Photo: forget_me_not_originals |
Tại sao sách lại có hình dạng như vậy? Từ các bản thảo viết tay xa xưa đến máy đọc sách Kindle, tại sao hình chữ nhật này vẫn hấp dẫn đến vậy?
Bất kỳ ai đã từng loay hoay sắp xếp kệ sách của mình cũng có thể nói cho bạn biết rằng những cuốn sách chẳng theo một kích cỡ tiêu chuẩn nào cả. Trên thực tế, những cuốn sách dù thuộc cùng một loại (như sách bìa mềm đại trà, sách bìa mềm thương mại hay sách bìa cứng) cũng rất đa dạng kích cỡ. Điều này khiến cho việc sắp xếp một chiếc kệ sách đẹp mắt trở nên khó khăn hơn.
Dù rất khác biệt về kích cỡ nhưng hầu hết các cuốn sách đều theo một tỉ lệ nhất định. Từ những cuốn sách bạn có thể dùng làm móc treo chìa khóa đến những cuốn từ điển nặng trịch khó có thể nhấc lên nổi, chúng gần như luôn luôn là hình chữ nhật đứng với tỉ lệ giống nhau (tỉ lệ chiều rộng và chiều cao là 5:8). Đây không phải là một phát minh mới mẻ của công nghệ in ấn hàng loạt: Theo tác phẩm “Sách” của Keith Houston, những cuốn sách cũ xưa nhất trên thế giới cũng có cùng tỉ lệ này, dù chúng thường cao hơn những cuốn sách thời nay một chút.
Tại sao lại như vậy? Thôi thì sách hình tam giác có vẻ khá ngớ ngẩn, nhưng tại sao không cân nhắc những cuốn sách hình vuông? Hoặc sách hình chữ nhật ngang? Tại sao hình chữ nhật đặc trưng này lại trở thành chuẩn mực? Hóa ra có nhiều lực hội tụ để tạo thành hình dạng lý tưởng này, và để nhìn được bức tranh toàn cảnh, chúng ta phải nhìn nhận từ ba góc độ: Giải phẫu học của độc giả, Lịch sử của ngành xuất bản và - tạm rời khỏi thế giới của những cuốn sách để nhìn vào - Những con số thần kỳ đằng sau việc in ấn.
Photo: forget_me_not_originals
Giải phẫu học của độc giả
Yếu tố đầu tiên quyết định kích thước của cuốn sách là nhìn vào người sử dụng nó - tôi có thể khẳng định - 100% là con người. Chúng ta đọc bằng cách lướt mắt qua lại trên văn bản và mắt của chúng ta chỉ có thể xử lý một độ dài nhất định của dòng: nếu quá dài, chúng ta sẽ bị lạc khi quay trở lại dòng tiếp theo; còn nếu quá ngắn, chúng ta sẽ lãng phí nhiều thì giờ và khiến bản thân mất tập trung bằng cách lướt mắt qua các dòng quá nhanh. Trong cuốn sách “Các yếu tố của phong cách Typography” của Robert Bringhurst, ông đặt giới hạn này là 45–75 ký tự mỗi dòng, và 66 ký tự là lý tưởng. Đây cũng là lý do mà các ấn phẩm khổ rộng hơn, như báo và tạp chí, dàn văn bản thành các cột, mặc dù chúng đã có tiêu chuẩn riêng về một độ dài dòng hoàn hảo.
Một phần quan trọng khác của cấu trúc cơ thể con người tác động đến việc đọc sách là bàn tay của chúng ta. Tỷ lệ của một cuốn sách trông khá giống với tỷ lệ bàn tay của chúng ta, điều này rất hợp lý vì chúng phải vừa khít với nhau. Trong khi những cuốn sách đầu tiên được đóng gáy thường được đặt trên bệ cao để đọc thì những cuốn sách ngày nay được cầm đọc, có nghĩa là chúng phải được tối ưu hóa với hình dạng đó - điều này cũng lý giải cho việc những cuốn sách ngày nay đã được làm ngắn lại so với “tổ tiên” của chúng.
