Thế giới kỳ ảo hay ‘đời thực’ trong truyện hư cấu dành cho trẻ em



Tranh minh họa “Quidditch” - Harry Potter and the Philosopher’s Stone. Ảnh: Sưu tầm.


Nhân dịp phát hành cuốn tiểu thuyết thứ 9 dành cho trẻ em – tiếp nối “Cuộc đua của những nhà vẽ bản đồ”, nhà văn Eirlys Hunter nói về thể loại mà cô thích viết và các quan điểm về yếu tố kỳ ảo và hiện thực trong sách thiếu nhi.

Tôi không nghĩ rằng bộ sách “Những nhà vẽ bản đồ” thuộc thể loại kỳ ảo theo định nghĩa truyền thống. Đúng là có một số công nghệ mới được phát minh ra nhưng không thứ nào thực sự tồn tại trong đời thực. Mọi thứ trong câu chuyện đều tuân theo toàn bộ các quy luật vật lý và tự nhiên; không có con rồng nào, cũng chẳng có phép thuật gì. Không ai có thể đóng băng thời gian hay biến rơm thành vàng. Chi tiết duy nhất có vẻ bất khả thi là một nhân vật có thể bay. Hay nói chính xác hơn là cô ấy có thể nâng cơ thể của mình lên khỏi mặt đất và ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao. Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể nhìn ngắm phong cảnh từ trên cao như vậy, nhưng chúng ta dùng Google Earth.

‘Thế giới thực’ là gì?

Từ điển Oxford Rút gọn định nghĩa kỳ ảo là một thể loại văn học, trong đó cốt truyện không diễn ra ở đời thực. Chúng ta hãy thử nghĩ về một vài cốt truyện trong sách thiếu nhi nhé. Cốt truyện nào không xảy ra ở đời thực? Chẳng hạn, một câu chuyện về bốn đứa trẻ 7, 8, 10, 12 tuổi trong một gia đình tràn ngập yêu thương, được bố mẹ cho phép đi cắm trại trên một hòn đảo nằm giữa một hồ nước sâu, tự nấu được thức ăn, chèo thuyền thám hiểm quanh đảo, không cần người lớn nào trông nom và không cần cả áo phao. Chưa kể đứa 7 tuổi còn không biết bơi. Nhưng không ai nghĩ rằng bố mẹ của tụi nhỏ thiếu trách nhiệm với con cái. Cũng không ai nhấc điện thoại lên để gọi Cơ quan Bảo vệ Trẻ em chi nhánh Windermere cả.

Một ví dụ khác, một tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Nga trước cách mạng, trong đó một đứa trẻ phải đưa những con sói đã trở nên quá to lớn và hung hãn đến mức khó mà làm vật nuôi thời thượng được nữa trở về tự nhiên, rồi thực hiện một nhiệm vụ cùng với bầy sói của mình, băng qua khu rừng mùa đông bị tuyết trắng phủ lấp, với những tên lính săn rượt đuổi theo đằng sau, để khởi động một cuộc cách mạng và giải thoát cho mẹ của mình khỏi chốn lao tù. Câu chuyện này là thực tế hay kỳ ảo?

Hay những cuốn tiểu thuyết với những bối cảnh xa lạ như nữ hoàng dạ tiệc, điểm trung bình, buổi hẹn hò, uống Dr Peppers và ăn bánh quy Graham thì sao?

Tất cả những cốt truyện đó đều xuất phát từ ‘đời thực’, dù rằng chúng không phải là thế giới thực mà hầu hết các độc giả trẻ ở Aotearoa có thể nhận ra. “Swallows và Amazons” được xuất bản vào năm 1930 và kỳ vọng của trẻ em cũng như ba mẹ thời đó cũng rất khác. Sách của Arthur Ransome thuộc về một thời đại khác. Chúng ta hãy gọi đó là Sự hư cấu của Thời gian.

“Đưa sói về rừng” của Katherine Rundell (2015) là một tiểu thuyết lịch sử độc đáo và đặc sắc, dù chẳng có một phù thủy hay con rồng nào xuất hiện nhưng cả câu chuyện đều là hư cấu. Nó không phải chuyện của thời nay, chưa kể thực tế là những người huấn luyện sói nhà thành sói hoang không tồn tại, nhưng tác giả là một người kể chuyện điêu luyện đến mức tôi tưởng như câu chuyện đang diễn ra ở đâu đó ngoài kia, vào thời xưa.

Và những tiểu thuyết khác của Mỹ vào những năm 1980 và 1990 (Paula Danziger, Judy Blume), theo lời của con gái lớn đã đọc cả chồng tiểu thuyết như vậy khi con bé mới 11 hay 12 tuổi gì đó, đều rất lạ lẫm - và khác xa hoàn toàn với những gì con bé trải nghiệm ở trường lớp, đến mức chúng diễn ra trong bối cảnh trường Hogwarts. Đây cũng chính là cảm giác của Margaret Mahy lúc nhỏ khi cô đọc những cuốn sách có bối cảnh một thế giới khác – thế giới của băng tuyết dịp Giáng sinh và những cánh rừng đầy sóc và cáo bay nhảy. Chúng ta hãy gọi đó là Sự hư cấu của Nơi chốn.

