc lực!

Một điều cần lưu ý nữa là bạn khó mà nhớ hết tất cả số sách mình đã đọc nếu bạn là một mọt sách chính hiệu. Nếu bạn có danh sách những cuốn sách mình đã đọc, đừng ngại xem lại nó để khơi lại ký ức! Còn nếu bạn chưa từng làm danh sách kiểu này bao giờ, giờ là lúc để bạn bắt đầu đấy.

ĐỪNG CHỈ GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH YÊU THÍCH CỦA MÌNH

Tôi có thể hiểu cho sự thôi thúc liệt kê ra top những cuốn sách yêu thích nhất mọi thời đại của bạn, nhưng hãy kiềm chế lại một chút đã. Trước khi lao vào giới thiệu tất cả những cuốn sách chúng ta đánh giá 5 sao, hãy dành ra 1 phút để xem xét liệu chúng có thực sự là những cuốn sách mà người kia sẽ muốn đọc hay không. Chúng ta thích nó không đồng nghĩa với việc người khác cũng sẽ thích nó. Họ có thể thích nó! Nhưng hãy đảm bảo rằng chúng ta đã thực sự dành thời gian nghĩ về khẩu vị của người kia trước khi thảy những món yêu thích của mình cho họ.

HỎI VỀ NHỮNG CUỐN SÁCH MÀ LÚC NHỎ HỌ YÊU THÍCH

Chúng ta thường hỏi người khác cuốn sách yêu thích gần đây của họ. Đây là một câu hỏi hay nếu người kia là một độc giả. Còn trường hợp họ đang cố gắng quay trở lại với việc đọc, tôi thấy tốt nhất là chúng ta nên bắt đầu từ nơi họ cảm thấy thân thuộc.

Nhiều người trưởng thành đánh mất tình yêu đọc sách của họ trong suốt những năm tháng đi học, bởi lẽ họ không còn thời gian để đọc chỉ vì niềm vui của bản thân nữa. Khi không còn thói quen đọc nữa, chúng ta sẽ rất vất vả để bắt đầu lại. Nhưng, nếu chúng ta gợi ý những cuốn sách giống với những xê-ri họ từng yêu thích khi còn là các cô nhóc cậu nhóc, việc này sẽ khiến họ nhận ra vẫn còn nhiều cuốn sách thú vị ngoài kia.

ĐỂ HỌ KỂ VỀ NHỮNG ẨN DỤ, THỂ LOẠI HOẶC TÌNH HUỐNG MÀ HỌ YÊU THÍCH

Có thể họ chẳng biết chính xác tên của các phép ẩn dụ, nhưng hãy nhờ họ kể cho mình những chi tiết mà họ yêu thích trong các cuốn sách đã đọc. Điều này giúp chúng ta tìm được những cuốn sách có ẩn dụ hoặc tình huống mà họ có thể sẽ cảm thấy thích thú nhất.

Người ta thường biết chính xác thể loại sách mà họ thích đọc, hay ít nhất là thể loại mà họ đang tìm kiếm. Nếu gặp phải trường hợp này, những gì bạn phải làm có thể cực kỳ dễ dàng, hoặc cực kỳ vất vả. Chẳng hạn, nếu ai đó nhờ tôi giới thiệu sách thể loại khoa học viễn tưởng hoặc kỳ bí, tôi biết hàng ngàn tựa sách để chọn lọc và giới thiệu cho họ. Nhưng nếu họ hỏi tôi về thể loại tình cảm lãng mạn hoặc giật gân kinh dị thì thực sự căng đấy.

Điều này đưa tôi đến với một mẹo nhỏ quan trọng khác: Đừng ngại tra cứu những cuốn sách khác có thể đáp ứng được các tiêu chí chúng ta đang tìm kiếm, nếu không có cuốn nào ta từng đọc thực sự phù hợp để giới thiệu. Chúng ta hoàn toàn có thể giới thiệu những cuốn sách mình chưa đọc! Chỉ cần nhớ nói câu này với họ: “Tớ nghe bảo cuốn này hay lắm! Tớ thì chưa đọc nó nhưng tớ nghĩ nó đúng kiểu mà cậu sẽ thích đấy!”.

ĐƯA RA NHIỀU SỰ LỰA CHỌN KHÁC NHAU

Đừng chỉ giới thiệu cho họ vỏn vẹn mỗi một cuốn. Cố gắng đưa ra ít nhất 3 gợi ý sách để họ có thể tự chọn lựa, hoặc ngẫm nghĩ một chút liệu họ có nên đọc cả 3 cuốn luôn hay không. Và nếu rốt cục họ không muốn đọc hết 1 cuốn nào đó, họ vẫn còn những cuốn khác để thử.

XEM XÉT NHU CẦU CỦA HỌ

Hãy đảm bảo những cuốn sách bạn giới thiệu cho người khác có thể dễ dàng tìm thấy ở hiệu sách, thư viện hoặc có thể đọc trực tuyến. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu cuốn sách đó có nhiều phiên bản, chẳng hạn như sách nói, ebook, hoặc thậm chí phiên bản chuyển thể thành truyện tranh.

Ngoài ra, cũng nên cân nhắc xem liệu người mà bạn giới thiệu có cần ấn bản chữ to hay các yêu cầu khác tương tự để thuận tiện cho việc đọc sách hay không. Nếu có thể, hãy kiểm tra hai lần để đảm bảo những cuốn sách đó dễ đọc so với nhu cầu của người kia trước khi bạn giới thiệu chúng. Hẳn là không ai muốn giới thiệu một cuốn sách mà người ta chẳng thể tìm mua, hay chẳng thể đọc được.

LỜI KẾT

Điều quan trọng nhất cần nhớ là nếu người ta không chọn một trong số những cuốn sách mà chúng ta đã giới thiệu cho họ, chuyện này cũng chẳng phải tại mình đâu. Ai cũng có những dự định không thể hoàn thành được. Những người bạn của chúng ta biết chính xác khi nào họ sẵn sàng cầm lên một cuốn sách và đọc, còn chúng ta thì luôn ở bên họ để sẵn sàng đưa ra những gợi ý sách hay tuyệt.

Được dịch từ bài gốc "The art of book recommendation". 

Người dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments