Các quy tắc phổ quát về một tác phẩm ‘hay’ hoặc ‘dở’ hóa ra là những tàn tích của thuộc địa.
Tôi bắt đầu dạy viết sáng tạo từ năm 2017, và trong suốt thời gian từ đó đến nay, tôi vẫn chiến đấu với một điều mà tôi khó có thể gọi tên. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi mở cuốn sách hướng dẫn cách dạy một môn học, hoặc khi tôi lướt qua giáo án mẫu mà đồng nghiệp cho tôi mượn tham khảo. Tôi nhận thấy một sự thiếu liên kết giữa kinh nghiệm học sáng tác của bản thân với những gì xuất hiện trên các trang giấy này.
Thoạt tiên, tôi phớt lờ nỗi lo của mình, và tiếp tục giảng dạy bằng cuốn sách ấy.
Tôi dựa theo các cuốn sách “Viết như một nhà văn” của Francine Prose, “Giới thiệu của Cambridge về Viết Sáng tạo” của David Morley và “Nghệ thuật viết truyện hư cấu” của John Gardner. Trong các tiết học, chúng tôi thường thảo luận về các yếu tố của nghề viết - quan điểm sáng tác, bố cục, xây dựng nhân vật, hội thoại, hình tượng – và những chỉ dẫn để sử dụng chúng một cách hiệu quả nhằm tạo ra những bài viết “hay”.
Ai tạo ra các quy tắc này?
Chẳng bao lâu sau, một số quy tắc nhất định trở nên vô cùng quen thuộc với chúng ta, chẳng hạn như không lạm dụng tính từ và trạng từ, viết cốt truyện dựa theo tâm lý nhân vật, dám từ bỏ những chi tiết không cần thiết, chỉ viết những gì mình biết, nắm rõ luật trước khi phá vỡ luật. Còn với các buổi hội thảo, tôi thường làm theo cách thức truyền thống là yêu cầu tác giả giữ im lặng trong lúc người khác góp ý và đưa ra lời khuyên cho bài viết của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng chính lúc soạn bài cho một tiết học về “Bộc lộ mà không kể lể lê thê”, một điều gì đó quan trọng cuối cùng cũng bật ra trong đầu tôi. Tôi tự hỏi mình: “Ai đã nói những điều như vậy nhỉ?”.
À, chính là Chekhov.
Liệu có nhà văn nào có thể lãng quên, hay phớt lờ câu châm ngôn nổi tiếng này của ông ấy cơ chứ? “Đừng nói với tôi rằng mặt trăng đang toả sáng, mà hãy cho tôi thấy những tia sáng lấp lánh phản chiếu trên mảnh kính vỡ.” Nói cách khác, hãy cho độc giả thấy câu chuyện và nhân vật liên kết với nhau thông qua các chi tiết và hành động kích thích các giác quan hơn là diễn giải toàn bộ mọi thứ cho họ.
Bạn bè tôi tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật (MFA) ngành Viết Sáng tạo ở Mỹ đều khẳng định rằng những lời khuyên mẫu mực cho một tác giả mới vào nghề là “hãy cứ bộc lộ, diễn tả và tả kỹ vào”, “thể hiện những suy nghĩ hay cảm xúc khó nói một cách cởi mở” và “nơi này hay nhân vật này trông như thế nào?”. Và mặc dù các lời khuyên này không phải không có giá trị, nhưng chắc chắn rằng “Bộc lộ mà không kể lể lê thê” không thể lúc nào cũng là kỹ thuật nghệ thuật hiệu quả nhất, đúng không?
Theo Cecilia Tan trong “Để tôi nói cho bạn hay nhé”, quy tắc này, cũng như các quy tắc khác được giới văn học tán dương (hầu hết là người da trắng, nam giới, người có đặc quyền), được áp dụng dưới một giả định rằng trải nghiệm của họ là “phổ quát”. Sức mạnh để tả, chứ không phải kể, theo cô ấy giải thích, xuất phát từ việc viết cho độc giả với rất nhiều giả định rằng họ cũng sẽ cảm thấy những bố cục và câu chuyện đó “phổ quát” và quen thuộc với tất cả mọi người.
Đối với Namrata Poddar trong “Phải chăng ‘Bộc lộ mà không kể lể lê thê’ là một niềm tin phổ quát hay một tàn tích của chế độ thuộc địa?”, quy tắc này bắt nguồn từ tàn tích của một cấu trúc hạ tầng thuộc địa - nó đã loại trừ các phương thức kể chuyện không phải của phương Tây. Bà tự hỏi phải chăng nước Mỹ của thế kỷ 21 đang quá đề cao cách tiếp cận đặc biệt dựa vào thị giác đối với việc kể chuyện. Bà đặt dấu chấm hỏi rằng điều này có phải là một trường hợp khác của đặc trưng văn hóa được ngụy tạo thành một sở thích chung?
Câu trả lời ngắn gọn là: Chính xác.
Poddar cũng lưu ý rằng người ta thường cho là các phương thức kể chuyện truyền miệng, mang tính cộng đồng phát triển tự nhiên thành các phương thức kể chuyện hiện đại ngày nay, và được người đọc tiêu thụ trong “sự riêng tư” – nhưng điều này thực tế chỉ là cách hiểu phổ quát về lịch sử kể chuyện của phương Tây. Đối với hầu hết các quốc gia không thuộc phương Tây, điều này không đúng.
Còn những truyền thống của mỗi quốc gia thì sao?
Trong nhiều quốc gia từng hoặc đang bị thuộc địa như Nam Á, Châu Phi, Vùng Caribbean, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, truyền thống kể chuyện truyền miệng đầy sống động và phong phú đã tồn tại từ lâu. Truyền thống này đang bị đẩy ra bên lề, thường bằng những cách thô bạo, thông qua việc áp đặt ngôn ngữ và văn hóa phương Tây của người da trắng hiện đại.
Văn học ở những nơi này khác biệt so với cách kể chuyện chính thống của người Mỹ gốc Anh. Đặc trưng của cách kể chuyện này là sự cô đọng khi kể chuyện và trường từ vựng (hãy nghĩ về những cuốn sách hư cấu của New York). Đồng thời, quan trọng là, các tác phẩm văn chương này đảo ngược sự thống trị về mặt thị giác mà chúng ta thường thấy trong nhiều buổi hội thảo sáng tác truyện giả tưởng với tôn chỉ “Bộc lộ mà không kể lể lê thê”.
Từ đây nhiều thứ mở ra.
Theo tôi được biết, chương trình viết sáng tạo là một phát minh của người Mỹ, và gần đây trở thành một món hàng xuất khẩu của Mỹ - không chỉ xuất đến Anh nơi tạo ra những chiếc bằng thạc sĩ viết sáng tạo đầu tiên vào năm 1970, mà còn xuất đến những nơi xa hơn như Úc, Canada, New Zealand, Israel, Mexico, Hàn Quốc, Philippines, và tất nhiên, cả Ấn Độ.
Tuy nhiên, tôi vẫn chưa bao giờ thắc mắc rằng nó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi khi được thừa hưởng phương pháp giáo dục viết sáng tạo từ một nơi khác. Dần dần, tôi hiểu ra rằng nó có nghĩa là chúng tôi được thừa hưởng một loạt các phát minh về viết lách có xu hướng biến bất cứ thứ gì khác nằm ngoài phạm vi của nó thành cách viết “dở” hoặc (tệ hơn là) một thứ gì đó mang tính “thử nghiệm”.
Rốt cục, tôi cũng có thể lý giải tại sao tôi luôn cảm thấy việc dạy viết sáng tạo của mình như một hành vi thiên vị. Đó là vì những lúc ấy, lời nói đã bị gạt bỏ, hay đỡ nhất, nó đã bị phớt lờ. Vì tôi lớn lên trong cộng đồng Khasi chủ yếu giao tiếp bằng lời nói ở Meghalaya (cách biểu đạt sáng tạo của những người ở đây chủ yếu là âm nhạc và “iathoh khana” – kể chuyện) nên tôi cảm thấy khá bối rối khi những cuốn sách hướng dẫn viết sáng tạo mẫu mực nhất không hề đề cập hay thảo luận về sự ảnh hưởng của kể chuyện bằng lời nói đối với nghề viết lách.