Yếu tố thần kỳ và chủ nghĩa hiện thực

Tôi cho rằng hầu hết các tiểu thuyết cho trẻ sắp thành niên đều hư cấu theo một kiểu nào đó, bởi vì thế giới và cuộc sống mà chúng mô tả ít có điểm chung với những trải nghiệm của trẻ em. Thực tế, một vài câu chuyện với các yếu tố thần kỳ còn đáng tin hơn những câu chuyện lấy bối cảnh ‘đời thực’. Chúng ta thử nhìn vào hai cuốn sách mà tôi từng thích khi còn bé nhé. Một là câu chuyện diễn ra ở nông trại của một gia đình trông giống các gia đình ngoài đời, cùng đàn vật nuôi biết trò chuyện với nhau và một con nhện biết dệt các chữ trên tấm mạng của nó. Cuốn còn lại nói về một tiểu thư giàu có trong một trường nội trú thời Victoria bị bắt phải hầu hạ không công sau khi cha cô qua đời, nhưng một ai đó trèo lên mái nhà và đưa thức ăn cùng các vật phẩm sang trọng từ giếng trời xuống gác mái nơi cô sống, cho đến khi cô có lại sự thịnh vượng và trở lại đúng vị thế xã hội của mình.

Theo định nghĩa của Từ điển Oxford Rút gọn, “Mạng nhện của Charlotte” là hư cấu còn “Công chúa nhỏ” thì không – mà nó chỉ là câu chuyện kiểu nàng Lọ Lem, nhưng câu chuyện từ giàu thành nghèo, nghèo thành giàu của Sara Crewe trong tiểu thuyết của Frances Hodgson Burnett dường như còn “ảo” hơn cả câu chuyện nhiều ý nghĩa về cô nhện giúp Wilbur trở thành con heo nổi tiếng trong tác phẩm của EB White. Với tôi khi ấy, cả hai câu chuyện đều thật như nhau. Tôi từng có quãng thời gian nghĩ mình là Sara Crewe và những biến đổi trên căn gác mái của cô ấy cũng chẳng thật hơn mấy so với khi tôi nghĩ mình là Lucy trong “Sư tử, phù thủy và tủ quần áo” của CS Lewis và trở thành một nữ hoàng. (Và như nhiều đứa trẻ mọt sách khác, tôi khó có thể lướt qua một cái tủ quần áo mà không ngó vào trong xem. Tất nhiên tôi biết rõ Narnia là hư cấu nhưng điều đó không khiến tôi ngừng hy vọng – khi tôi vén những chiếc quần áo cũ xì bị bỏ xó từ đời nào của mình, rằng lần này tôi sẽ thoát khỏi thực tại chán ngắt và bước vào Lantern Waste.)

Trẻ em không có sự phân định rạch ròi giữa hiện thực và hư cấu như người lớn, vì nhiều lý do. Trước hết, trẻ em vẫn đang trong quá trình khám phá những giới hạn của hiện thực. Một điều không thật hôm nay có thể có thật ngày mai (chẳng hạn như khủng long thực sự đã từng lang thang trên trái đất) hoặc có thật ở một nơi nào đó phía bên kia của hành tinh rộng lớn này.

Liệu rằng phép thuật có thật không? Katherine Paterson - Nhà văn người Mỹ chuyên viết cho thiếu nhi, nói rằng góc nhìn của trẻ em mới là cốt lõi trong bất kỳ câu chuyện hay nào dành cho thiếu nhi, và nhắc chúng ta nhớ rằng chính góc nhìn ấy mới liên tục khám phá ra những điều kỳ diệu của cuộc sống. Và những điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên – trong lần chạm mắt tinh khôi, rất gần – đến mức có lẽ còn khó mà phân biệt được, với những phép màu. Đối với một đứa trẻ thành thị lần đầu tận mắt nhìn thấy biển cả mênh mông, hoặc một ai đó nhận ra một con nhện bé tí có thể dệt được những chiếc mạng khổng lồ và phức tạp vắt ngang qua mặt hồ rộng lớn, hoặc ai đó chứng kiến một con sâu biến thành nhộng xanh vàng rồi nở ra thành một con bướm vua lộng lẫy – chẳng phải họ cũng đang nhìn ngắm một thứ phép thuật hay sao? Phép thuật ở khắp mọi nơi xung quanh trẻ em và sự khác biệt giữa những điều có thể và không thể xảy ra trong thế giới thực là một lằn ranh mỏng manh, chưa rõ rệt cho đến khi đứa trẻ bước vào tuổi thành niên.