Photo: Screenshot |
Lịch sử của ngành xuất bản
Bàn về những cuốn sách thuở ban đầu, để thực sự hiểu quá trình sách biến thành hình dạng ngày nay, chúng ta phải đi sâu vào lịch sử xuất bản. Trước khi có sách, chúng ta có những cuộn giấy, và mặc dù nhiều cuộn trong số này được đọc từ trên xuống dưới liền mạch (hầu hết các cuộn giấy của Hy Lạp), vẫn có một số cuộn được đọc từ trái sang phải theo từng cột (hầu hết các cuộn giấy của Ai Cập). Bằng cách gấp giữa các cột này và ghép nối chúng lại với nhau ở một bên, những cuốn sách viết tay xa xưa đầu tiên đã được tạo ra. Đây là tiền thân của sách hiện đại.
Photo: correodelgolfo |
Những cuốn sách ban đầu này dĩ nhiên phải dựa trên các cuộn giấy để xác định kích thước. “Phân loại của sách sơ khai” của Eric Turner đã phân tích 892 cuốn sách được làm ra từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 và phát hiện ra rằng kích thước của chúng chủ yếu được quyết định bởi chiều cao của cuộn giấy gốc và “sự chán ghét các mối nối chồng chéo giữa các trang của cuộn giấy được dán lại với nhau” của người làm sách.
Những cuốn sách này bắt đầu trông giống những cuốn sách và chúng đã mang hình dạng gần đúng, nhưng chúng vẫn không như những gì chúng ta nghĩ về một cuốn sách thông thường. “Lịch sử của ngành minh họa sách” của David Bland chỉ ra rằng các bản thảo thế kỷ 1 được chia thành nhiều cột - thường là 4 cột - nhưng đến thế kỷ 4, mỗi trang chỉ có 2 cột và đôi khi chỉ là 1 cột.
Người ta đã có sự cân nhắc thực tế về kích thước của mỗi trang sách. Sách hiếm khi rộng hơn chiều cao, bởi vì như thế sẽ tạo ra quá nhiều áp lực lên gáy sách (Houston). Houston cũng đề cập đến một vấn đề nên được cân nhắc là kích thước của khuôn làm giấy, trước khi nó được gấp lại thành các trang, và không được vượt quá sải tay của người dùng khuôn làm giấy.
Photo: sfplbookarts |
Mặc dù tôi ủng hộ quan điểm sách được thiết kế dựa theo giải phẫu cơ thể con người, nhưng thực tế có một vài loài khác cũng tác động đến thiết kế cuốn sách. Trong quá trình chuyển từ giấy cói sang giấy da động vật, điều này có nghĩa là sách từng được làm từ da dê, da bò và da cừu – những loại da này – khi được cắt theo đường cong của chúng – sẽ có hình chữ nhật. Chúng cũng dễ gấp lại thành những xấp giấy 4 trang – được xếp gọn gàng với mặt thịt úp vào nhau và mặt lông cũng úp vào nhau. (Cảm ơn Houston vì mẩu thông tin khủng khiếp đó.) Kích cỡ của sách vào thời điểm này thường được tính bằng số lần gấp tờ giấy, mặc dù những tờ giấy đó rất đa dạng, nên điều này không cho chúng ta biết nhiều về kích thước thực tế của cuốn sách.
Hầu hết các cuốn sách được xuất bản trước năm 1500 đều có khổ sách “quartos” hoặc “folios”, nghĩa là chúng là những cuốn sách rất lớn. Chúng là một mặt hàng xa xỉ và không thể mang đi đâu khác được. Houston mô tả cách Manutius bắt đầu in “sổ tay” hay “sách cầm tay” vào năm 1501, tiên phong và phổ biến khổ sách “octavo” mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. (Ông ấy cũng cắt giảm lượng bình luận quá nhiều của nhà xuất bản và biên tập viên, và phát minh ra chữ in nghiêng!) Vào thời điểm đó, những cuốn sách trông khá giống với những gì chúng ta có bây giờ. Không chỉ tỷ lệ chung giống nhau mà còn cả kích thước cầm tay mà chúng ta mong đợi.
Tuy nhiên, giải phẫu và lịch sử không phải là tất cả. Còn một lớp học nữa chúng ta phải tham dự để hiểu hình chữ nhật "vàng" đó là sách: lớp toán.
Những con số thần kỳ của sách
Tôi có thể thoải mái thừa nhận rằng: Tôi không phải là một người đam mê các con số. Thực tế, khi nghiên cứu bài viết này, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra rằng có một đáp án toán học lý giải cho việc tại sao sách lại có hình dạng như vậy. Nếu bạn muốn tìm một bài giới thiệu sâu hơn về chủ đề này, mời bạn ghé trang “Quy tắc định hình trang” trên Wikipedia. (Đúng vậy, ngay cả trang Wikipedia cũng gợi ý cho tôi.)
Tuy nhiên, đây là câu trả lời ngắn gọn: Có một số tỷ lệ khiến trang giấy trở nên hoặc là thực tế về mặt toán học, hoặc là được xem như tỷ lệ hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Trong Divina Proporción Tipográfica (“Tỷ lệ thần thánh trong nghệ thuật in”), Raúl Rosarivo đã sử dụng một com-pa để đưa ra kết luận rằng các cuốn sách thời Phục Hưng tuân theo một “quy tắc vàng về cách xây dựng trang”. “Con số vàng” này, hay “con số bí mật”, là 2: 3. Việc này cũng được dùng để chia các trang thành 9 phần, giúp cho việc điều chỉnh các lề dễ dàng hơn — mặc dù lề ở dưới rộng hơn lề ở trên. Đây có thể được coi là một điểm cộng, bởi nó giúp người đọc cầm một cuốn sách từ phía dưới mà không che khuất văn bản (Paul Renner trong “Paul Renner: Nghệ thuật Typography” của Christopher Burke).
Tuy nhiên, đây không phải là phép toán “vàng” duy nhất xảy ra. Trong khi con số vàng của Rosarivo là 1,5, tỷ lệ vàng là khoảng 1,618 và nó cũng xuất hiện trong thiết kế sách, từ kinh thánh Gutenberg đến sách bìa mềm của British Penguin (Houston). Tuy nhiên, tỷ lệ vàng không chỉ được sử dụng trong cấu trúc sách: nó còn được tìm thấy trong tự nhiên và được sử dụng trong nghệ thuật, kiến trúc và thậm chí cả âm nhạc.
Photo: Crabit Kidbooks |
Cá nhân tôi không thích những tỷ lệ “vàng” này lắm, thay vào đó tôi yêu thích Hằng số Pitago. Nó là căn bậc hai của 2 và khi được sử dụng trong in ấn, nó có nghĩa là một trang có thể gấp lại thành một nửa vô số lần mà không làm mất tỷ lệ của nó (Institut d’Histoire du Livre). Đối với tôi, việc những cuốn sách được tạo ra bằng cách gấp một mảnh giấy lớn và sau đó buộc các mép lại với nhau nghe có vẻ hợp lý hơn. Đây là tỷ lệ tính theo khổ giấy A, là kích thước tiêu chuẩn cho giấy của các máy in ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, không chỉ Hoa Kỳ và Canada (Houston). Bây giờ tôi có thể nói với bạn là tôi nghĩ rằng kích thước tiêu chuẩn của giấy máy in ở Canada là một bước phát triển mới.
Và đó là toàn bộ những gì tạo ra những cuốn sách có kích cỡ như ngày nay! Đối với Kindles, tỷ lệ của chúng thay đổi tùy thuộc vào kiểu máy, nhưng Kindle 2 gần như chính là “con số vàng” của Rosarivo, và Kindle Paperwhite hiện tại chỉ nhỉnh hơn Hằng số Pitago một chút. Sách (và máy đọc sách) vẫn tiếp tục thay đổi nhẹ về kích thước, nhưng giữa cấu trúc giải phẫu của người đọc, thực tế của việc in ấn, và sự cân nhắc giữa tính thẩm mỹ và tính thực tế của toán học, những hình chữ nhật này vẫn tồn tại mãi mãi.
Dịch từ bài viết: https://bookriot.com/why-are-books-rectangle/
Người dịch: Hà Thy
0 Comments