Đây là lý do khi Morley nói về “chuỗi xoắn kép” của đọc và viết sách hư cấu, tôi đã tự hỏi, thế còn việc nghe thì sao? Tệ hơn nữa là tôi đang ở đây, giảng dạy về viết sáng tạo trong một lớp học là tiểu thuộc địa của Ấn Độ - một quốc gia vô cùng hưng thịnh với những truyền thống về kể chuyện bằng lời nói, sử thi, dân gian, truyện đời thường trong nhiều thế kỷ. Có phải chúng ta sẽ vứt bỏ tất cả những truyền thống ấy, một cách không chính thức, trên hành trình trở thành những nhà văn? Đối với tôi, điều đó thật ngớ ngẩn và là một sự phí phạm vô cùng đáng tiếc.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất khiến phương pháp dạy viết sáng tạo phát sinh nhiều vấn đề trong một thế giới hậu địa thuộc.
Trong “Viết lách trong đời thực: Nghĩ lại về việc viết và tổ chức các buổi hội thảo viết sách hư cấu”, Matthew Salesses đặt nghi vấn cho những quy ước viết lách trọng tâm trong các chương trình viết sáng tạo. Thách thức ở đây là kéo viết lách ra khỏi khoảng không “phổ quát”, tưởng tượng nào đó và đưa nó trở lại bối cảnh lịch sử và văn hóa của nó. Chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục… đều tác động đến cuộc sống của chúng ta và do đó, chắc hẳn cũng ảnh hưởng đến những câu chuyện giả tưởng của chúng ta.
“Bối cảnh cuộc sống thực tế, nhất là những gì chúng ta làm trong bối cảnh đó, là viết lách,” ông khẳng định. Nhờ điều này, tôi hiểu rằng các phương pháp giảng dạy viết lách hiện tại của chúng ta đang quay trở lại, ít nhất là năm 1936, và sự hình thành của Hội thảo của các nhà văn Iowa – chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật đầu tiên, đã nổi lên dưới thời của Paul Engle – một nhà thơ người Iowa da trắng, người đã được đầu tư vào “Iowa như ngôi nhà của những cá nhân tự do, của những nhà thơ yêu chuộng hòa bình theo chủ nghĩa tư bản dân chủ, của những tiểu thuyết gia tâm huyết với những dàn ý về nền tự do đương đại.”
Salesses cũng lưu ý: “Nói cách khác, Hội thảo sáng tác không bao giờ cho rằng viết lách mang tính trung lập.” Trên thực tế, nó thể hiện những giá trị xã hội và nghệ thuật nhất định mà có thể biến thành vũ khí chống lại mối đe dọa của Cộng sản – có lẽ bạn cũng đoán được. Tôi nhận thấy các quy ước viết lách không phải tự nhiên xuất hiện, không phải trong một khoảnh khắc tốt đẹp và thơ ngây nào đó mà Chúa ban tặng.
Trên thực tế, nếu chúng ta xem viết lách như những gì Salesses cho là không hơn không kém so với một tập hợp các kỳ vọng – thì chắc chắn những kỳ vọng này sẽ không bao giờ trung lập. Chúng đại diện cho các giá trị của nhóm người thống trị về văn hóa: Ở Mỹ, nhóm đó bao gồm những người đàn ông (da trắng) thuộc tầng lớp trung lưu, người không bị khuyết tật, người hợp giới, người dị tính. Ở Ấn Độ, danh sách trên cũng tương tự và còn có thêm những người thuộc “đẳng cấp cao”.
Theo Salesses, điều tệ nhất là dạy viết rập khuôn, trong tầm hiểu biết giới hạn về các nguyên tắc, cổ súy không chỉ những tư tưởng hạn hẹp về việc câu chuyện của ai mới quan trọng mà còn điều gì tạo nên một câu chuyện đẹp đẽ, cảm động hay hấp dẫn. “Chúng ta cần suy nghĩ lại về viết lách và việc giảng dạy nó nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nhà văn xuất thân từ những hoàn cảnh đa dạng, nghĩa là chúng ta cần đa dạng cách thức kể những câu chuyện.”
Điều này không chỉ đòi hỏi, như những gì tôi từng đọc trong các chỉ dẫn “cách để xóa bỏ những tàn tích thuộc địa trong khi viết sáng tạo”, sự đa dạng của các văn bản trong danh sách đọc – nghĩa là phải vượt ra khỏi điều đó, và phê bình cách giảng dạy viết sáng tạo. Hãy chất vấn “những quy tắc của một bài viết hay” và đặt ra các nghi vấn, trước hết là nơi chúng ra đời và chúng đem lại lợi ích cho ai.
Salesses giúp tôi hiểu rằng viết lách mang tính văn hóa. Và trong nhiều cuốn sách hướng dẫn, các buổi hội thảo, sự thống trị của một truyền thống viết lách, phục vụ một đối tượng cụ thể, về bản chất chính là chủ nghĩa đế quốc trong văn học. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung cách nó tạo ra một mối đe dọa đối với những tiếng nói của nhóm người thiểu số, người bị gạt ra bên lề xã hội. Thay vào đó, chúng ta cần thừa nhận sự tồn tại của nhiều quy tắc viết lách khác nhau – mà mỗi quy tắc đều có giá trị như nhau.
Từng chút một, tôi thu hết can đảm để đưa thêm các phần về “nghe” vào những khóa học viết sáng tạo của mình – giờ đây chúng tôi bắt đầu học kỳ với các sinh viên quây quần bên đống lửa ảo (trong giai đoạn dạy học trực tuyến), cùng kể chuyện cho nhau nghe. Chúng tôi thảo luận về sự im lặng, sự ngập ngừng, sự tuần hoàn, sự lặp lại và cả hơi thở.
Chúng tôi cùng nghe podcast, các sinh viên tự thu âm podcast của mình, và bài tập “lắng nghe” tích cực mà tôi nhận thấy này, tác động đến việc đọc và viết của họ trong suốt thời gian còn lại của học kỳ. Tôi nghĩ rằng sinh viên trở nên quen thuộc hơn với những khoảng dừng trong văn bản, với cách một nhân vật im lặng hay với cách một câu chuyện được kể theo nhiều kiểu. Trong quá trình sáng tác truyện giả tưởng, các em cũng được động viên áp dụng những cách thức kể chuyện truyền thống, truyền miệng hoặc các hình thức khác như dastangoi (hình thức nghệ thuật kể chuyện truyền miệng của người Urdu), kathputli (biểu diễn múa rối dây ở Ấn Độ), các bài hát của những Baul (một nhóm tôn giáo ở Ấn Độ, nổi tiếng với các bài hát ca ngợi vị thần ngự bên trong mình).
Các buổi hội thảo của chúng tôi giờ đây đã được “bật tiếng” – như Salesses nói, chỉ trong thế giới mà các giả định được người ta ngầm hiểu với nhau thì kiểu hội thảo mà người tham gia bị buộc phải im lặng trước đây mới tồn tại (trong hội thảo đó, đàn ông từng được lắng nghe bị bắt phải im lặng và nghe người khác nói). Thay vào đó, các nhà văn được mời tham gia vào cuộc thảo luận và động lực dẫn dắt buổi hội thảo là tinh thần tìm tòi học hỏi chứ không phải là các chỉ dẫn có sẵn.
Nhưng quan trọng nhất, không còn sự chấp nhận ngầm các quy tắc viết lách được truyền lại cho chúng ta - thay vào đó là một nhu cầu được biết chúng bắt nguồn từ đâu và chúng phục vụ lợi ích cho ai, có như vậy chúng ta mới hiểu nó là gì, tại sao lại như vậy và ý nghĩa của nó ra sao. Cuộc tranh luận về việc liệu rằng chúng ta có thể dạy viết lách hay không vẫn còn nổ ra, nhưng trong khi các khóa học này tồn tại, tôi hy vọng họ sẽ thảo luận về viết lách với tư duy phân tích và phê bình, với sự hiểu biết và sự nhạy cảm sâu sắc hơn về văn hóa. Bằng cách này, bản thân nó đã thể hiện sự phá vỡ và tháo bỏ một cách mãnh liệt nhất những cách thức kể chuyện và giảng dạy mang tính thuộc địa.
Bạn có thể đọc bài gốc tại đây.
Người dịch: Hà Thy
0 Comments