Ranh giới giữa hiện thực và tưởng tượng

Nhưng lý do chính của việc trẻ con cảm thấy ranh giới giữa hiện thực và tưởng tượng mờ nhạt – hoặc có lẽ còn chẳng liên quan với nhau, là bởi những đứa trẻ trước tuổi thành niên thường dành nhiều thời gian trong đời để trở thành một ai đó, hoặc một cái gì đó, khác mình. Bất kể từ sách hay chương trình ti vi, những câu chuyện mà trẻ con khám phá đều chảy vào cuộc sống của trẻ và trở thành một phần trong trải nghiệm của trẻ.

Tôi đoán rằng một trong những lý do mà “Swallows và Amazons” vẫn được yêu thích qua 4 thế hệ là vì cuộc đời phiêu lưu kỳ ảo của nhân vật trẻ em của nhà văn Ransome là trọng tâm của những cuốn sách. Ở trang đầu tiên, cậu bé Roger đang chạy lên phía trên đồi để đến chỗ mẹ mình theo những bước nhảy zig zig dài, thấp. Không phải cậu bé đang cố gắng để đi chậm lại hết mức có thể, mà bởi cậu đang chống chọi với những cơn gió, vì lúc ấy cậu không phải là một chàng trai, cậu là Cutty Sark – một chiếc thuyền buồm. Những câu chuyện và bài thơ mà hai đứa trẻ Walker và Blackett biết đã hình thành nên cách chúng chơi đùa nhưng – khi chúng có những ngày chơi đùa mà không có người lớn giám sát, những câu chuyện đó – Robinson Crusoe, Đảo Giấu Vàng, trở thành một phần trong những thứ chúng làm. Trẻ em được phép sống theo câu chuyện mà chúng thích và tận hưởng cuộc đời mà chúng yêu. Hiện thực và kỳ ảo không thể tách rời.

Những cuốn sách mà tôi thích hồi nhỏ đều là những câu chuyện phiêu lưu thám hiểm, chẳng hạn như những đứa trẻ đi bộ xuyên qua châu Âu, lẩn trốn những nghị sĩ chống lại vua Charles I của Anh, cưỡi ngựa băng qua thảo nguyên trong đêm, đóng kịch, vạch trần tội ác và tẩu thoát khỏi những kẻ xấu. Các nhân vật trẻ em thường sống trong trường nội trú, nhưng kể cả khi chúng không ở đó, nhân vật bố mẹ cũng hiếm khi được mô tả. Cũng có chiếc tủ quần áo xuyên thấu, du hành thời gian hay Vị Tiên Cát trong những câu chuyện tôi đọc đi đọc lại ấy nhưng với tôi, yếu tố thần kỳ, ma thuật là thứ duy nhất quan trọng, bởi lẽ nó mang lại cho chúng ta cách để hành động. Và một điều quan trọng nữa là những hành động mà trẻ con làm này không có sự can thiệp hay kiểm soát của người lớn.

Kỳ ảo và quyền tự trị

Những cuốn sách diễn ra trong thế giới bình thường ngày nay phản ánh các quy tắc, luật lệ của thế giới quen thuộc này – trong đó hầu hết trẻ em đều ít có sự lựa chọn trong đời và không có quyền lực thực sự. Không có câu chuyện nào trong đời thực mà trẻ em được quyết định gì hơn ngoại trừ việc chọn “bơ vegemite hay bơ đậu phộng?” và không có trách nhiệm với chính bản thân chúng, chứ đừng nói đến ai khác. Hầu hết trẻ em mà tôi bắt gặp trong sách đều sống những cuộc đời được sắp đặt sẵn và bị giới hạn tự do khám phá và thử nghiệm chính mình. Trong đời thực, những bố mẹ cưng chiều con luôn muốn biết con họ đang ở đâu mọi lúc – chuyện này có nghĩa là trẻ em sẽ bị ‘giam’ trong nhà hoặc trong vườn nếu chúng không đến trường.

Nhưng trẻ em luôn thích đọc về những đứa trẻ đồng trang lứa với mình đang cố gắng giành lại quyền tự trị mà chúng vẫn chưa có được: được quyết định ăn gì và khi nào ăn, làm gì tiếp theo, thoát khỏi mớ rắc rối này như thế nào, đi hướng nào – một sự khẳng định rằng khi không có người lớn bên cạnh, chúng ta sẽ nhận ra mình có thể làm được nhiều thứ hơn mình nghĩ. Tất nhiên sẽ có những lúc phải vò đầu bức tóc nhưng chúng ta sẽ bảo vệ lẫn nhau và vượt qua mọi thứ một cách suôn sẻ.

Khi chúng ta phải trải qua một cuộc đời tẻ nhạt và có thể đoán trước mọi thứ thì những cuốn sách đích thị là một lối đi đến những chuyến phiêu lưu, đến niềm vui thích tột cùng, đến những giấc mơ, những thử nghiệm và những khả năng. Và với tư cách là một nhà văn, để cho các nhân vật của mình quyền tự trị mà họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có, tôi sẽ tạo ra một thế giới dành cho họ và đưa nó vào không gian kỳ ảo, hư cấu của trí tưởng tượng.

Người dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments